Bữa tiệc Nước trời
Chia sẻ Tin Mừng CN XXVIII TN A. Mt 22, 1-14
BỮA TIỆC NƯỚC TRỜI
Trong bài Tin Mừng này, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn về bữa tiệc để nói về Nước Thiên Chúa: “Nước Trời giống như việc vua mở tiệc cưới cho hoàng tử” (Mt 22,1). Hình ảnh bữa tiệc được Isaia mô tả trong bài đọc một (25,6-10): chính Thiên Chúa sẽ thiết đãi mọi dân tộc một bữa tiệc. Nơi ấy, Ngài sẽ cất đi mọi nỗi tang tóc của muôn dân và mọi dân tộc sẽ vui mừng vì được cứu độ. Như vậy bữa tiệc Nước Trời này chắc chắn sẽ rất vui, và những vị khách được mời phải là những người hết sức danh dự. Tuy nhiên không khí của bữa tiệc không giống như dự đoán.
Trước hết là khách mời. Tiệc rượu đã sẵn sàng nhưng khách mời vẫn chưa tới và còn tệ hơn là họ đã không tới vì họ còn đang mải mê lo lắng về nhiều chuyện nên từ chối niềm vui của Bữa Tiệc. Dụ ngôn trước tiên được Chúa Giêsu ngỏ với đối tượng là những thượng tế và kỳ mục trong dân (c.1). Chính họ đã chối từ tham dự vào niềm vui của Người Con khi từ khườc Chúa Giêsu, vì thế họ đã bị tước quyền ưu tiên. Từ nay, những người ở ngoài đường-dân ngoại, sẽ được thừa hưởng lời mời dự tiệc Nước Thiên Chúa (c.9 &10).
Tại sao vị vua lại nổi giận đến nỗi đi tru diệt hết thành phố của những người này? Phần lớn các nhà chú giải đều đồng ý rằng: câu 6 &7 không nằm trong bối cảnh của dụ ngôn mà được thêm vào. Tình tiết này phản ảnh biến cố xảy ra năm 70 SCN, thành phố Giêrusalem bị người Rôma tiêu hủy. Phải nói thêm rằng trong nhãn quan của người Do Thái thì mọi sự xảy ra đối với Dân riêng của Thiên Chúa đều có bàn tay can thiệp của Ngài, ngay cả những tai họa (x. Ac 2,1; Is 2,21) . Quân thù cũng chỉ là dụng cụ Thiên Chúa dùng để đánh phạt dân giúp cho họ biết quay trở về cùng Thiên Chúa (x.Is 5,26). Phải chăng cũng trong cái nhìn này, đối với các Kitô hữu đương thời, biến cố Giêrusalem bị tàn phá chính là do sự can thiệp của Thiên Chúa vì những người lãnh đạo Do Thái đã chối từ Đấng Cứu Thế (x. 23, 38)?
Các câu 11-14 có nguồn gốc từ một dụ ngôn khác có thể gọi là “Dụ ngôn về áo cưới”. Dụ ngôn này ắt hẳn được thêm vào để giải thích thêm câu 10: mọi người, bất luận tốt xấu đều được mời vào dự tiệc. Vậy có gì khác biệt giữa người tốt và người xấu? Dụ ngôn trả lời: đó là chiếc áo cưới. Ai mặc y phục lễ cưới thì được ở lại dự tiệc. Vậy áo cưới là cái gì? Dụ ngôn không giải thích thêm nhưng đâu đó trong Matthêu, tác giả cho biết một vài tiêu chuẩn để được vào Nước Trời như: thực thi ý Chúa (7,21) bác ái với mọi người (Dụ ngôn về Chiên và Dê) (25, 31-46).
“Kẻ được gọi thì nhiều, mà kẻ được chọn lại ít.” Câu này được ghép thêm vào vì nó không diễn tả cùng ý nghĩa với dụ ngôn áo cưới. Trong dụ ngôn chỉ có một người bị loại. Câu này ắt hẳn phản ảnh hiện trạng của cộng đoàn Kitô hữu đương thời. Trong đó, không phải ai cũng sống đúng với những chuẩn mực của Tin Mừng. Ai cũng được mời gọi, nhưng đáp trả thế nào tùy thuộc vào mỗi cá nhân. Sau hết, chính Thiên Chúa sẽ phân xử ai là người xứng đáng được dự tiệc Nước Thiên Chúa còn ai sẽ bị loại ra ngoài và sẽ bị tiêu vong.
Bàn tiệc Nước trời được rộng mở cho mọi người và mọi thành phần bất kể tốt xấu. Câu này nhắc chúng ta nhớ tới sự quảng đại của Thiên Chúa, Ngài cho mặt trời soi sáng và mưa rơi trên cả người tốt cũng kẻ xấu (Mt 6,45). Hồng ân Nước Trời là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa và Ngài không giới hạn cho một nhóm người hay một thiểu số thánh thiện, nhưng tất cả mọi người đều được mời tham dự. Tuy nhiên, được mời dự tiệc thì không hẳn là được hưởng niềm vui của bữa tiệc. Cũng như mọi Kitô hữu đều đã được lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy nhưng không đương nhiên được cứu độ. Điều đó còn tùy thuộc vào lời đáp trả của mỗi người. Lời đáp trả ấy chính là cách trang phục cho mình ‘y phục lễ cưới’ cho xứng hợp với Bữa Tiệc mình được mời tham dự.
Sr. Anna Nguyên Hiệp
Hội Dòng MTG Thủ Đức