Thần học về tông đồ giáo dân (II)
(Tiếp theo và hết)
II. TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN TRONG GIÁO HỘI
1. Cái nhìn tích cực của thần học giáo dân
Cái nhìn tích cực hơn về giáo dân trong thần học Công giáo được phát triển vào thế kỷ thứ XIX, với khuynh hướng tục hóa ngày càng lớn mạnh và một thái độ tích cực hơn về thế giới, đòi hỏi Giáo Hội phải có một hình thức chứng nhân mới trong một thế giới tục hóa và đa nguyên ngày càng lớn mạnh. Đức Piô XI (1922-1939) và Đức Piô XII (1939-1958) đã chính thức chấp nhận và cổ vũ Công giáo tiến hành, một phong trào cho phép giáo dân cộng tác vào việc tông đồ. Trong Thông điệp Mystici corporis (1943), Đức Piô XII đã nhìn nhận sự chia sẻ trách nhiệm của giáo dân đối với toàn sứ vụ của Giáo Hội[1].
Cha Congar đã diễn tả Giáo Hội qua hai khía cạnh mà không được xem nhẹ bên nào nếu muốn hiểu Giáo Hội học một cách đầy đủ. Khía cạnh thứ nhất là nguyên tắc cộng đoàn (1), ý nghĩa căn bản của ecclesia, được diễn tả bằng những từ ngữ như congregatio fidelium, societas fidelium, collectio, coetus (assemblée), adunatio (union), etc. Giáo Hội được cấu thành do các thành viên, và các thành viên chung sức để phát triển và làm cho Giáo Hội hiện hữu. Như vậy, Giáo Hội được hình thành từ bên dưới và là một cộng đoàn các tín hữu. Khía cạnh thứ hai là khía cạnh cơ chế hay phẩm trật (2) mà theo đó Giáo Hội đã có một cơ cấu nào đó hiện hữu trước các thành viên. Dĩ nhiên không có sự xung đột nào giữa hai khía cạnh này. Giáo Hội vừa là một cộng đoàn vừa là một cơ cấu, một xã hội có cấu trúc và là một đời sống. Chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh cơ cấu mà thiếu đi khía cạnh cộng đoàn thì vai trò của người giáo dân bị sụt giảm, họ chỉ là những người thụ động chỉ chờ được nhận lệnh. “Bỏ quên vai trò của giáo dân sẽ dẫn đến giáo sĩ trị (clericalism) trong Giáo Hội và thế tục hóa (laicism) trong thế giới.”[2]
Hai khía cạnh này kết hợp với nhau trong quan niệm Giáo Hội là Thân Thể. Đức Kitô là Đầu đã thông ban sức lực và sự sống cho thân thể mình là Giáo Hội. Giống như một thân thể, Giáo Hội cũng có sự sống và cơ cấu, mỗi phần làm đầy đủ chức năng nhiệm vụ của mình vì lợi ích của toàn thân như Thánh Phaolô đã nói: “Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi? Nhưng Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn. Giả như tất cả chỉ là một thứ bộ phận, thì làm sao mà thành thân thể được? Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một” (1 Cr 12, 17-20)
Tại Thượng hội đồng giám mục năm 1987 với chủ đề “Ơn gọi và sứ mệnh của giáo dân trong Giáo Hội và thế giới”, Hồng y Ratzinger đã khẳng định: “Để cuộc thảo luận đem lại kết quả, chúng ta cần phải định nghĩa rõ ràng ý niệm “giáo dân”. Là một nhà thần học trẻ, ngài đã nghiên cứu sâu vấn đề từ ngữ cho chính xác và hy vọng tìm ra được một cách diễn tả phong phú và tích cực về “người tín hữu giáo dân”, vượt qua lối diễn tả tiêu cực xem người giáo dân chỉ là một người không là linh mục hoặc không là tu sĩ. Người giáo dân là thành viên của dân Chúa. Họ không được thánh hiến bằng bí tích Truyền Chức, nhưng được thánh hiến một cách nào đó. Họ không dâng mình để theo đuổi sự hoàn thiện dưới hình thức đời sống tu trì được giáo luật nhìn nhận, nhưng vẫn có sự hoàn thiện của riêng mình.
2. Lãnh vực trần thế
Giáo Hội đã biết đến khái niệm tông đồ giáo dân từ thời ông Giuse Arimathea và các phụ nữ thành Giêrusalem. Từ “tông đồ” – được áp dụng cho cả hàng giáo phẩm và giáo dân – do tiếng Hy Lạp là Apostolein, nghĩa là sai đi. Giáo hội được sai đi để tiếp tục sứ mệnh của Đức Kitô. “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Ga 20,21). Người tông đồ đầu tiên và là nguồn gốc của mọi tông đồ chính là Chúa Con, người được Chúa Cha sai đi vào trong thế gian, để làm “Sứ Giả, là Thượng Tế, là Trung Gian cho chúng ta tuyên xưng đức tin” (Dt 3.1). Mọi sứ mệnh và việc tông đồ trong Giáo Hội đều là sự thông phần, nhờ sứ mệnh của Chúa Thánh Thần, trong sứ mệnh của Chúa Con. Qua bí tích Rửa tội, người giáo dân là người con trong Chúa Con, vì thế, họ cũng là người con được sai đi, một người con có sứ mệnh tông đồ.
Làm việc tông đồ là yếu tố quan trọng trong đời sống của một Kitô hữu, là bản tính của kitô hữu trong bất kỳ thời nào cũng như lãnh vực nào. Các điều kiện và hình thức để thực thi nhiệm vụ này thay đổi tùy theo từng thời kỳ. Thế nhưng vào thời đại của chúng ta, bổn phận này đã thường xuyên được nhắc đến và trở nên cấp bách vì nhu cầu thật sự của nó. Người giáo dân là (1.) một thành phần sinh động trong Dân Chúa, (2.) tham gia vào sứ mệnh của toàn thể Giáo Hội và (3.) cùng trách nhiệm đối với Giáo Hội. Vì bản tính đặc biệt, người giáo dân (4.) dấn thân vào công việc trần thế, một đặc điểm miêu tả ơn gọi đặc thù của họ trong Giáo hội và trong thế giới. Nhiệm vụ chính của họ là – qua chứng từ đời sống của mình (5.) làm cho Đức Kitô hiện diện trong thế gian (6.) làm cho thế gian thấm nhập Thần Khí của Ngài và xếp đặt thế gian theo ý của Ngài. Lumen Gentium nói về vai trò đặc biệt của người giáo dân là “làm cho Giáo hội hiện diện và tác động trong những nơi chốn mà chỉ nhờ họ, Giáo hội mới có thể trở thành muối của trần gian” (số 33). Đây là ơn gọi thực sự của người giáo dân chứ không phải là một bổn phận, một việc làm để bù đắp cho việc thiếu hụt các linh mục tu sĩ. Họ đóng một vai trò riêng biệt của họ trong Giáo hội, đặc biệt dành cho họ và cần thiết cho Giáo Hội.
Đức Kitô không trao nhiệm vụ cho Giáo hội của ngài cách được chăng hay chớ. Ngài đã chọn các tông đồ và giao cho họ nhiệm vụ giảng dạy và làm phép rửa. Để cho họ và những người kế vị họ có thể thi hành nhiệm vụ, ngài đã ban cho họ quyền năng chế tài và chức thánh theo phẩm trật. Những quyền năng này ngài đã ban cho họ và chỉ cho họ mà thôi. Việc tông đồ này của nhóm 12 là chính thức.[3] Cùng với việc sai các tông đồ ra đi này, còn có lời hứa ban Thánh Thần để thúc đẩy và làm cho Giáo hội sinh động, và Chúa Thánh Thần không chỉ được ban cho các tông đồ mà thôi những còn cho mọi người tín hữu nữa. Đức Kitô đã thánh hiến sứ vụ của nhóm 12. Tuy nhiên, trong sách Tông Đồ Công Vụ nói nhiều đến việc ban Chúa Thánh Thần cho tập thể nhiều người chứ không riêng gì cho các tông đồ. Như vậy, việc ban Chúa thánh Thần cho toàn thể Giáo Hội này là nền tảng cho sứ mệnh của người tín hữu. Mọi tín hữu đều có nhiệm vụ do Chúa Thánh Thần (ex spiritu). Cùng với nhiệm vụ ex spiritu của mỗi thành phần trong thân thể là nhiệm vụ do chức vụ (ex officio) của nhóm 12. Nhiệm vụ của các tông đồ cấu thành nhiệm vụ của Giáo Hội trong yếu tính (essence) của nó. Nhưng nhiệm vụ của các tín hữu cần thiết để sứ vụ tông đồ của nhóm 12 đạt được sự toàn vẹn (integrity) của nó.
Như vậy, điều chắc chắn là giáo dân có nhiệm vụ tông đồ. Thế họ thi hành nhiệm vụ của mình như thế nào? Vai trò của giáo dân phụ thuộc vào vị trí của họ trong Giáo Hội. Họ đảm trách việc tông đồ ở trong thế giới bằng cách làm chứng cho đức tin. Người giáo dân là một tông đồ và là nhà truyền giáo qua đời sống đức tin gương mẫu. Một trong những đặc tính của tông đồ giáo dân có liên quan đến những công việc trần thế, là Kitô hóa những công việc trần thế mà Đức Piô XII gọi là “consecratio mundi” (thánh hiến thế trần): “consecratio mundi chủ yếu là công việc của giáo dân, của những người làm thành một phần của đời sống xã hội và kinh tế, những người tham gia vào chính quyền và các hội đồng lập pháp.”[4]
Như vậy, Giáo Hội có nhiệm vụ thiêng liêng hóa trật tự trần thế nhưng phải tránh hai cực đoan này là thiên thần hóa (angelism) và giáo sĩ hóa (clericalization). Vì vậy, phương tiện duy nhất mà Giáo Hội có thể thiêng liêng hóa và cứu chuộc trần thế là qua giáo dân, những người vừa thuộc về Giáo Hội vừa thuộc về trần thế. “Là một bộ phận bổ sung cho phẩm trật, mà từ đó họ nhận được lời sự sống, sức mạnh Chúa Thánh Thần, và mệnh lệnh hành động, để sau khi được tham gia vào sứ vụ tông đồ của hàng giáo phẩm, họ có thể nối dài ảnh hưởng ơn cứu độ của Giáo Hội, đem nó vào trong những lãnh vực của đời sống con người là lãnh vực mà hàng giáo phẩm bị cho ra rìa.”[5]
3. Giáo hội học của sự hiệp thông
Thần học về giáo dân đã có bước phát triển khi hiểu Giáo hội là sự hiệp thông trong hiến chế Lumen Gentium. Thay vì hình mẫu của quá khứ là ngọn tháp từ trên ngọn tỏa rộng ra xuống phía dưới, Giáo hội được xem như là một thực tại có cơ cấu phẩm trật, với các bổn phận và nhiệm vụ khác nhau, trong đó các thành viên bình đẳng và có quyền lợi và phẩm giá như nhau. Nói rằng Giáo hội là “Thân thể Đức Kitô” và là “Dân Thiên Chúa” phản ánh đúng quan niệm này.
Tông huấn Christifideles Laici diễn tả sự hiệp thông của giáo dân với Đức Kitô bằng hình ảnh cây nho: “Ta là cây nho thật và Cha ta là người trồng nho … Hãy ở trong Ta và Ta ở trong các con” (Ga 15, 1.4). Những lời đơn giản này nói lên mầu nhiệm hiệp thông làm mối dây liên kết giữa Chúa và các môn đệ của Ngài, giữa Đức Kitô và người được rửa tội: một sự hiệp thông sinh động và trao ban sự sống … Từ sự hiệp thông này mà Kitô hữu kinh nghiệm được trong Đức Kitô, từ đó sẽ lập tức phát xuất ra sự hiệp thông mà họ kinh nghiệm được với tha nhân (CL số 18).
Sau Công đồng, trong một suy tư về cơ cấu của Giáo Hội, nhà thần học Ratzinger đã đặt điểm khởi đầu cho một thần học mới về giáo dân, bắt đầu từ phụng vụ: “Vẫn tồn tại những phân biệt giữa người giáo dân và linh mục, giữa tu sĩ và người không phải là tu sĩ: có nhiều nhiệm vụ và con đường khác nhau trong Giáo Hội, cái này không lẫn lộn với cái kia. Đặt tất cả trên cùng một bình diện thì không chỉ sai lầm mà còn là ngu ngốc. Tuy nhiên, Công đồng đã mang đến một sự cởi mở trong lãnh vực này, như là một phần trong sự cởi mở mới mẻ của Giáo Hội …. Phụng vụ Kitô giáo có nghĩa là cùng nhau tôn thờ Thiên Chúa nhân danh tất cả những người được rửa tội để làm người ngồi đồng bàn với Thiên Chúa Phục Sinh … Trong trường hợp này, có một nét đặc trưng bao trùm lấy tất cả là: mọi người, dù có nhiều nhiệm vụ khác nhau, tất cả đều là thần dân, vì tất cả làm nên phần thân thể của Thiên Chúa … Tôi nghĩ sự canh tân thần học về giáo dân phải bắt đầu từ đây, từ sự canh tân của chính phụng vụ, là điều không phải là đặc ân của chỉ hàng giáo sĩ mà thôi; phụng vụ không phải là điều gì đó được bao bọc trong chiếc bình bằng thủy tinh của quá khứ đáng trân trọng của nó. Do yếu tính của mình, phụng vụ là sự tôn thờ phổ quát.”[6]
4. Nguyên tắc cánh chung
Trong nhãn quan của mặc khải và Giáo hội, con người là cư dân của hai thành phố, hai vương quốc: vương quốc của loài người và vương quốc của Thiên Chúa. Kitô hữu là cư dân của cả hai và có trách nhiệm với cả hai. Họ là thành viên của Giáo hội trong khi Giáo hội là “hạt giống và khởi đầu của Nước Trời trên trần gian này” (Giáo luật, điều 541). Đồng thời họ cũng là con người, sinh trong thời gian và không gian, sống trong vương quốc loài người. Như vậy, kitô hữu sống trong sự căng thẳng nào đó, biết rằng mục đích cuối cùng của mình là Thiên Chúa nhưng vẫn ý thức mạnh mẽ về cuộc sống thực sự trong trật tự trần thế.
Nhưng trật tự trần thế này không bao giờ lấn át cái cánh chung ở vào cuối thời gian, khi Nước trời được biểu lộ cách đầy đủ và trọn vẹn. Mối tương quan giữa trật tự trần thế và đặc tính cánh chung của Giáo hội là một sự căng thẳng nhưng không xung đột. Hành động của họ nơi trật tự trần thế sẽ có kết quả và ý nghĩa cho sự kết thúc cánh chung của Giáo hội. Vì thế, Lumen Gentium nhấn mạnh tầm quan trọng của đời sống và việc làm nơi người giáo dân trong trần thế có liên quan đến đời sống vĩnh cửu:
“Vì ơn gọi riêng, giáo dân có bổn phận tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như từng công việc và bổn phận của trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội; tất cả những điều đó như dệt thành cuộc sống của họ. Ðó là nơi Thiên Chúa gọi họ, để dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm, như men từ bên trong, họ thánh hóa thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của mình; và như thế, với lòng tin cậy mến sáng ngời, và nhất là với bằng chứng đời sống, họ tỏ lộ Chúa Kitô cho kẻ khác, vì thế, họ có nhiệm vụ đặc biệt soi sáng và xếp đặt những thực tại trần gian có liên hệ mật thiết với họ, để chúng không ngừng phát triển và bành trướng theo Thánh Ý Chúa Kitô, hầu ca tụng Ðấng Tạo Hóa và Ðấng Cứu Ðộ” (LG 31).
III. CÁC HÌNH THỨC TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN
Không có một cơ cấu hay thiết chế nào của giáo hội được đặt định làm nơi hoạt động tông đồ giáo dân. Tông đồ giáo dân nhắm đến và xảy ra trong thế giới trần thế. Như Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem khẳng định, giáo dân “phải đảm nhận những nhiệm vụ đặc trưng của mình để canh tân trật tự trần thế.” (số 7)
Đồng thời, ơn gọi làm tông đồ không kêu gọi mọi người làm như nhau nhưng tùy theo hoàn cảnh của mỗi cá nhân, và như vậy mang nhiều hình thức khác nhau. Tựu trung có thể chia làm hai hình thức chính là tông đồ cá nhân và tông đồ có tổ chức.
1. Tông đồ cá nhân.
Các lãnh vực của tông đồ giáo dân có nhiều và đa dạng. Theo Apostolicam Actuositatem, các lãnh vực này được tìm thấy trong Giáo Hội và ngoài thế gian, trong giáo xứ và giáo phận, trong gia đình, giữa những người trẻ, trong các công việc quốc gia và quốc tế. Trong số này, gia đình có tầm quan trọng nhất, là Giáo hội tại gia và tế bào đầu tiên của xã hội. (cf AA 11). Điều mà Công đồng chỉ phác họa bằng bút chì thì Đức Gioan Phaolô II đã vẽ bằng bút màu. Trong Tông huấn Familiaris Consortio, ngài đã vẽ nên một bức tranh sinh động về nhiệm vụ cứu rỗi và thánh hóa của gia đình Kitô giáo.
Tông đồ cá nhân trước hết là tông đồ “cho” gia đình. Điều này bao gồm các nỗ lực xây dựng và hỗ trợ hôn nhân và gia đình lành mạnh. Đây là nhu cầu thật sự vì hiện nay tình trạng ly dị không còn hiếm hoi nữa, đồng thời hôn nhân đồng giới tại vài quốc gia cũng đã được cho phép bằng cách luật hóa.
Phát biểu trong Đại hội Tông đồ giáo dân lần I, Đức Piô XII lưu ý rằng thật khó để vạch ra điểm bắt đầu thật sự của tông đồ giáo dân: “Tông đồ giáo dân có nên bao gồm luôn cả việc giáo dục con cái của bà mẹ trong gia đình, hay các thầy cô đầy nhiệt tâm khi hành nghề của mình không? … Nhiều người cho rằng không, họ cho rằng đó chỉ là những công việc tự nó rất đáng khen nhưng là sự bắt buộc của bổn phận”. Nhưng ở Đại hội lần II, ngài đã nói: “Làm việc tông đồ bằng cầu nguyện và sống gương mẫu cá nhân là cách làm việc tông đồ theo nghĩa rộng của từ ngữ”. Như vậy, cá nhân mỗi giáo dân có thể làm việc tông đồ cách trực tiếp (bằng cách hướng dẫn người khác gia nhập hay trở lại đạo) hoặc gián tiếp (trong môi trường làm việc của mình, người giáo dân thể hiện niềm tin của mình qua công việc).
2. Tông đồ có tổ chức
Là làm tông đồ có tổ chức (chính thức) hay được ủy nhiệm và không được ủy nhiệm. Sự ủy nhiệm đem lại tước vị chính thức cho người giáo dân khi dấn thân vào việc tông đồ. Những tổ chức tông đồ không được ủy nhiệm làm việc theo sáng kiến và trách nhiệm của mình.
Vài giáo dân được Chúa chọn và được giám mục kêu gọi để “hiến mình cho công việc tông đồ” (LG 41). Không thể lấy những trường hợp bất thường như vậy làm gương mẫu cho tông đồ giáo dân. Phần lớn giáo dân chỉ thi hành nhiệm vụ của mình mà không có ủy nhiệm của phẩm trật giáo quyền, họ chỉ làm chứng cho Đức Kitô, trong đức tin, đức cậy và đức mến, trong cuộc sống và công việc hằng ngày. Nhiệm vụ của họ đến từ bí tích Rửa tội và Thêm sức, họ được tháp nhập vào Đức Kitô, không phải nhờ chỉ định đặc biệt của vị giám mục. Trong một bài viết lúc cuối đời, Jacques Maritain đã nói rằng các chứng nhân Công giáo vĩ đại và là những nhà hộ giáo trong thời đại chúng ta như Peguy, Claudel, Bernanos, Chesterton, Belloc – “Họ nói nhân danh mình, theo cảm hứng và kinh nhiệm cá nhân mà không nhận được bất kỳ sứ vụ hay ủy nhiệm nào của phẩm trật, và cũng chính vì thế mà chứng từ của họ có tầm ảnh hưởng lớn lao”.[7] Họ là những người con trung thành chứ không phải là những nhân viên toàn thời gian của Giáo Hội. Họ làm chứng cho đức tin không phải trong những ủy ban này kia của các giám mục nhưng trong thế giới văn chương, báo chí, ngoại giao và chính trị, trong lãnh vực của họ. Họ là muối và ánh sáng thế gian, phản chiếu chân lý Kitô giáo cho mọi người.
Và không phải tất cả kitô hữu đều được kêu gọi dấn thân vào việc tông đồ giáo dân theo nghĩa hẹp. Các giám mục nên chọn lựa những cộng tác viên từ những người có ý muốn và có khả năng, có ý muốn không thì chưa đủ. Ngoài tinh thần tông đồ, chúng ta phải hiểu rằng họ phải có chất lượng, bằng không họ làm hại hơn là làm lợi. Đàng khác, để có được khả năng cần thiết thì rõ ràng cần phải huấn luyện. Sự huấn luyện rất cần thiết cho mỗi tông đồ giáo dân. Và điều quan trọng là phải cẩn trọng và đắn đo khi chọn người giáo dân làm quản lý tài sản của Giáo Hội. Một khi những người thiếu khả năng đảm trách vị trí này và gây ra hậu quả nghiêm trọng cho tài sản của Giáo Hội, thì họ ít chịu trách nhiệm hơn là những người nhờ đến sự trợ giúp của họ.[8]
KẾT LUẬN
“Khi bàn cãi về chương III, lược đồ giáo dân, các nghị phụ bất đồng ý kiến, phe bảo thủ không muốn nói đến danh từ giáo dân nữa, không nhìn nhận sự bình đẳng giữa các phần tử trong dân Chúa và ơn đoàn sủng được ban phát cho người giáo dân. Nhưng phe cấp tiến thì khẳng định ngược lại, yêu cầu đối thoại với giáo dân, tín nhiệm họ, hỏi ý kiến họ, họ đã là những con chiên câm “oves mutae” quá đủ rồi, hãy cho họ được phát biểu ở đền thờ thánh Phêrô. Họ không phải chỉ được dựng nên để mà tin, cầu nguyện, vâng lời và góp tiền”.[9] Họ cần được giải phóng ra khỏi lối suy tư sáo mòn cũ kỹ. Tuy nhiên, thành ngữ “Giải phóng giáo dân” bị lạm dụng khi được dùng theo nghĩa bóp méo tính chất thật sự của mối quan hệ giữa “Giáo hội giảng dạy” và “giáo hội được giảng dạy”, giữa linh mục và giáo dân…. Để bảo toàn bầu khí hành động của linh mục và giáo dân, tất cả đều phải có tinh thần đức tin, tính vô vụ lợi, quý mến nhau, tin tưởng nhau. Tôn trọng phẩm giá của linh mục luôn là một trong những đặc tính nổi bật nhất của cộng đoàn Kitô giáo; trái lại, người giáo dân cũng có những quyền mà linh mục phải nhìn nhận.[10]
Giáo sĩ hay giáo dân, tất cả đều mang đặc tính truyền giáo, có nghĩa là bổn phận cơ bản và đầu tiên của các thành viên trong Giáo Hội là loan báo Tin Mừng. “Ơn gọi này có liên quan đến cách hiểu về sự hiện hữu của người kitô là một hiện hữu sống động.… làm kitô hữu có nghĩa là đi xa hơn chính mình. Kitô hữu mang dấu ấn truyền giáo và như vậy phải nó phải được thể hiện ra – ở mọi thời và trong mọi kitô hữu – như là một hoạt động ở bên ngoài, đang chuyển động để hoàn thành bản tính sâu xa nhất của mình”.[11] Nhưng hoạt động căn bản này của Giáo Hội lại được thực hiện qua trung gian những con người, qua thái độ dấn thân của con người. Vì thế, “Trên hết, điều mà chúng ta cần trong thời khắc này của lịch sử là những con người, qua đức tin sáng tỏ và cuộc sống đức tin của mình, làm cho Thiên Chúa trở nên tin cậy được trong thế giới này. Các chứng từ của những Kitô hữu nói về Chúa nhưng sống ngược với Ngài, đã làm đen tối đi hình ảnh của Thiên Chúa và mở cửa cho sự hoài nghi. Chúng ta cần những người luôn hướng ánh nhìn về Thiên Chúa, thật sự hiểu biết về con người. Chúng ta cần những người được ánh sáng của Chúa soi sáng, được Chúa mở cánh cửa tâm hồn họ, để trí năng của họ có thể nói với trí năng của người khác, để tâm hồn họ có thể mở ra với tâm hồn của người khác”.[12]
Tài liệu tham khảo:
– Peter Eicher, Dictionnaire de Théologie, Cerf, 1988, mục từ “Laic/clerc”, tr. 346-351.
– Vincent T. O’Keefe, S.J., Theology of the laity
– Jean Yves Lacoste, Dictionnaire critique de théologie, Puf, 1998, mục từ « Laic/laicat » 639-642
– Carl E. Olson, “The Role of the Laity: An Examination of Vatican II and Christifideles Laici”, Tạp chí The Catholic Faith, (September/October 2000)
– James A. Quill, Theology of The Lay Apostolate
– The Cambridge Dictionnary of Christian Theology, Cambridge University Press, 2011
Nguồn tin: Gpquinhon.org