Tin Giáo hội 

Lật lại bí ẩn tấm vải liệm Chúa Giêsu

Tác giả của hình ảnh Chúa Giêsu trên tấm vải liệm nổi tiếng này không phải những kẻ lừa đảo mà là… ánh sáng siêu nhiên?

Các nhà khoa học Italia vừa phát hiện những bằng chứng mới cho thấy cáo buộc trước đây rằng tấm vải liệm Chúa Giêsu chỉ là đồ giả có thể không chính xác. Thậm chí, đây còn có thể là tác phẩm “hoàn toàn thật”.

Các nhà khoa học Ý cho rằng hình in trên tấm vải là do một công nghệ quá hiện đại so với thời Trung cổ tạo ra

Từ hàng chục năm nay, phe hoài nghi luôn cho rằng tấm vải liệm (một tấm vải hình chữ nhật với kích thước 4,2m x 0,9m. Trên tấm vải liệm, người ta có thể nhìn thấy hình mờ của một người đàn ông với nhiều vết thương ở cổ tay và bàn chân. Nhiều tín đồ Thiên chúa tin rằng đây chính là Chúa Giêsu) chỉ là một trò lừa đảo từ thời Trung Cổ.

Mặc dù vậy, các nhà khoa học của Viện Công nghệ mới, Năng lượng và Phát triển Kinh tế Bền vững Ý tin rằng công nghệ cần để tạo ra hình chìm trên tấm vải liệm quá hiện đại so với thời kỳ đó. Họ đã dành nhiều năm cố gắng tái tạo những dấu vết để lại trên tấm khăn liệm để rồi đi đến kết luận rằng, chỉ có “một thứ gì đó giống như laser cực tím” mới có thể tạo ra dấu vết như vậy. Và hiển nhiên, laser cực tím cách quá xa so với năng lực công nghệ của những kẻ lừa đảo thời Trung Cổ.

 

Trên tấm vải có in hình mờ của một người đàn ông với nhiều vết thương ở cổ tay và bàn chân. Ảnh: DailyMail

Theo Daily Mail, phát hiện gợi đến một hướng hoàn toàn mới: dấu vết trên tấm vải đã được tạo ra bởi một sự phát toả năng lượng mạnh mẽ sau khi Chúa phục sinh.

“Chúng tôi tin rằng một bức xạ UV ngắn nhưng có cường độ cao đã toả ra và in màu lên tấm vải linen này. Nhiều dấu vết lạ thường của cơ thể cũng vì vậy mà được in dấu lại”, nhóm nghiên cứu tuyên bố.

Hiện tại, tấm vải liệm thành Turin đang thuộc sở hữu của Vatican, tuy nhiên Toà Thánh luôn coi đây là “bí ẩn sâu nhất của niềm tin” và luôn né tránh mọi phát ngôn mang tính khẳng định về tính chân thực của bảo vật này.

Giáo sư Paolo Di Lazzaro, tác giả nghiên cứu, chia sẻ: “Khi đề cập đến nguồn sáng siêu nhiên có thể in màu lên vải linen như thế nào, người ta sẽ không thể không chạm đến những khái niệm như phép mầu. Nhưng với tư cách là nhà khoa học, chúng tôi chỉ quan tâm đến những quy trình khoa học có thể xác minh được. Chúng tôi hy vọng kết quả mới nhất này có thể mở ra một cuộc tranh luận mới về triết học và thần học”.

Theo sách sử, tấm vải liệm đã trôi dạt qua rất nhiều nơi trước khi được Tàu viễn chinh mang trở về Pháp vào thế kỷ 14. Năm 1578, tấm vải liệm được trao lại cho Tổng Giám mục Turin và được bảo quản tại Nhà thờ kể từ đó.

Việc kiểm tra niên đại bằng carbon vào năm 1988 tiết lộ niên đại của tấm vải giao động từ năm 1260-1390. Đây là luận điểm quan trọng nhất để phe hoài nghi kết luận tấm vải là đồ giả. Mặc dù vậy, nhiều nhà khoa học khẳng định, cuộc kiểm tra năm 1988 đã không tính đến những yếu tố như tác động của nước, hoả hoạn gây ra cho tấm vải trong suốt từng ấy năm trôi dạt. Năm 1999, hai nhà khoa học Israel tuyên bố phấn hoa tìm được trên tấm vải liệm có nguồn gốc từ vùng Đất Thánh.

Trọng cầm

http://emty.org


Related posts