Người tôi tớ khổ đau là Con Thiên Chúa trong giáo huấn của Thánh Kinh Tân Ước
Giáo huấn của Thánh Kinh Tân Ước vén mở cho chúng ta thấy Người tôi tớ khổ đau của Giavê Thiên Chúa, mà ngôn sứ Isaia miêu tả trong Thánh Kinh Cựu Ước, là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể làm người.
Khi đọc các Phúc Âm, chúng ta nhận ra ngay một nét đặc thù rất đẹp trong cuộc sống và cung cách hành xử của Đức Giêsu: đó là Người rất thương xót các kẻ tội lỗi. Chính vì thế Chúa Giêsu tiếp xúc với họ, đến gần họ, tìm gặp họ, đi theo họ. Đó là điều không có rabbi do thái nào đã làm. Trái lại các rabbi do thái khinh rẻ, kinh tởm, xa lánh và kết án những người tội lỗi. Kể lại biến cố Chúa Giêsu kêu gọi ông Lêvi người thu thuế tại Capharnaum, tức là thánh sử Mátthêu sau này, thánh sử Marcô viết trong chương 2: ”Đức Giêsu lại đi ra bờ biển hồ. Toàn thể dân chúng đến với Người và Người dạy dỗ họ. Đi ngang qua trạm thu thuế Người thấy ông Lêvi là con ông Alphê đang ngồi ở đó. Người bảo ông: ”Hãy theo Ta.” Ông đứng dậy đi theo Người. Người đến dùng bữa tại nhà ông. Nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Đức Giêsu và các môn đệ: con số họ đông và họ đi theo Người. Những kinh sư thuộc nhóm Pharisêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: ”Sao Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!”. Nghe thấy thế, Đức Giêsu nói với họ: ”Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,13-17).
Chính vì đến để cứu vớt người tội lỗi nên Tin Mừng Chúa Giêsu rao giảng là tin mừng kêu mời sám hối và tha tội. Thánh sử Marcô kể lại rằng: ”Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilea rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: ”Thời kỳ đã mãn, và Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,14-15).
Lời loan báo này nằm trong cùng chiều hướng các giáo huấn và lời rao giảng của các ngôn sứ thời cựu ưởc, vì nó luôn luôn đi kèm lời mời gọi kẻ tội lỗi hoán cải, đổi đời, bỏ đàng tội lỗi và trở về với Thiên Chúa. Nó chuẩn bị cho tâm hồn con người tiếp nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa, để cho Người hành động và tiếp nhận Nước Người (Mc 1,15). Tuy quyền năng nhưng Chúa Giêsu luôn luôn tôn trọng sự tự do của con người. Người đề nghị và mời gọi chứ không bao giờ bắt buộc con người chấp nhận ơn cứu rỗi. Vì thế khi con người cố ý khước từ ánh sáng cứu độ, hay tưởng mình không cần được tha thứ, Chúa Giêsu cũng phải buồn lòng thua chịu. Mọi tội lỗi của loài người đều được tha, nhưng tội nói pham đến Thánh Thần tức khước từ sự thật, sẽ không được tha: ”Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời”. Đó là vì họ đã nói ”Ông ấy bị thần ô uế ám” (Mc 3,28-30).
Dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế cùng vào cầu nguyện trong Đền Thờ cho thấy điều đó. Ông Pharisêu cầu nguyện bằng cách khoe khoang cách sống của mình là không tham lam, bất chính, ngoại tình, hay như tên thu thuế kia. Ông ăn chay tuần hai lần, dâng cho Chúa một phần mười thu nhập. Trong khi người thu thuế đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, mà chỉ đấm ngực thưa rằng: ”Lậy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” Ông ra về và được trở nên công chính, còn người Pharisêu thì không (Lc 18,9-14).
Chúa Giêsu rất thương xót các tội nhân, nhưng Người mạnh mẽ tố cáo thái độ sống giả hình của các kinh sư và các Pharisêu. Họ là những người giảng dạy nhưng không thực thi những điều giảng dạy, thích được trọng vọng, tâng bốc, bái chào, ăn trên ngồi trốc. Họ không muốn vào Nước Trời, nhưng cũng ngăn cản không để cho ai vào. Họ nuốt hết tài sản của các bà góa, nhưng làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Họ rảo khắp mặt đất để rủ một người theo đạo, nhưng lại làm cho họ đáng xuống hỏa ngục gấp đôi. Họ nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, nhưng lại bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín. Họ rửa sạch chén đĩa bên ngoài, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ. Họ giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết hôi thối và đủ mọi thứ ô uế. Họ xây mồ mả cho các ngôn sứ mà cha ông ông họ đã sát hại. Và Chúa Giêsu gọi họ là ”đồ mãng xà, loài rắn độc” (Mt 23,8-33). Người môn đệ Chúa Giêsu thì phải ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu thì mới được vào Nước Trời (Mt 5,20). Nhưng nhất là phải biết suy tư và hành xử theo gương sống của chính Chúa Giêsu, để hiểu yêu thương có nghĩa là gì, và tội lỗi là gì khi nó là sự khước từ tình yêu thương.
Tuy nhiên, mạc khải gây ngạc nhiên nhất là lòng thương xót của Thiên Chúa đối với những người tội lỗi, mà chính Chúa Giêsu đã diễn tả qua các tâm tình, các lời giảng dậy và hành động của Người. Điển hình như biến cố một phụ nữ tội lỗi trong thành khi nghe biết Chúa Giêsu đến dùng bữa ở nhà ông Simon người Pharisêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm, khóc trên chân Người, rồi lấy tóc mà lau và xức dầu thơm trên chân Chúa. Biết ông khó chịu vì cảnh chướng tai gai mắt này, Chúa Giêsu nói với ông: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã ông cũng không đổ lên chân Tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân Tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn Tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân Tôi. Dầu ô liu ông cũng không đổ trên đầu Tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân Tôi. Vì thế Tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cứ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít, thì yêu mến ít”. Rồi Đức Giêsu nói với người phụ nữ: ”Tội của chị đã được tha rồi. Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an” (Lc 7, 36-50).
Chúa Giêsu không bỏ lỡ dịp nào mà không cống hiến cho người tội lỗi cơ may gặp Người và đón tiếp Người để được ơn cứu rỗi. Đó đã là điều xảy ra
với ông Dakêu, quan thuế vụ thành Giêricô. Ông rất muốn trông thấy Chúa Giêsu, nhưng đám đông theo Người vòng trong vòng ngoài, mà ông lại là người thấp bé. Vì thế ông nghĩ ra một cách tuyệt vời là chạy đi trước, trèo lên cây sung để có thể nhìn thấy Người. Khi đi ngang qua đấy, Chúa Giêsu mhìn lên và nói với ông: ”Này ông Dakêu xuống mau đi, vì hôm nay Tôi phải ở lại nhà ông.” Ông vội vàng tụt xuống và mừng rỡ đón tiếp Người. Thấy vậy mọi người xầm xì với nhau: ”Nhà người tội lỗi mà Ông Ấy cũng vào trọ!” Ông Dakêu đứng đó thưa với Chúa rằng: ”Thưa Ngài, đây phân nửa gia tài của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tội đã chiếm đoạt của ai cài gì, tội xin đền gấp bốn.” Đức Giêsu nói với ông rằng: ”Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,1-10).
Để minh giải lòng xót thương của Thiên Chúa đối với những người tội lỗi, đối với những gì đã lạc mất, chương 15 Phúc Âm thánh Luca kể lại ba dụ ngôn: con chiên lạc, đồng bạc bị mất và nhất là dụ ngôn người con hoang đàng. Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành bỏ 99 con chiên để lặn lội đi tìm con chiên lạc. Người giống như người đàn bà đánh mất một đồng bạc, đốt đèn quét dọn nhà cửa và mọi ngõ ngách cho tới khi tìm thấy đồng bạc, rồi gọi hàng xóm tới chung vui. Ngài như người cha già yêu thương, tôn trọng cả hai đứa con, dù thấy không đứa nào có được các suy tư, tâm tình và con tim yêu thương của mình. Khi thấy đứa con thứ đi hoang trở về, ông chạy ra đón con, ngã vào lòng nó, ôm lấy cổ con mà hôn lấy hôn để, rồi vui mừng sai gia nhân lấy giầy mới ra xỏ cho cậu, lấy áo đẹp ra mặc cho cậu và đeo nhẫn vào tay cho cậu. Không một lời than trách, mắng chửi, đã thế ông lại còn sai đầy tớ bắt bê béo mở tiệc ăn mừng nữa, vì con ông đã mất nay lại tìm thấy, đã chết nay đã sống lại. Khi biết chuyện, người anh cả ghen tức với em, giận hờn kể công, trách móc cha già và không muốn vào nhà dự tiệc vui mừng em trở về. Người cha già chạy ra năn nỉ anh vào chung vui với gia đình, vì người em đã trở về bằng an. Và không ai biết câu chuyện đã kết thúc ra sao. Thiên Chúa cũng là người cha phung phí tình yêu đối với loài người tội lỗi bất toàn như vậy.
Chính vì thế Chúa Giêsu đã tóm tắt tất cả Lề Luật và giáo huấn của các ngôn sứ thời cựu ước vào một giới răn duy nhất là ”Mến Chúa yêu người”. Và Người dậy các môn đệ: ”Vậy tất cả những gì các con muốn người ta làm cho mình, thì chính các con hãy làm cho người ta, vì Luật Môshê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12). Trong Bữa Tiệc Ly Chúa Giêsu còn căn dặn các môn đệ ở lại trong tình thương của Người và giữ các điều răn của Người, và nói: ”Đây là điều răn của Thầy: các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15,12).
Chính tình yêu thương đó khiến cho con tim Chúa Giêsu phải quặn thắt, khi trông thấy những người ốm yếu tật nguyền già cả, khi chứng kiến cảnh dân chúng đói phần xác và đói phần hồn lang thang theo Người để nghe Người giảng dậy. Và Chúa Giêsu đã rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho họ, làm phép lạ chữa lành tật bệnh trên thân xác cũng như trong tâm hồn và hóa bánh ra nhiều để nuôi họ.
Nhưng cũng chính tình yêu và lòng thương xót đó của Chúa Giêsu đối với những người bệnh tật và những kẻ tội lỗi sẽ trở thành cớ cho những kẻ chống đối Người, cho các thượng tế, ký lục và người Pharisêu ghen ghét bắt bẻ, lên án và tìm cách giết Người.
(Thần Học Kinh Thánh bài số 1152)
Linh Tiến Khải
R.Vatican