Giáo hội như một gia đình và Giáo hội là một ở khắp nơi.
1. Câu trả lời ngắn gọn đó là chúng ta tìm thấy điều đó trong Giáo lý Hội thánh Công giáo, đã minh định rằng : Giáo hội Công giáo rải rác trên thế giới “chỉ có một đức tin, một bí tích, một kế vị tông đồ duy nhất, có chung một đức cậy, một đức ái” (s. 161). Đó là một định nghĩa hay, rõ ràng, định hướng tốt cho chúng ta. Hiệp nhất trong đức tin, đức cậy và đức ái, hiệp nhất trong các Bí tích, Sứ vụ : nó giống như những cột trụ nâng đỡ và giữ vững toàn bộ tòa nhà duy nhất rộng lớn của Giáo hội. Chúng ta đi đến khắp nơi, kể cả trong giáo xứ nhỏ nhất, ở một góc hẻo lánh nhất của trái đất này, đều có một Giáo hội duy nhất; chúng ta là một ngôi nhà, một gia đình, chúng ta là anh em với nhau. Đây là ân sủng lớn lao của Thiên Chúa. Chỉ có một Giáo hội cho tất cả mọi người.
Không có Giáo hội dành cho người Châu âu, Châu phi, Châu mỹ, Châu á, hay cho người sống ở Châu đại dương. Không! Giáo hội là một ở khắp nơi. Giáo hội như một gia đình : ta có thể ở xa nhau, rải rác trên thế giới, nhưng liên hệ mật thiết với nhau, hợp nhất tất cả mọi thành viên trong gia đình, giữ nhau bền chặt dẫu cho khoảng cách thế nào. Chẳng hạn, tôi nghĩ đến kinh nghiệm của ngày Đại Hội Giới Trẻ thế giới ở Rio de Janeiro : nơi đám đông mênh mông của những người trẻ trên bãi biển Copacabana, người ta được nghe rất nhiều ngôn ngữ, được thấy rất nhiều khuôn mặt khác nhau giữa họ, được giao lưu giữa các nền văn hóa khác nhau, thế nhưng có một sự hiệp nhất sâu xa, đã làm nên Giáo hội duy nhất, được hiệp nhất và người ta đã cảm nhận được nó. Tất cả chúng ta hãy tự hỏi : Là người công giáo, tôi cảm nhận được sự hiệp nhất này như thế nào? Là người công giáo, tôi sống với sự hiệp nhất của Giáo hội như thế nào? Hay là tôi không quan tâm, bởi vì Giáo hội bị khép kín trong một nhóm nhỏ, trong chính tôi? Hay Giáo hội là một thứ “tư hữu” dành riêng cho một nhóm, một quốc gia, hay cho những người thân? Thật buồn khi tìm thấy một Giáo hội “tư hữu” dành riêng cho sự ích kỷ, thiếu đức tin. Thật buồn! Khi tôi nghe nói có nhiều tín hữu trên thế giới đau khổ, tôi có dững dưng hay đau khổ như một thành phần gia đình không? Khi tôi nghĩ hay nghe nói rằng có nhiều tín hữu bị bách hại và cũng như hiến dâng cuộc sống vì đức tin của mình, điều này có đụng tới được trái tim tôi hay nó không đến được với tôi? Tôi có cởi mở cho tất cả anh chị em trong gia đình đang dâng hiến đời sống cho Chúa Giêsu Kitô không? Chúng ta có cầu nguyện cho người khác hiệp nhất không? Tôi đặt ra cho anh chị em câu hỏi, nhưng đừng trả lời to tiếng, chỉ trả lời trong tâm hồn thôi : Bao nhiêu người trong anh chị em cầu nguyện cho các kitô hữu đang bị bách hại? bao nhiêu? Mỗi người trả lời trong tâm hồn mình. Tôi có cầu nguyện cho anh chị em đang gặp khó khăn, để tuyên xưng và bảo vệ đức tin của mình không? Quan trọng là nhìn ra bên ngoài từ tường rào của chính mình, để cảm nhận được mình là Giáo hội, gia đình duy nhất của Thiên Chúa.
2. Chúng ta bước sang một bước khác và tự hỏi : có bao nhiêu vết thương cho sự hiệp nhất này? Chúng ta có thể làm tổn thương sự hiệp nhất này không? Thật không may, chúng ta thấy rằng trong hành trình lịch sử, cũng như hôm nay, chúng ta không sống hiệp nhất mãi. Đôi khi nảy sinh những hiểu lầm, xung đột, căng thẳng, chia rẽ, làm tổn thương sự hiệp nhất, và như thế Giáo hội không có khuôn mặt mà chúng ta muốn, không bày tỏ được đức ái là điều Thiên Chúa muốn. Chúng ta tạo ra những vết rách! Nếu chúng ta để ý đến các chia rẽ vẫn còn đó giữa các tín hữu công giáo, chính thống, tin lành… Chúng ta cảm thấy khó làm hiện diện được cách trọn vẹn sự hiệp nhất này. Thiên Chúa cho chúng ta sự hiệp nhất, nhưng chúng ta thường thấy khó khăn sống hiệp nhất. Cần phải tìm kiếm, xây dựng tình hiệp thông, giáo dục sự hiệp thông, vượt qua những hiểu lầm và chia rẽ, bắt đầu trở lại từ gia đình, từ thực tại giáo hội, hoặc trong việc đối thoại đại kết. Thế giới của chúng ta cần hiệp nhất, là thời điểm tất cả chúng ta cần phải hiệp nhất. Tất cả chúng ta cần phải hòa giải, hiệp thông và Giáo hội là ngôi nhà hiệp thông. Thánh Phaolô đã nói cho các tín hữu Êphêsô rằng : “Thật vậy, tôi là người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau.” (Eph 4,1-3)
Khiêm tốn, hiền từ, nhẫn nại, yêu thương để giữ được sự hiệp nhất! Đây là những con đường, những con đường đích thực của Giáo hội. Chúng ta hãy nghe lại một lần nữa. Khiêm nhường chống lại kiêu căng, ngạo mạn. Khiêm tốn, hiền từ, nhẫn nại, yêu thương để giữ được sự hiệp nhất. Thánh Phaolô nói tiếp : “chỉ có một thân thể, là Đức Kitô mà chúng ta lãnh nhận trong bí tích Thánh Thể; Chỉ có một Thánh Thần, Đấng linh hoạt và luôn luôn tái tạo Giáo hội; chỉ có một đức cậy, là cuộc sống vĩnh cửu; chỉ có một đức tin, một Phép rửa, một Thiên Chúa là Cha tất cả mọi người (x. Eph 4, 4-6). Sự phong phú của điều hiệp nhất chúng ta! Đó là phong phú đích thật : là điều hiệp nhất chúng ta, không phải chúng chia rẽ chúng ta. Đó là sự phong phú của Giáo hội! Hôm nay mỗi người hãy tự hỏi : Tôi có làm phát triển sự hiệp nhất trong gia đình, giáo xứ, cộng đoàn hay tôi là người hay ba hoa chích chòe? Có phải tôi là cái cớ của chia rẽ và gây khó chịu không? Nhưng anh chị em không biết sự dữ đang gây ra cho Giáo hội, giáo xứ cộng đoàn, là những tin đồn nhảm! Gây ra điều xấu! Các tin nhảm nhí làm tổn thương Giáo hội. Người tín hữu trước khi nói xấu phải uốn lưỡi! Đúng hay không? Phải uốn lưỡi : Điều này làm cho chúng ta tốt hơn, bởi vì cái lưỡi căng phồng lên thì không thể nói, không thể nói xấu. Tôi có tính khiêm tốn may lại những vết thương cho cộng đoàn bằng sự nhẫn nại, hy sinh không?
3. Sau cùng chúng ta tiến một bước sâu xa hơn. Đây là một câu hỏi hay : Ai là động cơ cho sự hiệp nhất của Giáo hội? Đó là Chúa Thánh Thần mà tất cả chúng ta đã lãnh nhận trong Phép rửa cũng như trong Bí tích Xức dầu. Đó là Chúa Thánh Thần. Hiệp nhất của chúng ta không phải là hoa quả đầu tiên của sự ưng thuận, của nền dân chủ trong Giáo hội, của việc ép buộc để đi đến đồng ý, nhưng hiệp nhất đến từ Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho Giáo hội hiệp nhất trong sự khác biệt, vì Chúa Thánh Thần là sự hài hòa, luôn tạo ra hài hòa trong Giáo hội. Hiệp nhất hài hòa trong tất cả mọi khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và tư tưởng. Chúa Thánh Thần là động cơ. Vì thế điều quan trọng là hãy cầu nguyện, đó là linh hồn của việc dấn thân của mỗi người nam nữ cho tình hiệp thông và hiệp nhất. Hãy cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, để Người đến và làm nên sự hiệp nhất trong Giáo hội.
Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa : Lạy Chúa xin ban cho chúng con được hiệp nhất nhiều hơn nữa, đừng bao giờ để con là khí cụ của chia rẽ; Xin cho chúng con biết dấn thân, như lời cầu nguyện hay nhất mà thánh Phanxicô đã nói : đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp…..