Thần học 

Thư gửi tín hữu Do Thái

THƯ GỞI TÍN HỮU DO THÁI

Lm. Peter Edmonds SJ
Đã từ lâu lắc lâu lơ, một vài thập kỷ sau cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, một mục tử có học thức và tài năng đã chấp bút viết ra bài giảng thuyết cho giáo dân của mình. Bài giảng thuyết hay và thành công đến độ các cộng đoàn Kitô giáo khác sưu tập lại và cuối cùng nó được liệt vào số 27 cuốn sách làm nên Tân Ước. Nó nằm đấy, kẹp giữa các thư được gán cho Phaolô và các thư được cho là của Thánh Giacôbê, Phêrô và Gioan. Nếu ta chưa bao giờ tự mình đọc nó trọn vẹn, thì ít ra ta cũng lấy làm an ủi vì không phải mình hoàn toàn mù tịt về nó. Nếu là người Công giáo và dự lễ Chúa Nhật thường xuyên thì thế nào ta cũng nghe trích đoạn ngắn của nó trong các bài đọc thứ II ở phần phụng vụ Lời Chúa. Vậy là chúng ta đã biết đến bài giảng này, với một ít câu được thêm thắt vào đoạn cuối để làm cho nó có hình thức một bức thư (13, 22-25), đó là thư Do Thái.Những trích đoạn trong thư này được chia làm ba khối nằm rãi rác trong các bài đọc Chúa Nhật chu kỳ 3 năm. Khối thứ nhất gồm 6 đoạn được đọc vào những ngày lễ đặc biệt. Khối thứ hai gồm 7 đoạn nằm ở cuối năm thứ hai của chu kỳ Chúa Nhật; những đoạn này giới thiệu nhãn quan đặc biệt về Đức Kitô mà vị mục tử này muốn cho người của mình hiểu rõ. Khối thứ ba gồm 4 đoạn nằm ở cuối năm thứ ba của chu kỳ Chúa Nhật, phác họa những nét chính nơi đời sống của các thính giả là những người theo Đức Kitô trong một thế giới thù nghịch và xa lạ.

Loạt bài thứ nhất: những ngày lễ đặc biệt

Sáng ngày lễ Giáng Sinh, chúng ta nghe những câu mở đầu long trọng (Dt 1, 1-6), mở ra cánh cửa rộng rải cho toàn thể bài giảng thuyết; những ngày cuối cùng này, Thiên Chúa không nói với chúng ta qua các thiên sứ hay ngôn sứ nữa mà qua Người Con. Nếu vào đêm Giáng Sinh chúng ta thấy một Chúa Giêsu bé nhỏ trong hang đá Bethlehem thì buổi sáng chúng ta chiêm ngưỡng Ngài như là “ảnh chiếu của vinh quang Thiên Chúa và là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa”. Hiện giờ Ngài ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên Trời. Hình ảnh Đức Kitô vinh hiển để thống trị mọi sự luôn hiện diện trong phần còn lại của bài giảng thuyết.

Chúng ta lại nghe nhà giảng thuyết này một lần nữa vào ngày lễ Thánh Gia Năm B. Ở đây ông suy tư về đức tin. Đối với ông, đức tin là thói quen nhìn nhận Thiên Chúa hành động trong thế giới của riêng mình và xác tín rằng Ngài cũng điều khiển cả tương lai nữa. Một đức tin như thế ghi đậm dấu ấn trong đời sống của các tổ phụ tổ mẫu của Israel thời xa xưa. Abraham và Sarah là những nhân vật được đề cập trong bài đọc hôm nay (Dt 11, 8.11-12. 17-19). Đây là một gia đình thánh đã sống nhiều thế kỷ trước Thánh Gia của Đức Maria và Giuse, những người mà chúng ta mừng kính trong ngày lễ này vào mùa Giáng Sinh.

Rồi ta nghe lại nhà giảng thuyết này vào Chúa Nhật thứ V Mùa Chay năm B và ngày thứ Sáu Tuần Thánh hằng năm. Chỉ một đoạn ngắn duy nhất được đọc trong cả hai ngày lễ này (Dt 5,7-9). Ngôn ngữ của nó đưa chúng ta về với bối cảnh của vườn Gethsêmani trong các Tin Mừng (Mc 14,32). Bằng những từ ngữ sống động, đoạn văn nói lên rằng mặc dù là Chúa Con, nhưng Chúa Giêsu đã học vâng phục bằng cách chịu đựng đau khổ. Của lễ dâng lên Chúa Cha là tiếng kêu vang và lời cầu khẩn van nài. Đoạn văn tả thực này nhắc lại cho chúng ta về nhân tính thật sự của Chúa Giêsu. Vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta nghe thêm vài câu trước (Dt 4, 14-16). Những câu này cốt để an ủi chúng ta khi nói rằng dù Chúa Giêsu là Thượng Tế nhưng Ngài vẫn chịu mọi thử thách như chúng ta ngoại trừ tội lỗi; Ngài là một vị Thượng Tế mà khi cần chúng ta có thể tìm thấy sự xót thương và giúp đỡ. Và chúng ta có thể biết thêm về Ngài từ các bài đọc khác trong những ngày này, Isaia nói rằng Chúa Giêsu là người tôi tớ (Is 52,13-53,12), Gioan nói rằng Ngài là Vua (Ga 18,1-19,42), còn Thư Do Thái nói rằng Ngài còn là tư tế của chúng ta nữa.

Vào ngày lễ Thăng Thiên năm C, Thư Do Thái bổ túc cho bài trích sách Tông Đồ Công Vụ được đọc hằng năm vào ngày này (CV 1,1-11). Chúng ta biết Chúa Giêsu rời khỏi trái đất này như thế nào để lên trời sau khi kết thúc cuộc đời nơi dương thế. Thư Do Thái nói điều gì đã xảy ra khi Ngài lên trời và kết quả dành cho chúng ta. Ngài xuất hiện trước Thiên Chúa để cầu bầu cho chúng ta (Dt 9,24-28). Vì thế, chúng ta cứ tiếp tục tuyên xưng niềm hy vọng cách vững vàng, vì “Ngày Chúa” đang đến gần, lúc ấy chúng ta sẽ đối diện với Thiên Chúa (Dt 10,19-23).

Vào ngày lễ Mình và Máu Thánh Chúa (Corpus Christi) năm B, ta lại cùng với tác giả thư Do Thái chiêm ngưỡng Đức Kitô “đi qua nhà tạm rộng rãi và hoàn hảo hơn, không phải do tay người phàm xây dựng, nghĩa là không thuộc về trần gian này, cũng không nhờ máu dê bò, nhưng nhờ chính máu của Người mà vào Cung Thánh chỉ một lần và đem lại ơn cứu độ muôn đời” (Dt 9,11-15). Lời lẽ của nhà giảng thuyết này cho chúng ta hiểu rõ hơn về lời của Chúa Giêsu trong Bữa ăn tối cuối cùng “Đây là máu giao ước đã đổ ra cho nhiều người” (Mt 26,28).

Loạt bài thứ hai: vị Thượng Tế

Trái với những trích đoạn thư Do Thái trên đây, những trích đoạn được tuyển chọn để đưa vào bài đọc thứ II trong các Chúa Nhật cuối cùng của năm B (các Chúa Nhật từ 27-33) là loạt bài mang một hình thức khác. Vị giảng thuyết của chúng ta thích pha lẫn giáo lý với giáo huấn và chúng ta gặp cả hai lối viết đó trong những Chúa Nhật này.

Chúng ta bắt đầu với giáo lý. Các chương mở đầu của bài giảng thuyết đều nói về phẩm giá của con người Đức Kitô. Bài đọc ngắn trong Chúa Nhật 27 năm B (Dt 2,9-11) cho một cái nhìn tổng thể. Từ ngữ của nó nhắc ta nhớ đến hai đoạn thư của Thánh Phaolô. Trong thư gởi tín hữu Philipphê, Thánh Phaolô viết về sự khiêm hạ của Đức Kitô trong cuộc khổ nạn và sự vinh thăng qua cuộc phục sinh (Pl 2,6-11). Trong thư Roma, Thánh Phaolô dạy rằng Đức Kitô là trưởng tử giữa đàn anh em đông đúc (Rm 8,29). Các nhãn quan của Thánh Phaolô đã được kết hợp lại trong bài đọc này. Lối diễn tả này trau chuốt thêm bức chân dung của Đức Kitô đã được nói đến trong lời mở đầu của thư Do Thái mà chúng ta được nghe vào ngày lễ sáng Giáng Sinh.

Hai Chúa Nhật tiếp theo, chúng ta nghe giáo huấn hơn là giáo lý. Ở chương 3, nhà giảng thuyết suy tư dài dòng về Thánh vịnh 95 nói về dân Israel lang thang trong hoang mạc và không được vào chốn yên nghỉ của Thiên Chúa. Sự lang thang này lên đến đỉnh điểm trong bài đọc Chúa Nhật 28 năm B (Dt 4,12-13). Ông diễn tả Lời Chúa như thanh gươm hai lưỡi, một thứ gươm mà đao phủ sử dụng để thực hiện án lệnh của vị quan tòa. Đây là một ví dụ cho ngôn ngữ khiêu khích và quấy rối mà đôi khi ông sử dụng vì thấy sự nhiệt tình của một vài người đã trở nên nguội lạnh (Dt 6,6) hoặc trở nên uể oải không muốn nghe (Dt 5,11). Tuy nhiên, lối văn tiêu biểu của tác giả này là những đoạn văn khích lệ, cổ vũ. Bài đọc Chúa Nhật 29 năm B là một trong những đoạn như thế (Dt 4,14-16). Đoạn này cũng được dùng trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh: Chúa Giêsu được diễn tả như vị thượng tế. Ngài cũng được tả là vị thượng tế đáng tin cậy và đầy lòng thương xót (Dt 2,17). Chúng ta có thể mạnh dạn đến với Ngài và sẽ được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.

Bốn Chúa Nhật tiếp theo, nhà giảng thuyết giúp ta khám phá bản tính thượng tế của Chúa Giêsu. Đây là ý tưởng độc đáo nhất trong bài giảng thuyết này bởi vì không đâu trong Tân Ước gọi Chúa Giêsu là thượng tế. Các bản văn khác trích dẫn câu đầu của Thánh vịnh 110 nói về Chúa Giêsu là Chúa Con (Cv 2,34), nhưng chỉ có thư Do Thái trích dẫn câu trong thánh vịnh này nói về Chúa Giêsu là thượng tế “theo dòng Menkixêđê”. Vào Chúa Nhật 30 năm B (Dt 5,1-6), ta biết được rằng Chúa Giêsu là vị tư tế khác với những tư tế trong Kinh Thánh. Các tư tế trong Kinh Thánh thuộc dòng dõi Aaron, người anh tư tế của Môisen, hoặc là thuộc chi tộc Lêvi; Chúa Giêsu không liên quan gì đến những dòng dõi này. Chức tư tế của Ngài thuộc về một hình tượng tư tế bí ẩn là Menkixêđê. Sau này, vị giảng thuyết nói rằng Abraham đã gặp Menkixêđê và trả thuế thập phân cho ông, và như vậy là nhìn nhận ưu phẩm của ông (Dt 7,4; St 14,17-20). Trong chương 7 này tác giả đã nói nhiều về Menkixêđê (Dt 7,1-17), tiếc rằng tường thuật về cuộc gặp gỡ này không nằm trong phần Phụng vụ Lời Chúa ngày Chúa Nhật của chúng ta.

Chúa Giêsu làm nên một hình thức tư tế mới mẻ bởi vì Ngài không cần những người kế tiếp nhau làm tư tế như dòng dõi các tư tế của Cựu Ước và cũng bởi vì Ngài hằng sống muôn đời để chuyển cầu cho chúng ta. Cái chết không làm cho sứ vụ của Ngài chấm dứt như các tư tế khác. Ngài vẫn luôn thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời. Suy niệm này về chức tư tế của Đức Kitô đã được đọc lên vào ngày Chúa Nhật 31 năm B (Dt 7,23-28). Vào Chúa Nhật 32 năm B (Dt 9,24-28), sự chú ý của chúng ta quy về nơi thi hành sứ vụ của vị tư tế này. Trong sách Xuất Hành, cách xây Nhà Tạm cho tư tế thi hành sứ vụ đã được hướng dẫn cặn kẽ (Xh 26,1-37). Vua Solomon xây hẳn một Đền Thờ tại Giêrusalem (1 V 6). Vua Herod xây lại Đền Thờ này (Ga 2,20). Vị tư tế Giêsu không cần cung thánh do tay người làm nên bởi vì Ngài thi hành sứ vụ ở Cung Thánh trên trời và đó là nơi không bị phá hủy.

Bài đọc cuối cùng trong loạt bài này được đọc vào ngày Chúa Nhật 33 năm B, luận chứng hướng về vô số những hy lễ mà các tư tế thời xa xưa đã dâng lên nhưng chẳng bao giờ xóa đi tội lỗi. Trái lại, chỉ một hy lễ của Đức Kitô với tư cách là tư tế cũng đủ xá tội, thánh hóa những người mà Ngài dâng hy lễ cho họ. Như vậy,  dân Thiên Chúa trở thành hàng tư tế thánh, đây là giáo lý được nhấn mạnh trong thư 1 Phêrô (2,5) và sách Khải Huyền (1,6). Vị thượng tế của chúng ta vẫn ngồi bên cạnh Chúa Cha cho đến khi “kẻ thù được đặt làm bệ dưới chân người” (Tv 110,1); hay theo từ ngữ của Thánh Phaolô, cho đến khi “Ngài trao vương quyền lại cho Thiên Chúa Cha” (1 Cr 15,24). Các bài đọc thứ II năm B kết thúc với trích đoạn này (Dt 10,11-14.18).

Loạt bài thứ ba: đời sống Kitô hữu

Nếu các bài đọc năm B đem lại cách hiểu phong phú về Đức Kitô là tư tế, thì bốn trích đoạn trong năm C hướng dẫn cách áp dụng những giáo lý và lời khuyên này vào cuộc sống Kitô hữu hằng ngày.

Trích đoạn được chọn đọc vào Chúa Nhật 19 C (Dt 11,1-2.8-19) là bài đọc dài nhất trích thư Do Thái. Chúng ta đã nghe một phần trong ngày lễ Thánh Gia nói về Abraham và Sarah. Họ chỉ là hai hình tượng trong vô số những người sống đời sống đức tin thời xa xưa. Họ biết rằng Thiên Chúa hành động trong đời sống mình và tin tưởng vào hoạch định của Ngài dành cho tương lai. Abraham chứng tỏ đức tin khi Thiên Chúa bảo ông rời bỏ quê hương và thân thuộc (St 12,1). Dù mình đã già Sarah cũng đã cao niên, ông vẫn tin vào lời hứa của Thiên Chúa rằng mình sẽ làm cha nhiều dân tộc (St 15,7). Ông không do dự khi nhận lệnh Chúa truyền phải sát tế con mình là Isaac (St 22). Thánh Phaolô cũng đề cao ông Abraham như gương mẫu đức tin (Rm 4,17; Gl 3,6). Thiên Chúa của Abraham là một Thiên Chúa có quyền lực cho kẻ chết sống lại (Rm 4,24), và được người Hồi giáo, Do thái giáo và Kitô giáo tôn kính.

Trích đoạn thứ hai được đọc vào Chúa Nhật 20 năm C (Dt 12,1-4), vị giảng thuyết đưa chúng ta vào vận động trường. Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Côrintô cũng đã so sánh đời sống kitô hữu như cuộc chạy đua ở vận động trường  (1 Cr 9,25). Ngài biết rằng mình chưa chạm đến đích (Pl 3,12). Trong thời gian cuối cùng, ngài tự hào vì đã hoàn thành cuộc đua (2 Tm 4,7). Thư Do Thái mở rộng hình ảnh thể thao này. Chúng ta đang dự tranh cuộc đua đức tin  và một đám đông người đang nhìn xem chúng ta từ đám mây trên cao trong đó có cả những hình tượng vĩ đại của lịch sử cứu rỗi như Abraham và Môisen (Dt 11). Nhưng chỉ có một người đã chạy cuộc đua đức tin và đã thắng. Đó là Chúa Giêsu và Ngài cũng đang nhìn xem chúng ta nữa. Cuộc khổ nạn và cái chết là cuộc đua mà Ngài đã chạy. Ngài đã chịu đựng sự nhục nhã trên thập giá và dành được phần thưởng là được ngồi bên hữu Thiên Chúa (Tv 110,1; Pl 2,8-9; Lc 22,69).

Vào Chúa Nhật 20 năm C, vị giảng thuyết cho rằng đời sống của kitô hữu không dễ dàng gì, chúng ta như những đứa trẻ chịu huấn luyện bởi một người thầy đòi hỏi hay cha mẹ nghiêm khắc. Người cha nghiêm khắc huấn luyện kỷ luật cho con là một hình ảnh thường thấy trong truyền thống “khôn ngoan” của Do Thái giáo (Cn 5,12; Hc 23:2). Sự rèn luyện và mệnh lệnh đúng đắn sẽ đem lại thành công và tiến bộ. Vị giảng thuyết dùng hình ảnh này để an ủi các thính giả trong thời căng thẳng và chán nãn. Ông dùng những khả năng thân xác đẻ nói lên khả năng tinh thần: không còn những bàn tay bủn rủn, những đầu gối rã rời, tứ chi thương tổn! Một lần nữa ông đặt trước mặt họ hình ảnh của Chúa Giêsu, “Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (12:5-7, 11-13).

Trích đoạn cuối cùng được đọc vào Chúa Nhật 22 năm C (Dt 12,18-19.22-24) giới thiệu sự mâu thuẫn cuối cùng, lần này là giữa giao ước cũ và mới. Giao ước cũ trên núi Sinai được đánh dấu bằng sự tối tăm và bão tố, sấm sét và tiếng la đinh tai nhức óc, gây hoảng sợ. Trái lại, nét đặc trưng của giao ước mới mà Chúa Giêsu mang lại là thành Giêrusalem ở trên trời. Hằng hà sa số các thiên thần tham dự lễ hội. Các thánh hiện diện ở đó và quan trọng nhất là chính Chúa Giêsu, Đấng cầu xin cho chúng ta. Máu Ngài đã đổ ra để thanh tẩy chúng ta. Sách Khải Huyền giúp  ta hiểu rõ hình ảnh này. Ở đó chúng ta đọc thấy về phòng ngai báu của Thiên Chúa, nơi ngự của con chiên bị sát tế (Kh 5,6) và Giêrusalem mới từ trời xuống, nơi Thiên Chúa sống giữa dân người (Kh 21,2-3).

Đây là một bài giảng thuyết hay. Trong các bài đọc Chúa Nhật, chúng ta có cơ hội nghe những nét nổi bật của bài giảng thuyết đó là Thư Do Thái. Những người biên tập đã chọn ra những đoạn hay nhất bằng cách đọc toàn bộ bài giảng này. Chắc hẳn các bản văn được chọn lựa giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những ngày đặc biệt trong năm phụng vụ, về con người của Đức Kitô, Đấng “vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8), và về cách sống một đời sống kitô hữu, bởi vì “trên đời này, chúng ta không có thành trì bền vững, nhưng đang tìm kiếm thành trì tương lai” (Dt 13:14). Ta chưa biết ai là tác giả của Thư Do Thái, nhưng ông ấy xin chúng ta cầu nguyện cho mình (Dt 13,18) và ngược lại chúng ta cũng xin ông ấy cầu nguyện cho chúng ta.

Tác giả bài viết: Lm Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
Nguồn tin: Gpquinhon.org

Related posts