LTS: Trong số các tác giả gởi bài dự thi “Giải viết văn đường trường” lần thứ I-2013, đã xuất hiện khá nhiều cây bút trẻ. Đặc biệt có 3 thành viên của CLB Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn tham gia giải, và cả 3 bạn đều đạt “giải triển vọng” của cuộc thi: Trịnh Thị Huyền Trân, Thân Thị Hồng Kiều, Ngô Gia Hy. Đây là một tín hiệu đầy lạc quan và tin tưởng cho tương lai của CLB.
CLB có lời chúc mừng và xin giới thiệu các tác phẩm đạt giải của 3 bạn trẻ này. Mong các cây bút văn xuôi của CLB hết sức cố gắng và mạnh dạn gởi bài dự giải lần thứ II-2014 vẫn đang tiếp tục được phát động.
MÀU HỒNG CUỘC SỐNG
Maria Trịnh Thị Huyền Trân (Gx.Kim Châu)
Mùa hè rộn rã, vui vẻ và hào hứng của năm lớp 11 đã trôi qua một cách nhanh chóng. Tôi lại chuẩn bị học lên một lớp nữa. Hôm đó, khi đã nhận lớp, sắp xếp chỗ ngồi và phân công ban quản lý lớp xong xuôi, cô giáo thông báo chúng tôi chính thức là những học sinh lớp 12. Lớp chúng tôi mới học qua bốn tuần đầu thì có một cô bạn từ Nha Trang chuyển ra. Thật tình mà nói thì tôi không thích cô bạn mới này cho lắm. Có lẽ vì cô ấy xinh đẹp, ăn nói dịu dàng, dễ thương hơn tôi; lại là con nhà giàu có, học giỏi nên tôi càng thêm ganh tị. Bởi vậy, tôi không bao giờ nói chuyện với cô bạn mới mặc dù chúng tôi ngồi cùng một bàn với nhau. Thậm chí là cả tháng sau tôi mới biết họ tên đầy đủ của bạn ấy là Nguyễn Huyền Trang. Đôi lúc, Trang có bắt chuyện với tôi, nhưng lúc nào tôi cũng trả lời cộc lốc, thỉnh thoảng còn kèm theo cái trừng mắt nảy lửa.
* * *
Một bữa nọ, nhân dịp ngày quốc tế phụ nữ 8/3, cả lớp chúng tôi quyết định tổ chức một bữa tiệc liên hoan linh đình. Tôi và Trang có nhiệm vụ đi đặt chỗ ở quán ăn. Phải làm việc chung với người mình ghét quả là không vui và không hứng thú tí nào! Vậy nên mặt mũi tôi lúc nào cũng tối sầm lại. Nhưng rồi do mệt và đói, hai chúng tôi ghé vào một tiệm phở bình dân nằm ở ven đường. Lúc cô bán hàng bưng bát phở thơm lừng, nóng hổi còn nghi ngút khói đến trước mặt Trang, thì tôi mới biết một điều mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Mắt mở to, miệng há hốc, tôi ngạc nhiên vô cùng khi thấy Trang làm Dấu Thánh Giá một cách kính cẩn trước khi ăn. Thì ra Trang là người Công giáo. Vậy mà bấy lâu nay tôi không hề biết. Có phải tôi vô tâm quá chăng? Đang mải mê suy nghĩ, chợt nghe giọng Trang dịu dàng lên tiếng:
– Này, Trân ăn đi chứ! Phở nở trương ra hết rồi kìa!
Tôi giật mình nhìn xuống bàn thì thấy bát phở đã được bưng ra từ hồi nào. Tôi đáp lại gọn trơn:
– Biết rồi!
Đang chuẩn bị ăn thì Trang lại lên tiếng:
– Trân không làm dấu cảm ơn và mời Chúa ăn cùng sao?
Mặt đỏ bừng lên vì cảm giác xấu hổ, tôi ậm ừ trả lời cho qua chuyện: “Tui quên!”, rồi cúi gầm mặt xuống không nói một tiếng nào.
Thật ra đằng sau câu trả lời ấy là một sự dối trá, một sự bao biện cho hành vi sai trái của mình. Sự thật là tôi đâu có quên, tôi vẫn nhớ như in những gì giáo lý dạy là phải tự hào mình là con Thiên Chúa. Nhưng tôi đã sợ ánh mắt của mọi người, sợ tiếng nói xì xào của dư luận. Tôi sợ người ta biết mình là người có đạo, tôi thấy xấu hổ khi để họ trông thấy mình làm dấu. Vậy mà Trang lại…
Nhưng tôi vẫn quyết định làm theo sự bao biện lừa bịp đó, mặc dù tôi biết điều này là không tốt và đáng xấu hổ đối với một người đạo gốc như tôi. Tôi cảm thấy cay cú với Trang ngày một nhiều thêm. Bởi vì chính Trang – một người tôi ghét cay ghét đắng – lại thấy được lỗi sai của tôi mà không phải ai khác! “Có khi nào chính Chúa sắp đặt việc này chăng?” – Tôi tự hỏi.
* * *
Bây giờ, tự dưng cơn đói trong tôi không còn tồn tại. Tôi chỉ mãi tập trung suy nghĩ về việc làm sai trái vừa rồi của mình. Và thỉnh thoảng tôi liếc mắt nhìn sang bàn ăn bên cạnh, đang có một bà mẹ và bốn đứa con nhỏ ngồi ăn. Trông họ không được khá giả mấy, nói đúng hơn là có vẻ nghèo đói. Quần áo họ mặc trên người thật sự rất cũ, cũng có vài chỗ vá lại nhưng được cái là rất tinh tươm, sạch sẽ. Họ ăn một cách ngon lành. Những đứa nhỏ luôn miệng tíu tít khen ngon. Đôi lúc, chúng còn nghịch ngợm trêu đùa với nhau và phá lên cười. Trông chúng thật trong sáng hồn nhiên hệt như những thiên thần.
Lúc họ ăn xong cũng là lúc tôi đến quầy tính tiền. Sau khi đã trả phần mình, tôi toan vội bỏ đi trước để khỏi về cùng Trang. Đột nhiên tôi thấy mặt người phụ nữ tái xanh, có vẻ bối rối và lúng túng. Cô ấy cứ loay hoay tìm cái gì đó mà tôi không biết. Lúc này, Trang cũng đang chăm chú nhìn cử chỉ kì lạ của người phụ nữ. Bất giác, người phụ nữ lững thững đi đến quầy rụt rè hỏi:
– Chị ơi, phần em hết bao nhiều tiền?
– 100 ngàn – một phần người lớn và bốn đứa nhỏ.
– Chị ơi! Em lỡ làm mất tiền… chỉ còn ít thôi… Em thật sự xin lỗi chị… em…
– Này! Ăn xong rồi định quỵt tiền sao? Đúng là cái đồ…
– Chị ơi! Mong chị…
Nhìn lũ trẻ ngơ ngác thật tội nghiệp. Chợt tôi thấy Trang mở túi xách, rút ra tờ 100 ngàn vứt xuống đất, rồi thản nhiên nhặt lên như không có chuyện gì, chạy thật nhanh tới chỗ người phụ nữ đáng thương ấy.
– Cô ơi! Cô đánh rơi tiền này!
Người phụ nữ nước mắt lưng tròng, chợt hiểu ra ý của Trang, lấy tay gạt nước mắt, nhận lấy tiền và đưa cho người bán hàng.
Khi đã thanh toán tiền xong, người phụ nữ quay lại nghẹn ngào nói:
– Cảm ơn, cảm ơn cháu… Tất cả việc làm này của cháu cô sẽ không quên. Nó thật sự ý nghĩa với cô và cả bốn đứa con cô nữa. Cảm ơn vì đã cho những đứa con cô thấy được màu hồng cuộc sống – một màu hồng chan chứa tình thương con người. Chúng đã thấy được một cử chỉ ấm áp tình đồng loại mà trước giờ chúng chưa nhận được từ những người khác, kể cả ba của chúng. Nhờ đó mà chúng tiếp tục hi vọng, tin tưởng vào cuộc sống và hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.
Nói xong, người phụ nữ lặng lẽ cầm tay các con bước ra khỏi quán. Nhìn họ khuất dần, mất hút vào dòng người xô bồ tấp nập, tôi đã khóc và Trang cũng vậy. Những giọt nước mắt đồng cảm cứ tuôn rơi trên gò má của hai đứa.
* * *
Hai chúng tôi lặng lẽ dắt xe ra về. Chợt Trang lên tiếng:
– Trông họ thật đáng thương phải không Trân?
– Ừ… Mà Trang không thấy tiếc sao?
– Tiếc gì?
– 100 ngàn ấy…
– À… Không đâu! Giúp người gặp khó khăn là việc nên làm mà! “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”… Có phải Chúa dạy như thế không Trân nhỉ?
Trang khúc khích cười một cách thân thiện.
– Ừ! Trang nói đúng. – Tôi đáp lại.
– Mình là người giúp việc nhà Chúa nên phải làm như thế thôi. Một người giúp việc có ích, một người giúp việc đúng nghĩa cho chủ mình.
“Một người giúp việc” sao? – Tôi nghĩ thầm và chợt cười tủm tỉm. Hình như đây là lần đầu tiên tôi cười với Trang, lần đầu tiên tôi tỏ ra thân thiết với Trang như thế. Tự dưng tôi thấy hối hận quá! Tôi muốn xin lỗi Trang vì tất cả, nhưng không tài nào mở miệng được nên đành im lặng.
– Bầu trời lúc hoàng hôn thật đẹp phải không Trân? – Trang hỏi.
– Ừ! Bởi vì nó có màu hồng đấy, màu hồng của tình người… Này “người giúp việc”, chúng ta về nhanh thôi! – Tôi thúc giục.
Trên đường về, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về những chuyện đã xảy ra trong ngày hôm nay, ngày đã cho tôi một bài học quí giá…
Xin hãy tha thứ cho con, Chúa ơi! Xin hãy để con trở nên người giúp việc nhà Chúa, trở nên một tôi tớ trung thành rao giảng Tin Mừng bằng cuộc sống đời thường. Cảm ơn Chúa, vì Ngài đã ban cho đời có những người như Trang, để tô cho cuộc sống tươi đẹp những màu hồng…
Cảm ơn Chúa!
Cảm ơn Trang!
TRONG LÒNG BÀN TAY
Maria Thân Thị Hồng Kiều (Gx.Cây Rỏi)
Trong cuộc đời mỗi người luôn có những điều bản thân mình chẳng hề mong đợi nhưng nó vẫn đến, vẫn xảy ra. Không mong đợi, bởi theo suy nghĩ của ta kết quả nó mang lại chẳng tốt đẹp gì. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh được rằng những việc không mong đợi chưa hẳn đã là xấu. Bởi chính những điều không ngờ đến, không tính trước được, mới có thể mang đến những kết quả tốt đẹp mà ngay cả trong mơ ta cũng không dám mơ đến. Ba tôi và mẹ tôi đã có một “happy ending” mà tới tận bây giờ, trong những bữa cơm gia đình, ba vẫn luôn nói với chúng tôi rằng đây là điều hạnh phúc mà ba chưa bao giờ dám mơ đến.
Những tháng ngày của tuổi 20 tràn đầy sức sống và khát khao, có một người thanh niên đã đem ném tất cả cuộc sống của mình vào những canh bạc thâu đêm, những bữa nhậu triền miên nơi công xưởng. Với dáng vẻ gầy gò, tuổi 20 dường như không hiện hữu trên khuôn mặt đó. Sự u buồn nơi đôi mắt sâu, thâm quầng vì thức đêm, thêm vào đó là hàm râu quai nón rậm rạp, tất cả như làm nhân đôi số tuổi của ba ngày ấy. Tôi vẫn giật mình mỗi khi nhìn người đàn ông trong tấm ảnh đó và nhìn ba tôi của hôm nay, dường như đó không phải là ba.
Những ngày đó ba tôi đi làm ở hợp tác xã mành trúc. Việc làm cũng không mấy nặng nhọc, lại tính theo sản phẩm cho nên ba chẳng nôn nao gì và chẳng cần cố gắng mấy, cứ thư thả nhởn nhơ vừa làm vừa chơi. Phía nội tôi cũng khá giả, cho nên ba không phải lo chuyện cơm áo thường ngày hay phải phụ giúp gì. Số tiền lương kiếm được ba chỉ dành cho những cuộc giải trí khuây khỏa mà thôi. Ngoài giờ làm việc, ba vẫn thường ở lại xưởng hoặc đi chơi với bạn bè chứ không thích về nhà.
Năm đó, mẹ tôi 19 tuổi. Cô gái 19 ngày đó không những gây ấn tượng với mọi người bởi mái tóc dài đen huyền, được tếch con rết dài tận ngưỡng chân, mà còn bởi sự siêng năng chăm chỉ và cần mẫn. Mẹ tôi là chị cả trong gia đình, mẹ phải nghỉ học từ lớp 5 để nhường cho các cậu và dì tôi đi học. Bằng sự tháo vát đảm đang của mình, mẹ đã cáng đáng một phần công việc trong gia đình, giảm bớt gánh nặng cho ông bà ngoại. Mẹ tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình gương mẫu, theo Đạo qua nhiều đời mà mọi người vẫn quen gọi là “đạo dòng”. Cho dù gia cảnh không khá giả lắm, nhưng trong gia đình luôn rộn ràng tiếng cười nói. Ông bà tôi luôn răn dạy con cái những lẽ sống đẹp và luôn quan tâm chu đáo đến tâm tư từng người. Dù chịu nhiều thiệt thòi trong gia đình, nhưng đến bây giờ mẹ vẫn tôi luôn thấy tự hào vì điều đó. Sự hy sinh của mẹ đã không vô nghĩa khi cậu dì tôi đều được học hành và có nghề nghiệp ổn định.
Một ngày bình thường như bao ngày khác, mặt trời vẫn mọc ở phương Đông. Thế nhưng hôm đó lại là ngày khởi đầu cho tất cả đối với ba, ngày ba gặp mẹ với những ấn tượng ban đầu “fall in love”. Buổi sáng hôm đó, ba bực bội khi phải dậy sớm đi nhận sản phẩm thay cho người bạn đã nhậu xỉn từ tối hôm trước. Năm giờ sáng của những ngày mùa đông, mặt trời vẫn chưa được đánh thức, ba tôi từ khu nhà bảo vệ đi đến nhà xưởng nữ, nơi những bức mành được hoàn thiện ở công đoạn cuối cùng. Hôm nay là ngày đúng hẹn giao sản phẩm, cho nên mọi người tập trung sớm để phân loại và kiểm tra lại trước khi đem giao. Đúng ra giờ này đã phải tập trung đông đủ, nhưng khi ba đến chỉ mới có vài ba người đứng thành một nhóm nói chuyện. Không khí lạnh lẽo của ngày đông làm trì trệ mọi việc hơn một chút. Ba tôi tiến đến nhà xưởng và hé mắt vào nhìn. Hành động ấy sau này ba tôi vẫn cười khi kể lại cho tôi. Ba bảo chẳng hiểu sao lúc đó ba lại nhìn vào nhà xưởng làm gì. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt làm ba tôi rất ngạc nhiên: Một cô gái đang nằm gối đầu trên những tấm mành, trên tay vẫn đang cầm hờ một mắt sặc, có vẻ cô gái đó đang ngủ rất say. Sau những ngạc nhiên ban đầu, ba nhẹ nhàng đẩy cửa bước vào. Dưới nền nhà tấm mành vẫn còn dang dở, ba đoán được cô gái đó đã ở đây cả đêm, thức làm cho kịp giao sản phẩm. Ông chợt nghĩ đến việc chỉ một lát nữa khi kiểm kê sản phẩm mà tấm mành này chưa xong, thì cô gái này sẽ bị ghi điểm trừ khi chấm công và sẽ bị trừ tiền lương. Chẳng hiểu sự thôi thúc từ đâu, ba tôi đã ngồi xuống ghép những mắt sặc còn lại vào tấm mành để hoàn thiện nó, cho đến khi chỉ còn một mắt cuối cùng, mắt sặc đó nằm trong bàn tay của cô gái. Ba tôi đã rất lưỡng lự, lấy hết can đảm ba mới có thể đưa tay lấy mắt sặc. Nhưng bàn tay đó không đủ khéo léo, hay là tại giây phút định mệnh mà Chúa trời sắp đặt sẵn đã đến? Cô gái đó đã giật mình thức dậy, phản ứng đầu tiên trong chuỗi phản xạ của con người khi bị bất ngờ đó là hốt hoảng. Trước khi kịp định thần lại, cô gái đã giật lại tấm mành từ tay ba. Nhưng cũng nhờ vậy mà cô đã kịp nhận ra tấm mành còn dang dở của mình đang được hoàn tất. Ba đã chìa mắt sặc cuối cùng cho cô gái và bước ra ngoài để làm công việc của mình. Không một lời giải thích, ba để lại cho cô gái đó sự tò mò cũng như lời cảm ơn chưa kịp thốt ra. Sau lần ấy, ba chú ý và muốn tìm hiểu về cô gái đó. Ba tôi bảo rằng ba đã rất khó hiểu khi những người mà ba hỏi thăm luôn nói cho ba biết cô gái đó theo Đạo, bằng một thái độ hết sức dè chừng. Thái độ đó càng thôi thúc ba mong muốn được trò chuyện trực tiếp với cô gái để lý giải. Vâng, cô gái đó không phải ai khác mà chính là mẹ tôi.
Thắc mắc của ba tôi mãi vẫn chưa thể trả lời. Một lần ba đã lén đi theo mẹ vào chiều thứ bảy, sau khi mẹ xin về sớm để đến nhà thờ. Suốt cả buổi lễ, dù đứng phía ngoài để khỏi bị mọi người chú ý, ba vẫn chăm chú lắng nghe những lời giảng của linh mục. Thật là trùng hợp, bài giảng hôm đó lại nói về tình yêu tha nhân trong bài Tin mừng “Anh em hãy tha thứ cho nhau” (Lc 17,3b-4). Ba tôi rất tâm đắc câu trả lời của Chúa Giêsu. Khi Phê-rô hỏi Người: “Phải tha thứ cho anh em mấy lần nếu bị họ xúc phạm?”, Chúa đã trả lời: “Thầy không bảo là bảy lần, mà đến bảy mươi lần bảy”. Ba cảm thấy rằng sự khoan dung đó thật tốt đẹp, nếu ai cũng làm được chỉ một nửa như vậy thôi thì cuộc sống này sẽ tốt hơn nhiều. Người con gái đó chắc hẳn đã thấm nhuần những lời dạy này, cho nên luôn sống chan hòa, giúp đỡ mọi người. Sau buổi lễ, ba cũng đi theo mẹ nhưng giữ một khoảng cách xa hơn. Vì mải miết đuổi theo những dòng suy nghĩ mà ba tôi đã vô tình đụng xe vào người đi xe đạp ngược chiều. Nhiều người tập trung lại giúp đỡ ba và người kia. Thật may mắn là chẳng có ai bị thương nặng. Trong số những người tốt bụng dừng lại giúp đỡ đó có mẹ tôi. Cuộc gặp lần thứ hai này nằm ngoài mong đợi của ba. Đúng hơn là ba tôi chẳng muốn bị mẹ bắt gặp trong tình huống này. Thế nhưng nó lại là cơ hội cho cả ba và mẹ. Nhận ra người cùng làm ở hợp tác xã, lại từng giúp đỡ mình, mẹ tôi đã vội vàng đỡ ba dậy, hỏi han xem ba có bị thương tích ở đâu không. Trên quãng đường về nhà, thế cục đã thay đổi, ba chẳng phải làm “cái đuôi” nữa mà trở thành người bạn chung đường về.
Ba tôi vẫn chưa thể tìm ra câu trả lời rõ ràng cho thắc mắc của mình, nhưng ba đã có thể khẳng định thái độ đó là của những người rỗi hơi không đâu, hay ganh tị với người khác. Mẹ vẫn luôn chăm chỉ với công việc, luôn quan tâm giúp đỡ mọi người, là một người con hiếu thảo trong gia đình. Khi được biết về gia đình êm ấm của mẹ, ba tôi đã ước mong mình có một gia đình chỉ bằng một nửa như thế thôi cũng được. Và những tình cảm cùng ước mơ đó đã là nền tảng vững chắc để ba đưa ra quyết định sẽ theo đuổi mẹ, để cùng mẹ xây dựng một gia đình hạnh phúc.
Ngày gia đình ba mang rượu đi dạm hỏi mẹ tôi, cũng là ngày ba hứa trước bàn thờ Chúa, trước tất cả mọi người hai bên gia đình, ba sẽ sửa đổi bản thân. Ba quyết tâm từ bỏ những tật xấu, từ bỏ rượu chè, cờ bạc, sẽ đi học Đạo để cưới mẹ.
Lời hứa đó đã trở thành hiện thực. Giờ đây nhìn lại, ba cảm ơn tất cả những ấn tượng ban đầu tốt đẹp về mẹ, về lí tưởng Đạo tốt đẹp của mẹ. Ba bảo trước khi gặp mẹ, mấy lần ba cũng đã cố gắng cải tạo chính bản thân nhưng vẫn thất bại. Ấy vậy mà không biết động lực nào đã giúp ba vượt bao cám dỗ để quay trở lại, thay đổi chính mình? Ba tôi tin là vì những ngày đó ba được học hỏi về Đạo, nhìn thấy hướng đi, lẽ sống mới cho cuộc đời mình mà ba mới có quyết tâm như vậy. Ba tin chính Thiên Chúa là Người đã sắp xếp tất cả, luôn dõi theo và luôn giúp đỡ khi ba yếu lòng trước những khó khăn. Ba bảo: “Trong cuộc đời ba, có đôi lúc bình lặng tâm hồn sau bao xô bồ cuộc sống, nhìn anh em con vui cười hòa thuận lớn lên, ba luôn cảm ơn quá khứ, cảm ơn Thiên Chúa. Bởi ba cảm nhận được hạnh phúc này chính là hồng ân mà Người đã ban cho. Mọi sự đều trong tay Người sắp xếp”.
Đúng vậy! Bàn tay Thiên Chúa đã sắp đặt tất cả. Bàn tay quyền năng ấy ban phát hồng ân đi khắp chốn. Bàn tay đó luôn đưa ra để nắm lấy bao cánh tay vươn lên cầu cứu, cũng như luôn sắp xếp guồng quay cuộc sống thật đều đặn. Mọi việc luôn trong lòng bàn tay Người. Chúng ta phải luôn tin tưởng tuyệt đối nơi Người để có thể hưởng trọn hồng phúc và sự bình an.
CUỘC ĐỜI CỦA TẤM BÁNH CHẦU
Phêrô Ngô Gia Hy (Gx.Tuy Hòa)Tôi là một chiếc bánh lễ vừa được các Sơ làm ra. Thân tôi tròn trịa và trắng tinh. Tôi được may mắn sinh ra để Chúa ngự vào tôi. Kích cỡ của tôi khác với những những chiếc bánh còn lại. Tôi to hơn những chiếc bánh của giáo dân và nhỏ hơn chiếc bánh của vị chủ tế. Nói đúng hơn, tôi là một chiếc bánh sau khi hiến thánh sẽ được giữ lại để chầu Mình Thánh Chúa. Những chiếc bánh như tôi ít được làm ra, nên tôi lấy làm hạnh phúc, tự hào lắm. Và tất nhiên, tôi là người có đạo.
Vì vòng đời của tôi không dài, không thể để lâu, nên ngay sau đó tôi được chuyển về một nhà thờ gần nơi tôi được sinh ra. Trong hàng ngàn chiếc bánh khác, chỉ có một mình tôi là không giống ai. Tôi bắt chuyện với mọi người, hỏi xem những việc sắp tới như thế nào, nhưng chả có ai biết được. Tôi đành khép mắt đánh một giấc cho khỏe.
Thế rồi tôi được chuyển vào một phòng thánh. Ngoái nhìn ra, tôi thấy được cung thánh mới đẹp và lộng lẫy làm sao. Bên trên, nơi cao nhất là nhà tạm, nơi mà tôi sẽ ở trong những ngày sắp đến. Mọi người xung quanh tôi đều cuống quýt hẳn lên. Đến chiều, chuông nhà thờ đổ vang, báo hiệu một thánh lễ sắp được bắt đầu. Một Sơ đến mở cửa tủ bánh lễ, và lôi chúng tôi ra. Sơ bỏ tôi qua một bên, đổ bánh lễ vào trong rổ, rồi cứ thế, Sơ sàng qua sàng lại cho những mẩu vụn bay ra ngoài. Những chiếc bánh méo mó, đen đủi thì bị bỏ lại. Thế rồi, những chiếc bánh trắng tinh ấy được bỏ vào bình thánh. Riêng tôi thì được ưu tiên hơn, tôi được nằm chung với chiếc bánh của chủ tế trên đĩa thánh. Tôi hồi hộp đợi chờ những điều sắp xảy ra với mình.
Thánh lễ bắt đầu với một không khí trang nghiêm. Sau phần phụng vụ Lời Chúa, chú giúp lễ bắt đầu dâng chúng tôi lên bàn thờ. Chiếc bình thánh được dâng lên trước và sau đó là chén thánh. Ngay sau đó, nắp chén thánh và bình thánh được mở ra. Vị chủ tế đưa tôi lên cao và đọc lời nguyện dâng lễ. Tâm hồn tôi lâng lâng khó tả khi được đưa lên cao. Không những tôi mà những chiếc bánh còn lại cũng như thế. Tiếp sau đó là rượu.
Mọi thứ đã sẵn sàng, khi giáo dân đã quỳ xuống hẳn, vị chủ tế đặt tay lên chúng tôi, tiếng chuông bắt đầu vang lên rộn rã. Tôi thấy toàn thân nhẹ hẫng hoàn toàn. Bức tượng Chuộc Tội trên cao phát sáng, một thứ ánh sáng chói lòa dọi xuống chúng tôi. Khi bàn tay vị linh mục đặt lên làm phép, ở giữa chúng tôi phát ra một ánh sáng vàng như hào quang rực rỡ. Lòng tôi bắt đầu cảm thấy thật hạnh phúc, vì chúng tôi biết Chúa đã ngự vào chúng tôi rồi. Khi tấm bánh của chủ tế được giơ cao, chúng tôi thấy khuôn mặt đầy máu của Chúa hiện ra. Cả chúng tôi cũng thế, trên mình ai cũng có khuôn mặt của Chúa Giêsu. Lòng chúng tôi vui sướng vì phút giây huyền nhiệm này. Thật khó mà tả sao cho hết, không một bút mực nào có thể nói hết được khung cảnh thiêng liêng này.
Rồi những chiếc bánh lễ nhỏ biết giờ của mình phải tan ra đã gần đến, nên đã cầu nguyện rất nhiều, lòng ai cũng thảnh thơi và vui sướng. Khi vị chủ tế nâng cao cả Mình Máu Thánh Chúa lên, thì nhìn kìa, máu Chúa đang nhỏ giọt xuống chén thánh. Chúng tôi reo hò tưng bừng, vì chúng tôi biết, bây giờ chúng tôi không còn là một chiếc bánh lễ bình thương nữa, mà là Mình Thánh Chúa Kitô. Bài ca hiệp lễ bắt đầu vang lên, tôi bắt đầu chia tay những người bạn bé nhỏ của tôi. Và tất nhiên cả người bạn to hơn tôi nữa. Không có một giọt nước mắt nào, nhưng thay vào đó là một niềm vui hiện rõ trên từng khôn mặt.
Khi việc trao ban Mình Thánh Chúa kết thúc, vị chủ tế đưa tôi vào một khung gương hình tròn, được gọi là mặt nguyệt. Tôi được cung kính đưa vào nhà tạm. Vừa đóng cửa, khung cảnh không tối tăm như tôi nghĩ, nhưng thay vào đó là một ánh sáng trắng phát ra từ hai bình thánh xua đi bóng tối nơi này. Hai bên có hai thiên thần cầm đèn đứng chầu. Tôi biết rằng, ở đây không còn là những thứ bình thường nữa rồi, vì đã có Chúa ở đây mà.
Đêm đã đến, tôi nghĩ về cuộc đời thay đổi quá nhanh của tôi. Biết bao những hạt lúa khác đang nằm yên thân trong thùng, bồ, chum hay một cái bao nào đó. Cũng có đứa được đi xa, xa tít bên kia những bờ biển hay dải đất liền. Thật nhanh quá, từ một bông hoa, đến hạt lúa, sàng sẩy chà xát đau đớn mới được hạt gạo trắng tinh. Rồi được trở thành chiếc bánh. Nhưng tôi cảm ơn Chúa vì trong lúc tôi được làm thành một chiếc bánh, Chúa đã giữ gìn tôi không bị cháy vàng, để rồi phải bị loại ra như những chiếc bánh khác. Tôi nhớ đến đoạn Kinh Thánh mà tôi đã được nghe của thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, nhưng chính Đức Kitô đã sống trong tôi”. Tôi mỉm cười rồi thiếp đi trong sự bình an của Chúa.
Ngày hôm sau, Thứ Năm đầu tháng, tôi cầu nguyện cho việc hoàn thành nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng của mình. Tối đến, khi mọi thứ đã sẵn sàng, sau tiếng chuông báo hiệu, tôi được vị linh mục cung kính đưa ra ngoài và đặt vào trong hào quang. Những ngọn nến lung linh, hòa theo tiếng hát nhịp nhàng du dương của mọi người, cùng những sợi khói nơi bình hương cuồn cuộn bốc cao. Chúa Giêsu bắt đầu hiện ra trong tôi. Khuôn mặt Ngài thật nhân từ, Ngài đưa mắt nhìn xung quanh, tay thì dang ra, trái tim thì lộ ra ngoài, hào quang của Ngài làm tôi lóa mắt. Cộng đoàn lắng nghe lời suy niệm của vị linh mục. Vì là mùa Chay nên bài suy niệm kêu gọi mọi người ăn năn thống hối tội lỗi mình, và trở về với Thiên Chúa là Cha nhân lành. Xa xa tôi thấy có mấy người cúi đầu khóc lóc, đôi mắt như cầu khẩn điều gì nơi Chúa. Ngài nhìn rõ từng người một. Khi thấy những người ấy khóc lóc, Ngài cũng khóc theo, đôi tay dang rộng ra hơn nữa như thể muốn ôm những người ấy vào lòng.
Khung cảnh thật thiêng liêng, giờ phút bên Chúa thật gần gũi như cha con lâu ngày gặp mặt. Tôi muốn giờ Chầu lâu hơn thế chứ không phải chỉ ba mươi phút ngắn ngủi như vậy đâu. Khi vị linh mục cầm hào quang có Mình Thánh Chúa vẽ một hình thánh giá lớn, Chúa Giêsu đưa tay ban phép lành như thể chào tất cả đoàn con yêu dấu của Ngài. Hào quang Ngài sáng rực rỡ soi chiếu đến từng góc cạnh của nhà thờ. Ước gì tôi cũng được ngồi dưới đó để được tắm trong ân sủng ấy. Rồi Ngài biến mất, nhưng không rời khỏi tôi.
Sáng hôm sau, giờ cuối cùng trong cuộc đời tôi đã đến. Tôi cầu nguyện thật nhiều, an tâm và vững vàng khi có Chúa hiện diện sống động trong thân thể tôi. Đến lúc ban phát Mình Thánh Chúa, vị Chủ tế đưa tôi ra khỏi nhà tạm. Tôi nhìn ngôi nhà tạm lần cuối để về nhà cùng Chúa tôi. Tôi được đưa ra khỏi mặt nguyệt, những mảnh vụn từ thân tôi rơi vãi ra biến thành những giọt Máu Thánh lấp lánh. Những giọt Máu Thánh ấy được vị chủ tế trút vào chén thánh rất tỉ mỉ, không sót một giọt nào. Tôi bị bẻ ra làm tư, nhưng Chúa vẫn ngự trong từng phần thân thể tôi. Hình ảnh Chúa vẫn còn hiện diện rất rõ.
“Mình Thánh Chúa Kitô!”. Vị chủ tế dứt lời, một cụ già thưa “Amen”. Tôi được đưa vào nằm gọn trong miệng bà ấy. Thân thể tôi bắt đầu tan ra. Chúa lại một lần nữa hiện ra làm sáng lên cả tâm hồn bà cụ ấy. Chúa đã ở lại cùng bà. Một tâm hồn thanh sạch không chút bợn nhơ. Tôi chợt nghĩ, con người cũng giống hạt lúa thôi, phải đau đớn dứt bỏ tội lỗi và quên hẳn mình đi, như hạt lúa gạo phải xay xát để trắng sạch. Để Chúa ngự vào lòng, người ta cũng phải thật sạch sẽ và trắng tinh như những chiếc bánh được tuyển chọn. Đến giờ đã định, người ta phải rời bỏ ngôi nhà tạm là thế gian này để tan nát đi mà về cùng Cha trên trời.
Lạy Chúa. Ước gì con có thể rước Chúa được nhiều hơn, được ngồi đối diện với Chúa trong những giờ chầu, để được Chúa yêu thương và nâng đỡ. Vì con biết, Chúa luôn nhìn con và