Chia sẻ Lời Chúa phong phú hơn (phần I)
TRẦN THUẬT KINH THÁNH
TRONG THÁNH LỄ
GIỚI THIỆU
Trong một cuộc họp mặt đông hằng trăm tín hữu Công Giáo ở Milwaukee, nước Mỹ, diễn giả kể chuyện tếu như sau:
Vào buổi bình minh nọ, một anh chàng khổng lồ đi rảo qua một khu rừng. Nhìn thấy một cô gái đẹp, anh chàng nắm chặt lấy cô ta đưa lên mà nói, “Em đẹp quá, anh yêu em. Anh muốn cưới em.”
Người ta chỉ nghe tiếng cười rộ lên từ nhóm người ngồi gần sân khấu: đó là cộng đoàn người điếc. Theo Ngôn Ngữ Bằng Tay của người Mỹ, “cưới” được biểu thị bằng hai bàn tay phải và trái nắm nhau. Để diễn đạt nguyện vọng “cưới” cô nàng, chàng khổng lồ không cố ý bóp choẹt đối tượng lòng nhưng kết cục thì thảm hại. Mặc dù ai trong hội trường cũng nghe những từ ngữ được dùng, nhưng chỉ những ai hiểu ngôn ngữ đó mới có thể nắm bắt được ý nghĩa.
Hiểu một ngôn ngữ không chỉ hiểu các từ được dùng, mà còn phải hiểu văn hóa phát sinh ra ngôn ngữ đó nữa.
Một câu chuyện khác kể cha sở mới nhận xứ nọ dự tính sẽ đi thăm hết mọi con chiên trong giáo xứ. Khi gõ cửa một nhà kia thì thấy có tiếng động bên trong, ngài biết ngay có người ở nhà. Tuy nhiên, không ai trả lời. Ngài gõ lại, và lại vẫn có tiếng ồn, nhưng vẫn không có tiếng trả lời. Cuối cùng, ngài quyết định để lại tấm danh thiếp, viết ngắn gọn: Rev. 3:20. Chúa Nhật tới, ngài khám phá thấy tấm danh thiếp được trả lại trong chiếc rổ quyên tiền. Những chữ ghi ở mặt sau tấm danh thiếp đó khiến ngài tủm tỉm: Gn 3:10.[1]
Nếu không hiểu gì về Kinh Thánh thì ta cho cái cười của ông cha sở nọ là ngô nghê. Tuy nhiên, ngài nghĩ ngay đến câu: “Này đây ta đứng ngoài cửa và gõ” của sách Khải Huyền 3, 12, còn ở mặt kia mà người nhà nọ trả lại là từ sách Sáng Thế: “Tôi nghe tiếng Ngài trong vườn, nhưng tôi trần truồng; và vì thế tôi đã ẩn mình đi.”
Nếu không hiểu được văn hóa làm nên ngôn ngữ mà chúng ta cử hành phụng tự, chúng ta sẽ không thể hiểu đầy đủ ý nghĩa được diễn tả qua ngôn ngữ đó.
Việc “làm giàu hơn” văn chương Kinh Thánh trong những năm sau Công Đồng Vatican II được coi là một thành tựu quan trọng. Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh nói rõ:
Ðể bàn tiệc lời Chúa được bày dọn phong phú hơn cho các tín hữu, phải mở rộng kho tàng Thánh Kinh hơn nữa; muốn thế, trong khoảng một số năm ấn định, phải đọc cho dân chúng phần Thánh Kinh quan trọng hơn.[2]
Nhiều người có lẽ đã đọc loáng thoáng trong đó đoạn mở đầu nói về Kinh Thánh được trình bày: Chu kỳ ba năm các bài đọc cho các Chúa Nhật, chu hai năm cho các bài đọc các ngày trong tuần. Quá quen đến đến nỗi người ta chỉ tập trung chú ý đến các bài đọc trong Thánh Lễ. Trong khi đó, nếu việc canh tân phụng vụ mang lại sự thay đổi đáng kể nêu trên, ta không thể quên kho tàng Kinh Thánh còn được thấy trong Phụng Vụ Các Giờ Kinh và các việc sùng kính tư. Ví dụ, kinh Mân Côi không đơn giản chỉ là việc đọc đi đọc lại 150 kinh Kính Mừng; nó chính xác còn là một việc suy niệm các mầu nhiệm được ghi lại trong Sách Thánh. Điều tôi muốn đề nghị ở đây là đã đến lúc chúng ta phải ra khỏi giới hạn các bài đọc để thấy các văn bản thánh đan quyện vào nhau như thế nào trong mọi lời nguyện phụng vụ của chúng ta. Có cả một trời Kinh Thánh bao la vượt ra khỏi các bài đọc trong Thánh Lễ.
Khi áp dụng các điều nói trên, ta cần nhớ rằng phụng vụ Tây Phương được sắp xếp cho những ai cầu nguyện hằng ngày. Nó không phải là nghi thức viết ra để cử hành cách cuồng nhiệt như kiểu chớp lòe tích tắc nơi nòng súng, lào xào một chút rồi tắt ngấm. Dụ ngôn người gieo và hạt giống có ý nghĩa giáo dục liên quan đến vấn đề này. Phụng vụ Công Giáo chủ ý cử hành bằng biểu cảm nghiêm trang, kiên định, chắc chắn và tiết tấu. Nó thích hợp cho những ai muốn đi theo con đường trường Kitô Giáo.
Tình cảm này được diễn đạt trong một bài thánh thi ngày lễ chung về các thánh: “Vinh phúc giờ đây thật rỡ ràng, / Dám xin nhìn xuống cõi trần gian, / Giúp người khao khát gương thánh thiện / Trên nẻo đường xa bước vững vàng.” Sự trung thành không ngừng vốn giúp cho đường đi nhẵn hơn để các thế hệ sau dễ đi hơn là kiểu mẫu để chúng ta noi lối.
Tôi muốn trình bày sự phong phú Kinh Thánh đã tác động đến phụng vụ, bằng cách đưa ra các ví dụ về các khoẳnh khắc thường bị lướt qua trong Thánh Lễ và trong Phụng Vụ Các Giờ Kinh, sau đó xét đến trần thuật Kinh Thánh nhấn mạnh đến các biểu cảm phụng vụ của Giáo Hội.
PHỤNG VỤ THÁNH THỂ
Trước hết, chúng ta chú ý đến một điển hình trong chính Thánh Lễ. Phi lý lạ lùng, người ta thấy yêu cầu của Cộng Đồng muốn phần nhập lễ bằng Kinh Thánh với các điệp xướng Kinh Thánh phải độc chiếm trong Thánh Lễ, nhưng có lẽ vô tình, bị dẹp đi gần như hoàn toàn. Vì đây không phải là chỗ để tìm hiểu lý do tại sao lại như thế, thì bằng cách lắt léo thô thiển, người ta thay Lời Chúa bằng những lời của người khác trong một bùng phát ồ ạt xuất hiện các bài ca phụng vụ.
Chúng ta hãy nhìn vào ba ví dụ sau đây để hình dung ra những gì bị mất đi khi các biểu tượng Kinh Thánh bị gạt qua một bên hoặc bị bỏ quên.
Một năm nọ lễ Suy Tôn Thánh Giá (14 tháng Chín) trùng vào Chúa Nhật; tôi đến cử hành Thánh Lễ và được đáp lễ bằng một cơn mưa nhẹ hạt. Sân cỏ trong khuôn viên nhà thờ xanh mướt cho dù đã đến mùa thu, cỏ lá vẫn chưa úa vàng. Tuy mưa, cảnh vật bình minh vẫn tuyệt đẹp.
Người nhạc công có lẽ cũng hứng khởi bởi thế giới chung quanh. Lúc nhập lễ chúng tôi hát bài “Bình Minh Đã Rạng Ngời.” Hãy nán thêm để nghe câu hai của bài hát: “Mưa vẫn rơi ngọt ngào…”
Còn nữa, đây là kết quả của những năm tháng cứ dần xa rời những cảm xúc nảy sinh từ chính phụng vụ. Ca Nhập Lễ của lễ được lấy ra từ thư Thánh Phaolô gởi các tín hữu Galat.[3] Điệp ca này được lặp lại vào thứ Năm Tuần Thánh, khi Giáo Hội bước và những ngày cực thánh:
Chúng ta phải hãnh diện
Về thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Nơi Người, ta được giải thoát,
Được sống và được sống lại;
Chính Người giải thoát và cứu độ ta.
Tôi chắc bạn đã nhận ra bài ca cổ “Bình Minh Đã Rạng Ngời” chẳng ăn nhập gì với ca nhập lễ ở trên.
Như tôi đã đề cập, thời giờ dành cho cầu nguyện của người Kitô hữu được hiểu là kéo dài suốt đời. Việc Giáo Hội chăm chút cho việc cầu nguyện này đã được minh chứng rõ qua một cuộc sưu khảo các câu Ca Nhập Lễ trong suốt Mùa Chay. Trong những ngày Mùa Chay và Tuần Thánh, phụng vụ, đặc biệt qua các ca nhập lễ có gốc Kinh Thánh, triển khai hình ảnh của Thiên Chúa tạo dựng nên thế giới tốt đẹp, của nhân loại đang cần được chữa lành, và về việc Đấng ban sự sống đáp ứng nhu cầu của con người.
Câu “Xin đáp lời con, lạy Chúa” trong Thánh Vịnh 49 vào thứ Bảy sau thứ Tư lễ Tro tìm được khởi điểm dựa trên đáp ca ở Thánh Vịnh 90 của Chúa Nhật thứ I mùa Chay năm C: “Người sẽ kêu cầu Ta và Ta sẽ nhậm lời.” Lời kêu gọi trở về được gặp thấy nơi một Thiên Chúa hăm hở cứu vớt con người. Một tuần trước khi bước vào Tam Nhật Vượt Qua, Ca Nhập Lễ nhắc nhở chúng ta rằng “Đức Kitô là trung gian của Giao Ước Mới.”[4]
Chỉ những ai thông dự vào Kinh Thánh thì mới thấy được những chủ điểm này như chúng đã được ghi khắc vào các lời nguyện của Giáo Hội. Trình tự đó được hình thành theo thời gian.
Ví dụ thứ ba xảy ra vào buổi cử hành thứ Sáu tuần Thánh. Tôi biết có một vài giáo xứ đã dùng bản văn chỉ là suy diễn từ Sách Lễ Rôma viết cho nghi thức Tôn Thờ Thánh Giá. Hầu hết những xứ đó hát những bài đại loại như “Bạn đã ở đâu?” trong ý nghĩa là chúng ta nói với nhau, hoặc bài “Giêsu Ơi, Hãy Nhớ Đến Con,” như là chúng ta hát cho Ngài nghe. Thực ra, theo nguồn mạch khôn ngoan của phụng vụ, đó là lúc Chúa nói trực tiếp với chúng ta. Chú ý rằng có một sự đối chọi và khác nhau dữ dội trong tình cảm ở câu “Lạy Chúa Giêsu, xin nhớ đến con khi Ngài vào trong nước Ngài” và đoạn văn sau đây lấy từ phần tiến lên hôn Thánh Giá:
Dân Ta ơi, ta đã làm gì cho ngươi?
Hay Ta đã làm phiền ngươi điều gì? Hãy trả lời Ta đi!
Phải chăng vì Ta đã dẫn ngươi ra khỏi đất Ai Cập,
Mà ngươi dọn Thập Tự cho Đấng đã cứu ngươi.
Hát những bài hát khác có thể khích lệ mọi người biểu cảm theo giai điệu bài nhạc, nhưng nó tách xa chúng ta ra khỏi tiếng kêu đau đớn và chua xót của Đấng Chịu Đóng Đinh.
(còn nữa)
Nguồn tin: Gpquinhon.org