Đức Thánh Cha đi đàng thánh giá với giới trẻ

MADRID. Lúc 7 giờ rưỡi chiều thứ sáu, 19-8-2011, ĐTC đã chủ sự buổi đi Đàng Thánh Giá trọng thể với hàng trăm ngàn bạn trẻ trong Ngày Quốc Tế giới trẻ.

Khi ĐTC đến đây, các bạn trẻ đã chào đón ngài rất nồng nhiệt và tưng bừng. Nhưng sau đó, một bầu không khí mặc niệm bao trùm quang cảnh. Lễ nghi tiến hành từ Quảng trường Cibeles đến Quảng trường Colón, qua con đường Recoletti (các cha dòng Augustino nhặt phép), với 14 chặng. Mỗi chặng được trang trí bằng những pho tượng cổ kính diễn tả lòng đạo đức bình dân, vốn được rước đi trong dịp Tuần Thánh tại nhiều nơi ở Tây Ban Nha.

Đặc biệt là chặng thứ 15 gồm một những tượng diễn tả Đức Mẹ Cô Đơn, do một phụ nữ thực hiện tại thành phố Seviglia, nam Tây Ban Nha. Chặng này được bố trí cạnh lễ đài ở Quảng trường Cibeles.

Tham dự buổi đi đàng thánh giá cũng có hàng trăm GM quây quần cạnh lễ đài trước tòa đô chính của thành Madrid. Từ lễ đài, ĐTC đã đọc lời nguyện mở đầu và từ đó ngài theo dõi diễn tiến các chặng đàng Thánh Giá.

Thánh Giá giới trẻ được mỗi toán thay phiên nhau rước tới các chặng: gồm 2 người cầm đuốc sáng thuộc các huynh đoàn Tuần Thánh, theo sau là 10 bạn trẻ với những xuất xứ khác nhau. đầu là các bạn trẻ Palestine từ Thánh Địa, rồi các bạn trẻ thuộc các nước đang bị bách hại vì đức tin trong đó có Ấn độ, Pakistan, tiếp đến là các bạn trẻ Irak, các bạn trẻ Tây Ban Nha, các bạn trẻ Madrid có những người di dân tháp tùng, các bạn trẻ đã được giải thoát khỏi nạn ma túy, các bạn trẻ bị gạt ra ngoài lề xã hội, các bạn trẻ người Albani, Ruanda và Burundi, các bạn trẻ đang chịu tình trạng công ăn việc làm bấp bênh, các bạn trẻ khuyết tật, các bạn trẻ thuộc các hội bác ái phục vụ bệnh nhân Sida, các bạn trẻ Sudan, sau cùng là các bạn trẻ Haiti và Nhật Bản, đã chịu động đất.

Các bài suy niệm cho buổi đi đàng thánh giá này do các nữ tu dòng Thánh Giá chuyên giúp đỡ người nghèo ở thành Seviglia soạn và gợi lại những đau khổ và bất công mà người trẻ phải chịu tại nhiều nơi trên thế giới: chiến tranh, những cuộc xung đột huynh đệ tương tàn, các cuộc bách hại vì đức tin, tình trạng bị gạt ra ngoài lề xã hội, thất nghiệp, nạn nghiện ma túy, Sida, phá thai, khủng bố, thiên tai, nghèo đói và nô lệ v.v.. Các bài suy niệm tố giác xã hội sung túc và mù quáng vì thái độ duy vật.

Chẳng hạn, chặng thứ 9 mang tựa đề ”Chúa Giêsu bị lột áo”, bài suy niệm gợi lại những vụ lạm dụng tính dục trẻ em: ”Chúa Giêsu cùng chịu đau khổ với các nạn nhân những vụ hãm hiếp và lạm dụng tính dục, những tội ác chống lại trẻ em và người lớn”. Một chặng khác nói đến những người bị kỳ thị, vì nhiều lý do khác nhau, nhất là các nạn nhân Sida. Các bài suy niệm mời gọi tín hữu ”hãy can đảm bảo vệ sự sống, từ lúc mới bắt đầu cho đến lúc kết thúc tự nhiên”, hãy cầu nguyện cho các nạn nhân của rượu, ma túy và các thứ nghiện ngập khác.

Buổi đi đàng thánh giá dài 1 giờ 15 phút, kết thúc với một bài suy niệm ngắn của ĐTC và kinh nguyện dâng lên Mẹ Maria Sầu Bi. Ngài nói:

”Việc chiêm ngắm các tượng ảnh đặc biệt đến từ gia sản tôn giáo của các giáo phận Tây Ban Nha, cũng giúp chúng ta trong hành trình tiến về Calvario. Đó là những tượng ảnh qua đó đức tin và nghệ thuật hòa hợp với nhau để đi vào tâm hồn con người và mời gọi họ hoán cải. Khi cái nhìn đức tin trong sáng và chân chính, thì mỹ thuật phục vụ cho đức tin và có khả năng diễn tả các nhiệm cứu độ của chúng ta đến độ làm cho chúng ta cảm động sâu xa, và biến cải tâm hồn chúng ta, như đã xảy ra với thánh nữ Têrêsa Avila, khi chiêm ngắm một hình ảnh Chúa Kitô bị thương tích (Xc Libro de la vida, 9,1).

”Trong khi chúng ta cùng với Chúa Giêsu đi tới tột đỉnh sự tự hiến trên đồi Calvario, những lời thánh Phaolô xuất hiện trong ký ức chúng ta: “Chúa Kitô đã yêu thương tôi và đã hiến mình vì tôi” (Gl 2,20). Đứng trước tình thương vô vị lợi dường ấy, với lòng kinh ngạc và biết ơn sâu xa, giờ đây chúng ta tự hỏi: Vậy chúng ta sẽ làm gì cho Chúa? Chúng ta sẽ trả lời Ngài như thế nào? Thánh Gioan đã nói rõ ràng: ”Qua dấu này chúng ta biết tình thương: Ngài đã hiến mạng sống vì chúng ta. Và chúng ta cũng phải hiến mạng sống của chúng ta cho anh em mình” (1 Ga 3,16). Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô thúc đẩy chúng ta mang trên vai mình đau khổ của thế giới, với niềm xác tín rằng Thiên Chúa không phải là người xa cách và xa lạ với con người và những thăng trầm của họ. Trái lại Ngài trở nên một người trong chúng ta, ”để có thể đồng chịu đau khổ thực sự với con người, trong thân xác.. Từ đó, trong tất cả những đau khổ của con người có một vị đi vào để chia sẻ đau khổ và kiên nhẫn; từ đó trong tất cả đau khổ có một sự an ủi (con-solatio); sự an ủi của tình thương đến từ Thiên Chúa và từ đó ngôi sao hy vọng nảy sinh” (Spes salvi, 39).

ĐTC cầu chúc cho tình yêu của Chúa Kitô gia tăng niềm vui cho các bạn trẻ và giúp họ trở nên gần gũi những người đang ở trong tình cảnh khốn cùng. ”Các bạn vốn rất nhạy cảm đối với ý tưởng chia sẻ cuộc sống với tha nhân, các bạn đừng tránh xa đau khổ của con người, trong đó Thiên Chúa hy vọng nơi các bạn để các bạn có thể cố gắng hết sức, trao bạn khả năng yêu thương và đồng cảm. Những hình thức đau khổ khác nhau, dọc theo đàng Thánh Giá diễn ra trước mắt chúng ta, là những tiếng gọi của Chúa để kiến tạo cuộc sống chúng ta theo dấu vết của Chúa và để biến chúng ta thành những dấu hiệu sự an ủi và cứu độ của Chúa”.

G. Trần Đức Anh OP

Radio Vatican

Related posts

Leave a Comment