Tin Giáo hội 

Giáo hội là mẹ! hãy yêu mến Giáo hội như yêu mến mẹ mình.

Toàn văn bài giáo lý về Giáo hội trong Năm Đức Tin của ĐTC Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ 4, ngày 11/09/2013 tại quãng trường thánh Phêrô.

Anh chị em thân mến.

Hôm nay chúng ta tiếp tục những bài giáo lý về Giáo hội trong Năm Đức Tin. Giữa các hình ảnh mà Công đồng Vat II đã chọn để giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản chất của Giáo hội, là hình ảnh về “người mẹ”. Giáo hội là mẹ chúng ta trong đức tin, trong đời sống siêu nhiên. (LG 6.14.15.41.42). Đó là một trong những hình ảnh đã được các Giáo phụ sử dụng để nói về Giáo hội trong những thế kỷ đầu và tôi nghĩ có thể là hình ảnh hữu ích cho cả chúng ta nữa. Đối với tôi một trong những hình ảnh đẹp nhất về Giáo hội là : Giáo hội là Mẹ! Giáo hội là mẹ theo nghĩa gì? Chúng ta đi từ tình mẫu tử của con người thực sự : Làm một người mẹ thì như thế nào?

1. Trước hết, người mẹ sinh ra cuộc sống, cưu mang trong lòng đứa con của mình chín tháng và sau đó là đưa nó vào cuộc sống, bằng cách sinh ra đứa con đó. Giáo Hội là như thế : Giáo hội sinh ra chúng ta trong đức tin, nhờ hoạt động của Thánh Thần, Đấng làm cho Giáo hội nên phong phú, như Đức Trinh Nữ Maria. Giáo hội và Đức Trinh nữ Maria, cả hai, là những người mẹ; khi người ta nói về Giáo hội thì cũng có thể nói về Đức Mẹ và khi ta nói về Đức Mẹ ta cũng có thể nói về Giáo hội! Tất nhiên đức tin là một hành động cá nhân: “tôi tin”, một cách riêng tư tôi đáp lời Thiên Chúa Đấng tự nhận biết và muốn đi vào trong tình bằng hữu với tôi (x. LG 39). Nhưng đức tin mà tôi đón nhận từ những người khác, từ một gia đình, trong một cộng đoàn dạy tôi nói rằng “tôi tin”, “chúng tôi tin”. Kitô hữu không phải là một hòn đảo! Chúng ta không trở nên những người kitô hữu trong phòng thí nghiệm, chúng ta không trở nên những người kitô hữu một mình bằng sức lực của chúng ta, nhưng đức tin là quà tặng, là ơn của Thiên Chúa, Đấng đã ban cho chúng ta đời sống đức tin trong phép rửa : Đó là lúc mà chúng ta được sinh ra như những người con của Thiên Chúa, ban cho chúng ta sự sống của Thiên Chúa, sinh ra chúng ta như người mẹ. Nếu anh chị em tới giếng rửa tội ở đền thờ thánh Gioan Latêranô, cạnh nhà thờ chánh toà của Giáo hoàng, ở bên trong có một nghi thức bằng tiếng la tinh đại để nói như thế này : “Nơi đây phát sinh dân tộc thuộc dòng dõi Thiên Chúa, được sinh ra bởi Thánh Thần, Đấng làm cho nước này nảy nở; Mẹ Giáo hội sinh ra các con cái mình trong nước này”. Điều đó giúp chúng ta hiểu một việc quan trọng đó là : điều làm cho chúng ta thành một phần của Giáo hội không phải là một sự kiện ngoại lai và hình thức, không phải là ghi vào tấm thiệp người ta đưa cho chúng ta, nhưng là một hành động nội tâm và sống còn; ta không thuộc về Giáo hội như là ta thuộc về một xã hội, một đảng phái hay các tổ chức khác. Mối quan hệ sống động, như là ta có với mẹ của mình, bởi vì, như thánh Augustinô đã nói, “Giáo hội thực sự là mẹ của các Kitô hữu” (De moribus Ecclesiae, I,30,62-63:PL32,1336).

Chúng ta hãy tự hỏi : làm thế nào tôi thấy được Giáo hội? Nếu tôi nhận biết cha mẹ của tôi vì họ đã cho tôi cuộc sống, vậy tôi có nhận biết Giáo hội đã sinh ra tôi trong đức tin qua phép rửa không? Có được bao nhiêu người nhớ ngày rửa tội của mình? Tôi muốn đặt câu hỏi này cho anh chị em, nhưng mỗi người tự trả lời trong tâm hồn mình : Có bao nhiêu người trong anh chị em nhớ đến ngày rửa tội của mình? Có vài người đưa tay lên, nhưng còn bao nhiêu người không nhớ! Ngày chịu phép rửa tội là ngày sinh ra chúng ta trong Giáo hội, là ngày mà Mẹ Giáo hội đã sinh ra chúng ta! Và bây giờ tôi cho anh chị em bài tập về nhà. Khi trở về nhà, anh chị em hãy tìm ngày mình được rửa tội là ngày nào, để rồi mừng lễ rửa tội, để cám đội Thiên Chúa vì ơn này. Chúng ta có yêu mến Giáo hội như là yêu mẹ mình, nhận biết cũng như cảm thông những khuyết điểm của Giáo hội không? Tất cả mọi người mẹ đều có khuyết điểm, chúng ta cũng có khuyết điểm, nhưng khi ta nói về những khuyết điểm của mẹ chúng ta che dấu nó, như vậy là chúng ta yêu mến. Giáo hội cũng có những khuyết điểm của mình : chúng ta có yêu mến Giáo hội giống như yêu mến mẹ, chúng ta có giúp Giáo hội được xinh đẹp hơn, chân thực hơn, theo Chúa nhiều hơn không? Tôi để lại cho anh chị em những câu hỏi này, nhưng đừng quên các bài tập : Tìm ngày rửa tội của anh chị em để nó trong tâm hồn và mừng lễ rửa tội.

2. Một người mẹ không bị hạn chế việc ban phát sự sống, nhưng còn chu đáo chăm sóc giúp những đứa con của mình trưởng thành, cho con bú sữa, nuôi nấng nó, dạy con cách sống, luôn ở bên con bằng những ân cần, thương yêu, trìu mến, ngay cả khi chúng lớn. Và khi đó người mẹ cũng biết làm sao để sửa dạy, thứ tha, cảm thông, biết gần gũi khi yếu đau, bệnh tật. Tắt một lời, một người mẹ tốt thì giúp đỡ các con thoát ra khỏi chính mình, không ở lại cách dễ dàng dưới đôi cánh của mẹ, như gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh. Giáo hội như người mẹ tốt cũng làm chính điều này : cùng đồng hành với sự trưởng thành của chúng ta bằng cách chuyển thông Lời Chúa, là ánh sáng chỉ dẫn chúng ta con đường của đời sống kitô hữu; ban phát các Bí tích, nuôi dưỡng chúng ta bằng Thánh Thể, đem đến cho chúng ta sự tha thứ của Thiên Chúa qua Bí tích hòa giải, nâng đỡ chúng ta trong những lúc bệnh tật bằng bí tích xức dầu. Giáo hội đồng hành với chúng ta trong tất cả mọi nẻo đường của đời sống đức tin, trong trọn vẹn đời sống kitô hữu của mình. Chúng ta cũng có thể tự đặt ra những câu hỏi khác : Mối tương quan tôi có với giáo hội là gì? Tôi có cảm thấy Giáo hội như người mẹ giúp tôi lớn lên thành người kitô hữu không? Tôi có tham dự vào đời sống của Giáo hội không, tôi có cảm thấy mình là một phần của Giáo hội? Mối tương quan của tôi là mối tương quan hình thức hay là sống còn?

3. Một suy tư ngắn thứ ba. Trong những thế kỷ đầu của Giáo hội có một thực tại rõ ràng : Giáo hội, vừa là mẹ các kitô hữu, trong khi “làm nên” các kitô hữu, thì cũng được “làm nên” từ các kitô hữu. Giáo hội không phải là cái gì khác với chính chúng ta, nhưng là được xem là tổng thể các tín hữu, như là “chúng ta” của những kitô hữu : tôi, bạn, tất cả chúng ta là thành phần của Giáo hội. Thánh Giêrôlamô đã viết : “Giáo hội của Đức kitô không là gì khác nếu không phải là các linh hồn của những người tin vào Đức Kitô” (Tract. Ps 86: PL26,1084). Vì vậy tình mẫu tử của Giáo hội, những người mục tử và các tín hữu tất cả chúng ta sống. Đôi khi tôi nghe nói : “tôi tin vào Thiên Chúa nhưng không tin vào Giáo hội… Tôi đã nghe rằng Giáo hội nói…. Các linh mục nói…” nhưng các linh mục là một chuyện, nhưng Giáo hội không phải chỉ được hình thành từ các linh mục, giáo hội là tất cả chúng ta. Nếu anh nói rằng anh tin vào Thiên Chúa và không tin vào Giáo hội, thì anh đang nói rằng anh không tin vào chính anh; đây là một mâu thuẫn. Giáo hội là tất cả chúng ta : từ đứa trẻ vừa mới được rửa tội cho đến các giám mục, giáo hoàng; tất cả chúng ta là giáo hội và dưới con mắt của Thiên Chúa tất cả chúng ta đều như nhau! Tất cả chúng ta được mời gọi cộng tác cho việc làm sinh ra đức tin những người tín hữu mới, tất cả chúng ta được mời gọi là những người giáo dục đức tin, loan báo Tin mừng. Mỗi người trong chúng ta tự hỏi : Tôi phải làm gì để có thể chia sẻ đức tin kitô hữu cho người khác? Tôi phong phú trong đức tin của tôi hay tôi khép mình? Khi tôi lặp lại rằng tôi yêu một Giáo hội không đóng kín ranh giới của mình, nhưng có thể đi ra, tự di chuyển, thậm chí với một vài liều lĩnh, để đem Đức Kitô đến cho tất cả mọi người, tôi nghĩ đến tất cả, cho tôi, cho anh và cho mỗi người kitô hữu. Tất cả chúng ta cùng chia sẻ tình mẫu tử của Giáo hội, để cho ánh sáng của Đức Kitô đến với mọi biên cương của trái đất. Hoan hô Mẹ Giáo hội thánh thiện.

 Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

Related posts