Người đã đến và “sẽ” không ra đi !
Người đã đến và “sẽ” không ra đi !
BÀI GIẢNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH 2011
Dẫn nhập đầu lễ : Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ,
Đặc biệt, kính thưa tất cả quý vị không có chung niềm tin Công Giáo, đang hiện diện trong khuôn viên thánh đường nầy,
Hôm nay Giáng Sinh lại về. Giáng sinh 2011.
Trong thời điểm sắp sửa giã từ năm cũ 2011 và chuẩn bị đón chào năm mới 2012, chúng ta lại một lần nữa cùng hiệp thông trong cử hành long trọng Ngày Giáng Sinh của Đấng Cứu Thế, ngày mà thế giới muôn nơi từ hơn 2000 năm nay đã đón nhận được một sứ điệp an vui và bình an như lời Ca Nhập Lễ từ ngàn xưa các Kitô hữu đã hát lên : “Tất cả chúng ta hãy vui mừng trong Chúa, vì Đấng Cứu Độ chúng ta đã sinh xuống gian trần. Hôm nay từ cõi trời cao thẳm, bình an đích thực đến giữa chúng ta”.
Vâng, “Giáng sinh hoan vui và Năm Mới Hạnh phúc” đó chính là lời chúc mừng thân thương và ý nghĩa nhất mà chúng ta có thể dành cho nhau trong Đêm Thánh nầy. Merry Christmas and Happy New Year !
Giờ đây, trong tâm tình hiệp thông cảm tạ tình yêu Thiên Chúa và nguyện cầu Chúa Giáng Sinh ban muôn ân lộc xác hồn cho mọi người đang hiện diện nơi đây và cả những người còn xa cách, xa cách bằng không gian vật lý hay tâm linh, cộng đoàn chúng ta hãy thành tâm sám hối tội lỗi để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.
Giảng Lời Chúa :
Kính thưa Ông Bà Anh Chị em giáo dân, Kính thưa Quý Vị và các bạn ngoài Kitô giáo,
Trước hết, thay mặt cho bà con giáo dân giáo xứ Tuy Hòa, giáo hạt Phú Yên, tôi xin được trân trọng gởi đến quý vị không có chung niềm tin Kitô đang có mặt ở-đây-giờ-nầy lời cám ơn chân tình và lời chúc mừng Giáng Sinh tốt đẹp và trân trọng nhất.
Tôi muốn dành những lời đầu tiên nầy để chia sẻ với quý anh chị em không cùng niềm tin với chúng tôi,những người ngoài Kitô giáo.
Kính thưa quý vị. Có một khúc hát của cố ns. Trần Thiện Thanh mang tựa đề : “Lạy Chúa con là người ngoại đạo” mà trong đó có những ca từ trất dễ thương :
Lạy Chúa tôi con người không đạo
Nhưng tin có Chúa ở trên cao…
Tôi tin rằng, tự sâu thẳm cõi lòng quý vị hôm nay và giờ nầy cũng đang thưa với Thiên Chúa của người Kitô hữu những lời chân tình như thế : “Lạy Chúa con là người ngoại đạo, nhưng con tin có Chúa ngự trên cao”.
Mà nào Thiên Chúa có ở trên cao đâu nào ! Quý vị đang thấy đó.
– Ngài đã giáng sinh làm người trong thân phận của một em bé nghèo hèn trong hang lừa máng cỏ, giữa cha mẹ nghèo khổ Giuse-Maria và giữa những chú mục đồng tiểu tốt vô danh.
– Cũng như bao vạn sinh linh khác, Ngài cần sự sống được chuyển thông từ dòng sửa mẹ, để đi ra cuộc đời bằng xác thân mỏng manh yếu đuối của một bé thơ.
– Để chung chia số phận lầm than của những người lao công vất vả, Ngài đã chọn nghề thợ mộc âm thầm suốt 30 năm trong xưởng thợ Na-da-rét, bằng mồ hôi mệt nhọc nuôi sống bản thân và phụng dưỡng cha mẹ.
– Chính tình yêu thương đã khiến Ngài không cầm lòng khi nhìn thấy người chị Matta, Maria phải mất em, khi chứng kiến mẹ già thành Naim vĩnh biệt con trai yêu dấu, ông Giairô mất đứa con gái rượu, nên đã Ngài đã quyết định thi thố quyền năng “hoàn sanh cải tử”.
– Và Ngài đã biểu lộ tình yêu thương cách đặc biệt đối với những thân phận tật nguyền, bệnh hoạn cả thể xác lẫn tinh thần khi sẵn sàng dùng các phép lạ như dấu chỉ tình thương cứu độ của Thiên Chúa tình yêu : Ngài tiếp xúc với những người phong cùi họ được chữa lành, đụng chạm đến đôi mắt cho người mù thấy được, Ngài nâng dậy đôi chân cho kẻ què đi được, ngài gần gũi tiếp cận với những người câm, điếc, quỷ ám, bại liệt…để trả lại cho họ cuộc sống con người hồn an xác mạnh.
Ánh mắt yêu thương của Ngài không chỉ dừng lại trên những nổi đau thể xác mà còn đi đến tận những nổi đau tinh thần : Ngài đã đem niềm tin yêu hy vọng để làm lại cuộc đời cho cô gái làng chơi Mai-đệ-liên, Ngài đã xóa đi nổi hổ thẹn ê chề của người phụ nữ ngoại tình bị loài người kết án để không phải làm quan tòa xét xử, lên án mà trao ban một lời an ủi, khuyến thiện đầy tin yêu : “Tôi không kết án chị đâu. Hãy đi và đừng phạm tội nữa”.
Và sau cùng, Ngài đã kết thúc cuộc đời yêu thương và loan báo chân lý bằng cái chết tũi nhục trên thập giá ở giữa 2 người kẻ trộm.
Nhạc sĩ linh mục Hoàng Đức đã diễn tả mầu nhiệm “làm người” của Thiên Chúa bằng những ca từ thật đẹp trong ca khúc “Bước Người đi qua” :
Đã có một lần Người sinh ra nơi trần thế,
đã có một lần Người sinh ra trong khó nghèo.
Đã có một lần, đã có một lần Người xuống thế để cùng chia kiếp làm người…
Đã có một lần Người đi qua trong cuộc sống,
đã có một lần Người đi qua trên nẻo đường.
Đã có một lần, đã có một lần, Người sống chết trên trần gian thân làm người…
Vâng, Thiên Chúa không ở trên cao đâu quý vị. Tin Mừng Thánh GIoan đã khẳng định : “Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14) với một lý do cốt yếu duy nhất : “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến nổi đã ban Người Con Một, để ai tin nhận Người Con đó thì sẽ không phải chết nhưng được sống muôn đời”. (Ga 3,16)
Chúng tôi cám ơn quý vị đặc biệt đêm nay đã biểu lộ tâm tình trân trọng, kính tôn đối với Chúa Giêsu, một Đấng mà chắc chắn quý vị còn rất mù mờ, có khi được hiểu cách lệch lạc và rất nhiều khi được thông tin với một ý đồ không mấy thiện chí, nếu không muốn nói là xuyên tạc và thù nghịch.
Với sự hiện diện đông đảo và thân tình của Quý vị trong giờ phút linh thiêng nầy, chúng tôi tin rằng “ngày Giáng Sinh của Chúa Giêsu”, niềm vui Noel, đã nối kết tất cả chúng ta, để chúng ta có thể mạnh mẽ tuyên bố rằng : cho dù có khác biệt về niềm tin, về ý thức hệ, về quan niệm sống, về truyền thống văn hoá…, thì chúng ta vẫn có thể nói chung một ngôn ngữ – ngôn ngữ của tình bạn, tình người ; vẫn có thể để cùng đọng lại một tâm tình – tâm tình yêu thương, nhân ái ; và vẫn có thể chung xây một ước nguyện – ước nguyện cho hòa bình, hiệp nhất, tự do và huynh đệ.
Đó cũng chính là cùng đích của cuộc Giáng Sinh của Đấng Cứu Thế cách đây hơn 2000 năm, như chính Đức Giêsu trong cuộc đời công khai sau đó đã mạnh mẽ tuyên bố : “Ta đến để chiên Ta được sống và được sống dồi dào”, “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28).
Từ ý nghĩa của mầu nhiệm “Emmanuel” – “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” đó, và từ cuộc cử hành Phụng vụ lễ Giáng Sinh đêm nay, chúng tôi ước mong và xác tín rằng : không phải quý vị đến đây tham quan Noel rồi ra về với một cõi lòng trống vắng và một ý thức vô nghĩa ; nhưng từ đêm nay, từ ngôi thánh đường nầy, từ hang đá Bêlem, từ những bài thánh ca, từ những ánh mắt rạng ngời niềm vui và đôi môi mĩm cười thân thiện…quý vị sẽ mang theo cuộc đời một niềm vui mới, niềm tin mới, như cách diễn tả của lời ca cuối trong bài hát “Lạy Chúa con là người ngoài đạo” !
Chúa ơi Chúa ơi con người không đạo
Nhưng tin Chúa giúp đời thương đau
Như con tin trong một lần đã lâu
Những hờn đau thu ngắn
Để đám mây hồng âu yếm giăng ngang
Ước mong rằng “đám mây hồng Giáng Sinh 2011” sẽ giăng ngang cuộc đời của quý vị.
Giờ đây, xin quý vị cho phép tôi được ngỏ lời với anh chị em của chúng tôi, cộng đoàn giáo dân thuộc giáo xứ Tuy Hòa.
Anh chị em, chiều hôm nay Mùa Vọng của chuẩn bị đợi chờ kết thúc để nhường chỗ cho Mùa Giáng Sinh của rạng rỡ hân hoan chợt đến. Vâng, giờ nầy Phụng Vụ đang hiện thực hóa chính lời thiên sứ báo tin cho các mục đồng Bêlem năm xưa :
“hôm nay, trong thành vua Đa-vít, Đấng Cứu thế đã giáng sinh…”
Nếu ngày xưa “trong thành vua Đa-vít, Đấng Cứu thế đã giáng sinh…”, thì hôm nay, trong giáo xứ Tuy Hoà, trong khuôn viên thánh đường rực rỡ uy nghi nầy, Đấng Cứu thế cũng lại đã giáng sinh. Ngài tiếp tục giáng sinh qua mầu nhiệm Phụng vụ được cử hành trang nghiêm sốt sắng ; ngài giáng sinh qua những cõi lòng trong trắng, đơn sơ của những em thiếu nhi, các bạn trẻ không quản gió mưa mệt nhọc từng đêm tập múa cho đêm nay canh thức ; Ngài giáng sinh trong từng đôi tay cần cù, chịu khó của những anh chị em trong các chuyên ban mục vụ, đặc biệt, như gia đình của anh Dư : cả vợ chồng, con cái kéo hết xuống nhà thờ làm trang trí Giáng Sinh, như họa sĩ nghiệp dư Trương Quang Tuấn với những bức phông hang đá từ trong ra ngoài thật sâu lắng, ấn tượng ; Ngài giáng sinh qua các anh em trong ban Truyền thông-văn hóa, trật tự, các chức việc, các hội viên các hội đoàn…, ngày đêm tất bật để có được không gian Giáng Sinh sao cho rạng rỡ, mỹ quan ; Ngài giáng sinh trong trái tim nhiệt tình của các bạn sinh viên, của các ca viên trong các ca đoàn không phải chỉ một ngày mà nhiều ngày trong mưa lạnh cố gắng sao để Giáng Sinh có được những lời ca hay hơn, những hạng mục đẹp hơn…
Và chắc chắn, Chúa đã thực sự giáng sinh trong tất cả tâm hồn chúng ta, khi chúng ta thành tâm sám hối quỳ xuống nơi tòa giải tội lãnh ơn giao hòa, để có được một “hang đá tâm hồn” sạch sẽ, thánh thiện đón mừng Chúa đến.
Vâng, Mùa Vọng đã qua rồi, nhọc mệt đã tan rồi, tội lỗi đã bị xoá hết rồi. Thật thích hợp để cùng đọc lại một lần nữa sứ điệp lời Chúa của Isaia trong bài đọc 1 thánh lễ hôm nay :
“Bởi lẽ mọi chiếc giày đi lộp cộp của kẻ chiến thắng, mọi chiếc áo nhuộm thắm máu đào sẽ bị đốt đi làm mồi nuôi lửa. Vì Một Hài đã sinh ra cho chúng ta, một Người Con đã được ban tặng cho chúng ta”.
Và từ đêm nay, chúng ta phải cùng nói được với nhau rằng : “Chúng ta đã thấy Chúa”, “Chúa đang ở cùng chúng ta”. Chúng ta phải là những chứng nhân thật sự của mầu nhiệm “Emmanuel”, như ngày xưa, các mục đồng thành Bêlem cũng đã làm chứng như thế sau khi đã diện kiến Hài Nhi Giêsu như Tin Mừng Luca thuật lại :
“Đến nơi, họ gặp bà Mara, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi nầy. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên”.
Trong một thế giới mà sự lãnh đạm, thờ ơ, vô tâm đã trở thành quy tắc ứng xử, chủ nghĩa vụ lợi, cá nhân và ích kỷ đang lên ngôi, nạn tàn sát sự sống thai nhi đã đến hồi nghiêm trọng cảnh báo, một thế giới mà nạn chiến tranh, khủng bố, bạo lực xã hội và trong gia đình lan tràn khắp chốn, thì Sứ điệp Giáng Sinh hôm nay quả thật cần thiết biết bao ! Cần thiết biết bao cuộc nhập thể giáng sinh của Ngôi Lời trong mọi cơ cấu của xã hội để hoán cải , để chữa lành, để phục sinh.
Và mỗi người Kitô hữu chúng ta có trách nhiệm để làm cho Mầu Nhiệm Giáng Sinh hiện thực trong cuộc sống nầy, cuộc đời nầy, để Chúa Giêsu một lần nữa đến và ở lại trong cuộc đời mỗi người chúng ta, chứ không phải “Người đã đến và Người phải ra đi” như cách cảm nhận của linh mục Hoàng Đức trong ca khúc “Bước Người đi qua” :
“Thế có lần nào bạn mong nghe bước Người đến, thế có lần nào bạn mong xem bóng dáng Người. Thế có lần nào thế có lần nào, ngàn năm qua, bẫng ngàn năm, Người đã đến nhưng Người phải ra đi, Người đã đến nhưng Người phải ra đi.” (Trích ca khúc “BƯỚC NGƯỜI ĐI QUA” của lm.ns. Hoàng Đức)
Và đó cũng chính là tiêu đích mà huyền nhiệm Giáng Sinh nhắm tới để công cuộc “vào đời” của Thiên Chúa mãi mãi hiện thực và tiếp nối nơi chính chúng ta, những người được cứu chuộc bằng dòng nước thánh tẩy để trở nên con cái Thiên Chúa, đồ đệ của Đức Kitô, như lời khẳng định của Thánh Phaolô trong trích đoạn thư gởi cho Titô mà chúng ta vừa nghe trong Bđ 2 hôm nay :
“Ngài đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta khiến chúng ta thành dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện” (BĐ 2).
Kính chúc anh chị em có được một mùa Giáng Sinh như thế. Amen.
Giuse Trương Đình Hiền