Tin Giáo Phận-Giáo xứ 

Chút tình ghi lại, ký sự xây dựng nhà thờ Phú Mỹ

LỄ ĐẶT VIÊN ĐÁ-KHỞI CÔNG XÂY DỰNG
NHÀ THỜ PHÚ MỸ, GIÁO XỨ KỲ TÂN
GP. Qui Nhơn 22-2-2011

CHÚT NHÌN LẠI

Có hai Giáo xứ ở Hạt Quảng Ngãi, GP Qui Nhơn, được kể là khá lâu đời trong lịch sử truyền giáo tại Giáo Phận, đó là Bàu Gốc và Phú Hòa.

Theo tư liệu lịch sử của Giáo Phận, vào khoảng tháng 2 năm 1641 Giáo Sĩ Alexandre de Rhode đã đến GX. Phú Hòa rửa tội cho nhiều người, sau đó đến GX Bàu Gốc và rửa tội cho hơn 300 người. Hạt giống đức tin từ Bàu Gốc nầy mầm và sinh sôi, tách nên các các Giáo Xứ Đông Nam Quảng Ngãi là Châu Me, Trà Câu, rồi từ Châu Me tách nên Kỳ Tân. GX. Bàu Gốc sau này còn tách thêm GX. Phú vang… còn Phú Hòa tách nên Quảng Ngãi, và các Điểm Truyền Giáo Vùng Đông Sơn Tịnh: Sơn An, Sơn Quang, Sơn Phú, Sơn Mỹ. Các cố Tây cũng lên đến miền tây Sơn Tịnh rất sớm để lập GX. Cù Và, Gx. Tân lộc, về sau này có thêm Gx. Bình Đông . Về phía Bắc Quảng Ngãi có GX. Trung Sơn ( = Trung Tín), GX.Châu ổ.

Một thời kỳ mấy trăm năm để hình thành, hơn trăm năm phát triển, có thể nói đã dừng lại sau biến cố 1975. Một số nhà thờ đã bị tàn phá trong chiến tranh không còn dấu tích. Đa số giáo dân tản mác ra đi tìm kế sinh nhai và tìm nơi thuận tiện sinh hoạt đức tin. Đất vẫn còn đấy, người đã đi đâu! Một số Giáo Xứ bị xóa tên: không còn nhà thờ, không còn Giáo dân. Một số khác, số Giáo dân còn lại quá ít, không có linh mục, không có nhà thờ…họ như đàn chiên bơ vơ không có người chăn. Các Linh mục vừa thiếu lại vừa khó khăn đủ bề, không thể đến được với những cộng đoàn nhỏ bé nầy. Thật đáng thương!

Trong số những Giáo Xứ không còn nhà thờ phải kể đến Kỳ Tân, một GX tách ra từ GX Châu Me vào năm 1933. Sau các cuộc chiến tranh, nhà thờ chính của Giáo xứ Kỳ Tân không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Tìm lại dấu xưa của khuôn viên nhà thờ Kỳ Tân, nay là một vùng dân cư của lương dân. Duy chỉ còn gia đình của hai anh em anh Tư (chồng chị Lucia Huỳnh thị Cúc ) đang sinh sống trong chính địa Kỳ Tân ngày cũ.
Phú Mỹ nguyên là một họ lẻ của GX.Châu Me, cách Kỳ Tân khoảng 10 cây số, có nhà nguyện được xây khoảng năm 1938, nhỏ xíu với diện tích: 10m x 6m =60m2, vừa đủ để chục gia đình sinh hoạt . Sau 1975, Kỳ Tân không còn nhà thờ, không có linh mục, sinh hoạt đạo tại nhà thờ Phú Mỹ , Cha Hạt Trưởng Quảng Ngãi kiêm nhiệm .

Những nhân chứng đức tin còn lại của Kỳ Tân, Phú Mỹ và các giáo họ khác đã không ngừng làm chứng cho Thiên Chúa và đến nay số giáo dân của Gx. Kỳ Tân đã hơn 600 nhân danh. Trong quá trình tái thành lập Gx thì ngày 13-3-2003, Phú Mỹ được tách ra thành một Giáo Họ biệt lập, và đến ngày 10-9-2009, được Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn, Giám Mục Giáo Phận, nâng lên Hàng Giáo Xứ với việc phục hồi lại tên cũ: Giáo xứ Kỳ Tân-bao gồm họ Phú Mỹ và các họ đạo thuộc Gx Kỳ Tân cũ- và sai cha Grêgôriô Lê Văn Hiếu làm chánh xứ.

Với đà tái phát triển của các tín hữu trung thành, ngôi nhà nguyện nhỏ xíu kia không còn đủ sức đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thờ phượng của giáo dân, mặc dầu nhà nguyện đã tu sửa nhiều lần nhưng chỉ bằng những vật liệu thô sơ khắc phục tình trạng xuống cấp trầm trọng, mái lợp dột nát ngàn sao, nền thì kiến đục cát trào, cột kèo mục rỗng, có nguy cơ sụp đổ.

Cha Grêgôriô và toàn thể giáo dân đã tha thiết kêu cầu Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm, Bổn mạng Giáo xứ, xin cho cộng đoàn có điều kiện để thực hiện một ngôi thánh đường xứng đáng hơn. Và, nhờ Mẹ, lời cầu xin đã được nhậm lời. Hơn một năm chuẩn bị, từ chỗ tay trắng, đến nay cũng được rủng rỉnh đôi đồng đủ để khởi công xây dựng, với việc bắt đầu hình thành phần móng. Cha Gregôriô tâm sự với Đức Cha, quí Cha và những ân nhân, nghe thật thương: “Chúng con là dân trồng rau ven sông, trồng hoa nhờ phù sa sông nước, để kiếm sống bữa cơm bữa chợ. Nhưng có thể bắt đầu, chúng con xin bắt đầu. Có thể tới đâu, chúng con làm tới đó. Vừa làm, vừa xin. Chúng con tin tưởng, vì thực ra, chúng con có làm gì đâu. Chuyện này của Chúa làm mà. Chúa đang đổi mới cách kỳ diệu nơi Giáo Xứ Kỳ Tân nầy”.

LỄ ĐẶT VIÊN ĐÁ

Hôm nay, ngày 22-2-2011, Đức Cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi, hai Cha Hạt Trưởng Quảng Ngãi và Phú Yên, Cha Bề Trên Cộng Đoàn Dòng Chúa Cứu Thế Châu Ổ, cùng 25 Cha trong và ngoài GP đã về dự lễ Đặt Viên Đá Đầu Tiên, khởi công xây dựng Thánh Đường Phú Mỹ, GX Kỳ Tân.

Từ 8g30, các tu sĩ nam nữ cùng khoảng 700 giáo dân và khách mời tham dự đã xếp hàng từ xa ngoài cổng chính để đón chào Đức Cha và Quí Cha.

Chuông, chiêng, trống cũ rích, nhưng rập ràng theo tiếng vỗ tay hoan hô liên hồi, thật vui mừng. Có nhiều người lần đầu tiên thấy Đức Cha, chen lấn, chồm lên để được nhìn tận mắt. Ôi, lòng mong mỏi của đoàn chiên bé nhỏ…Mọi người làm dấu nhận phép lành của Đức Cha.

Sau mấy phút viếng Chúa trong nhà nguyện nhỏ bé 75 năm đầy kỷ niệm nghèo hèn, Đức Cha Matthêu tiến ra trước tiền đường với cộng đoàn. Cộng đoàn hát TV 22 “Chúa là mục tử” và lời nguyện cầu cho Đức Cha: “….. xin ban cho người thần trí khôn ngoan và mạnh mẽ, thần trí sáng suốt và thánh thiện, để người lãnh đạo Hội Thánh chúng con. Nhờ đó, trong thế giới hôm nay, Hội Thánh toàn cầu sẽ xuất hiện như dấu chỉ ơn cứu độ muôn đời….” . Cộng đoàn vỗ tay mừng Đức Cha một lần nữa, rồi tiến ra phía sau nhà nguyện, để chuẩn bị vào thánh lễ.

Đoàn rước linh mục đoàn và Đức Cha chủ tế, đi giữa hai hàng cau cao vút, thanh thoát, rồi tiến lên lễ đài, trang nghiêm sốt sắng.

Lời mở đầu của Đức Cha Matthêu là lời chào cộng đoàn, lời mời gọi Tạ ơn Chúa đã nhậm lời cho khởi công xây dựng Nhà thờ, cùng xin cho việc khởi sự đến hoàn thành đẹp ý Chúa và bình an. Đồng thời, Ngài đặc biệt mời gọi mỗi người xây dựng đền thờ tâm hồn mình xứng đáng là nơi Thiên Chúa ngự trị.

Sau phần phụng vụ Lời Chúa Lễ Kính Tông Tòa Thánh Phêrô, trong bài giảng, Đức Cha Matthêu triển khai sâu sắc về vai trò Chúa Giêsu là viên đá góc tường để xây dựng tòa nhà Hội Thánh kiên cố, bền vững trên trần gian này, và vĩnh cửu trong Nước Thiên Chúa. Và vai trò viên đá ấy, được Chúa Giêsu đặt định cho Phê-rô, Đức Cha nói:

“Thế nhưng, qua lời tuyên xưng niềm tin sắt đá của Phêrô, Đức Kitô đã chính thức đặt Phêrô làm người đại diện cho Ngài ở trần gian và ban cho Phêrô được tham dự vào cương vị Đá Tảng của Ngài, để Phêrô được nên vững chắc nhờ sức mạnh của chính Đức Kitô, để những gì Đức Kitô có được do quyền năng riêng thì Phêrô cũng có chung với Ngài nhờ được chia sẻ quyền năng ấy. Vì thế Ngài đã đổi tên Simon thành Phêrô, nghĩa là Đá. Đá là vật cứng rắn, tồn tại và không thay đổi qua thời gian”.

Viên đá là Đức Kitô, là Phê-rô đang hiện thực tại Kỳ Tân này, Ngài nói: “Để khởi đầu công trình xây dựng này, hôm nay viên đá đầu tiên của ngôi nhà thờ sẽ được làm phép cùng với diện tích khu đất làm nơi tọa lạc của ngôi nhà thờ. Viên đá này tượng trưng cho Đức Kitô là đá tảng góc tường, trên đó tòa nhà Hội Thánh được xây dựng. Viên đá đầu tiên này sẽ nối kết các viên đá khác để trở thành ngôi đền thánh, cũng như Đức Kitô và vị đại diện của Ngài là Đức Giáo Hoàng nối kết các kitô hữu thành ngôi nhà Hội Thánh, một Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”.

Kết thúc bài giảng, Đức Cha nhắm đến việc kêu gọi dân Chúa đổi mới đời sống chứng nhân nên người truyền giáo:

“Ngôi nhà thờ bằng gỗ đá mà cha sở Grêgôriô Lê Văn Hiếu và toàn thể cộng đồng dân Chúa giáo xứ Kỳ Tân đang nỗ lực xây dựng, không những để các tín hữu có nơi thờ phượng Chúa và thể hiện tình hiệp thông huynh đệ với nhau, mà còn là một cơ sở truyền giáo, là nơi đón nhận các anh chị em bên lương đến tìm gặp Chúa, để được Ngài chỉ dạy con đường sự thật và sự sống, để được Ngài an ủi nâng đỡ những lúc gặp đau khổ phiền muộn hoặc thất vọng. Để nhà thờ Phú Mỹ trở nên “giàu đẹp” đúng với tên gọi và có sức lôi cuốn đối với anh chị em lương dân, mỗi người tín hữu trong giáo xứ Kỳ Tân hãy cố gắng canh tân chính mình mỗi ngày, để trở thành “mới mẻ diệu kỳ” trước mặt mọi người chung quanh. Hằng ngày anh chị em hãy để tâm suy niệm lời thánh Phaolô trong bài đọc II của thánh lễ hôm nay: “Đền thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và đền thờ ấy chính là anh chị em” (1Cr 3,17).

Sau bài giảng, Cha Hạt Trưởng Quảng Ngãi tuyên đọc quyết định xây dựng Nhà Thờ Phú Mỹ, Giáo Xứ Kỳ Tân của Đức Cha Chính Phêrô Nguyễn Soạn đã ký. Mọi người vỗ tay vui mừng tạ ơn Chúa.

Đức Cha Matthêu bắt đầu nghi thức đặt viên đá với lời nguyện xin thánh hóa và chúc lành cho công trình xây dựng. Sau đó, ngài rảy nước thánh trên diện tích xây dựng. Rồi đọc lời nguyện làm phép viên đá, rảy nước thánh và xông hương viên đá đầu tiên.
Cảm động nhất là giây phút ngài Đặt Viên Đá Đầu Tiên bằng việc lấy xi măng gắn kết Viên Đá Góc với những viên đá khác. Tiếng vỗ tay thật lớn, chen với những giọt nước mắt vui mừng của những cụ già đã tưởng như hết thời gian chờ đợi ngày vui trọng đại nầy, của những người yêu mến Kỳ Tân đầy kỷ niệm Đức Tin.

Lời nguyện giáo dân rồi dâng lễ vật. Thánh lễ tiếp tục sốt sắng.

Sau Thánh Lễ, Cha sở Grêgôriô cảm ơn Hai Đức Cha cách đặc biệt đã luôn quan tâm đến đoàn chiên nhỏ bé, nghèo hèn, bơ vơ, nơi miền xa xôi sông nước, đã luôn ân cần thăm hỏi đến đoàn chiên qua Cha Hạt Trưởng, và đã gửi đến đoàn chiên này một cộng sự của các ngài là chính Cha Grêgôriô. Hôm nay Đức Cha Matthêu đã đến với đoàn chiên và khởi đầu công trình xây dựng nhà Chúa trong tư cách Giám Mục Phó Giáo Phận và còn là chủ tịch của Ủy Ban Nghệ Thuật Thánh. Chắc hẳn, Đức Cha sẽ chỉ giáo, hướng dẫn cho một công trình mang tính đầy tính nghệ thuật cho công cuộc truyền giáo tại nới Kỳ Tân Tái Truyền Giáo nầy.

Với Cha Hạt trưởng, Cha Grêgôriô tỏ lòng biết ơn Cha Hạt Trưởng là người cha, người anh linh mục đã hướng dẫn cha trong suốt thời gian làm phó xứ 11 năm và tín nhiệm tiến cử Cha vào vai trò chánh xứ một Giáo Xứ Kỳ Tân, có thể nói, như để làm lại từ đầu. Ngài cảm ơn quí Cha đã hỗ trợ dự định xây dựng nhà thờ của cha và của Kỳ Tân bằng việc cầu nguyện, giúp đỡ, chỉ dẫn, và đồng dâng thánh lễ tạ ơn hôm nay.

Ngõ lời với cộng đoàn giáo dân Kỳ Tân, cha kêu gọi mọi người trước là xây đền thờ Thiên Chúa trong tâm hồn và sau là hiệp nhất kiên trì xây dựng Nhà Thờ tốt đẹp nhất trong điều kiện có thể.

Với quí Giáo xứ bạn, quí khách trong tư cách là ân nhân, ngài cảm ơn quí ân nhân xa gần đã thương cầu nguyện đóng góp giúp đỡ, và ước mong tiếp tục cầu nguyện, đóng góp giúp đỡ cho công cuộc xây dựng lại Nhà Thờ Kỳ Tân sớm hoàn thành, tốt đẹp theo ý Chúa và bình an.

Một đại diện giáo dân cũng ngõ lời cảm ơn Đức Cha, quí Cha, cộng đoàn và ân nhân, và ước mong sẽ không còn cảnh “nhà thờ không ghế” giáo dân ngồi bệch dưới đất trong nhà nguyện, hoặc mặc áo mưa, đội nón đứng ngoài trời khi tham dự thánh lễ. Ngày cũ sắp qua đi, vì ngày mới nơi Kỳ Tân đang bắt đầu nhờ lòng thương của Thiên Chúa được thể hiện qua lòng bác ái rộng lượng của mọi người. Thật cảm động.

Mọi người nhận phép lành của Đức Cha, và tin tưởng Chúa đang làm phép lạ cho một Giáo Xứ tưởng đã chết nay hồi sinh một cách Kỳ Tân, một cách Phú Mỹ, một cách mới mẽ diệu kỳ, một cách giàu đức tin đẹp đức ái.

Thánh lễ đã kết thúc, nhưng vẫn còn trong tôi lan man mấy điều cảm động:

Lúc Đức Cha đặt viên đá, tôi có để ý một người khóc ngon khóc lành, không ai khác hơn là Bà Lucia Cúc, gia đình còn lại của Địa Sở Kỳ Tân cũ, đã và đang làm chứng cho Chúa nơi chính địa sở Kỳ Tân đang toàn là lương dân. Sau lễ, tôi hỏi sao bà khóc. Bà trả lời: “Tôi vui mừng vì cái tên Kỳ Tân đầy kỷ niệm của chúng tôi, tưởng sẽ không bao giờ được nhắc lại, nay Chúa thương quá, Chúa thương quá. Bao nhiêu người Kỳ Tân đã đi xa, nghe tin nầy, họ mừng lắm. Tạ Ơn Chúa muôn đời”.

Việc phân công phụng vụ cũng mang ý nghĩa Hiệp nhất và truyền giáo tuyệt vời: phía ca đoàn gồm ca viên của các GX Quảng Ngãi, Phú Hòa, Kỳ Tân, Phú Mỹ; Bài đọc 1 do một người ở Phú Mỹ, bài đọc 2 do bà Lucia Cúc, lời nguyện do 4 chị bốn gx khác nhau, đoàn dâng lễ vật đủ mọi thành phần dân Chúa, dẫn chương trình và đọc lời cảm ơn là một Bác Sĩ mới theo Chúa, trong số khách mời có cả những lương dân chung quanh giáo xứ…

Cha Gregôriô Lê văn Hiếu đang “ước ao và nguyện xin ngày lễ Khánh Thành Nhà Thờ cũng sẽ là ngày chính Đức Cha chủ sự ban các Bí tích khai tâm Ki tô giáo cho một số dự tòng tại Kỳ Tân mới, Kỳ Tân Tái Truyền Giáo nầy”.

Quảng Ngãi 22-2-2011

PM. Cao Huy Hoàng

Related posts

Leave a Comment