Gia đình 

Những bi kịch thương tâm của gia đình Việt

Năm 2011 đã chứng kiến biết bao vụ trọng án, bi kịch thương tâm. Trong đó đáng nói nhất là những vụ trọng án xảy ra trong nội bộ gia đình như hai anh em ruột giết nhau chỉ vì thù vặt, mẹ đẻ ép con gái ngủ với bố dượng để chiều chồng, cha ruột nhiều lần dở trò đồi bại với con gái, bố đẻ bắt hai con ăn phân, chồng đánh vợ quay video rồi tung lên mạng, chồng làm đám ma cho vợ đang sống… Quỳnh Anh – La Hoàn thực hiện ( VietnamNet 31.12.2011 )

Chiều cuối năm đọc những dòng tin này, tâm hồn chúng ta không thể không nhức nhối. Ngoài những bi kịch thương tâm trong gia đình Việt còn những bi kịch thương tâm khác ngoài xã hội Việt thì sao ? Có ai nào đó đã tạm ngồi thống kê bao nhiêu vụ bạo hành do các bạn trẻ dành cho nhau ? Bao nhiêu vụ cuồng sát chỉ vì những bất đồng nhỏ trong cuộc sống ? Bao nhiêu vụ án mạng xảy ra chỉ vì những món lợi nhỏ bé, có khi chỉ là giật được một cái túi rỗng, không có gì ngoài vài cuốn sách ? Bao nhiêu vụ tai nạn lẽ ra không đáng có ? Bao nhiêu vụ tử vong đơn giản ngay trước mắt bác sĩ trong bệnh viện ? Bao nhiêu vụ lên đồn Công An “làm việc” rồi vĩnh viễn không thấy trở về ? Bao nhiêu bào thai nhỏ bé không được làm người ?…

Đành rằng xã hội có nhiều biến chuyển đáng mừng, nhưng không thể chỉ một số đổi thay tích cực đó mà có thể khỏa lấp được quá nhiều điều bi thảm, không thể bằng lòng với những tiến triển đó mà tự ru ngủ mình, vô cảm với những nỗi đau đang gây nhức nhối trong xã hội, nhận chìm cả một dân tộc.

Cũng chẳng nên ngồi trách móc, đổ lỗi quanh quẩn rồi chẳng đi đến đâu. Chúng ta đang sống và chúng ta đang cần một môi trường sống tốt lành từng giây từng phút, trong môi trường ấy khả dĩ chúng ta được làm người thật sự, làm người với tất cả dáng vẻ tuyệt vời của Thiên Chúa ban cho.

Hơn sáu mươi năm Xã Hội Chủ Nghĩa phía Bắc, và hơn ba mươi sáu năm ở phía Nam, kết quả là chúng ta đang chứng kiến một xã hội tan rã, suy thoái đạo đức đến như vậy. Kinh nghiệm từ các nước Đông Âu đã khẳng định hậu quả của một triết thuyết sai lầm từng quét ngang qua đất nước của họ.

Các nước phương Tây khác theo chủ nghĩa Tư Bản cũng không xây dựng được một xã hội khả dĩ tôn trọng quyền làm người một cách thiết thực theo thánh ý Chúa, xét bề mặt thì xem ra là tôn trọng, nhưng quá nhiều dân tộc đã bị nhận chìm trong chiến tranh, máu đổ, đất nước tan hoang, bao nhiêu con người đứt ruột đứt gan vì không hiểu tại sao tai họa lại đổ xuống gia đình họ, chỉ vì họ sinh ra trong một dân tộc có những vị trí chiến lược, có những mỏ khoảng sản hoặc có một dân số hấp dẫn lọt vào tầm ngắm của các tập đoàn tư bản khổng lồ ! Việt Nam đã không thoát khỏi số phận nghiệt ngã ấy !

Tôi có một người bạn cũ, cách đây mấy năm, hai vợ chồng họp mặt bạn bè để từ giã đi định cư ở một nước khác, chúng tôi hơi ái ngại cho cuộc ra đi này vì thấy họ đã lớn tuổi, không dễ gì hội nhập cuộc sống nơi xứ sở mới. Ngày họp mặt, anh cầm cây đàn ghita lên hát say sưa bài “Lâu đài tình ái”, vài tháng sau nghe tin anh qua đời, một cái chết lãng xẹt, bị lạc đạn do một bọn thanh thiếu niên xử nhau theo kiểu băng đảng Mafia. “Lâu đài” anh định xây dựng nơi xứ người vỡ tan tành !

Là người tin vào Chúa, chúng ta được mời gọi hướng về Quê Trời bằng những bước đi rất cụ thể ờ trần gian, là người tin vào Chúa, chúng ta ý thức trần gian này chỉ có thể cứu và phải được cứu bằng ân huệ của Chúa chứ không phải bằng giải pháp con người, chỉ có Lời của Chúa, chỉ có sức mạnh quyền năng của Chúa. Chẳng có triết thuyết nào, chẳng có hệ thống chính trị nào là lý tưởng, là tuyệt đối, là đáng ca tụng. Sẽ là luẩn quẩn và bế tắc khi tuyên dương và tin cậy vào những thứ lý thuyết trần gian ấy.

Là người mang lấy Lời của Chúa, chân lý và sự thật, chúng ta không thể tự ru ngủ mình và người khác bằng những lời mộng mị, phải dùng Lời của Chúa soi vào tận ngóc ngách của u tối trần gian, để giữa đêm đen của bao nhiêu bi kịch, Lời Chúa bừng sáng thực sự chứ không chỉ được đẩy đưa bằng những lý lẽ hoa mỹ giả tạo.

Đó là chứng nhân, đó là “Tự Do của con cái Chúa”, giá trị Tự Do ắt có của bản chất con người do Chúa ban tặng. Lâu nay trong các hướng dẫn Mục Vụ, người ta thấy yếu tố Tự Do tuyệt vời này đã bị bỏ quên đâu mất rồi. Đáng buồn thay !

Lm. VĨNH SANG, DCCT, chiều cuối năm 31.12.2011

Related posts