Gia đình 

Tuổi thơ trước những nguy cơ

Tuổi Thơ Trước Những Nguy Cơ


+GM Gioan B Bùi Tuần

Tuổi thơ là tuổi đẹp. Chính vì thế, mà Chúa Giêsu đã quả quyết: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không quay trở lại, mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,3).

Trẻ nhỏ mà Chúa Giêsu nói ở đây, là thứ tuổi ngây thơ sẵn sàng đón nhận nền giáo dục tốt, để vươn tới trưởng thành.

Thực tế cho thấy: Loại trẻ nhỏ với tuổi thơ ngoan ngoãn lành mạnh như thế không xuất hiện đều khắp mọi nơi, mọi thời. Nghĩa là trẻ nhỏ với tuổi thơ vẫn thay đổi như bất cứ sự gì trên trái đất này. Có thể tốt đấy, nhưng rồi trở nên xấu đấy. Nhiều trẻ em không có tuổi thơ. Nhiều trẻ em đánh mất tuổi thơ. Kinh nghiệm đó thực là đắng cay.

Trước tình hình này, các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng. Lo lắng đó của các cha mẹ cũng là lo âu của những người có trách nhiệm trong lãnh vực giáo dục.

Chia sẻ của tôi ở đây chỉ là một đóng góp rất nhỏ vào lãnh vực bao la đó. Tôi sẽ nhắc tới một số nguy cơ đang đe doạ tàn phá tuổi thơ. Những nguy cơ này được gợi ý từ câu chuyện một đứa bé. Phúc Âm thánh Marcô kể chuyện đứa bé này một cách tỉ mỉ (x. Mc 9,14-29). Xin tóm lược thế này:

Một ông bố đem đứa con mình đến Chúa Giêsu, xin Người cứu chữa. Ông thưa với Chúa là con ông từ nhỏ đã mắc bệnh với những triệu chứng sau đây:

1. Bị câm, mất khả năng diễn tả bằng lời nói.
2. Hay nổi cơn với những thái độ bất thường.
3. Đôi lúc khùng điên, tự mình làm khổ mình.

Chúa Giêsu động lòng thương, đã chữa lành đứa bé.

Những triệu chứng trên đây có thể áp dụng cho những nguy cơ đang đe doạ tàn phá tuổi thơ. Trẻ còn nhỏ và trẻ đã lớn đều bị như nhau.

Nguy cơ thứ nhất là sự tàn phá chức năng diễn tả.

Đứa bé đưa đến cho Chúa Giêsu là đứa bé bị câm (x. Mc 9,17). Không nói được, đó là một tật bệnh làm hư chức năng diễn tả.

Dùng lời nói để diễn tả, đó là một chức năng quan trọng trong đời sống xã hội. Mục đích là để hiệp thông, chia sẻ, góp phần, góp ý, thông tin, xây dựng bầu khí đạo đức, bầu khí trí thức, bầu khí văn hoá. Nói tắt là để phát triển cộng đồng và chính bản thân mình. Thế mà câm.

Chức năng diễn tả còn bị hư bởi nhiều tật bệnh khác, như nói bậy bạ, nói sai sự thực, nói có nội dung đúng, nhưng với hình thức thiếu lịch sự. Những tật bệnh này cũng do giáo dục.

Để góp phần xây dựng đạo đức, nếu diễn tả lại chỉ gieo rắc hận thù, thì sẽ ra sao?

Để góp phần phát triển trí thức, nếu giáo dục diễn tả lại trình bày những sự thực hàm hồ, thì sẽ ra sao?

Để gầy dựng một nếp sống văn minh, nếu giáo dục diễn tả lại phổ biến những cách suy nghĩ lệch lạc và những khát vọng đê hèn, thì sẽ ra sao?

Để chấn hưng một thế hệ đang xuống dốc về đạo đức, nếu giáo dục diễn tả lại quá nhấn mạnh đến những hình thức đạo đức bề ngoài mà thiếu nội tâm, thì kết quả sẽ ra sao?

Hiện nay, các nguy cơ trong diễn tả đang phát sinh mạnh. Không những trên sách báo, truyền hình, truyền thanh, mà nhất là trong những quan hệ công khai và riêng tư. Nhiều trẻ còn nhỏ bị lây nhiễm. Nhiều trẻ đã lớn bị mắc sâu.

Nguy cơ thứ hai là sự bùng nổ thái độ mất quân bình.

Đứa bé kể trong Phúc Âm mắc chứng hay nổi cơn. Mỗi lần nổi cơn là nó có những thái độ không kềm chế được. Như nghiến răng, xùi bọt mép, vật mình xuống đất, lăn lộn, la hét (x. Mc 9,18)

Tất cả những cử chỉ đó chứng minh một sự mất quân bình. Tình trạng mất quân bình đó không sao kiểm soát nổi, không thể kềm chế được. Nó làm giảm sút nhân cách, nhân phẩm con người.

Hiện nay, hiện tượng mất quân bình đang xuất hiện khắp nơi. Mất quân bình trong sinh lý, trong tâm lý, cả trong đạo đức.

Tình cảm mất quân bình sinh nhiều chuyện rắc rối. Phán đoán mất quân bình càng sinh nhiều hiệu quả tai hại. Đạo đức mất quân bình có thể đi tới hoang tưởng và những điều mê tín.

Xã hội với nhiều chuyển biến mau lẹ dễ làm cho nhiều người mắc bệnh mất quân bình. Người lớn còn bị, phương chi trẻ nhỏ.

Nguy cơ thứ ba là khuynh hướng tự mình làm khổ mình.

Đứa bé trong Phúc Âm nhiều lúc lao mình vào lửa, đâm đầu xuống sông (x. Mc 9,22).

Nó tự tạo ra trong đầu cảnh khổ, rồi tự chọn cách chấm dứt cảnh khổ, bằng dìm mình vào cái chết khổ. Trong chừng mực nào đó, nó là con người dại.

Trên đời không thiếu những người dại như thế. Xin đưa ra vài thí dụ. Có người luôn luôn nuôi mặc cảm mình bị khinh, bị chê, bị ngược đãi, bị đối xử bất công. Thực sự đó là suy nghĩ chủ quan, chứ thực tế khách quan không đúng như vậy. Nhưng mặc cảm tự ti chủ quan vẫn ám ảnh. Con người mặc cảm đó tự làm khổ mình.

Trường hợp người có mặc cảm tự tôn cũng giống như vậy. Cứ tưởng mình có tài có đức, đáng được trọng kính. Nhưng thấy không được như ý muốn, thì đâm ra bất mãn. Họ tự làm khổ mình.

Có người chạy theo dư luận, bám sát các mẫu thời trang, ngả nghiêng dưới bóng các ngôi sao. Họ làm nô lệ, buông trôi đời mình. Họ tự làm khổ mình.

Có người tưởng mình dấn thân cho một lý tưởng nào đó, rồi vì thế mà lơ là với những giá trị nhân bản, khiến họ thất bại trong những liên hệ giữa người với người. Họ tự làm khổ mình.

Ba nguy cơ kể trên đây phát xuất từ đâu? Theo Phúc Âm, ông bố đã quả quyết đứa bé bị quỷ ám. Chúa Giêsu cũng xác nhận đứa bé bị quỷ nhập. Những nhận xét trên đây cho phép tôi nghĩ rằng: Những nguy cơ hiện nay đang đe doạ tàn phá tuổi thơ cũng có phần nào do ma quỷ. Nói là phần nào do ma quỷ, nghĩa là có những phần do những nhân tố khác. Những tội ác trong giới trẻ hiện nay đang tố cáo những nhân tố đó.

Cho dù thế nào, chúng ta cũng hãy bắt chước ông bố đứa bé. Ông đã cùng với con mình đến với Chúa Giêsu. Ông đã cầu nguyện thay cho con mình. Chúa Giêsu đã chữa con ông, đồng thời cũng đã chữa chính ông.

Chúng ta nên nhớ rằng: Khi đặt vấn đề giáo dục trẻ nhỏ, chính là đặt vấn đề cho người lớn chúng ta, nhất là cho những ai mang trách nhiệm giáo dục kẻ khác.

Riêng trong lãnh vực Đức tin, việc giáo dục hiện nay cần phải rất tỉnh thức. Bởi vì nền văn minh với những phát triển của nó ngày càng cung cấp cho sự tự do con người nhiều phương tiện, để chọn sự lành hoặc chọn sự ác, theo ý riêng mình. Những phương tiện ấy cũng đang lạm dụng để chống phá Đức tin. Đức tin ở tuổi thơ đang bị thử thách. Hiện tượng mất đức tin ở tuổi trẻ không còn là hiếm hoi.

Chính lúc này, chúng ta nên nhớ lại lời thánh Gioan khuyên bảo: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, hãy tránh xa các tà thần” (1 Ga 2,1).

Chúng ta càng cần nhớ lại lời Chúa đã phán với thánh Phaolô: “Ơn của Ta đã đủ cho con” (2 Cr 12,9).

Related posts