Thánh lễ Thêm Sức tại giáo họ Phú Trung
Sáng thứ Hai, vào lúc 9g ngày 9/9, Đức cha Matthêô đã đến giáo họ Phú Trung để dâng thánh lễ ban bí tích Thêm Sức cho 30 em thuộc giáo xứ Công Chánh. Trước thánh lễ, Đức cha đã làm phép hang đá Đức Mẹ và tượng đài Thánh Giuse vừa mới được hoàn tất. Ngày 14 tháng 05 năm 2011, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn đã bổ nhiệm cha Gioakim Nguyễn Ngọc Minh làm cha sở Công Chánh. Ngay sau đó, Cha Gioakim đã bắt đầu xây dựng lại ngôi nhà thờ giáo họ Phú Trung, và hiện công trình vẫn còn dang dỡ.
Đầu bài giảng, Đức cha đã nói lên ý nghĩa của ngày lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, bổn mạng giáo xứ Công Chánh: “Do ảnh hưởng nền văn hóa Tây Phương, người Việt Nam bắt đầu mừng ngày sinh nhật của người thân trong gia đình, bạn bè… Mừng ngày sinh nhật một người trước hết là nói lên lòng tri ân Thiên Chúa là nguồn mạch ban sự sống, đồng thời cũng tri ân chính người mừng ngày sinh nhật vì những đóng góp của họ đối với cộng đồng. Vì thế chúng ta có những ngày mừng sinh nhật các vĩ nhân. Một đứa trẻ chào đời mang một tương lai cho chính nó và niềm hy vọng cho gia đình, cộng đồng, đất nước và thế giới. Đó là ý nghĩa của ngày lễ hôm nay mừng Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria.
Vì sự thánh thiện ngay từ trong lòng mẹ, Hội Thánh chỉ có 3 người được mừng sinh nhật là Đức Kitô, Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Gioan Tẩy Giả…. Đức Maria có lẽ được sinh ra tại Nazareth. Tuy nhiên, theo truyền thống, có một ngôi thánh đường được xây dựng tại Giêrusalem và được cung hiến để kính nơi Đức Mẹ được sinh ra. Thánh lễ hôm nay gắn liền với ngày cung hiến ngôi thánh đường đó. Tuy nhiên điều quan trọng không phải là xác định nơi Mẹ sinh ra cho bằng mừng ngày mà Mẹ được sinh ra cho toàn thế giới. Niềm vui này được lồng vào ngày sinh ra của Đấng Cứu Thế, vì nếu không có ngày sinh của Đấng Cứu Thế thì sinh nhật của Mẹ cũng chẳng có ý nghĩa gì. Mẹ được sinh ra là để hướng đến ngày sinh của Chúa Giêsu…. Đức Maria đã được Thiên Chúa chọn và ngài đã đáp lại trọn vẹn ơn Chúa trong ngày sứ thần truyền tin. Mẹ đã thưa lời xin vâng và là lời xin vâng liên tục trong cuộc sống. Đồng thời, Mẹ cũng lôi kéo những người khác cùng thưa lời xin vâng với Mẹ. Chúng ta thấy Thánh cả Giuse cũng thưa lời xin vâng đó khi biết rằng bào thai trong bụng Mẹ không phải là của mình. Đó là những mẫu gương mà hôm nay chúng ta tôn kính bằng việc làm phép hang đá Đức Mẹ và tượng đài Thánh Giuse trước thánh lễ”
Do vị thế đặc biệt của ngôi nhà thờ, Đức cha đã nhắc nhở giáo dân Phú Trung cố gắng sống hài hòa trong các mối tương quan: “Giáo họ Phú Trung là một cộng đoàn nhỏ bé cũng giống như Bêlem ngày xưa. Tuy nhiên, từ thành phố nhỏ bé đó, ta thấy những công trình rất lớn… Ngay từ năm 1747, theo báo cáo của các nhà truyền giáo thì tại đây đã có 50 tín hữu, và từ đó số tín hữu tiếp tục tăng lên. Do thời thế, Phú Trung đã mất đi vị thế quan trọng của nó. Giờ đây, cha Gioakim đã xây dựng ngôi thánh đường này để khẳng định lại vị thế của giáo họ Phú Trung và đồng thời nói lên tầm quan trọng của nó trong việc truyền giáo trong mối tương quan đối thoại liên tôn, bởi vì, như chúng ta thấy ở đây, nhà thờ và nhà chùa liền kề nhau, và cả hai cùng vươn lên. Cho nên anh chị em giáo dân Phú Trung cố gắng làm chứng cho đức tin của mình bằng đời sống hiền hòa và chia sẻ, cộng tác với tất cả mọi người bất kể tôn giáo.”
Với các em sắp lãnh nhận bí tích Thêm Sức, Đức cha nhắn nhủ: “Giáo Hội rất quan tâm đến các con. Ngày thêm sức cho các con được đặt trong bối cảnh quan trọng của ngày lễ hôm nay. Bí tích thêm sức mà các con sắp lãnh nhận là dấu ấn quan trọng trong cuộc đời để một khi đón nhận Chúa Thánh Thần thì các con trở những người sống trọn vẹn niềm tin của mình không những bằng lời nói mà bằng cuộc sống. Các con có thể làm chứng cho Chúa theo cách của các con”
Giáo xứ Công Chánh ngày nay có 180 gia đình với 636 tín hữu, gồm các giáo họ Công Chánh, Phú Trung, Trường Úc, Thọ Nghĩa và Trung Tín (nay nhập vào họ Công Chánh). Theo sử liệu, Phú Trung đã có trong danh sách nhà thờ nhà nguyện do cha Guillaume Rivoal ghi năm 1747 với 50 giáo dân. Theo lời truyền tụng, vào năm 1850, ông Bùi Văn Siêu sau khi theo đạo đã cúng thửa đất và xây nhà thờ tại thôn Vĩnh Thế. Sau 3 lần di dời và xây lại, nhà thờ đã yên vị tại thôn Vĩnh Hy ngày nay. Trước kia, Phú Trung thuộc giáo xứ Tân Dinh, đến năm 1927 thuộc giáo xứ Cây Da (Ngọc Thạnh), khi đó số giáo dân là 119 người. Cha Marinô Tú xuất thân từ giáo họ này, trước khi qua đời ngài làm Bề Trên nhà hưu dưỡng Đại An.
Ban truyền thông Qui Nhơn