Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời tại nghĩa trang Công giáo

nghiatrang_09Mỗi năm vào ngày 02.11, ngày cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, giáo dân thường quy tụ về nghĩa trang Công giáo tại phường Bùi Thị Xuân, thuộc thành phố Qui Nhơn, để thăm viếng mộ của những người thân và cầu nguyện cho họ. Trong những năm gần đây các cha thuộc nội thành Qui Nhơn đều đến để cùng nhau dâng lễ cầu nguyện cho các đẳng linh hồn.

Năm nay, 15 cha về đồng tế. Cha Phêrô Nguyễn Công Sanh, cha sở Đồng Tiến chủ sự Thánh lễ và cha Phêrô Võ Hồng Sinh, cha sở Phú Thạnh chia sẻ lời Chúa. Hiện diện trong Thánh lễ có đông đảo giáo dân thuộc các các Giáo xứ lân cận, theo ước tính khoảng 1.500 người.

Cuối lễ cha Hạt trưởng Bình Định mong ước với sự đóng góp của mọi người sẽ làm lại lễ đài “Phục Sinh” thich hợp hơn, để có thể cử hành các nghi thức tiễn biệt cho những người quá cố, cũng như bê-tông hóa con đường từ ngoài đi vào lễ đài. Cha sở Ngọc Thạnh cho biết con đường này dài 110m và chiều ngang 4,8m. Như thế khoảng 500m2 bê-tông cần thi công.

Hy vọng lễ đài Phục sinh và con đường tại nghĩa trang Công giáo sớm được thực hiện, để việc mai táng người quá cố được tốt đẹp. Và chắc chắn việc này phụ thuộc vào lòng hảo tâm đóng góp của tất cả.

 

Bài giảng tại nghĩa trang Công Giáo

Lễ Cầu Cho Các Linh Hồn  (02/11)

Có một LM nọ đặc biệt có lòng thương mến các đẳng Linh Hồn. Cha luôn luôn cầu nguyện cho các vị được mau mau giải thoát khỏi chốn Luyện Hình. Cầu nguyện chưa đủ, cha còn ăn chay hãm mình đền bù thay cho các đẳng và thường giảng về Luyện Ngục. Cha nhắc các tín hữu nhớ cầu nguyện, dâng các hy sinh và việc lành phúc đức để cầu cho các Linh Hồn được sớm về hưởng tôn nhan Chúa. Sáng nào cũng thế, cha thức dậy thật sớm để cầu nguyện cho những người quá cố. Chúa đã dùng cha để giúp các tín hữu hiểu phần nào những hình phạt các đẳng Linh Hồn phải chịu trong Lửa Luyện Hình.
Năm ấy cha được Bề Trên gởi đến một thành phố để mở một tu viện. Trong số các tu sĩ cùng đi với cha có một thầy dòng hết sức đạo đức. Nhưng vừa đến nơi, vị tu sĩ này ngã bệnh nặng và đột ngột từ trần. Sáng hôm sau đó, cha quì cầu nguyện trong nhà thờ. Bỗng cha thấy xuất hiện trước mặt mình vị tu sĩ quá cố, dưới hình một bóng ma phủ đầy lửa. Người quá cố thú tội cùng cha với lời rên rỉ não nề về một lỗi nhẹ mà thầy đã quên xưng khi còn sống. Thú tội xong, thầy thưa: “Xin cha cho việc đền tội và xin ban phép lành hầu con được giải thoát khỏi khuyết điểm khiến con phải đau khổ vô cùng trong Lửa Luyện Ngục”. Nghe vậy, cha vội vàng nói ngay: “Nhân danh quyền được phép, tôi xin tha tội cho thầy và chúc lành cho thầy. Còn về việc đền tội, xin thầy hãy ở trong Lửa Luyện Ngục cho đến Kinh Giờ Một, khoảng 8 giờ sáng nay”. Nào ngờ, vừa nghe xong việc đền tội, thầy dòng đạo đức như rơi vào trạng huống tuyệt vọng. Thầy vừa chạy vòng vòng trong nhà thờ vừa kêu la thảm thiết: “Ôi cha giết con rồi! Sao cha không biết thương một Linh Hồn đau khổ! Sao cha lại trừng phạt cách khủng khiếp một lỗi nhẹ mà nếu con còn sống, hẳn cha chỉ ra một việc đền tội cỏn con. Cha quả thật không biết tí gì về những kinh hoàng các Linh Hồn phải chịu trong Lửa Luyện Ngục!”. Nghe lời trách cứ nặng nề của vị tu sĩ quá cố, cha như “dựng tóc gáy” và cảm thấy vô cùng ân hận. Cha nghĩ rằng mình đã ra việc đền tội cho tu sĩ quá cố chỉ ở lại nơi Luyện Hình vài giờ, không ngờ sự thể lại bi đát đến vậy. Cha tìm cách “vớt vát” bằng cách vội vàng đánh chuông, gọi các tu sĩ trong cộng đoàn vào nhà thờ nguyện Kinh Giờ Một. Khi các tu sĩ có mặt đầy đủ, cha kể lại câu chuyện vừa xảy ra và cùng với cộng đoàn bắt đầu đọc ngay Kinh Giờ Một, hầu cho thầy dòng quá cố được sớm giải thoát khỏi lửa luyện hình.
Hôm nay, cộng đoàn chúng ta tụ họp tại nhà thờ này để cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, cách riêng cho những người trong giáo xứ đang nằm nơi đây, họ là những người đã cùng sinh hoạt với chúng ta trên mảnh đất thân yêu này. Những người đang nằm ở đây rất gần gũi với chúng ta, bởi vì chúng ta biết họ. Họ đã ra đi trước, rồi đến lượt chúng ta, kẻ trước người sau, cũng sẽ ra đi. Chúng ta dành thánh lễ hôm nay để tưởng nhớ đến họ.
Truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam là lòng thương yêu, không những chỉ là “Lá lành đùm lá rách”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”; mà còn là “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Vì thế nên Giáo Hội đã dành cả tháng 11 hàng năm để ca ngợi các Thánh, đồng thời tưởng nhớ và cầu nguyện cho người quá cố còn đang trong thời gian thanh luyện, ngõ hầu được Chúa đoái thương, ân ban phần thưởng Nước Trời.
Chúng ta không bao giờ hiểu rõ rằng: mỗi công việc bố thí dù lớn hay nhỏ một khi chúng ta làm cho kẻ nghèo là chúng ta làm cho chính Chúa. Chúa nhận lấy nó và Chúa sẽ báo đền khi chúng ta cho Người. Như vậy tất cả những gì chúng ta làm cho các linh hồn đều được Chúa chấp nhận như chúng ta làm cho Chúa vậy. Đó chẳng khác gì như chính chúng ta đã phóng thích cho người ra khỏi chốn luyện ngục. Trên đời này không có ai đói hơn, khát hơn, nghèo hơn, đau khổ hơn là các linh hồn đang giam cầm trong lửa luyện tội. Cũng không có sự đau khổ nào trên trần gian có thể so sánh được với sự đau đớn của họ, bởi vì không có gì làm vui lòng Chúa hơn là sự bố thí bằng lời cầu nguyện, xin thánh lễ cho các linh hồn khốn khó đó. Có thể những linh hồn đó là bà con anh em của mình. Họ đang rên la khóc lóc kêu van năn nỉ sự giúp đỡ của mình, để họ sớm được giải thoát đau khổ trong biển lửa. Cuộc sống này có biết bao người không hề nghĩ tới linh hồn đang bị triền miên thiêu đốt nung nấu trong lửa luyện tội. Năm tháng qua đi, họ chưa hề bố thí một thánh lễ, đọc cho một vài lời cầu nguyện và rất ít khi tưởng nhớ đến các linh hồn đó. Trong khi người thế gian yên vui với cuộc sống, với hạnh phúc gia đình, chạy theo công ăn chuyện làm, thả lỏng theo thú vui của họ, thì các linh hồn đang bị đọa đày, hành hạ, than van kêu khóc trong biển lửa. Họ chỉ mong chúng ta bớt chút thời giờ tưởng nhớ đến họ, nhưng mọi người vẫn lơ là, bởi con người không biết luyện tội là gì. Họ không biết được sự thống khổ của những người kia như thế nào và họ không hề hay rằng các linh hồn đó bị giam cầm bao lâu. Luyện ngục là gì? Luyện ngục là chốn giam giữ các linh hồn, sau khi chết phải xuống đó để luyện tẩy tội lỗi khi sống đã phạm. Sau đây hãy nghe các thánh nói cho chúng ta biết về chốn luyện ngục. Thánh Tôma Aquinô: “Lửa luyện ngục, độ nóng của nó tương đương với độ nóng của lửa ở dưới địa ngục. Chỉ cần chạm một cái rất nhẹ, rất mong manh, nó còn rùng rợn hơn tất cả những cực hình đau đớn chết người trên trái đất này”. Thánh Augustinô nói: “Các linh hồn sau khi chết, trước khi vào thiên đàng phải qua lửa luyện tội để chịu đựng những hình phạt thanh tẩy tội trạng của họ. Nó là một ngọn lửa khủng khiếp chết người, nó nung nấu xuyên qua linh hồn các con người mà không có ai có thể tưởng tượng nổi, nó khủng khiếp tới cỡ nào. Mặc dù ngọn lửa này dành riêng để luyện tẩy các linh hồn, nhưng nó làm cho nhức nhối, khổ sở đau đớn hơn cả các đau đớn trên thế gian”. Thánh Cyril of Alexandria đã không ngần ngại nói rằng: “Nếu tôi có thể chịu đựng những cực hình đau khổ trên trái đất này cho tới ngày phán xét chung tôi cũng bằng lòng chịu còn hơn phải chịu đựng một ngày ở dưới luyện tội”. Một vị thánh khác nói: “Lửa trên thế gian so với lửa luyện tội chỉ là một cơn gió mát”. Như vậy, lửa ở luyện tội thật khủng khiếp. Chúa dùng nó để trừng phạt và luyện tẩy kẻ có tội. Nhưng tại sao phải đền tội sau khi chết? Thưa là vì sự công bằng:
– Chúa là Đấng tốt lành thánh thiện, chỉ một tội nhỏ cũng xúc phạm Chúa. Khó mà nói được con số của tội nhẹ mà chúng ta đã phạm: Có những tội như yếu mình, ích kỷ, lỗi đức bác ái trong tư tưởng, lời nói và việc làm trong mọi hình thức, lười biếng, ganh ghét và rất nhiều nữa. Có những tội chúng ta bỏ quên bỏ sót. Chúa cho chúng ta cuộc sống này là để phục vụ Chúa và để cứu rỗi các linh hồn. Một ngày 24 tiếng: phần nhiều chúng ta rất lấy làm thỏa mãn khi dành cho Chúa 5 phút cầu nguyện mỗi sáng, mỗi tối, vị chi là 10 phút; phần còn lại 23 tiếng 50 phút là ngủ, làm việc, nghỉ ngơi, vui chơi? 1 tuần có 7 ngày: chúng ta lấy làm đủ khi dành cho Chúa 1 tiếng dự lễ Chúa Nhật; phần còn lại là 6 ngày+23 tiếng, có khi chúng ta lấy của Chúa luôn 1 tiếng này! Vậy thử hỏi chúng ta có công bằng với Chúa không?
– Chúa hằng ban ơn trợ giúp, nhưng chúng ta đã không dùng ơn Chúa ban để phấn đấu.
– Người đạo đức, tốt lành thì được thưởng khác với người trễ nãi khô khan; người siêng năng khác với người lười biếng; người giữ đạo một đời thì khác với người trước khi chết mới trở lại?
Các thánh ngày xưa chỉ phạm tội rất nhẹ, vậy mà họ dám đấm ngực ăn năn đau đớn và làm những việc đền tội rất xứng đáng; còn chúng ta phạm tội quá nhiều, tội nặng nề mà sự ăn năn thì chỉ chút đỉnh và sự đền tội thì không có gì, cho nên hình phạt cho việc làm lấy lệ này sẽ bị đền khi giam dưới lửa luyện tội. Còn đền tội mau hay lâu trong luyện ngục là còn tùy ở tất cả các tội nhẹ hay nặng, mà chúng ra đã vô tình tích trữ từ  20, 30, 40, 50, 60 năm trong đời sống mình. Chắc chắn Chúa không bao giờ muốn con người phải đau khổ nơi “Luyện ngục”. Việc Chúa xuống thế làm người, chịu đau khổ và chịu chết thảm khốc trên thập giá để cứu nhân loại chứng tỏ điều ấy. Tuy nhiên, con người vẫn ngụp lặn trong tội lỗi mà không tự biết, nên muốn rửa sạch tội lỗi rất cần phải có một cuộc thanh tẩy, khổ luyện. Nếu tỉnh ngộ sớm thì cuộc thanh luyện sẽ diễn ra ngay ở trần thế, còn nếu không tỉnh ngộ sớm thì khi trở về thế giới bên kia sẽ có hai cửa: Hoả ngục và Luyện ngục. Vậy thì đau khổ là do con người tự chuốc lấy khi phạm tội, duy chỉ có điều con người có thực sự nhìn ra được tội lỗi của mình hay không mà thôi. Tất cả tội lỗi của con người ở trần gian có thể quy về một nguyên nhân chính là tính ích kỷ. Đam mê của cải vật chất ư? Vì tôi muốn thoả mãn lòng tham lam. Gian dối, lừa lọc ư? Cũng chỉ nhằm trục lợi cho bản thân. Trộm cướp ư? Vì tôi muốn không làm mà vẫn có ăn, thậm chí còn trở nên giàu có nữa. Nói hành, nói xấu, vu khống, kích động ư? Cũng chỉ vì muốn đưa mình lên cao, hạ bệ người khác để bản thân được hường lợi. Đến như ganh ghét, thù hận, chém giết nhau, rồi khủng bố, chiến tranh … chung quy cũng chỉ là muốn đem về cho mình những lợi lộc (cả vật chất lẫn tinh thần). “Ích kỷ hại nhân”: (lợi mình hại người) là đương nhiên. Ích kỷ là mưu lợi cho bản thân, nên có thể nói con người chỉ thích “vị kỷ” (vì mình) hơn là “vị tha” (vì người), để từ đó sa vòng tội lỗi rồi tự gây nên đau khổ như một án phạt tất yếu. Người ta chỉ có thể vào được Thiên Đàng khi họ có đầy tràn tình yêu và không còn chút tính ích kỷ nào nữa. Người trộm lành trong bài Tin Mừng hôm nay là một ví dụ. Anh đã thể hiện được tinh thần vị tha trong tình yêu ấy. Trong cảnh đau khổ tột cùng (bị treo lên thập giá), anh chỉ nghĩ tới đau khổ của Chúa, thương cho Người bị oan: “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” Chính vì thế, anh đã được Chúa ân thưởng: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”. Người trộm lành tuy đầy tội lỗi, nhưng cuối cùng tình yêu đã biến anh thành người tốt lành, xứng đáng hưởng hạnh phúc Thiên Đàng, đúng như lời dạy của thánh Phêrô: “Tình yêu che phủ muôn vàn tội lỗi” (1Pr 4, 8). Hiểu được như thế, chúng ta cần phải thực thi bằng những hành vi lành thánh như là xin lễ, dự lễ, viếng nhà thờ, nghĩa địa, cầu nguyện cho người chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi và đó cũng chính là thể hiện tình yêu “nhận về” và “cho đi”. Thực thế, chúng ta đã nhận về từ các ngài (tổ tiên, ông bà, cha mẹ, và nói chung là các bậc tiền nhân) những gia sản từ vật chất tới tinh thần, bổn phận chúng ta là phải biết “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Nói cách khác là bày tỏ lòng hiếu thảo để tưởng nhớ công ơn tiền nhân như một hành vi “báo hiếu”, hành vi bác ái. Hành vi đó không lệ thuộc nhiều ở những những lễ giỗ, lễ tưởng niệm hoành tráng, tiệc tùng linh đình, mâm cao cỗ đầy dâng cúng, mà cần những tấm lòng vị tha chia sẻ Tình Yêu Chúa cho các ngài.
Như vậy là đã rõ, sở dĩ chúng ta cần cầu nguyện cho các đẳng linh hồn là vì các ngài đã mất khả năng tự “lập công chuộc tội” cho mình, mà chỉ trông nhờ vào công đức của chúng ta cầu thay nguyện giúp cho các ngài mà thôi. Vả lại, vì chúng ta cùng sống trong mầu nhiệm “các thánh thông công”, nên việc cầu nguyện cho các ngài thực sự là bổn phận của mỗi người chúng ta. Hơn thế nữa, vì tình yêu là món quà vô giá chúng ta đã “nhận về” từ Thiên Chúa, thì không lý gì mà chúng ta lại quên “cho đi” với người anh em đang rất cần sự trợ giúp. Và khi đã “cho đi” như vậy, thì đừng nghĩ rằng mình sẽ mất đi tất cả. Ngược lại, chính sự “cho đi” ấy lại giúp chúng ta “nhận về” gấp bội từ Thiên Chúa, kể cả những tiền nhân nơi luyện ngục khi các ngài đã trở nên tinh tuyền hưởng nhan Thiên Chúa.
Xin vì công nghiệp của Chúa Kitô trên thập giá, nhờ lời cầu bầu của các thánh, và cầu nguyện của cộng đoàn dân Chúa, Chúa sẽ tha thứ, và sớm đưa các đẳng linh hồn về hưởng hạnh phúc, sau cả đời đã tin tưởng phó thác nơi Chúa. Amen.
Giáo xứ chính tòa Qui Nhơn

 

Related posts