Gia đình 

Tuyên bố của Giáo hội Công giáo Anh quốc về Luật hôn nhân đồng giới

WHĐ (18.07.2013) – Ngày 17 tháng Bảy 2013, Nữ hoàng Elizabeth II đã phê chuẩn dự luật hợp pháp hóa hôn nhân đồng giớitại Anh quốc. Đây là bước cuối cùng để dự luật này trở thành luật chính thức.

Theo luật mới, kể từ mùa hè năm sau, các cặp đồng giới có thể “kết hôn” trong cả hai nghi lễ dân sự và tôn giáo. Luật này cũng cho phép các cặp đồng giới đã kết hợp dân sự (civil partnerships) được hưởng quy chế “hôn nhân” hợp pháp.

Ngay lập tức, Giáo hội Công giáo tại Anh quốc đã đưa ra phản ứng về việc thông qua Luật Hôn nhân đồng giới. Tuyên bố củaĐức Tổng giám mục Vincent Nichols, Tổng giám mục Westminster kiêm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Anh quốc và xứ Wales và Đức Tổng giám mục Peter Smith, Tổng giám mục Southwark kiêm Phó Chủ tịch, cho rằng Luật Hôn nhân (đồnggiới) đánh dấu một bước ngoặt trong luật pháp Anh và báo hiệu một sự chuyển biến xã hội sâu sắc.

Tuyên bố khẳng định: “Hôn nhân, qua nhiều thế kỷ, đã được công nhận là một định chế bền vững, thiết lập một khuôn khổ pháp lý cho mối quan hệ giao kết giữa một người nam và một người nữ, và cho việc nuôi dưỡng và chăm sóc con cái. Vì lý do này,hôn nhân đó phải được nhìn nhận là duy nhất và xứng đáng được luật pháp bảo vệ”.

Tuyên bố giải thích lý do phản đối Luật Hôn nhân đồng giới: “Luật mới phá vỡ các liên kết pháp lý hiện có giữa định chế hôn nhân và chức năng tính dục. Với luật mới này, hôn nhân nay trở thành một định chế trong đó việc đón nhận con cái, đồng thờitrách nhiệm của người cha và người mẹ cùng nhau chăm sóc cho những đứa con được sinh ra trong gia đình của họ, không cònở vị trí trung tâm nữa. Đó là lý do tại sao chúng tôi phản đối dự luật này về mặt nguyên tắc”.

Các giám mục đã bày tỏ “thất vọng khi một số tu chính khác nhằm bảo vệ quyền tự do ngôn luận và quyền của các nhân viên hộ tịch được phản đối theo lương tâm đã không được thông qua”.

Các ngài nhận định: “Các truyền thống pháp lý và chính trị của đất nước này được thành lập dựa trên một niềm tin vững chắc liên quan đến các quyền của con người được có và bày tỏ niềm tin và quan điểm của mình, đồng thời tôn trọng những người khác biệt với mình”. Vì thế, “điều quan trọng là phải khẳng định và củng cố truyền thống ấy, khi mà vào lúc này các quan điểm cố hữu và không khoan nhượng về hôn nhân đã bị thách thức”.

Anh quốc đã trở thành quốc gia thứ 15 hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới là Hà Lan (2001). Các quốc gia khác đã công nhận hôn nhân đồng giới gồm có: Bỉ (2003), Tây Ban Nha (2005), Canada (2005), Nam Phi (2006), Na Uy (2008), Thụy Điển (2009), Bồ Đào Nha (2010), Iceland (2010), Argentina (2010), Đan Mạch (2012), Uruguay (2013), New Zealand (2013) và Pháp (2013).

Minh Đức

Related posts