Giảng lễ chung Phụng vụ 

Bài giảng lễ tạ ơn giáp năm linh mục tại nhà thờ chánh tòa Qui Nhơn

LỄ TẠ ƠN NGÀY GIÁP NĂM THỤ PHONG LINH MỤC
Tại nhà thờ Chính tòa Qui Nhơn, ngày 10-12-2011

Ngày 10 tháng 12 năm 2010, cũng vào giờ này, cũng tại nhà thờ Chính tòa này, 8 thầy phó tế là Luy Huỳnh Anh Trung, Giuse Phan Thế Vinh, Gioakim Nguyễn Đức Vinh, Simon Trần Văn Đức, Luy Nguyễn Xuân Vũ, Phêrô Nguyễn Ngọc Thắng, Gioan B. Nguyễn Kim Ngân và Phêrô Bùi Huy Ngọc, đã được sinh ra trong chức linh mục qua bí tích truyền chức thánh. Hôm nay sau đúng một năm thi hành tác vụ linh mục, có thể được coi như ngày thôi nôi, từ các nhiệm sở trong giáo phận, các linh mục này cùng nhau quay trở về nơi mình đã sinh ra để một lần nữa cùng với cộng đoàn hợp ý dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân linh mục đã nhận lãnh.

Một năm với 365 ngày đã trôi qua. Mỗi ngày mỗi linh mục đã dâng ít nhất là một thánh lễ. Nếu mỗi thánh lễ là một hành vi tạ ơn tuyệt vời nhất mà con người có thể dâng lên Thiên Chúa, thì không ngày nào trong suốt năm qua các linh mục của chúng ta không dâng lời tạ ơn Thiên Chúa. Nhưng hôm nay, với thánh lễ tạ ơn này, tâm tình tạ ơn của các linh mục mừng ngày giáp năm thụ phong quả thật mang lấy một sắc thái đặc biệt hơn hết mọi ngày. Trong bức thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc I, thánh Phaolô đã viết: “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Ngài đã ban cho anh em nơi Đức Kitô Giêsu. Quả vậy, trong Đức Kitô Giêsu, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe Lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Ngài… Chính Ngài sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em trong Ngày của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô” (1Cr 1,4-5.8). Lời này càng thích hợp hơn nữa khi áp dụng cho các linh mục, và do đó các linh mục càng có lý do để tạ ơn Thiên Chúa hơn những người khác.

Thiết tưởng không có cách nào tuyệt vời hơn để diễn tả tâm tình tạ ơn cho bằng bắt chước Đức Trinh Nữ Maria trong bài ca Magnificat mà chúng ta vừa nghe trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Tâm hồn Mẹ đầy tràn niềm vui và tâm tình tri ân đối với Thiên Chúa, vì Ngài đã đoái thương chọn một thiếu nữ thấp hèn như Mẹ làm mẹ Đấng Cứu Thế. Tâm tình tri ân của Mẹ phát xuất từ một cảm nghiệm sâu sắc về sự nhỏ bé thấp hèn của mình và địa vị cao sang cùng với muôn vàn hồng ân mà Thiên Chúa đã thương ban cho Mẹ. Càng ý thức mình nhỏ bé, Mẹ càng cảm thấy ơn Chúa thật lớn lao.

Từ một thiếu nữ thấp hèn, ĐứcMaria đã được phong chức làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Cũng vậy, từ những con người phàm hèn yếu đuối và bất xứng, các linh mục đã được nâng lên hàng bạn hữu của Đức Kitô, được tuyển chọn trong muôn một và phong chức để thay mặt Chúa dạy dỗ, cai quản và thánh hóa nhân loại. Tại sao? Chữ “tại sao” này người ngoài khó hiểu đã đành, mà ngay cả bản thân linh mục cũng không bao giờ có thể hiểu nổi.
Ngày nay, trong thế giới đang trên đà tục hóa, nhiều người không tin vào tính thánh thiêng của chức linh mục, họ chỉ xem đó như một nghề như mọi thứ nghề khác, và các linh mục cũng chỉ được coi là những công chức ăn lương, chỉ làm việc theo hợp đồng trong những giờ hành chánh. Nhiều nơi ở Âu Mỹ, người ta chẳng cần biết một linh mục có thánh thiện hay không, vì đó là chuyện đời tư của mỗi người, miễn là linh mục ấy chu toàn một số nhiệm vụ mà họ yêu cầu, như cử hành thánh lễ, ban các phép bí tích.

Thực ra, linh mục không phải là một nghề, nhưng là một thừa tác vụ thánh. Linh mục không làm việc vì tiền, vì đồng lương, nhưng vì đó là một sứ vụ được Thiên Chúa giao phó và linh mục đã tự do và vui lòng đón nhận, không phải theo một hợp đồng nhất thời, nhưng là một sự dấn thân suốt cả cuộc đời. Đó chính là sứ vụ mà Đức Kitô đã nhận được từ nơi Chúa Cha và Ngài trao lại cho các linh mục. Đó là sứ vụ của Đức Kitô là Đầu, không theo nghĩa là kẻ ăn trên ngồi trước, nhưng là người phục vụ, như chính Đức Giêsu đã dạy: “Ai làm đầu phải hầu thiên hạ”. Sự cao cả và niềm vui của các linh mục thừa tác là ở chỗ đó. Vì thế, khác với các quan chức thế trần, các linh mục của Chúa không được đánh giá bằng địa vị, bằng tiền bạc, nhưng bằng sự phục vụ. Ai càng phục vụ cách khiêm tốn và quên mình thì càng có giá trị trước mặt Chúa, kể cả trước mặt người đời, vì người đời vẫn tôn kính những người như thế.

Để bày tỏ tâm tình tri ân đối với Thiên Chúa là Đấng đã đoái thương nhìn đến phận hèn nữ tì của Mẹ và đã làm cho Mẹ những điều cao cả, Đức Maria đã vội vã lên đường phục vụ như một nữ tì khiêm tốn tại nhà bà chị họ Êlisabeth, trong những ngày bà sinh nở. Đức Mẹ đã không kể đến địa vị làm mẹ Thiên Chúa của mình để đòi cho được người ta tôn kính hay phục vụ, nhưng Mẹ đã quên mình để phục vụ giống như Chúa Giêsu, Con Mẹ sau này. Mẹ đã thực hiện trước những gì Chúa Giêsu sau này sẽ dạy các môn đệ của Ngài. Và như thế, bên cạnh tước hiệu cao sang “Mẹ Thiên Chúa”, Mẹ còn có thêm một tước hiệu tuy khiêm tốn nhưng đầy ý nghĩa đối với các linh mục, đó là tước hiệu “người môn đệ tuyệt hảo của Đức Kitô”.

Theo gương người môn đệ tuyệt hảo ấy, các linh mục sau ngày thụ phong, đều mau mắn lên đường phục vụ khắp nơi, để đem Chúa và Tin Mừng đến với mọi người. Theo bài sai của Đức Giám Mục giáo phận, các linh mục hôm nay mừng ngày giáp năm thụ phong cũng đã ra đi với sứ mạng như thế. Nếu lấy nhà thờ Chính tòa này làm điểm xuất phát, thì các linh mục ấy đã ra đi phục vụ tại những địa chỉ trong giáo phận từ xa đến gần như sau: Bàu Gốc, Tuy Hòa, Gia Chiểu, Phù Mỹ, Gò Thị, Tân Dinh, Chủng Viện, Chính tòa.

Trong ngày thụ phong, nhờ ân sủng của bí tích truyền chức thánh, các ngài đã “là” những linh mục, nhưng các ngài còn phải “làm” linh mục mỗi ngày. Chức linh mục thừa tác không bao giờ là một sự thành toàn. Chỉ nơi Đức Kitô, vị Thượng Tế tối cao, mới có ưu phẩm đó. Còn những ai tham dự vào chức linh mục của Ngài, luôn phải đặt mình trong tiến trình trở thành linh mục, nghĩa là ngày nào cũng phải vươn lên, chứ không thể bằng lòng với tình trạng hiện tại. Ngày thụ phong linh mục không phải là một đỉnh cao, nhưng chỉ là bước khởi đầu của một tiến trình rất dài và không ngưng nghỉ, có thể gọi đó là tiến trình “làm” linh mục. Điều đó được thể hiện qua đời sống thiêng liêng, qua những dấn thân phục vụ trong các lãnh vực mục vụ, truyền giáo. Nếu chữ “làm” phát xuất từ chữ “là” và nhằm thể hiện chữ “là”, thì mọi hoạt động của linh mục, tức những gì linh mục “làm”, từ đây mang dấu ấn của thiên chức linh mục. Các linh mục không “làm” linh mục trong một số công tác mục vụ nào đó, trong những thời khắc và địa điểm nào đó, nhưng là “làm” linh mục cả ngày lẫn đêm, cả khi thức cũng như khi ngủ. Tước hiệu linh mục từ đây đã gắn liền với tên gọi, suốt đời và cho đến mãn đời.

Giờ đây, chúng ta không những hiệp ý với các linh mục dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân thánh chức linh mục đã nhận lãnh vừa tròn một năm, nhưng mỗi người chúng ta cũng hãy tiếp tục giúp đỡ các ngài bằng lời cầu nguyện và những sự nâng đỡ về tinh thần cũng như vật chất, để các ngài đem những hồng ân mà Thiên Chúa đã trao ban trong thánh chức linh mục phân phát cho Dân Chúa như lời thánh thi Giáo Hội vẫn đọc trong lễ kính nhớ các thánh mục tử:

Đây linh mục, những con người thánh hiến
Suốt cuộc đời làm chủ tế trung kiên,
Đem tình thương người mục tử nhân hiền,
Dâng trọn vẹn cho đoàn chiên chẳng tiếc.
Hồng ân Chúa, những hồng ân đặc biệt,
Lãnh nhận rồi, phân phát cả cho dân.

Gm Matthêô Nguyễn Văn Khôi

Related posts