Đau nhói chuyện lương tâm và văn hoá
ĐAU NHÓI CHUYỆN LƯƠNG TÂM VÀ VĂN HOÁ !
Báo Pháp Luật ngày 21 tháng 6 trong chuyên mục Giáo Dục đăng một bản tin như thế này:
Nghiên cứu về hành vi đạo đức của Sinh viên: 41% SV không thích sống cao thượng.
Có 36% sinh viên đồng ý rằng làm việc theo lương tâm sẽ bị thua thiệt. 39% cho rằng tự do không phải là điều ai cũng cần.
Một tỷ lệ khá cao, 31% sinh viên chấp nhận việc hành động mà không quan tâm xem mình có ảnh hưởng đến người khác hay không. Ngoài ra, có 32% sinh viên chấp nhận hành vi vô ơn, không xem đó là chuyện phi đạo đức. Hơn nữa, còn khá nhiều thái độ tiêu cực tồn tại trong sinh viên. Cụ thể: 39% sinh viên chấp nhận rằng tự do là một điều không phải ai cũng cần và mơ ước; 43% sinh viên chấp nhận rằng hòa bình thì không chắc rằng lúc đó con người sẽ vô cùng hạnh phúc.
Một tỷ lệ cũng rất cao là có đến 41% sinh viên đồng ý không nhất thiết phải sống cao thượng vì đôi khi cao thượng lại là mù quáng, 36% đồng ý làm việc theo lương tâm sẽ bị thua thiệt và 28% có tư tưởng trả thù, báo oán. Bên cạnh đó, có 18% sinh viên chấp nhận đưa lợi ích cá nhân lên trên hết và không bao giờ quan tâm đến ai nếu không liên quan đến mình. Trong phạm vi quan hệ gia đình, có đến 60% sinh viên đổ mọi trách nhiệm nuôi dạy con cái lên cha mẹ mà không thừa nhận trách nhiệm của chính bản thân những người con.
Kết quả nghiên cứu còn cho thấy sinh viên tự đánh giá về hành vi của mình trong việc lựa chọn các giá trị đạo đức nhân văn. Trong đó, hàng loạt hành vi như: xếp hàng nghiêm túc nơi công cộng, nhường chỗ trên xe buýt cho người già và trẻ em, tự nhận khuyết điểm và nói lời xin lỗi, kiềm chế tránh xúc phạm người khác, bảo vệ và trồng cây xanh, giúp người khác dù biết thiệt hại… thì lại không có hành vi nào được sinh viên xếp vào mức rất thường xuyên thực hiện.
Nhiều hành vi tiêu cực cho thấy sinh viên đôi khi hoặc nhiều khi thực hiện như: nói xấu người khác, tiêu xài lãng phí, trễ hẹn, gian lận và mưu mẹo trong thi cử, chưng diện lòe loẹt, nhậu nhẹt, nói tục chửi thề, xem thường người khác, cãi vã với cha mẹ, vô lễ với thầy cô và người lớn tuổi, đánh nhau, phá hoại môi trường, sai giờ, xả rác bừa bãi, trộm cắp, mê tín dị đoan, rủ bạn bè xem phim sex, sống thử…
Báo Người Lao Động trong chuyên mục Văn hoá & Giải trí ngày 29 tháng 6 đưa tin :
Đại diện 87 gia đình văn hóa đã được UBND TP Hà Nội biểu dương, khen thưởng tại liên hoan gặp mặt các gia đình văn hóa tiêu biểu thủ đô năm 2009, tổ chức vào sáng 28-6 (Ngày Gia đình VN). Theo thống kê của Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch), đến hết năm 2008, cả nước có gần 17 triệu gia đình. Trong số này, có hơn 13,5 triệu gia đình văn hóa.
Những con số thống kê này ắt hẳn không phải là chính xác nhưng nhìn vào đó ta cũng đủ hiểu đất nước ta đang ở đâu. Sinh viên – là những người tương lai làm chủ đất nước ấy vậy mà có đến 36% đồng ý rằng làm việc theo lương tâm sẽ bị thua thiệt ! Như vậy, đồng nghĩa với việc họ chấp nhận làm việc không theo lương tâm vì lẽ nếu làm theo lương tâm sẽ bị thiệt thòi hơn người khác.
Người ta vẫn thường đùa với nhau “lương tâm không bằng lương tháng !”. Tưởng là đùa đấy nhưng ngày nay nó là sự thật với con số thống kê như trên.
Người đọc vừa giật mình và vừa chạnh lòng với con số : có gần 17 triệu gia đình trong đất nước này nhưng có hơn 13,5 triệu gia đình văn hoá ! Như vậy còn lại 3,5 triệu gia đình kia thuộc loại nào ? Chẳng lẽ là hơn văn hoá ? Chắc có lẽ 3,5 triệu gia đình còn lại ấy sẽ rơi vào tình trạng thiếu văn hoá, chưa có văn hoá hay vô văn hoá !
Không thể nào phủ nhận được một Việt Nam đang vươn mình cùng sánh vai với các cường quốc 5 châu 4 bể thế nhưng khi nhìn thấy những con số, những thực tại ta sẽ cảm thấy thật đau lòng. Một đất nước dù có giàu có đi chăng nữa mà không có lương tâm, không có đạo đức, thiếu văn hoá.
Liệu rằng mọi người có bình an và hạnh phúc thật khi đời sống vật chất quá đầy đủ và thậm chí dư thừa nhưng giá trị lương tâm và văn hoá giảm sút hay nói đúng hơn là bị đánh mất.
Qua những thống kê, qua những con số trên cần phải thêm lời cầu nguyện cho một đất nước thiếu lương tâm và trống vắng văn hóa như thế này.
Tác giả: Lm. Anmai, C.Ss.R.
Nguồn: conggiaovietnam.net