Công nghệ của Đức không đáp ứng được nhịp sống hối hả ở Bắc Kinh

Stephen Chen cho South China Morning Post

Máy thu vé tàu điện ngầm Bắc Kinh được làm ở châu Âu có thể tiên tiến, nhưng dường như không thể đáp ứng được sự hối hả của hành khách Trung Quốc.

Các kỹ sư một năm vài lần phải bay từ Đức sang để xử lý các sự cố kỹ thuật khác nhau, đặc biệt là sự cố tắc nghẽn hệ thống, theo một nhân viên quản lý của công ty.

“Các chuyên gia kỹ thuật của chúng tôi không hiểu tại sao các máy này hoạt động hoàn hảo ở châu Âu nhiều năm nay, nhưng lại luôn xảy ra sự cố tại Trung Quốc”, ông nói nhưng từ chối cho biết tên do tính nhạy cảm trong công việc. “Họ ngạc nhiên về những điều họ phát hiện”.

Tại châu Âu, hành khách đứng cách nhau một đoạn và chỉ đưa vé vào máy sau khi người đứng trước đã qua cổng.

Nhưng tại Trung Quốc, hành khách nóng lòng đứng sát nhau và thường đút vé vào máy trước khi cổng mở cho người đứng trước đi qua.

“Các kỹ sư người Đức của chúng tôi cho rằng phải chờ hai đến ba giây giữa hai lượt đút vé vào máy, nhưng tại Trung Quốc dường như nửa giây cũng đã quá lâu”, ông nói.

Vấn đề này rõ ràng khó giải quyết. Các kỹ sư không chỉ cần phải viết lại phần mềm, mà còn thiết kế lại các bộ phận. Cho đến nay các kỹ thuật viên nước ngoài chưa tìm ra giải pháp hiệu quả để đối phó tính nóng vội của hành khách đại lục.

Kết quả là tại Bắc Kinh và nhiều thành phố khác của Trung Quốc, các máy thu tiền vé thường do các nhân viên tàu điện ngầm điều khiển, những nhân viên này thường xuyên nhắc hành khách lùi lại hay khi máy hỏng thì thu vé bằng tay.

Phương tiện giao thông công cộng là một trong nhiều lĩnh vực tại Trung Quốc sử dụng công nghệ nước ngoài gặp sự cố. Đồng thời, áp lực cạnh tranh nơi các công ty đa quốc gia tại Trung Quốc gia tăng do các công ty địa phương nhận thấy cơ hội tìm ra các sản phẩm phù hợp với thị trường địa phương hơn.

Zhang Yi, giám đốc kinh doanh của công ty xe ôtô đặc biệt Cheng Li, một trong những nhà sản xuất xe bảo trì trong thành phố lớn nhất Trung Quốc, nói cho đến gần đây các viên chức đại lục thích mua công nghệ và nhãn hiệu nước ngoài hơn.

“Các công ty nước ngoài đã sản xuất những loại xe này trong nhiều thập niên. Không ai phủ nhận công nghệ của họ cao hơn trong một số lĩnh vực”, Zhang nói. “Và một số viên chức cảm thấy một cái máy quét đường trông lạ mắt từ một nước phát triển sẽ cải thiện hình ảnh của thành phố”.

Nhưng trong 5 đến 6 năm qua, hầu hết các thành phố Trung Quốc trong đó có Bắc Kinh và Thượng Hải đã bỏ các thiết bị bảo trì nước ngoài.

“Các đường phố ở Trung Quốc thường bị xả rác nhiều hơn ở châu Âu và châu Mỹ. Việc này làm giảm tuổi thọ các máy quét đường của nước ngoài rất nhiều, nếu không bị nghẹt chết máy ngay”, Zhang nói.

Nguồn: South China Morning Post

Ucanews

Related posts