Yêu thương, tha thứ là bản chất của Thiên Chúa
YÊU THƯƠNG, THA THỨ
LÀ BẢN CHẤT CỦA THIÊN CHÚA
(Chúa Nhật 24 Thường Niên, C)
Jos.Vinc. Ngọc Biển
Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thường nghe đâu đó những lời bàn tán: “tại sao Thiên Chúa không phạt nhãn tiền những kẻ tội lỗi, kiêu căng, tự phụ và làm những chuyện gian ác! Thiên Chúa phải chăng dung túng cho những kẻ bất lương, để họ tha hồ lộng hành và ‘tác oai tác quái …?’” Khi có những suy nghĩ như vậy, chúng ta quên mất một điều căn bản về Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa làm những chuyện ngược lại với bản chất của Ngài, thì Ngài không còn là mình nữa, bởi vì “Thiên Chúa là Tình Yêu”.
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày cách tiệm tiến cho chúng ta thấy rất rõ về lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa qua các bài đọc.
- Ý Nghĩa Lời Chúa
Khởi đi từ bài đọc I: sách Xuất hành trình thuật cho chúng ta biết, sau khi rời khỏi Aicập, dân Do Thái là một toán người ô hợp, nên Thiên Chúa đã thiết lập Giao Ước với họ để củng cố trật tự cho dân. Chiếu theo những điều khoản trong quy định của luật Giao Ước, Thiên Chúa chọn dân Israel làm dân riêng của mình và dân chúng thì tôn thờ Thiên Chúa, trung thành với điều luật đã được ký kết. Tuy nhiên, không lâu sau khi ký kết Giao Ước, dân đã bội thề với Chúa, đã đúc và thờ bò vàng là một thứ ngẫu tượng thay thế Thiên Chúa. Tệ hơn và xúc phạm đến Thiên Chúa cách nặng nề là họ đã coi bò vàng như là Đấng đã giải thoát họ ra khỏi ách nô lệ bên Aicập. Thiên Chúa nổi nóng và muốn diệt trừ, nhưng qua Môsê, ông đã xin Chúa tha thứ cho dân, Ngài đã đồng ý và sẵn sàng tha, không còn có ý định tiêu diệt dân nữa.
Sang bài đọc II: thánh Phaolô nhắc lại cho ông Timôthê về lòng thương xót mà Thiên Chúa đã ban cho ông. Nếu Chúa không tha thứ, thì ông không thể được phần phúc biết và rao giảng về Đức Kitô Giêsu, bởi chưng trước kia ông là một người phỉ báng danh Chúa như chính ông đã bộc lộ: “Người đã kể cha là người trung tín, khi đặt cha thi hành chức vụ: dù trước kia cha là kẻ nói phạm thượng, bắt đạo và kiêu căng, nhưng cha đã được Thiên Chúa thương xót, vì cha vô tình làm những sự ấy trong lúc cha chưa tin”.
Đỉnh cao là bài Tin Mừng: bài Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu thường xuyên tiếp xúc với những người thu thuế và những người tội lỗi, vì họ rất thích nghe Ngài giảng. Thấy được điều đó, những người Pharisiêu và những người Biệt Phái liền xầm xì với nhau, đồng thời bàn tán về hành động của Đức Giêsu đang làm. Thấy vậy, Ngài mới kể cho họ nghe một loạt dụ ngôn, nhằm giúp cho họ nhận ra bản chất của Thiên Chúa.
Bắt đầu từ dụ ngôn “chiên lạc”: qua dụ ngôn này, Thiên Chúa được ví như người mục tử, sẵn sàng bỏ 99 con còn lại để đi tìm 1 con thất lạc. Con chiên lạc này mất vì lý do nào ta không biết, chỉ biết là nó đã tách ra khỏi đàn và biến mất khi chiều về. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể hiểu được rằng: nó đang trong hoàn cảnh cùng cực, lấm lem và đối diện với sự nguy hiểm vì không nhận được sự chăm sóc của chủ nó cũng như không có sự bảo vệ tập thể. Thấy được nỗi sợ hãi, bơ vơ… của chiên bị lạc và với bản chất của người chủ chiên tốt lành, ông đã lên đường đi tìm. Nếu xét về góc độ toán học thì ông chủ này quả là vô lý khi chấp nhận bỏ lại 99 con để chỉ đi tìm 1 con bị lạc. Vô lý vì 1 so với 99 thì 1 không có ảnh hưởng đến kinh tế là mấy. Mất 1 ông cũng không nghèo đi chút nào cả. Tuy nhiên, với ông thì sự giàu nghèo thua thiệt về số lượng không quan trọng, điều quan trọng chính là mỗi một con chiên đều có giá trị trước mặt ông, vì thế ông không thể để mất nó được. Một hành động hết sức gợi cảm, đó là ông chủ tìm được rồi thì vác nó lên vai. Hành động vác trên vai thể hiện sự trân trọng, yêu mến và nâng niu. Chấp nhận tha thứ tất cả và thể hiện tình thương trọn vẹn cho nó. Thiên Chúa là thế đó.
Tiếp theo là dụ ngôn “đồng bạc bị mất”: 1 đồng bạc ở đây chỉ có giá trị bằng một ngày công thời bấy giờ. Mất một đồng tức là bị mất một phần rất nhỏ về giá trị vật chất. Nhưng lạ kỳ thay, khi mất một đồng như vậy, người đàn bà đã làm mọi cách để tìm cho bằng được đồng bạc đã mất. Nào là thắp đèn, quét nhà, moi móc, và khi tìm được rồi thì vui mừng mời hàng xóm láng giềng đến chung vui. Hành vi này của người đàn bà trong dụ ngôn lại trở nên khó khăn hơn rất nhiều, bởi vì nhà của người Do Thái thời đó rất thiếu ánh sáng, trật trội. Còn nền nhà thì làm bằng đất và được phủ lên bằng những tấm liếp được đan bằng sậy và cành cây đã khô. Tìm một đồng bạc như vậy chẳng khác gì “mò kim đáy biển…”. Tuy nhiên, bà vẫn cố tìm, khi tìm được, bà sẵn sàng mời mọi người đến chung vui. Tìm được một đồng, mà lại mời hàng xóm đến chung vui thì quả là một người không biết tính toán. Nhưng không, bà nghĩ đồng bạc tìm thấy là cái gì đó gắn liền với bà, nên tìm được rồi thì niềm vui nhân lên gấp nhiều lần chi phí phải trả để mời bạn bè. Thiên Chúa là thế đó.
Cuối cùng là dụ ngôn “người con hoang đàng”: với người Do Thái thì việc xin cha mẹ chia gia tài cho mình lúc còn sống chính là một điều bất kính, chẳng khác gì mong cho cha mẹ chết sớm. Dụ ngôn cho thấy, ông chủ có hai người con, và lẽ dĩ nhiên hai người con của ông chính là điểm tựa lúc về già. Ấy vậy mà người con thứ đã ngạo ngược xin cha chia gia tài cho mình. Vì tình thương, và tôn trọng sự tự do, người cha không nghĩ gì cho mình, nên đã sẵn sàng chia gia tài theo ý con của mình xin. Có được tiền bạc trong tay, người con thứ ra đi, ăn chơi, đàn điếm và phung phí hết tiền bạc, kết cục bằng việc phải đi làm mướn bằng nghề chăn nuôi heo. Đây là công việc mà người Do Thái cho là ghê tởm và đáng bị nguyền rủa, bởi vì loài heo là loài ô uế và hình ảnh của Ma Quỷ. Sống trong tình trạng cơ cực như vậy, nó mới hồi tâm và quyết định trở về với cha mình. Khi nó trở về, người cha không hề oán trách tại sao mày ra nông nỗi này, hay tiền có còn hay hết, hoặc mày muốn đi thì cho đi luôn, đừng quay trở lại nữa. Không! Người cha đã trông mong nó trở về từ lâu, ngày nó ra đi cũng là ngày người cha sống trong hy vọng được gặp lại nó. Quả thật, khi nó quay về, ông vui mừng khôn siết, không cần suy nghĩ gì cả, và việc đầu tiên ông làm là ôm hôn nó. Sau đó là phục hồi nhân phẩm cho đứa con tội nghiệp của mình. Nào là: xỏ giầy vào chân cậu, đây là dấu chỉ của người được tự do, không còn là nô lệ cho ông chủ nào đó mà con ông đã từng bị bắt phải chăn heo. Trao nhẫn vào tay cho cậu, hành vi này thể hiện sự phục hồi hoàn toàn nhân phẩm cho đứa con một thời dại dột. Và, cuối cùng, ông đã mở tiệc ăn mừng vì việc con ông trở về. Sự trở về của người con thứ được ví như “đã mất mà nay tìm thấy, đã chết mà nay sống lại”. Thiên Chúa là thế đó.
- Sứ Điệp Lời Chúa
Như vậy, qua các bài đọc hôm nay, phụng vụ Lời Chúa làm toát lên bản chất của Thiên Chúa, một vị Thiên Chúa luôn yêu thương con người; Ngài là Đấng luôn luôn tha thứ, cảm thông và sẵn sàng chết cho người mình yêu. Thật vậy, bình thường, không một ai lại bất thường đến độ bỏ 99 con chiên để đánh đổi 1 con; mất một đồng bạc lại tốn công hại sức để đi tìm và tìm được rồi lại mở tiệc khao xóm giềng chỉ vì tìm được một đồng. Nhưng những điều xem ra nghịch lý đó được trở nên hợp lý khi chúng ta bước sang dụ ngôn thứ ba nói về người cha nhân hậu. Thật vậy, Thiên Chúa luôn luôn tha thứ và sẵn sàng chấp nhận tất cả, miễn là con người có sự trở về và tỏ lòng sám hối. Với Chúa, hình ảnh 1 con chiên và đồng bạc là một cái gì đó quý giá trước mặt Ngài, bởi vì mỗi người đều là một hữu thể duy nhất trước mặt Chúa, nên cần được Chúa yêu thương. Tấm lòng của Thiên Chúa là tấm lòng của một người cha nhân từ, tha thứ. Người Cha này không thể ngủ yên khi con của mình đang thiếu thốn tình thương, đang sống trong tình trạng nguy hiểm. Một người chủ chiên không thể nào “bình chân như vại” khi biết trước được vận mệnh của con chiên đi lạc. Một người phụ nữ không thể nào chấp nhận mất đi cái mà mình luôn coi trọng vì nó gắn liền với cuộc sống của bà. Thiên Chúa là như thế đó. Ngài đã yêu là yêu đến cùng. Thật vậy, tận cùng của tình yêu là yêu không giới hạn.
- Sống Lời Chúa Trong Cuộc Sống Hôm Nay
Chúng ta thật hạnh phúc vì có một vị Thiên Chúa giàu lòng xót thương, một vị Thiên Chúa luôn đồng hành, tha thứ và xóa bỏ hết những tội lỗi cho chúng ta cho dù tội của chúng ta có nặng tới đâu: “dù tội con có đỏ như son, Ta cũng làm cho trở nên trắng như tuyết. Có thẫm tựa vải điều, Ta cũng làm nên trắng như bông”. Vì thế, noi gương Chúa, chúng ta cần phải có thái độ tha thứ và nhận định đúng về người anh chị em của chúng ta. Không ai là xấu hết, cũng như không ai là tốt hết. Đã là con người, ai cũng có những sự bất toàn của mình. Thái độ của chúng ta đôi khi cũng giống như những người Biệt Phái và Kinh Sư khi xưa là tìm cách bắt bẻ anh chị em mình để “bới lông tìm vết” và vạch trần những tội lỗi của anh chị em. Đôi khi lại còn thích thú khi thấy người khác sa ngã, vì đây là cơ hội để mình lên mặt dạy đời, hay có những khi tỏ vẻ nhân từ để sửa lỗi cho anh chị em mà lại vô tình đẩy anh chị em chúng ta vào chỗ chết.
Thật vậy, Lời Chúa ngày hôm nay dạy cho chúng ta phải có lòng nhân từ đích thực như Thiên Chúa, phải vui mừng vì thấy người anh chị em chúng ta sám hối trở về, đừng bao giờ vội kết luận người khác là “đồ bỏ”. Muốn làm được điều đó, thiết nghĩ mỗi chúng ta cũng cần nhận ra mình là kẻ tội lỗi và đã được Chúa yêu thương. Biết bao lần nếu Chúa không cho chúng ta có cơ hội để làm lại thì ta đã mất ơn nghĩa với Chúa từ lâu rồi. Trong kinh Vực Sâu có viết: “Nếu Chúa chấp tội thì nào ai rỗi được”.
Thật vậy, trước mặt Chúa, chúng ta phải thành thật mà thú nhận rằng: đôi khi chúng ta không phải là đứa con đi hoang, ra khỏi nhà để sống một cuộc sống trụy lạc như người con thứ, song nhiều lúc, chúng ta lại đi hoang trong cõi lòng. Môi miệng thì đọc kinh, hằng ngày vẫn đi lễ, nhưng hành động và thái độ yêu thương lại quá xa vời hay hời hợt với tinh thần của Chúa. Có những người nói là con chiên ngoan đạo, nhưng không thể hướng một ánh mắt thân thiện, một nụ cười cởi mở, một cái bắt tay chân tình với những người mà ta không ưa. Như vậy, chúng ta chính là những người đang đi hoang, lạc đàn về tâm linh như người con cả. Ở trong nhà cha mà bấy lâu anh ta cứ tưởng mình như người làm công cho cha mà thôi, và tệ hơn nữa là có những hành xử thiếu tình gia đình với em của mình.
Như vậy, nếu Thiên Chúa đã tỏ lòng nhân hậu với chúng ta, mặc dù chúng ta đáng tội chết, thì đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải yêu thương và sẵn lòng tha thứ cho những người xúc phạm đến ta. Kinh nghiệm cho thấy, chúng ta không thể tha thứ được cho người khác là vì chúng ta luôn nghĩ mình tốt lành hơn họ. Nhưng trong thực tế, đôi khi tội của ta còn nặng hơn gấp bội lỗi của anh chị ta, chỉ có điều tội của ta thì không ai biết nên ta dễ dàng vênh vang và tự phụ, nhưng Chúa biết cả. Bao lâu chúng ta nghĩ mình cũng là người yếu đuối và đã được Thiên Chúa yêu thương thì chúng ta cũng cần tha thứ cho nhau như Chúa đã tha thứ cho chúng ta.
Lạy Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Xin tha thứ cho những thiếu xót của chúng con; đồng thời xin ban cho mỗi chúng con cũng có một trái tim, ánh mắt nhân từ như Chúa, để chúng con sẵn sàng tha thứ cho người khác khi họ xúc phạm và có lỗi với chúng con. Amen.