Tin Giáo hội 

Chung quanh việc bổ nhiệm tân quốc vụ khanh Tòa Thánh

Việc đề cử Đức TGM Parolin làm quốc vụ khanh được truyền thông thế giới lưu ý đặc biệt.

Đài BBC của Anh gọi việc bổ nhiệm này là việc bổ nhiệm có ý nghĩa nhất của Đức Phanxicô kể từ ngày lên ngôi giáo hoàng hồi tháng Ba, để thay thế một quốc vụ khanh bị coi là không hữu hiệu, nhất là trong những năm gần đây. Việc bổ nhiệm này cũng sẽ khởi đầu cho một loạt bổ nhiệm sắp tới vào các chức vụ then chốt trong nền hành chánh trung ương của Giáo Hội.

Tờ New York Times thì lưu ý tới việc chọn một nhà ngoại giao lâu đời giữ chức quốc vụ khanh Tòa Thánh, thay thế Đức HY Bertone, “một nhân vật có quyền thế và gây chia rẽ trong phẩm trật Giáo Hội”. Tờ này mô tả kinh nghiệm ngoại giao của đức TGM Parolin, 58 tuổi: “Ngài từng hướng dẫn một số phái đoàn ngoại giao của Vatican trong các cuộc thương thuyết địa chính trị gai góc, trong đó có các cuộc thương thuyết để cải thiện bang giao với Việt Nam, và vốn là tiếng nói nổi bật trong nhiều hội nghị quốc tế về việc buôn người, khí hậu và tranh chấp Do Thái Pallestine”.

Tờ này cho rằng quốc vụ khanh là viên chức cao cấp nhất tại Vatican, sau Đức Giáo Hoàng, vừa điều hợp việc nội bộ của Giáo Hội vừa điều hướng các chính sách đối ngoại, tóm lại, chức vụ này có ảnh hưởng tới việc quản trị toàn bộ Giáo Triều, cơ quan quản trị trung ương của Vatican. Tuy nhiên, việc Đức Phanxicô gần đây cử nhiệm nhiều Ủy Ban giúp ngài quản trị Giáo Hội cho người ta thấy ngài sẽ ít lệ thuộc vào một tiếng nói hay một bộ sở đơn độc khi đưa ra các quyết định.

Dù sao, việc đề cử một nhà ngoại giao chuyên nghiệp và một người “bên trong đầy tài giỏi” cho thấy Đức Phanxicô “không muốn khởi đi từ số không” khi cải tổ Vatican, cũng như không “muốn khả năng ngoại giao của Giáo Hội bị lu mờ khi ngài đương đầu với các thách đố bên trong” như nhận định của John L. Allen.

CNN ngày 2 tháng Chín, đăng hình Đức Cha Parolin lúc ở Hà Nội ngày 19 tháng Hai, năm 2009 và cho hay ngài được bổ nhiệm đứng đầu “chính phủ” Vatican, và được coi là nhân vật quan trọng nhất, sau Đức Giáo Hoàng.

CNN cho hay tên Parolin được nhiều người nhắc tới trong danh sách nhỏ những người có triển vọng giữ chức vụ này kể từ ngày Đức Phanxicô lên ngôi Giáo Hoàng hồi tháng Ba năm nay. Ngài có hơn 1 phần tư thế kỷ kinh nghiệm trong ngành ngoại giao của Tòa Thánh và được coi là một trong những người sáng chói nhất của thế hệ mình.

CNN tin rằng việc bổ nhiệm này phản ảnh sứ mệnh cải tổ Giáo Hội mà các Hồng Y cử tri đã đặt lên vai Hồng Y Bergoglio tại cơ mật viện bầu giáo hoàng.

John Thavis thì cho rằng việc bổ nhiệm này “rất quan trọng vì nó đem ngoại giao lên hàng đầu”. Đức TGM Parolin lại được các giới tại Vatican coi là người cự phách về ngoại vụ, vốn tốt nghiệp trường ngoại giao của Tòa Thánh và từng phục vụ tại các tòa sứ thần ở Mexico, Nigeria, Venezuela; từng giữ trọng trách cởi nhiều nút ngoại giao cho Tòa Thánh tại Trung Hoa, Việt Nam và Israel.

Khi nhân viên toà đại sứ Hoa Kỳ cần thảo luận các vấn đề ngoại giao quan trọng với Vatican, họ thường chạy tới với Đức TGM Parolin, dù đó là những vụ “khó nhá” như cuộc xâm lăng Iraq năm 2003, một vụ bị Vatican cực lực phê phán.

Đức TGM Parolin cũng giúp đỡ các nhà báo rất nhiều, dĩ nhiên, một cách ẩn danh, Ngài có thể thuyết trình cho họ một cách vắn tắt về bất cứ vấn đề hoàn cầu nào trong 5 phút đồng hồ. Ngài có tiếng là người thực tiễn và thực tế.

Nhà báo Rocco Palmo thì nhắc tới nhiều trùng hợp lý thú quanh việc bổ nhiệm tân quốc vụ khanh lần này. Thứ nhất, phần lớn các vụ bổ nhiệm tại Vatican có hiệu lực ngay tức khắc sau khi công bố. Riêng việc chuyển giao phủ quốc vụ khanh cho vị tân nhiệm thì chỉ xẩy ra vào ngày thứ Ba, 15 tháng Mười, đủ thì giờ cho vị tân nhiệm trở về từ Venezuela.

Một chuyển giao tương tự cũng đã xẩy ra năm 2006 khi Đức HY Angelo Sodano được Đức HY Bertone thay thế chức quốc vụ khanh, nhưng vụ này bị trì hoãn gần 3 tháng (thiếu một tuần), dù Đức HY Bertone chỉ từ Genoa di chuyển về Vatican. Ngoài ra, Đức HY Sodano chỉ nhường cho Đức HY Bertone căn hộ vốn được dành cho quốc vụ khanh trong Tông Điện sau đó ít lâu khiến vị tân quốc vụ khanh phải tạm ngụ nhiều tháng tại Tháp Thánh Gioan trong Vườn Vatican!

Thứ hai, lần cuối cùng một sứ thần tòa thánh được triệu về làm quốc vụ khanh từ nhiệm sở là năm 1929, khi Đức Cha Eugenio Pacelli được triệu từ Berlin về làm Hồng Y quốc vụ khanh cho Đức Piô XI. Chín năm sau, Eugenio Pacelli lên ngôi giáo hoàng lấy hiệu là Piô XII. Lịch sử sẽ tái diễn chăng với Hồng Y tương lai Paroli?

Palmo cũng lưu ý tới luận án tiến sĩ của Đức TGM Parolin và liên hệ giữa luận án này với chương trình cải tổ của Đức Phanxicô: Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, cơ quan mà dưới triều Đức Phanxicô chắc chắn sẽ được chú trọng nhiều hơn về vai trò và trách nhiệm.

Sau ba thế kỷ

Ký giả Sandro Magister thì lưu ý tới quê hương Venise của đức tân quốc vụ khanh và người đồng cảnh ngộ với ngài là người cháu của Đức Alexander VIII cách nay 3 thế kỷ.

Người cháu đó chính là Hồng Y Giambattista (hay Giovanni Battista) Rubini, sinh tại Venise năm 1642, và là quốc vụ khanh Toà Thánh từ tháng Mười 1689 tới mùa hè năm 1691. Hồng Y Rubini cũng là giám mục của Vicenza, giáo phận gốc của Đức TGM Parolin.

Sự giống nhau có lẽ chỉ có thế, chỉ về phương diện địa dư. Và sự khác nhau thì đáng kể hơn. Vì Rubini được ông cậu mình (em bà nội), tên tục là Pietro Ottoboni, bổ nhiệm làm quốc vụ khanh ngay tại cơ mật viện bầu giáo hoàng, sau khi đắc cử, một hành vi gần như là gia đình trị (nepotism).

Ngài mất chức khi Đức Alexander VIII qua đời ngày 1 tháng Hai, năm 1691. Khi lên ngôi ngày 12 tháng Bẩy, Đức Innocent XII đã lập tức thay thế ngài bằng Hồng Y người Rôma là Fabrizio Spanda và ra chỉ dụ “Romanum decet pontificem” ngày 22 tháng Sáu, 1692 lên án chính sách gia đình trị, với ý hướng “bảo vệ danh dự của Giáo Triều, bằng cách loại bỏ tận gốc các lạm dụng rất dễ thêm sức nặng cho các lời tranh luận chống Công Giáo và chống Rôma”.

Thấy niềm vui đức tin trong mắt họ

Về liên hệ của Đức TGM Parolin với Việt Nam, ký giả Sandro Magister cho đăng tải bài tường trình, chứ không hẳn phúc trình, của ngài về chuyến viếng thăm Việt Nam năm 2007. Năm ấy, sau chuyến viếng thăm này, nhân dịp ban phép lành “urbi et orbi” vào Chúa Nhật Phục Sinh, Đức Bênêđíctô XVI đã có câu chúc bằng tiếng Việt được Magister ghi lại như sau: “Mù’ng lé phuc sinh!” (Mừng lễ Phục Sinh).

Cũng nên nhắc lại vào khoảng thời gian đó, có những sự kiện đáng kể liên quan tới Việt Nam: Thứ nhất, dù có nhiều nới rộng như việc gia nhập chủng viện dễ dàng hơn, nhưng đầu tháng Tư, linh mục Nguyễn Văn Lý bị kết án 8 năm vì tuyên truyền chống lại đảng cộng sản; hai người đàn ông và hai người đàn bà cùng bị kết án với ngài. Thứ hai, tiếp sau việc Việt Nam được gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), ngày 25 tháng Giêng, lần đầu tiên Nguyễn Tấn Dũng, trong tư cách thủ tướng chính phủ, đã qua thăm Vatican, yết kiến Đức Giáo Hoàng và gặp gỡ quốc vụ khanh Tòa Thánh. Bởi thế mà giữa tháng 3, phó bộ trưởng ngoại giao của Tòa Thánh, Pietro Parolin, đã hướng dẫn một phái đoàn chính thức qua nói chuyện với nhà cầm quyền Việt Nam.

Tường trình của Đức Ông Parolin được đăng trên tạp chí “30 Days” số tháng 4 năm 2007 với một cái tựa hết sức lạc quan “Người ta thấy trong mắt họ niềm vui của đức tin…”. Trong tường trình này, ngài cho hay đây là chuyến đến Việt Nam lần thứ hai của ngài. Lần đầu vào năm 2004, có sự tháp tùng của Đức Ông Barnabé Nguyễn Văn Phương (đúng là: Phạm Văn Phương) với nghị trình gồm hai phần: phần “chính trị” (duy trì tiếp xúc với nhà cầm quyền Việt Nam) và phần “Giáo Hội” (gặp gỡ Giáo Hội địa phương).

Cuộc gặp gỡ năm 2007 cũng theo cùng một khuôn khổ ấy, nhưng có thuận lợi ở chỗ “chúng tôi đã biết nhiều người trong các đối tác của mình” nên dễ “tăng cường các liên hệ tôn trọng, quí mến, và tin tưởng là những điều rất được tôn trọng trong xã hội Việt Nam và làm dễ cuộc đối thoại, nhất là trong các vấn đề gai góc”.

Về phía “chính trị”, bài tường trình nhắc tới các cuộc gặp gỡ với các giới chức Việt Nam và một số vấn đề được đem ra thảo luận như việc bổ nhiệm giám mục, xây dựng và tái thiết các nơi thờ phượng. Kết quả ra sao, không được nhắc tới. Riêng vấn đề liên hệ giữa Việt Nam và Vatican thì “tôi tin đã có bước tiến có ý nghĩa”. Bước tiến đây được mô tả là việc “thủ tướng ra chỉ thị cho các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu vấn đề và đề nghị trong vòng ít tháng tới chúng tôi sẽ lập ra một nhóm chuyên viên có nhiệm vụ nghiên cứu thời điểm và phương cách cụ thể để khởi đầu diễn trình thiết lập các liên hệ ngoại giao”.

Tựa đề nhắc trên đây có liên quan tới việc phái đoàn đi thăm hai giáo phận “cuối cùng chưa được phái đoàn Tòa Thánh tới thăm bao giờ” và hai cuộc viếng thăm này “đã tưởng thưởng chúng tôi nhiều hơn mức khó chịu từng phải chịu trước đây”. Hai giáo phận đó là Qui Nhơn và Kontum.

Tại Qui Nhơn, dù giám mục Phêrô Nguyễn Soạn vắng mặt vì bệnh, phái đoàn được cha tổng đại diện, hầu hết các linh mục của giáo phận và rất nhiều giáo dân đón tiếp tại nhà thờ chính tòa. Nhưng cảm động nhất là cuộc kính viếng đền thánh dâng kính vị giám mục tử đạo Théodore Cuénot Thể tại Gò Thị, nơi ‘đầy tràn giáo dân, phần đông là người trẻ, thiếu niên và trẻ em”. Sự xúc động dâng cao trong lòng phái đoàn khiến Đức Ông Parolin cho rằng phái đoàn đem tới ít mà nhận thì thật nhiều và ngài thú thực: trong phúc trình gửi lên Đức Giáo Hoàng, ngài cho Đức Giáo Hoàng hay: Đức Giáo Hoàng phải đích thân tới đó mới thấy được!

Tại Kontum cũng thế, phái đoàn được gặp Đức Cha “Michel Hoâng Dúc Oanh” (Micae Hoàng Đức Oanh) và rất đông linh mục cùng 5 ngàn giáo dân tụ tập tại khuôn viên nhà thờ chính tòa, trong một buổi chiều “ấm áp với đức tin, sùng kính và yêu mến đối với Đức Thánh Cha, và chứng tá Kitô Giáo”. Cảm động hơn nữa là thánh lễ sáng hôm sau tại nhà thờ Pleichuet, xây theo lối nhà sàn của người Thượng, với mái rơm thật cao. Phần lớn giáo dân là tân tòng. “Người ta thấy trong mắt họ niềm vui của đức tin và niềm vui được thuộc về Giáo Hội Công Giáo, niềm vui được họ diễn tả bằng các sắc phụ cổ truyền sặc sỡ, âm thanh nhạc cụ, và điệu múa trong nhiều phần của phụng vụ”.

Phái đoàn cũng đã đi thăm Đức TGM Ngô Quang Kiệt, Đức Cha Nguyễn Văn Hòa, Chủ Tịch HĐGMVN, Đức HY Phạm Minh Mẫn, và làm lễ tại nhà thờ Hòn Gai, và đi thăm Vịnh Hạ Long. Trong tất cả các dịp này, “tôi luôn luôn thán phục sâu sắc cung cách người dân ở đây cầu nguyện, cầu nguyện một cách hiểu biết, chăm chú và đầy sốt sắng, đồng thời có sự tham dự lớn lao trên bình diện cộng đồng: trẻ em và người lớn, trẻ và già, đàn ông và đàn bà đều cùng hát và thưa kinh với nhau. Tôi thán phục tình yêu , lòng tận tụy, và trung thành của họ với giám mục Rôma, những tình cảm này được họ liên tục chứng tỏ với chúng tôi”.

Theo ngài, “đây là một Giáo Hội can đảm, năng động, đầy sinh khí, biểu hiện một phần ở số đông ứng viên linh mục và tu dòng. Đây là một Giáo Hội chịu làm việc có lợi cho xã hội và chăm sóc những người túng thiếu trong niềm hy vọng được dành nhiều cố gắng lớn lao hơn vào lãnh vực giáo dục và xã hội ngõ hầu càng ngày càng đóng góp chuyên biệt và hữu hiệu hơn cho xứ sở và mọi cư dân của xứ sở, bất kể họ là người tin hay người không tin, thuộc nhóm tôn giáo này hay thuộc nhóm tôn giáo nọ”.

Cung cách của bài tường trình này đủ nói lên con người thực của vị đứng đầu phủ quốc vụ khanh Tòa Thánh tương lai. Đức tin mới là trọng điểm của mọi cố gắng của Vatican. Cùng với Đức Phanxicô, chiều hướng này mới thực sự phản ảnh quan tâm hàng đầu của Giáo Hội Công Giáo.

Vũ Văn An

Vietcatholic News

Related posts