Bỏ lại trong nhà thờ hai chữ “bình an”
BỎ LẠI TRONG NHÀ THỜ HAI CHỨ “BÌNH AN”
CHÚA NHẬT XIV TN (2013)
Giuse Trương Đình Hiền
Đất nước chúng ta hay trên thế giới ngày nào cũng đầy dẫy những tin buồn. Nhưng có lẽ trong tháng nầy, có 2 tin buồn đã làm choáng váng, ngỡ ngàng cho nhiều người đó là hai vụ tự tử : Một vụ từ phía Bắc (xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội), một nữ sinh vừa học xong lớp 12 PTTH, chỉ vì bị bạn học cùng lớp ghép ảnh chân dung với hình cô gái khác trên một tờ quảng cáo, đã uống thuốc rầy tự tử, chết ngày 1/7/2013
Một vụ khác, gần đây, hai vợ chồng giáo dân thuộc giáo xứ Vĩnh Trung, gp Ban Mê Thuột (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắc Lắc), lấy nhau chưa được 2 tháng, từ một vụ cãi vã, bị chồng nhiếc mắng, đánh đập và thách đố ly dị, người vợ là một giáo viên, cô Maria Hà thị Thu, đã uống nước rửa chén quyên sinh, từ giã cuộc đời khi mới 23 tuổi vào ngày 27/6/2013 tại Tân Uyên Bình Dương.
Tại sao tôi lại nhắc đến hai sự kiện đau lòng nầy ở đây, khi Lời Chúa hôm nay lại nói với chúng ta về sự bình an, về lời chúc bình an mà các đồ đệ Chúa Giêsu phải thực hiện đối với mọi người. ?
Thưa ông bà anh chị em,
Nếu cô nữ sinh ngoài Hà Nội kia, thay vì nhận được cái tin “hình của mình bì ghép vào ảnh xấu” là một tin vui : đã đổ đại học, đã được một chàng trai nào đó yêu thương, hoặc đã thành công trong một công việc nào đó…thì làm gì cô phải uống thuốc độc để quyên sinh ?
Cũng vậy, nếu cô giáo Maria Hà thị Thu, khi đi dạy về, thay vì những cú đá, cái đạp và những lời tục tằn thô lỗ của chồng, lại nhận được những lời nói xin lỗi dịu dàng, và ánh mắt yêu thương trân trọng của anh …, thì làm sao khiến cô bức xúc đến độ quyên sinh ?
Vâng, sứ điệp Lời Chúa hôm nay muốn thế giới nầy, muốn chúng ta đây, thay vì làm ra, tung lên những tin buồn, những tin xấu, những tin hắc ám tối tăm, những tin hận thù ghen ghét, những tin thất vọng khổ sầu…thì hãy mang đến Tin Mừng, Tin Vui, Tin Bình An.
Và đó là chủ đích của mầu nhiệm Chúa đến với loài người, mầu nhiệm Chúa Cứu Chuộc con người. Ngay từ thuở mới giáng sinh ở Bê Lem, các thiên sứ đã reo vang Tin Mừng vĩ đại đó : Nầy ta báo cho anh Tin Vui trọng đại ; Con Chúa đã giáng sinh….Vinh Danh Thiên Chúa trên trời, bình an đưới thế cho loài người Chúa thương…
Và rồi 30 năm sau đó, trong bối cảnh của một xứ Palestine khô cằn sỏi đá, cuộc sống của người dân thì cơ cực lầm than dưới ách thống trị của đế quốc Rôma, cũng đã vang lên một Tin Mừng làm choáng ngợp bao người : vị ngôn sứ đến từ Na-da-rét, người thợ mộc mang tên Giêsu, đã dạy một giáo lý mới đầy quyền năng và đã đem lại niềm tin yêu, hy vọng và bình an cho nhiều người…
Đứng trước tin vui trọng đại nầy, biết bao người đã đến, đã gặp gỡ và đã được Ngài hoàn sinh, đổi đời : Thay vì đau buồn thất vọng với bệnh phong cùi bì ném ngoài hoang mạc, họ đã ngẫng đầu làm lại cuộc sống mới ; thay vì cúi gầm mặt xuống với những đồng tiền bất chính do hối lộ, tham lam, ăn bẩn, Gia-kê, Matthêu đã đứng lên làm một con người biết sẻ chia và nghèo khó, sẵn sàng từ bỏ mọi sự để dấn thân cho lý tưởng Tông Đồ ; thay vì mãi mãi giam mình trong cuộc sống trụy lạc, nhầy nhụa của xác thịt, dục vọng và đam mê, Mai Đệ liên đã có những giọt ước mắt nóng hổi rửa sạch tội đời để mặc chiếc áo mới trinh nguyên của một một chứng nhân Tin mừng Phục Sinh ; thay vì lê lết ăn xin và sống vô vọng trong cuộc đời tối tăm mù mịt không có tương lai, anh chàng mù Giêricô đã nhảy lên vui mừng và hăng say xây cuộc sống mới trong tin yêu hy vọng…
Vào những ngày đó, hầu hết những ai, nhất là những người nghèo nàn, thấp cổ bé miệng, những hạng cùng đinh bị khinh chê loại trừ…khi đến tập trung ở bênh cạnh thầy Giêsu, người ta đã cảm nhận được một bầu khí của hòa bình, yêu thương phát ra từ Lời quyền năng của Ngài, từ lối sống và từ cõi lòng rộng mở bao dung yêu thương phục vụ của Ngài và của các môn sinh do Ngài huấn luyện. Thì ra, sứ ngôn Isaia đã tiên báo viễn cảnh nầy từ mấy trăm năm trước mà một trích đoạn được trích đọc hôm nay nơi Bài Đọc 1 :
“Này Ta tuôn đổ xuống Thành Đô ơn thái bình tựa dòng sông cả, và Ta đã khiến của cải chư dân chảy về tràn lan như thác vỡ bờ. Các ngươi sẽ được nuôi bằng sửa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối. Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy…”
Thế nhưng cũng có không ít những người Do Thái thuở ấy : đón nhận Tin Mừng của Chúa Giêsu theo một chiều hướng hoàn toàn trần tục vật chất : Hy vọng chính Ngài sẽ đem lại no cơm ấm áo, của cải đầy dư, tật bệnh không còn, và đế quốc Rôma sẽ cao bay xa chạy…
Những người mang ước vọng nhuốm đầy trần tục nầy đã thất vọng não nề, khi nghe tin Chúa bị bắt, bị làm nhục, bị kết án và chết thảm trên thập giá ; trong đó có cả các môn sinh thân tín của Ngài.
Không ! Tin Mừng của Chúa không dừng lại, đặt cơ sở trên những yếu tố vật chất mà hướng tới tiêu đích là cuộc giải thoát đích thực, là hạnh phúc vĩnh hằng, là bình an vĩnh cửu.
Điều đó đã được ấn chứng vào chính ngày Ngài sống lại khi hiện ra với các môn sinh đang còn sợ hải đóng kín cửa vì sợ người Do Thái. Chính Ngài đã thổi hơi sự sống Thần Linh trên các môn sinh và chúc : “Bình an cho anh em – Anh em hãy lãnh nhận Thánh Thần”. Chính sức mạnh của Thần Khí được trao ban cùng với sự bình an của Đấng sống lại từ cõi chết, các môn sinh của Chúa ra đi khắp bốn phương trời để công bố “Tin vui trọng đại nầy” : “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Người Con Một ; để ai tin vào Người Con đó thì không phải chết nhưng được sống muôn đời”.
Đó mới là một Tin Mừng đích thực, một Tin Vui vượt trên mọi tin vui mang dáng đứng trần tục mà các nhà chính trị, các bậc quân vương thường dùng để mị dân và quảng cáo. Đó là một sự bình an vĩnh hằng, siêu thoát mà nếu ai đón nhận với niềm tin, sẽ có một cuộc đời mới toanh trong ân sủng, một trái tim mới với đầy tràn tình yêu, để từ đó, họ hiên ngang mĩm cười bước đi trên lộ trình mới của cuộc sống, cho dù phải đối diện với muôn ngàn khổ đau hay thử thách, chết chóc hay ngục tù, như trải nghiệm của một Thánh Phaolô sau ngày trở lại :
“Tôi tin chắc rằng : cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hặc bất cứ một sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ loài thụ tạ nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm8,38-39).
Trên cánh đồng thế giới hôm nay, một thế giới đầy lo âu và thất vọng, lầm lạc và sợ hải, xô bồ và cuồng loạn…đang cần biết bao nhiêu “thợ gặt” của Chúa Giêsu để mang đến cho thế giới tin mừng bình an như thế :
Biết bao nhiêu người bạn trẻ như cô nữ sinh bạc phước ở Hà Nội kia, nếu đã nhận được một tin bình an, một tin tốt lành thánh thiện, một tin trong sáng yên vui… từ bạn bè, từ người thân, từ môi trường giáo dục thì họ đâu đã dại dột, vô tâm hủy hoại cuộc đời trong thất vọng ?
Biết bao người vợ trẻ như cô giáo Maria Hà thị Thu, nếu nhận được từ người chồng sự chung thủy sắt son, tình thương yêu đỡ nâng phục vụ, sự cảm thông sẻ chia và trân trọng tôn kính thì làm sao họ đang tâm uống thuộc độc tự tử ?
Biết bao nhiêu gia đình thay vì tổ ấm đã trở thành địa ngục, biết bao nhiêu trường học thay vì nơi đào tạo nhân bản, yêu thương lại trở thành địa chỉ của nhớp nhơ bạo lực, biết bao nhiêu cộng đoàn xã hội thay vì nơi quy tụ để thăng tiến và mưu cầu hạnh phúc…lại trở nên đấu trường của thủ đoạn gian manh và loại trừ khủng bố….cũng chỉ vì một lý do duy nhất : đang thiếu vắng trầm trọng Tin Mừng Bình An, đang vắng bóng sự hiện diện của “Hoàng Tử Bình An” và những giá trị do Ngài mang đến là yêu thương phục vụ, là khó nghèo trong sáng, là hiền lành và xây dựng hòa bình…
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy sai chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi. Nầy Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép…Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào trước tiên hãy nói : “Bình an cho nhà nầy”…”
Như thế, lời nhắn gởi của sứ điệp Phụng vụ hôm nay dành cho mỗi người chúng ta – các Ki-tô hữu, đó chính là : hãy tiếp tục là những sứ giả của hòa bình, là những môn sinh của Đức Kitô ra đi công bố tin mừng bình an và sự giải thoát … mà thánh Phanxicô khó khăn đã nhắc lại trong lời Kinh Hòa Bình của Ngài :
– Đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.
– Đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng. Dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu…
Và để trở nên tồng đồ của Bình An, những sứ giả mang Tin Vui cho mọi người, thì trước hết chính chúng ta phải là những người đã thực sự đang mang bình an, đang có đầy niềm vui an bình của chính Đức Ki-tô, sự bình an do Thần Khí tác tạo, do cuộc gặp gỡ thân mật với chính “Hoàng Tử Bình An” và liên kết mật thiết với Ngài như Thánh Tông Đồ Phaolô đã làm chứng nơi Bài đọc 2 hôm nay :
“Tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu-Kitô, Chúa chúng ta ! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian…Từ nay, xin đừng ai gây phiền tóa cho tôi nữa, vì tôi mang trên mình tôi những dấu tích của Đức Giêsu…”
Nếu trong Thánh Lễ nầy, chúng ta được mời gọi “hãy chúc bình an cho nhau”, và khi kết lễ, chúng ta lại nhận được lời chúc : “Chúc anh em ra đi bình an”, thì có lẻ hơn ai hết, những người Ki-tô hữu chúng ta, nhận được nhiều nhất bình an của Thiên Chúa và cũng có trách nhiệm hơn ai hết mang bình an đến cho muôn người, cho thế giới.
Cho nên, thế giới nầy, xã hội nầy, cộng đoàn nầy, gia đình nầy, và những người anh em chúng ta đây nếu chưa nhận được “tin vui bình an”, chưa tìm được tín hiệu của niềm vui và hy vọng, chưa gặp được một Đấng là Hoàng Tử Bình An, là Đường, Sự Thật và Sự Sống…thì đó là do chúng ta đã bỏ lại trong nhà thờ hai chữ “bình an” để ra đi với con tim rỗng và bàn tay trắng.