Thần học 

Adam, Eva và tội nguyên tổ

Lm. Michael D. Guinan, O.F.M.

Đám trẻ con đôi lúc phân bua với cha mẹ rằng: “Thật chẳng công bằng chút nào! Ađam và Eva ăn trái táo còn chúng ta lại nai lưng ra mà trả!”. Thật ra không phải chỉ có trẻ con mới có thái độ này. Hiểu được câu chuyện Ađam, Eva và Tội Nguyên Tổ thật sự là một thách thức đối với bất kỳ ai. Chính xác sách Sáng Thế Ký dạy gì ở đây? Trong bài này, chúng ta lược qua sách Sáng Thế Ký để hiểu giáo huấn về Tội Nguyên Tổ.

Bối cảnh rộng của câu chuyện

Khi tiếp cận với câu chuyện Ađam và Eva (St 2-3), chúng ta thường bước nhầm chân. Ta không nên xem đó như là câu chuyện kể về Ađam và Eva mà phải nhìn trong một tổng thể bao quát hơn. Thật sự, ta cần phải xem cả 11 chương đầu của sách Sáng Thế Ký. 11 chương này là toàn bộ câu chuyện về Thiên Chúa, về dân Israel và tất cả những diễn biến sau đó trong Kinh Thánh được lồng vào một bối cảnh theo cái nhìn vũ trụ quan và phổ quát. Những điều được diễn tả trong đó liên quan đến toàn thể vũ trụ và mọi người sống trong đó. Hãy cứ nhìn sơ qua:

Sau trình thuật sáng tạo (St 1, 1-2, 4), chúng ta được nghe câu chuyện về Ađam và Eva. Đây là câu chuyện đầu tiên trong 4 câu chuyện cơ bản của các chương 2 – 11: đầu tiên là câu chuyện Ađam và Eva (St 2, 4b – 3, 24); thứ đến là câu chuyện Cain và Abel (St 4, 1 – 26); thứ ba là câu chuyện Noê và nạn lụt Hồng Thuỷ (St 6, 1 – 9, 29); thứ tư là câu chuyện tháp Babel (St 11, 1-9). Nếu nhìn kỹ lưỡng hơn vào các câu chuyện này, ta sẽ thấy rằng mỗi câu chuyện đều tuân theo một dàn bài cơ bản: tội lỗi của con người được tiếp nối bằng hình phạt, nhưng lời cuối cùng trong mỗi câu chuyện luôn là ân sủng của Thiên Chúa.

Tội lỗi của con người

Rắc rối trong mỗi câu chuyện được bắt đầu với tội lỗi của con người. Ađam và Eva đã ăn trái cấm (St 2, 16-17; 3, 1-7). (Không nói rõ đó là loại trái cây gì và dường như nó vô vật thể. Ý tưởng cho rằng đó là trái táo là từ “malum” trong tiếng Latinh vừa có nghĩa là “sự dữ” vừa có nghĩa là “trái táo”)

Người nam và người nữ đã cùng nhau vi phạm lệnh truyền của Thiên Chúa. Cain cho mình có quyền trên sự sống và giết em mình là Abel (St 4, 8). Thế hệ của nạn lụt Hồng Thuỷ (St 6, 5.11) đã làm cho mặt đất đầy tràn sự đồi bại và vô luật lệ (trong ngôn ngữ Do Thái, các từ ngữ trên ở đây chỉ mọi loại bất công xã hội).

Cuối cùng, dân Shinar (ở Babylon) không nhận biết Thiên Chúa và tự xây cho mình một thành phố vĩ đại, một toà tháp vĩ đại và một danh hiệu lẫy lừng (St 11, 4).

Trong mỗi câu chuyện trên đều nói về một tội lỗi và chỉ một tội duy nhất, tội này đã được nêu đích danh trong câu chuyện thứ nhất. Con rắn đã nói rõ tội này cho ông Ađam và bà Eva: “Ông bà sẽ trở nên giống như Thiên Chúa!” (St 3, 5). Là hữu thể nhân linh và là tạo vật của Thiên Chúa, chúng ta đã bước qua giới hạn của tạo vật và muốn đóng vai Thiên Chúa hơn. Chúng ta chối từ làm hình ảnh của Thiên Chúa (St 1, 26 – 28). Chúng ta luôn muốn là Số Một. Vậy thì điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta làm điều đó?

Hình phạt

Trong mỗi câu chuyện, khi con người thử đóng vai trò của Thiên Chúa thì ngay sau đó đều nhận một hình phạt. Hình phạt đó cơ bản là cái chết đối với Ađam và Eva (St 2, 17; 3, 19). Cain phải đi lang thang một mình trên trái đất (St 4, 12). Nạn Hồng Thuỷ đến và tiêu diệt dòng giống tội lỗi và mọi sinh vật (St 7, 6-8, 14) chỉ trừ Nôê và gia quyến. Đối với câu chuyện tháp Babel, loài người bị phân tán và ngôn ngữ bị xáo trộn (St 11, 7-9). Nếu tội lỗi trong các câu chuyện đều na ná như nhau và là một thì hình phạt cũng giống nhau và là một. Nó cũng được kêu đích danh trong câu chuyện thứ nhất: “Ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết” (St 2, 17). Hình phạt là cái chết, thế nhưng chúng ta có một vấn đề ở đây. Đối với chúng ta, sự chết thường là khi ta thở hơi cuối cùng trên mặt đất này. Nhưng Kinh Thánh có một cái nhãn quan rộng lớn hơn: Cái Chết đó là sự phá huỷ và sụp đổ mọi mối liên hệ của chúng ta trên mọi bình diện. Cái Chết không chỉ là lúc chấm dứt ở cuối đời mà là cả một sự đổ vỡ nói chung có ảnh hưởng trên mọi đời sống của chúng ta trên mọi bình diện.

Cách hiểu này có thể giúp chúng ta giải quyết sự khó khăn trong câu chuyện Ađam và Eva. Họ được căn dặn rằng bất cứ khi nào họ ăn trái cây thì họ sẽ chết ngay lập tức (St 2, 17). Họ đã ăn vậy mà vẫn sống nhăn, Ađam thọ đến 930 tuổi! (St 5, 5). Điều gì đã xảy ra ở đây? Thật sự ngay sau khi ăn, họ đã chết. Tiến trình sự chết đã bắt đầu. Họ nhận ra mình trần truồng và hổ thẹn (St 3, 7); họ trốn tránh Thiên Chúa (St 3, 8); họ biện luận và đổ lỗi cho nhau (St 3, 9-13). Mối liên hệ hài hoà giữa người nam và người nữ bị phá vỡ; mối liên hệ đó kết thúc trong sự quy phục của Eva đối với chồng mình (St 3, 16). Sự quy phục này không phải là ý định của Thiên Chúa nhưng là hậu quả của tội. Thế nhưng cứ nhân danh Kinh Thánh để vĩnh cửu hoá sự quy phục này thì chắc chắn đó là chuyện bôi bác!

Thêm vào đó, mối liên hệ với muôn thú mà đại diện là con rắn cũng đã bị nguyền rủa (St 3, 14), mối tương quan với trái đất cũng vậy, phải vất vả lắm (St 3, 17) nó mới đem lại sự sống (mùa màng). Với tội lỗi, mọi tương quan của chúng ta – với Thiên Chúa, với chính mình, với người khác, với thế giới thiên nhiên – tất cả đều đổ vỡ. Lời nguyền là sức mạnh của sự chết; sự chúc phúc là sức mạnh của sự sống.

Trong những câu chuyện khác, sự chết được trình bày dưới những cách thế khác nhau. Cái chết đầu tiên được ghi nhận trong Kinh Thánh là của Abel, đây không phải là cái chết “tự nhiên” lúc cuối cuộc đời mà là một cuộc giết người, một cái chết của sự ác đầy tội lỗi. Vì Cain không thể sống hoà hợp với em mình, ông phải lang thang một mình, bị tách lìa, sống ngoài cộng đồng (St 4, 12). Sự bất công của con người (St 6, 11) vào những ngày trước nạn lụt đã phá vỡ trật tự xã hội. Cũng thế, trật tự vũ trụ đã suy tàn và trở về với sự hỗn độn (chaos) mà nó đã từng có trước kia. Cũng vậy, với cái nhìn thâm sâu, câu chuyện tháp Babel nhìn nhận rằng sự phân tán con người đi khắp nơi và họ không có khả năng thông hiểu lẫn nhau thì đó chẳng khác nào là biểu hiện của sự đổ vỡ, của cái chết.

Cần phải lưu ý đến một khía cạnh nữa của hình phạt sự chết này. Mặc dù Thiên Chúa được miêu tả là vị quan án và ra án phạt, thế nhưng hình phạt không mang tính độc đoán hoặc bị áp đặt từ bên ngoài. Hình phạt xuất phát và biểu lộ bản tính nội tại của tội. Loài người chúng ta được dựng nên do lời ban sự sống của Thiên Chúa và thở hơi thở của Thiên Chúa (St 2, 7). Từ chối Thiên Chúa là quay lưng lại với nguồn sự sống của chúng ta; là vươn mình ra bên ngoài và tự cắt đứt nguồn cung cấp không khí của chính chúng ta.

Cắt đi nguồn sự sống có nghĩa gì khác đâu ngoài cái chết? Vì chúng ta phá vỡ mối tương quan với Thiên Chúa là nguồn sự sống nên mọi mối tương quan khác bắt đầu tan rã. Sự chết không phải là hình phạt độc đoán dành cho tội lỗi; nó là một cách diễn tả, hay theo một nghĩa nào đó nó là một “bí tích” (một dấu hiệu bề ngoài diễn tả thực tại thiêng liêng bên trong) của những gì mà tội lỗi thực sự là. Việc chúng ta từ chối sự sống thì đồng thời đó cũng là tự sát và sát nhân! Hơi thở cuối cùng của chúng ta chỉ là bước cuối cùng mà thôi!

Dấu hiệu của ân sủng

Thiên Chúa sáng tạo nên vũ trụ hài hoà và đầy sự sống. Qua việc từ chối hình ảnh mình, chúng ta mang đến sự chết và đổ vỡ. Ai sẽ nói lên lời cuối cùng đây? Mỗi câu chuyện đều để lại cho chúng ta một niềm tin chắc chắn: Thiên Chúa luôn mong muốn sự sống và sự chúc phúc luôn thắng thế.

Ngay sau bản án chết, Eva được gọi là “Mẹ của chúng sinh” (St 3, 20) và Thiên Chúa đã làm ra quần áo để che đậy sự xấu hổ của ông bà Ađam và Eva (St 3, 21). Cain sợ bị giết nên Thiên Chúa đã ghi dấu trên ông (một hình xăm của bộ lạc?) như một dấu hiệu chăm sóc và bảo vệ (St 4, 15). Noê người công chính, gia đình ông và một số thú vật sống sót qua nạn lụt để trở nên nguồn sống mới trên mặt đất – Thiên Chúa hứa sẽ không huỷ hoại trái đất (St 8, 21-22). Giai đoạn tháp Babel được tiếp nối bằng lời kêu gọi Abram, đánh dấu bước tiếp theo trong một tiến trình bắt đầu mới. Thiên Chúa vẫn luôn mong muốn sự sống và chúc phúc cho mọi tạo vật: “Trong ngươi [Abram], mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12, 3).

Tội nguyên tổ là gì?

Tất cả những điều này có liên quan gì đến tội nguyên tổ? Ngay từ đầu, chúng ta cần phải đặt câu hỏi cơ bản: tội nguyên tổ nghĩa là gì? Từ ngữ “tội nguyên tổ” (peccatum originale) do Thánh Augustinô (353-430) đặt ra, và cách giải thích của ngài về vấn đề này dường như đã thống trị cả thế giới Kitô giáo Latinh của Tây phương. Augustinô phân biệt hai khía cạnh của Tội Nguyên Tổ, Tội Nguyên Tổ “phát sinh” (peccatum originale originans) và Tội Nguyên Tổ “bị phát sinh” (peccatum originale originatum).

Tội nguyên tổ “bị phát sinh” (originatum) là tình trạng cụ thể của kiếp người ngay khi mỗi người chúng ta chào đời. Mỗi người chúng ta được sinh ra trong thế giới đã bị hư hoại; nó hiện diện ngay lúc ta chào đời và chúng ta bước vào đó. Nó là sự hiện hữu của chúng ta ở đây và ngay lúc này. Đây là cách hiểu hiện sinh, thuộc hiện tại.

Tội nguyên tổ “phát sinh” (originans) là tội cụ thể của cặp cha mẹ đầu tiên trong lịch sử, Ađam và Eva. Ngược dòng lên đến thời nguyên thuỷ, cặp cha mẹ đầu tiên này đã phạm tội và làm mọi sự chuyển động theo. Tội lỗi của họ đã truyền sang cho mọi thế hệ tương lai. Đây là cách hiểu lịch sử, thuộc về quá khứ. Nhưng đó có phải là điều mà sách Sáng Thế Ký nói không?

Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo giải thích: “Để nhận ra ý định của các tác giả linh thánh phải chú ý đến các điều kiện về thời đại và văn hoá của các ngài, các “loại văn” được sử dụng vào thời đó, những cách cảm nhận, nói năng và tường thuật thông thường của thời đại đó” (số 110).

Áp dụng nguyên tắc này, các học giả Kinh Thánh ngày nay đã có cái nhìn mới về câu chuyện này. Hiện nay chúng tôi nhận ra rõ ràng rằng câu chuyện Ađam và Eva có vẻ giống với một dụ ngôn hơn. Sự thật của câu chuyện nằm trong sứ điệp về tội lỗi hơn là câu chuyện lịch sử.

Tổng thể trình thuật của sách Sáng Thế chương 2 – 11 phản ảnh “câu chuyện sáng tạo – nạn lụt” rất phổ biến ở miền Cận Đông; chúng ta đã biết có vài câu chuyện tương tự như thế ở vùng Mêsôpôtamie. Các tác giả Kinh Thánh đã dùng câu chuyện quen thuộc (đối với họ) này để giảng dạy nhãn quan của riêng mình về Thiên Chúa, về thế giới và con người. Nói cách khác, đọc câu chuyện Ađam và Eva như một trình thuật lịch sử là hiểu sai bản văn. Giống như một dụ ngôn, câu chuyện muốn nói lên một chân lý cao sâu hơn.

Vậy là tầm quan trọng của câu chuyện bị giảm thiểu sao? Hoàn toàn ngược lại! Thật sự câu chuyện muốn nói về nguồn gốc của tội lỗi. Nguồn gốc của sự hư hoại, cái tồn tại “chứa đầy chết chóc” nằm trong nỗ lực của con người muốn đóng vai trò Thiên Chúa. Chúng ta xâm phạm giới hạn của tạo vật và lãnh nhận hậu quả.

Thực ra, không phải chỉ có câu chuyện Ađam và Eva là nói về Tội Nguyên Tổ mà toàn bộ các câu chuyện trong sách Sáng Thế ký chương 2 – 11. Theo cách của riêng mình, mỗi một câu chuyện bàn luận về một góc cạnh của tình trạng tội lỗi hiện diện ngay cội nguồn của chúng ta. Gần đây, các nghiên cứu thần học về Tội Nguyên Tổ có khuynh hướng theo sát với giáo huấn của sách Sáng Thế Ký: đó là nói về tình trạng cụ thể của xã hội và kiếp nhân sinh hơn là một loại hư hỏng hay vết nhơ nào đó được lưu truyền theo sinh học qua suốt dòng lịch sử nhân loại. Chính xác hơn, các nghiên cứu muốn nói về Tội Nguyên Tổ “bị phát sinh” (peccatum originale originatum).

Vậy thì có một Ađam và Eva lịch sử không? Có Cain và Abel không? Noê và thế hệ của nạn lụt Hồng Thuỷ? Những người xây dựng tháp Babel? Không, không có theo nghĩa mặt chữ hay nghĩa đen. Những câu chuyện này được sáng tác bằng ngôn ngữ hình tượng, không chứa đựng bất cứ thông tin nào về lịch sử.

Nhưng chúng ta có thể hỏi cách khác: Có Ađam và Eva không? Cain và Abel? Noê và thế hệ của nạn lụt? Những người xây Tháp Babel? Câu trả lời là Có.

Vậy thì Ađam và Eva ở đâu? Câu trả lời là: nếu nhìn vào trong gương, chúng ta sẽ nhìn thấy họ. Chúng ta là Ađam, chúng ta là Eva; chúng ta là Cain và Abel; chúng ta là thế hệ của nạn lụt Hồng Thuỷ đã gieo vãi sự bất công trên khắp mặt đất; chúng ta không nhận biết Thiên Chúa và xây những ngọn tháp để làm hiển danh mình. Người nam và người nữ trong sách Sáng Thế chương 2 – 3, cũng như các nhân vật khác trong những câu chuyện đầu tiên, đã đại diện cho mỗi người chúng ta. Những câu chuyện ấy là những câu chuyện mẫu, có tính biểu tượng, nói về cách cư xử của con người khi đối mặt với sự cám dỗ chứ không phải là những bài học về sinh học hay lịch sử. Kinh Thánh là cuốn sách dạy về tôn giáo chứ không phải khoa học hay lịch sử!

Các câu chuyện đầu tiên này bàn luận về những cấu trúc cơ bản của hiện hữu nhân sinh trong thế giới và trước mặt Thiên Chúa. Đây không phải là những cánh cửa ăn thông với đường hầm của lịch sử mà là những tấm gương phản chiếu chính gương mặt của chúng ta. Khi ta vượt qua giới hạn của tạo vật, khi ta từ chối làm hình ảnh của Thiên Chúa và cố đóng vai trò của Thiên Chúa, ngay lúc bây giờ hay vào thời xa lơ xa lắc nào đó, là chúng ta mang đến “cái chết” (theo nghĩa phong phú của Kinh Thánh) và sự đổ vỡ vào trong thế giới. Tội Nguyên Tổ là một trong những cách dễ hiểu nhất. Hãy xem các tin thời sự hằng ngày! Hệ quả của Tội Nguyên Tổ vẫn còn quanh đây. Chúng ta ngập chìm trong đó!

Sách Sáng Thế Ký giảng dạy chân lý. Những câu chuyện này là nói về chúng ta và về tác hại mà chúng ta đã làm cho chính mình, cho người khác và cho tạo vật tốt đẹp của Thiên Chúa khi ta quên mình là ai và khi quay lưng lại với Thiên Chúa mà con người chúng ta được tạo nên theo hình ảnh Ngài. Bất cứ khi nào chúng ta đóng vai trò của Thiên Chúa, hệ quả sẽ là sự tàn phá. Vì đây là hiện trạng của chúng ta, nên xin Chúa hãy cứu giúp chúng con! Và hẳn nhiên, đó là phần còn lại của câu chuyện.

chuyển ngữ

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Related posts

Leave a Comment