Năm C 

Linh mục không phải là ông chủ, nhưng là tôi tớ của đàn chiên

 CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN C

Linh mục không phải là ông chủ, nhưng là tôi tớ của đàn chiên

Xh 32,7-11.13-14
1Tm 1,12-17
Lc 15,1-32
Chúa nhật hôm nay chúng ta đọc các dụ ngôn của thánh sử Luca về lòng thương xót, cùng chung với 3 bài đọc Kinh thánh của phụng vụ Lời Chúa, cho phép chúng ta đặc biệt áp dụng giáo huấn này đối với hình ảnh và sứ vụ của linh mục.Trước hết, trang Tin mừng giới thiệu hình ảnh của người mục tử, người đi tìm kiếm chiên lạc trong sa mạc, mạc khải về lòng thương xót của Thiên Chúa Cha trong Đức Kitô, cũng như ám chỉ rõ ràng về thái độ của mỗi linh mục, được mời gọi tìm kiếm những người đang quay lưng lại với đoàn chiên của ơn cứu độ. Dụ ngôn tiếp theo sau cũng chung một bài học như vậy.Trong phần thứ hai của Tin mừng, Chúa Giêsu kể về dụ ngôn người cha giàu lòng thương xót và đứa con hoang đàng. Qua dụ ngôn này chúng ta lưu ý chỉ một điều : đứa con hoang đàng đang ở trong nhà cha mình, anh không muốn sống như một người con, anh muốn tự thay thế cha mình : vì thế anh đòi quyền  quản lý phần tài sản của mình, để có được nó, để có thể sống như ông chủ của những thứ đó và của những người ông gặp gỡ, qua đó anh sẽ dùng ảnh hưởng của mình bằng cách sử dụng của cải đã nhận được. Tuy nhiên, trong khi anh ở trong nhà, dưới sự hướng dẫn khôn ngoan của cha mình, anh đã có thể tận hưởng được tất cả những mối lợi của vị thế làm con của mình; nhưng trái lại, giờ đây anh đã tiêu hoang tất cả, kết thúc trong sự khốn khổ, bị bạn bè thân thích bỏ rơi, bởi vì họ đã kết giao với anh chỉ vì lợi ích của họ, và có thể lấy hết tất cả những gì người con hoang đàng có trong tay.

Đây cũng là vấn đề cay đắng của mỗi linh mục trong nhà Chúa, là Giáo hội. Vị linh mục muốn hành động không như người con, mà như một ông chủ. Người con hoang đàng là hình ảnh rõ ràng của những người tội lỗi, và cũng bao gồm hình ảnh của linh mục, người không biết tự kiềm chế và không cư xử như thừa tác viên của Thiên Chúa (Minister, tiếng la tinh có nghĩa là tôi tớ). Và như vậy, linh mục muốn nắm giữ quyền bính trong tay mình : ngài quyết định! Và cũng có thể, linh mục làm cho một số người bị ràng buộc với ngài, vì một số lý do, ngoại trừ một điều : cùng đồng hành với nhau hướng về Thiên Chúa. Nhưng cuối cùng, điều gì còn lại trong đôi tay của vị linh mục, người đã đặt cuộc sống mình theo cách này? Sự nghèo nàn của cuộc sống và của một thừa tác viên bị thất bại. Cho nên, linh mục phải khôn ngoan và trở về với Cha, để sống như là người con và tôi tớ của cha. Phải ở lại trong nhà, vâng phục Thiên Chúa, và chỉ như vậy linh mục mới có thể làm trổ sinh hoa trái tốt đẹp.

Trong bài đọc I, bài học này đã được tiên báo. Dân tộc tội lỗi và Thiên Chúa, có lẽ để thử thách Môsê, Người nói với ông : “Dân của ngươi, dân mà ngươi đưa ra khỏi đất Ai-cập, đã bị hư hỏng”. Đứng trước hoàn cảnh này, Môsê có thể quyết định để giải quyết vấn đề một mình, bằng nổ lực và bằng những quyết định độc lập của mình : “Tôi đã đưa dân tộc này ra khỏi Ai-cập, giờ đây họ không còn lắng nghe những chỉ dẫn của tôi, tôi sẽ giải quyết vấn đề theo cách này….”

Nhưng Môsê là người của Chúa và là tôi tớ của Thiên Chúa : ông biết rằng dân này không phải của ông; ông biết rằng ông là người trung gian giữa Thiên Chúa với dân, một thừa tác viên của Thiên Chúa bên cạnh dân, là những người còn sót lại của Chúa chứ không phải của ông. Cho nên ông trả lời : “Lạy Chúa, tại sao Chúa nổi cơn thịnh nộ với dân mà Chúa đã dùng quyền lực và cánh tay hùng mạnh đưa ra khỏi đất Ai-cập?. Môsê trả lời rất hay : Dân tộc này đã được Thiên Chúa giải thoát chứ không phải ông. Sau câu trả lời đầy khôn ngoan, Thiên Chúa đã ra tay can thiệp. Như là dân của Người, Người sẽ sửa dạy những lỗi lầm, tha thứ tội lỗi và sẽ chỉ ra lối đi để đi lại hành trình tiến về đất hứa.

Linh mục không phải là ông chủ, nhưng là tôi tớ của đoàn chiên. Những con chiên là của Thiên Chúa, chúng thuộc về Người và Người sẽ hướng dẫn chúng. Cho dù có muốn thực hiện nó bằng cách thừa nhận quyền bính thực sự cho các thừa tác viên của mình trên thế gian, với lý do này họ xứng đáng được lắng nghe, vâng phục và cả được tôn kính. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là họ có thể nâng mình lên trên bệ lý tưởng một cách kiêu ngạo và cho mình sở hữu những chìa khóa của sự hiểu biết, bằng cách đó họ đã không vào, mà những kẻ muốn vào, cũng không được vào (x. Lc 11,52).

Điều thực sự giúp các linh mục vẫn khiêm nhường và nhận ra sự lớn lao của ơn sủng đã lãnh nhận mà không cần chạy theo thói kiêu căng, tự mãn, là kiên trì suy niệm về chính sự bé nhỏ của con người, giải quyết nó, cố gắng phân tích lương tâm mình và thực hành bí tích hòa giải thường xuyên, ngay cả trong trường hợp không có tội trọng, được xem như là thuốc giải hữu hiệu cho sự nông cạn và kiêu căng.  Trong bài đọc thứ hai, Thánh Phaolô đã thừa nhận mình như là tội nhân, chính trong giây phút mà ngài nhận ra sự lớn lao của đặc sủng tông đồ đã lãnh nhận từ Đức Kitô, ngài nói : “Cha cảm tạ Đấng đã ban sức mạnh cho cha là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, vì Người đã kể cha là người trung tín, khi đặt cha thi hành chức vụ: dù trước kia cha là kẻ nói phạm thượng, bắt đạo và kiêu căng […] Đức Giêsu Kitô đã đến trong thế gian này để cứu độ những người tội lỗi, trong số ấy, cha là người thứ nhất”. Điều quan trọng căn bản là linh mục thường xuyên lặp lại những điều này hoặc bằng những lời đơn giản : “Chúa Kitô đã sai tôi tìm những con chiên lạc, để cứu độ những người tội lỗi, nhưng trong số đó tôi là người thứ nhất! Ngay sau khi tôi đã nhận được lòng thương xót, tôi cũng sẽ đi gặp gỡ anh em bằng cách mang theo tôi lòng thương xót của Thiên Chúa”.

Trong ánh sáng của Lời Chúa hôm nay, chúng ta nổ lực cầu nguyện liên lỉ và tiếp tục như vậy, để các linh mục ý thức được sự nhỏ bé của con người là món quà đặc biệt của ân sủng đã nhận được, luôn biết tìm kiếm với lòng nhiệt thành để quyến rũ những con chiên trong đàn chiên của Đức Kitô, đưa chúng đến đồng cỏ xanh rì của cuộc sống bất tử.

Giuse Võ Tá Hoàng

Related posts