Hôn nhân hạnh phúc
Con người được dựng nên để theo đuổi hạnh phúc trong cuộc sống, từ khi sinh ra đến lúc lìa trần. Con người làm việc và chiến đấu không ngừng để khả dĩ đạt được hạnh phúc, dù con người không biết chính xác hạnh phúc thế nào. Các tôn giáo có những lời khuyên thực hành để khả dĩ đạt hạnh phúc càng nhiều càng tốt, nhưng người ta làm ngơ vì những tham vọng, thù hận và ảo tưởng. Nhiều người thất bại và đau khổ cũng vẫn hy vọng và không ngừng đi tìm hạnh phúc cho cuộc sống hiện tại và mai sau. Nhiều người tận hưởng nhiều hạnh phúc mà vẫn chưa thoả mãn, và vẫn khao khát hạnh phúc vĩnh hằng sau khi rời bỏ trần gian – vì ai cũng phải chết.
Một người bình thường, cũng như một đứa trẻ, khó phân biệt giữa hạnh phúc và niềm vui. Với họ, điều gì tạo niềm vui là tạo hạnh phúc, và hạnh phúc là tận hưởng niềm vui.
Chúng ta thường coi thời thơ ấu là thời kỳ hạnh phúc. Thực tế thì trẻ con chưa hiểu hạnh phúc là gì. Nhờ cha mẹ che chở, trẻ con sống những ngày tháng vui vẻ. Khi chúng ta lớn lên, những thay đổi xảy ra trong tam trí và cơ thể khiến chúng ta nhận ra sự hiện hữu của người khác phái và bắt đầu trải nghiệm lực hấp dẫn về giới tính làm tăng phức cảm.
Sự tò mò làm chúng ta phát hiện các yếu tố của cuộc sống – qua sách báo và trò chuyện với bạn bè. Chúng ta phát hiện mình trưởng thành, và bắt đầu tìm người tương hợp để xây dựng mối quan hệ nghiêm túc yêu thương. Tình yêu, tình dục và hôn nhân trở thành các vấn đề quan yếu sẽ xác định chất lượng cuộc sống phu thê của chúng ta.
Ngày nay, các bạn trẻ được tiếp cận nhiều ảnh hưởng Tây phương qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, ti-vi, radio, phim ảnh, Internet… và hệ quả là những đòi hỏi lệch lạc về tình cảm, tình yêu và tình dục – thậm chí là… hôn nhân! Các giá trị luân lý Tây phương xưa đang dần dần bị xói mòn về phương diện ảnh hưởng này. Trách nhiệm liên quan lẫn nhau!
Cách sống hiện đại đầy ắp những kiểu căng thẳng, tất nhiên các mức căng thẳng cũng ảnh hưởng hôn nhân. Nếu phân tích các nguyên nhân chính về các vấn nạn xã hội như tình dục trước hôn nhân, sống thử, thiếu niên mang thai, hôn nhân không hạnh phúc, ly thân, ly hôn, lạm dụng trẻ em, bạo hành gia đình… Chúng ta thấy đó là do tính ích kỷ và thiếu kiên nhẫn, thiếu tha thứ, không hiểu nhau…
Hôn nhân không thể miễn cưỡng hoặc ép buộc. Nam và nữ đều có quyền tự do kết hôn hoặc sống độc thân. Hôn nhân tự nó không xấu, và không tôn giáo nào phản đối hôn nhân.
Tình dục không là điều quan yếu nhất đối với hạnh phúc trong hôn nhân, phụ nữ không nên coi mình là đối tượng phục vụ sự ham muốn của đàn ông – dù đó là chồng. Hãy ăn mặc sao cho đúng đắn chứ không là biểu tượng tình dục. Ăn mặc “hớ hênh” là phụ nữ yếu kém về tâm sinh lý và thẩm mỹ. Cái gì TỐT thì ĐẸP, nhưng cái gì ĐẸP thì chưa hẳn TỐT. Cái đẹp thể lý chỉ thoả mãn con mắt, nhưng cái đẹp nội tâm mới khả dĩ chinh phục nhân tâm. Gandhi nói: “Hôn nhân để thoả mãn tình dục thì không là hôn nhân. Đó là nhục dục”.
Tình yêu có thể là sản phẩm của tình dục, nhưng tình dục chỉ là cách bày tỏ tình yêu. Trong hôn nhân hạnh phúc, tình yêu và tình dục không thể tách rời. Trong tình yêu có tình dục, nhưng trong tình dục chưa chắc có tình yêu.
Không gì khả dĩ thoả mãn cả ngũ quan cùng lúc, ngoại trừ tình cảm đôi lứa. Người Hy Lạp cổ đại biết điều này khi họ nói rằng nam và nữ là một. Hai nên một thì không thể không yêu thương nhau, vì không lẽ mình lại ghét mình? Kinh Thánh Công giáo cũng nói nam và nữ nên một khi họ kết hôn. Công giáo coi hôn nhân là bí tích, nhưng “Phật giáo không coi hôn nhân là nhiệm vụ tôn giáo hoặc không là bí tích được phong ban từ trời” (Ven. K. Sri Dhammananda).
Người ta thích thoả mãn niềm vui trần tục – giống như thích âm nhạc, thơ văn, hội hoạ, khiêu vũ, ẩm thực, chưng diện hoặc những gì không làm hại cơ thể. Các niềm vui đó chỉ thoáng qua, không chắc chắn, nhưng chúng khả dĩ vô hiệu hoá sự cảm thụ bản chất đích thực của hôn nhân.
Trong cuốn Of Suchness, John J. Robinson đưa ra lời khuyên về tình yêu, tình dục và hôn nhân: “Hãy cẩn trọng, kết hôn thì dễ hơn không kết hôn. Nếu chọn đúng người thì tuyệt vời, nhưng nếu không thì hằng ngày bạn phải sống trong địa ngục trần gian. Đó là một trong các nỗi khổ nhất trên đời”.
Chúng ta biết quá nhiều người than phiền về hôn nhân của họ, ít khi nghe nói về hôn nhân hạnh phúc. Giới trẻ đọc tiểu thuyết và xem phim ảnh lãng mạn nên thường cho rằng hôn nhân là “vườn hồng”. Hôn nhân và thực tế liên đới lẫn nhau. Phải nhớ rằng khi kết hôn, người ta đối diện nhiều vấn đề và trách nhiệm mà mình không hề có kinh nghiệm hoặc ngoài dự kiến.
Để có hôn nhân hạnh phúc, vợ chồng phải hài hoà cuộc sống bằng cách giảm thiểu sự khác biệt giữa hai lối sống của hai con người – nghĩa là nhường nhịn chứ không bắt người kia theo mình. Trong hôn nhân không có kẻ thua và người thắng. Vợ chồng phải biết khi nào cần “mù”, “điếc” và “câm”.
Nguyên nhân gây rạn nứt hôn nhan là nghi ngờ nhau, nghi ngờ rồi suy diễn đủ thứ. Đó là thiếu hiểu biết. Tin nhau rất cần trong các mối quan hệ, đặc biệt là hôn nhân, nhưng tin nhau không có nghĩa là kể hết mọi bí mật. Điều bí ẩn tạo ra nghi ngờ, nghi ngờ dẫn đến ghen tuông, ghen tuông sinh ra tức giận, tức giận gây ra thù hận, và thù hận có thể dẫn đến ly thân hoặc ly hôn, thậm chí là tự tử hoặc sát nhân!
Nếu vợ chồng có thể chia vui sẻ buồn hằng ngày thì họ có thể an ủi nhau và giảm thiểu khổ sầu. Cuộc sống vốn dĩ buồn nhiều hơn vui, rất cần chia sẻ và nâng đỡ nhau. Khi yêu nhau, tất cả đều đẹp và mang sắc hồng, nhưng hôn nhân không như lúc yêu nhau vì đầy các trách nhiệm – trách nhiệm với nhau và với con cái.
Có con cái thì không khó, nhưng làm cha mẹ rất khó. Không chỉ cho chúng ăn, mặc, học hành… mà còn những điều cần hơn: bảo vệ chúng khỏi điều xấu, dạy chúng tích cực làm điều tốt, giáo dục cách sống, nghiêm nghị mà không nghiêm khắc với chúng…
Hôn nhân hạnh phúc không chỉ riêng vợ chồng mà còn liên quan con cái, cháu chắt… Hôn nhân là phước lành chứ không là gánh nặng. Đó là một gánh-nặng-hạnh-phúc!
Trầm Thiên Thu