Thần học 

Ngài đến đây làm gì?

2. Ngài đến cứu chuộc cuộc sống con người.

Khi tôi tin rằng con người là một kế hoạch của Thiên Chúa, tức là tôi đã nhận một giá trị tuyệt đối cho cuộc sống của con người. Kẻ nào không nhìn nhận một giá trị nào ở ngoài thề giới loài người thì nhận một giá trị nào đó bên trong thế giới loài người làm ý nghĩa cuối cùng cho cuộc sống của mình. Nhưng ai đã nhìn nhận mình là một kế hoạch của Thiên Chúa và sự thành tựu cuối cùng của mình là được chung phần cuộc sống vinh quang của Thiên Chúa, thì không thể nhận một giá trị nào khác làm ý nghĩa cuối cùng, tuyệt đối cho đời mình. Nói thế không có nghĩa là lòng tin vào Thiên Chúa phủ nhận những giá trị của thế giới loài người. Người tín hữu vẫn tôn trọng những giá trị của loài người, nhưng không ngừng lại ở đó mà còn đón nhận một cái đỉnh cao do ân huệ Thiên Chúa ban cho. Cái đỉnh cao này vượt khỏi con người, nhưng Thiên Chúa đã đặt nó vào trong kế hoạch của Ngài về con người[2]. Bởi vậy đối với một người tin Thiên Chúa và nhận mình là một kế hoạch của Thiên Chúa, thì cuộc sống con người trở thành phi lý vô nghĩa nếu con người là một hoạch phải đi tới thất bại. Nhưng chỉ có tội lỗi mới làm cho kế hoạch ấy phải đi tới thất bại, còn ơn cứu chuộc thì làm cho kế hoạch ấy thành tựu. Giải thích Ki-tô giáo về cuộc sống con người dựa trên hai thái cực đó: tội lỗi và ơn cứu chuộc.

a. Tội làm mất ý nghĩa cuộc sống.

Để trở lại với câu chuyện Ađam – Eva, khi họ từ chối một dự định của Thiên Chúa thì họ “thấy mình trần truồng”, vô nghĩa. Cả cuộc sống trở thành gai góc, và sự kết thúc cuộc sống trở thành cái chết, thành một tai họa, vì nó thả rơi con người vào trong tăm tối. Cuộc sống trở thành đường vào bóng tối. Suốt nhiều thế kỷ, các nhà chú giải Thánh Kinh và các nhà thần học đã từng muốn giải thích lời Thiên Chúa tuyên phạt loài người (St 3, 16-19) bằng một loạt những ơn vượt tự nhiên, như là trước đó loài người không phải khổ, không bệnh, không chết… Ngày nay người ta thường giải thích – đơn giản hơn – bằng sự đánh mất ý nghĩa. Sách Sáng Thế trình bày Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Ngài và trao cho con người trách nhiệm làm chủ mặt đất (1,27-28), nghĩa là để con người tiếp tục công trình sáng tạo của Ngài. Chính Thiên Chúa đã làm việc để dựng nên vũ trụ và con người, thì con người cũng phải làm chủ vũ trụ bằng cách làm việc, bằng lao động. Ở chương 2, câu 5, sách này ngầm cho thấy rằng Chúa dựng nên con người là để lao động: “Lúc ấy chưa có con người để canh tác đất đai…” Vậy thì trước khi phạm tội và sau khi phạm tội, con người vẫn có sứ mệnh lao động. Tự nó, lao động không thể là “hình phạt”. Cái gì đã thay đổi? Lời tuyên phạt của Thiên Chúa có nghĩa là gì? Cái đã thay đổi là chính ý nghĩa của lao động. Nó tùy thuộc vào ý nghĩa cuộc sống con người. Khi Ađam–Eva nhận mình là một kế hoạch của Thiên Chúa, thì lao động là cái làm cho họ giống Thiên Chúa, vì nó là cách thể hiện quyền làm chủ mà Thiên Chúa trao cho họ. Vinh quang của con người là được nên giống Thiên Chúa, được tham dự vào quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa nhờ lao động. Khi họ từ chối là kế hoạch của Thiên Chúa, tức là từ chối chính mình, từ chối ý nghĩa cuộc sống, thì cuộc sống vẫn còn đó, nhưng nó đã mất ý nghĩa nên trở thành một cuộc đầy ải, cưỡng bức. Thế mà lao động đã được gắn liền vào đó rồi, không tách ra được nữa, nên nó cũng mất ý nghĩa theo. Từ ý nghĩa sáng tạo và làm chủ, lao động đã trở thành một cuộc vật lộn với đất để có miếng ăn. Muốn sống phải lao động, nhưng nếu cuộc sống không còn ý nghĩa thì lao động trở nên khổ sai.

Cuộc sống con người là một hành trình trong không gian và thời gian. Trong lãnh giới Kinh Thánh, Ađam-Eva sa ngã cũng là mất hướng cho cuộc hành trình kia. Con người cần một tương lai để treo hiện tại và đẩy mình đi tới. Khi Ađam–Eva thấy rằng mình đã chối từ Tình Thương Tuyệt Đối, Tình Thương duy nhất làm cho mình tồn tại, làm cho cuộc sống của mình có điểm tới, thì họ thấy mọi sự đều vô nghĩa. Yêu nhau để làm chi? Tình yêu có còn ý nghĩa hay chỉ là nhu cầu không thể kháng cự? Sinh con để làm chi? Để cho nó có một tương lai hay để truyền cho nó cái vô nghĩa mà mình đang sống, và chính mình không muốn sống? Tóm lại, tất cả cái chu kỳ sống – yêu – truyền thông sự sống trở thành vô nghĩa khi tương lai chỉ là một khoảng tối tăm dày đặc. Vậy thì lời tuyên án trong sách Sáng Thế không phải là một “lời sáng tạo” của Thiên Chúa làm nên nổi khổ ải cho con người, nhưng là lời mặc khải cho người biết rằng chính tội lỗi đã làm nên như thế đó. Chính khi Ađam–Eva từ chối cái giá trị tuyệt đối mà Thiên Chúa ban cho để làm ý nghĩa cuối cùng cho cuộc sống, là họ đã làm “phá giá” tất cả mọi tương quan kết thành cuộc sống của mình: lao động là tương quan với vũ trụ vật chất, tình yêu là tương quan với người khác. Họ bị “đuổi ra khỏi vườn Địa Đàng” (St 3,23), theo ngôn ngữ thật cụ thể của Kinh Thánh, thì chủ yếu vẫn không phải là một vấn đề di chuyển chỗ ở: khi đã không còn ý nghĩa và tình nghĩa thì chỗ ở nào cũng thành chốn xa lạ, thành nơi lưu đầy.

b. Nhờ mầu nhiệm con Thiên Chúa làm người, cuộc sống được lại ý nghĩa tuyệt đối.

Là tín hữu Ki-tô giáo chủ yếu là tin vào Đức Ki-tô, đón nhận “Tin Mừng” là chính Ngài, Con Một Yêu Dấu của Thiên Chúa đã đến đem con người trở về với Thiên Chúa, cho con người lại được gọi Thiên Chúa là Cha, được “đồng thừa kế” vinh quang vĩnh cửu với Ngài. Cuộc hành trình lại có một điểm tới. Ngõ cụt được khai thông. Ánh sáng đã bừng lên giữa tối tăm. Thế là tất cả lại có ý nghĩa: lao động, tình yêu và cả cuộc sống. Con Thiên Chúa làm người đã không lấy thế làm đủ. Ngài sống trọn kiếp người để chứng mình rằng kiếp người thật đáng sống, rằng con đường làm người quả thật đưa ta đến với Thiên Chúa; đồng thời Ngài sống để vạch cho chúng ta thấy làm sao đến được với Thiên Chúa. Tóm lại, Ngài vừa cho chúng ta một đích tới, vừa vạch cho chúng ta thấy làm sao đi tới. Chính vì thế, Ngài gọi môn đệ: “Hãy đi theo tôi” và Ngài hứa: “Ta ở đâu thì kẻ phục vụ Ta cũng được ở đó” (Ga 12, 26).

Ngài đã sống trọn kiếp người.

Con Thiên Chúa làm người đã đi hết con đường dài của kiếp người. Ngài từ chối mọi đường ngang nẻo tắt. Satan cám dỗ Ngài đi đường tắt: Lạm dụng quyền năng Thiên Chúa để (làm cho đá hóa bánh) phục vụ bản thân mình thay vì thi hành sứ mạng, hoặc dùng quyền năng ấy làm hoa mắt đồng loại để người ta tin theo Ngài, hoặc đi con người tắt cuối cùng là đánh đổi: bỏ Thiên Chúa tín thành để theo Satan lừa dối. Ngài đã từ chối tất cả mọi con đường tắt và dứt khoát đi con đường của Thiên Chúa: “Ta đến không phải để làm theo ý Ta, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Ta” (Ga 6,38). Thánh Mác-cô đã đối chiếu Chúa Giêsu chịu cám dỗ với Ađam trong Vườn Địa Đàng. Ađam phạm lỗi bị đuổi ra khỏi vườn và thiên thần cầm gươm lửa giữ cửa không cho trở lại đó. Chúa Giêsu chiến thắng Satan nên thiên thần đến hầu hạ Ngài, mọi thú dữ tùng phục Ngài, vì Ngài ở giữa các thú dữ như Ađam trước khi phạm tội (Mc 1,12-13). Còn Tin Mừng theo thánh Mát-thêu (4,1-11) và thánh Luca (4,1-13) thì đối chiếu Chúa Giêsu chịu cám dỗ với Israel trong sa mạc. Israel được Thiên Chúa nhận làm con, cứu họ ra khỏi ai Ai Cập để đưa họ vào Đất Hứa. Nhưng họ đã lỗi phạm nên gục ngã trong sa mạc. Chúa Giêsu chiến thắng cám dỗ, chấp nhận con đường làm con Thiên Chúa trong kiếp người [3], nên Ngài được đầy quyền năng của Thánh Thần để rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Nước trời đã đến, vì Thiên Chúa đã có nơi hiện diện hoàn toàn, chính là Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, Đấng hoàn toàn vâng phục Chúa Cha.

Chúa Giêsu từ chối không đi con đường tắt nào, và cũng từ chối không tạo cho loài người con đường tắt nào, nhưng khẳng định bằng tất cả cuộc sống của Ngài rằng kế hoạch của Thiên Chúa về con người là kế hoạch tốt đẹp nhất, thành công nhất, vì Thiên Chúa yêu thương loài người. Khi người đàn bà Samari nghe Chúa nói đến một thứ nước làm cho kẻ uống không còn khát nữa, bà ta liền xin Chúa: “Xin Ngài cho tôi thứ nước ấy đi, để tôi khỏi phải tới đây kín nước nữa” (Ga 4,15). Khi người Do Thái nghe Chúa nói đến một thứ bánh từ trời xuống, họ cũng xin Chúa: “Thưa Ngài: Xin cho chúng tôi thứ bánh ấy luôn mãi” (Ga 6,34), dĩ nhiên là để chúng tôi khỏi phải đổ mồ hôi mới có miếng ăn. Chúa Giêsu từ chối cung cấp thứ nước, thứ bánh làm cho con người khỏi phải mang nỗi vất vả của kiếp người. Chính Ngài sống cuộc đời lao động ở Nadaret, Ngài đã đổ mồ hôi đổi lấy bát cơm. Sứ mệnh của Ngài không phải là thay thế sức lao động bằng quyền năng Thiên Chúa. Ngài xác định sứ mệnh của Ngài như thế: “Bánh bởi trời chính là Ta. Ai tin ta sẽ được sống đời đời” (Ga 6,51). “Và nước ta ban cho sẽ trở thành mạch suối vọt lên trong kẻ ấy, đưa tới sự sống đời đời” (Ga 4,14); “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi thì hãy uống.”(Ga 7,37-38). Sứ mệnh của Ngài là đem lại sự sống đời đời. Nhưng sự sống đời đời lại không phải chỉ là sự sống đời sau. Sự sống đời đời bắt đầu ngay từ bây giờ: “Ai thấy người Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời, và Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,40). Thánh Gioan giải thích trong Thư Thứ Nhất: “Ngay từ bây giờ chúng ta là con Thiên Chúa rồi.” (1 Ga 3,2). Nghĩa là cả kiếp sống làm người trở thành kiếp sống làm con Thiên Chúa. Cả cuộc hành trình trong thời gian và trong không gian trở thành cuộc hành trình vào vĩnh cửu. Chúa Giêsu cũng từ chối dùng quyền năng của Ngài để giải phóng dân tộc Do Thái về phương diện chính trị. Khi người Do thái thấy Ngài làm phép lạ cho bánh hóa nhiều để nuôi họ, họ toan bắt cóc Ngài mà tôn vương, tôn làm thủ lãnh chính trị của họ. Chúa Giêsu trốn tránh toan tính này (Ga 6,35). Sau này Chúa sẽ tuyên bố trước mặt Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 19,36).[4] Nghĩa là ngài không đến vận dụng quyền năng Thiên Chúa để thay thế con người. Ngài đến để tôn trọng cuộc sống con người và đem cho nó giá trị cuối cùng: sự sống đời đời, sự thành tựu vĩnh viễn của kiếp người.

Con đường tắt cuối cùng mà người Do Thái nài nỉ Chúa Giêsu ban cho họ là chịu làm một dấu lạ nào để thuyết phục họ ngay tức khắc (Ga 6,30). Họ không muốn trải qua nỗi băn khoăn của con người phải tự quyết định đón nhận tình thương của Thiên Chúa hay không, nhưng muốn Thiên Chúa ra oai trấn áp sự lựa chọn của mình, “bắt cóc” mình. Chúa Giêsu từ chối bắt cóc loài người. Thiên Chúa đã dựng nên con người tự do và Thiên Chúa muốn tôn trọng tự do con người đến cùng, dù con người có từ chối Ngài đi nữa, Ngài cũng không cưỡng ép. Những người bà con của Chúa Giêsu cũng đề nghị Ngài lên Giê-ru-sa-lem “biểu diễn” quyền năng Thiên Chúa cho họ thấy. Nhưng Ngài cũng từ chối (x. Ga 7). Chúa Giêsu dứt khoát không đi đường tắt, và cũng không chịu tạo nên một con đường tắt nào; dù con đường Ngài đi phải qua thập giá và đưa Ngài vào tận đáy âm ty, Chúa vẫn đi đến cùng, để làm chứng rằng mọi kế hoạch của Thiên Chúa là yêu thương và thành tín. Cuối cùng “chính vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Ngài” (Pl 2,9).

Ngài là Amen.

Chính vì đã chấp nhận thi hành trọn vẹn kế hoạch của Chúa Cha, nên Chúa Giêsu là Amen (x. 2Cr 1,19-20; Kh 3.14) (nghĩa là: Vâng; đúng như vậy). Ngài là Amen Chúa Cha nói với chúng ta, vì nơi Ngài Chúa Cha khẳng định với chúng ra rằng Chúa Cha thật yêu thương chúng ta chứ không lừa dối, áp đặt. Chúa Cha thành tín, giữ đúng mọi lời hứa chứ không phỉnh gạt loài người. Chúa Giêsu là Amen của chúng ta thưa với Thiên Chúa, vì Chúa Giêsu đã nhân danh loài người “xin cho ý Cha nên trọn”, xác nhận rằng mọi dự định của Chúa Cha là yêu thương thành tín, là hạnh phúc cho con người. “Bởi vậy nhờ Ngài chúng ta có thể thưa Amen với Thiên Chúa để tôn vinh Thiên Chúa” (2 Cr 1,20).

Tóm lại, Chúa Giêsu Con Thiên Chúa làm người đã sống trọn vẹn kiếp người để phục hồi giá trị cuộc sống con người, bằng cách cho nó một ý nghĩa và vạch ra một thái độ sống để đạt tới ý nghĩa ấy. Ngài không đem quyền năng Thiên Chúa thay thế một bộ phận nào trong cuộc sống con người, nhưng Ngài đem toàn bộ cuộc sống con người vào trong vĩnh cửu của Thiên Chúa. Ngài làm cho kiếp người trở nên đáng sống.

2 3 4 5 6 7

Related posts