Thế giới nhìn từ Vatican
httpv://vimeo.com/34634379
1. Ý nghĩa Mùa Giáng Sinh
Mừng lễ Giáng Sinh là đem niềm vui, sự mới mẻ đích thật, và ánh sáng của Thiên Chúa đến cho người khác. Mừng lễ Giáng Sinh là tiếp đón Chúa Giêsu, sống sự sống của Chúa và để cho các tâm tình, các tư tưởng và hành động của Người trở thành các tâm tình, các tư tưởng và hành động của chúng ta. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến tín hữu và du khách hành hương đầu năm mới tại đại thính đường Phaolô Đệ Lục sáng thứ tư 4-1-2012. Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến
“Chúng ta tất cả hãy vui mừng trong Chúa, vì Đấng Cứu Thế đã sinh ra trên trần gian”: Thánh lễ đêm Giáng Sinh đã bắt đầu như thế, và chúng ta đã nghe các lời sứ thần nói với các mục đồng: “Này đây, ta báo cho các ngươi một tin trọng đại”. Tin vui là đề tài bắt đầu Phúc Âm và cũng là đề tài kết thúc Phúc Âm, vì Chúa Giêsu Phục Sinh sẽ trách các Tông Đồ vì họ buồn sầu. Niềm vui ấy phát xuất từ sự kinh ngạc của con tim, khi thấy Thiên Chúa gần gũi với chúng ta dường nào.
Trong lễ Chúa Tỏ Mình ngày mùng 6 tháng Giêng, mà chúng ta sẽ cử hành trong vài ngày nữa, Giáo Hội đề nghị một văn bản rất có ý nghĩa của ngôn sứ Isaia: “Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi.”
Đây là một lời mời hướng tới Giáo Hội, Cộng đoàn của Chúa Kitô, nhưng cũng hướng tới từng người trong chúng ta, mời gọi chúng ta ý thức sống động hơn về sứ mệnh và trách nhiệm của chúng ta đối với thế giới trong việc làm chứng và đem ánh sáng mới của Tin Mừng đến cho thế giới.
2. Sứ điệp ngày Quốc Tế Bệnh Nhân
Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã kêu gọi các tín hữu nêu cao giá trị của các bí tích chữa lành là bí tích Thống Hối hòa giải và bí tích xức dầu bệnh nhân. Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong Sứ điệp công bố hôm 3 tháng 1, nhân Ngày Thế giới các bệnh nhân lần thứ 20 sẽ được cử hành vào ngày 11-2 tới đây với chủ đề “Hãy đứng lên và đi; đức tin của con đã cứu con!”.
Trong Sứ điệp, Đức Thánh Cha đã đề cao vai trò của bí tích Thống Hối nơi các bệnh nhân và những người đau khổ. Ngài viết: “Thời điểm mà bệnh nhân dễ bị cám dỗ rơi vào tình trạng nản chí và tuyệt vọng ấy có thể biến thành một thời điểm ân phúc, giúp họ trở về với chính mình, và như người con hoang đàng, nghĩ lại cuộc sống của mình, nhìn nhận những lỗi lầm và thiếu sót, nhớ nhung vòng tay ấp ủ của người Cha, và tái khám phá con đường về Nhà Cha”.
Đức Thánh Cha cũng liên kết hai bí tích Thống Hối và xức dầu bệnh nhân với bí tích Thánh Thể, và ngài khích lệ các linh mục khi mang Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân, hãy ý thức mình thực sự là những thừa tác viên của các bệnh nhân, là dấu chỉ và là phương tiện của lòng từ bi Chúa Kitô, phải được biểu lộ cho mọi người đang chịu đau khổ.
Sau cùng, Đức Thánh Cha nhắc đến “Năm Đức Tin” sẽ bắt đầu từ ngày 11 tháng 10. Ngài viết: “Tôi muốn khuyến khích các bệnh nhân và những người đau khổ luôn tìm thấy một chiếc neo chắc chắn trong đức tin, được nuôi dưỡng bằng sự lắng nghe Lời Chúa, bằng kinh nguyện bản thân và các bí tích, trong khi tôi mời gọi các vị Mục Tử hãy luôn sẵn sàng cử hành đức tin cho các bệnh nhân. Theo gương Vị Mục Tử Nhân Lành và trong tư cách là những người dẫn dắt đoàn chiên đã được ủy thác, các linh mục hãy đầy vui mừng, ân cần đối với những người yếu đuối nhất, những người đơn sơ và tội nhân, biểu lộ cho họ lòng từ bi vô biên của Thiên Chúa với những lời đầy hy vọng”
3. Tuổi trẻ là thiết yếu cho hòa bình thế giới
Đức Thánh Cha đã chào đón Năm Mới bằng việc cử hành thánh lễ tại đền thờ Thánh Phêrô. Mỗi năm, vào đúng ngày 1 tháng Giêng, Tòa Thánh cử hành Ngày Hòa Bình Thế Giới. Trong bài giảng của ngài, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nhấn mạnh rằng thông điệp Ngày Hòa Binh Thế Giới năm nay nhấn mạnh đến việc giáo dục các giá trị cho thế hệ trẻ.
“Đối diện với những bóng đen che khuất chân trời thế giới hôm nay, gánh vác trách nhiệm giáo dục người trẻ trong chân lý, trong những giá trị căn bản và trong những nhân đức là biết nhìn về tương lai với hy vọng.”
Trong điều kiện hiện nay, khi mà các tiến bộ kỹ thuật đã làm thế giới nhỏ lại, hơn bao giờ hết điều thiết yếu cho cha mẹ và các bậc phụ huynh là hãy cấy những giá trị nơi trẻ em ngay từ thuở thiếu thời, chứ đừng giao phó trách nhiệm ấy cho kỹ thuật. Đức Thánh Cha nói thêm rằng các cộng đoàn tôn giáo cũng đóng một vai trò thiết yếu trong trách nhiệm này.
“Điều thiết yếu là giúp các trẻ sơ sinh, và thanh thiếu niên phát triển một nhân cách bao gồm một cảm thức sâu xa về công lý với niềm tôn trọng người lân cận, với một khả năng giải quyết các xung đột trong hiền hòa, với một sức mạnh nội tâm làm chứng cho điều thiện ngay cả khi phải hy sinh, và với lòng tha thứ và hòa giải”.
Nhiều vị đại sứ đã ngồi ngay trên hàng ghế đầu của Đền Thờ. Đức Thánh Cha cũng đã đề cập đến hòa bình thế giới và nói rằng tiến trình dẫn đến hòa bình trên thế giới phải bắt nguồn từ từng cá nhân.
“Để được chúc phúc, chúng ta phải đứng trong sự hiện hữu của Thiên Chúa, đặt Danh Ngài trên chúng ta và lưu lại trong luồng sáng phát ra từ thiên nhan Ngài, trong không gian được chiếu soi bởi cái nhìn của Ngài, đang chiếu tỏa ân sủng và bình an”.
Đức Thánh Cha đã di chuyển trên bệ di động để lên bàn thờ chính. Tuy nhiên, ngài đi đứng bình thường trên gian cung thánh trong khi cử hành thánh lễ.
4. Cần thiết và khẩn cấp là phải giáo dục các thế hệ tương lai
Hàng mấy chục ngàn tín hữu đã tập trung tại quảng trường Thánh Phêrô để cử hành buổi đọc kinh Truyền Tin trưa ngày đầu năm Dương Lịch. Sau khi ban phép lành đầu năm cho mọi người, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã kêu gọi anh chị em tín hữu hãy cầu nguyện cho hòa bình.
“Tôi mời gọi mọi người trong anh chị em hãy hiệp ý với tôi trong lời cầu tha thiết cho hòa bình trên thế giới, cho hòa giải và tha thứ trong những vùng đất xung đột, và cho một sự phân phối tài nguyên thế giới công bình và bình đẳng hơn.”
Dịp này Đức Thánh Cha cũng đã nhấn mạnh đến nhu cầu giáo dục các thế hệ trẻ về công lý và hòa bình.
“Điều cần thiết và khẩn cấp là giáo dục các thế hệ mới, đem đến cho họ một sự đào tạo vững chắc và toàn diện bao gồm cả các chiều kích luân lý và siêu nhiên. Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh đến những gì liên quan đến công lý và hòa bình”.
Trong số các tín hữu hiện diện có một nhóm thuộc cộng đoàn Thánh Egidio. Họ đã tổ chức một buổi tuần hành cho hòa bình trên các đường phố Rôma trước khi đến quảng trường Thánh Phêrô.
5. Trên 2.5 triệu người đã diện kiến Đức Thánh Cha trong năm 2011
Theo con số thống kê của Tòa Thánh, trong năm 2011 đã có 2.5 triệu người được gặp gỡ Đức Thánh Cha trong các nghi lễ cử hành tại Vatican. Con số này cho thấy có sự gia tăng đáng kể so với 3 năm qua.
Theo phủ Giáo Hoàng, trong năm 2011 đã có 1.2 triệu người tham dự các buổi đọc kinh Truyền Tin hay kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trong Mùa Phục Sinh vào các buổi trưa Chúa Nhật hay các ngày lễ trọng.
Khoảng 400,000 anh chị em tín hữu đã tham dự các buổi triều yết chung vào thứ Tư hàng tuần. 846,000 anh chị em tín hữu đã tham dự các nghi thức Phụng Vụ. Gần 102,000 người được tham dự các buổi tiếp kiến đặc biệt với Đức Thánh Cha.
Những con số nói trên chỉ liên quan đến các hoạt động của Đức Thánh Cha diễn ra tại Vatican hay Castel Gandolfo, không kể các chuyến tông du tại hải ngoại hay tại Ý.
6. Thị trường tự do và nền văn hóa thiện ích chung
Khủng hoảng nợ nần Âu Châu đã đẩy các thị trường kinh tế thế giới lên xuống bất thường trong thời gian qua đã dẫn đến sự ra đi của nhiều chính quyền tại Âu Châu trong đó có Hy Lạp. Tây Ban Nha và Ý.
Nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng tài chính này là sự thiếu vắng đạo đức trong số những người có liên quan.
Các nhà thần học và các giáo sư tại Rôma đã hiệp nhau trong một cố gắng tập trung vào việc đề cao luân lý trong việc giảng dạy thương mại và tài chính.
Giáo sư Francesco Limone của Đại Học Giáo Hoàng Thánh Giá ở Rôma cho biết:
“Chúng tôi bắt đầu loạt seminars này nhằm tìm kiếm những ‘phạm vi ảo’ có thể được hình thành giữa đạo đức và ‘cứu cánh’ trong đó chúng tôi tìm kiếm cách thế tốt nhất mà lợi nhuận có thể nâng đỡ cho sự phát triển của hệ thống thị trường”.
Các nhà thần học và các giáo sư tại Rôma đã hình thành một công nghị thế giới với chủ đề “Thị trường tự do và nền văn hóa thiện ích chung”. Họ gặp gỡ mỗi hai tháng với các sinh viên và giáo sư Đại Học, với các công ty và cả những người đã từng đoạt giải Nobel về kinh tế với ý muốn thiết đặt đạo đức như là trung tâm điểm cho việc hình thành một nền kinh tế thế giới mới.
7. Đức Thánh Cha sẽ tấn phong Hồng Y cho 15 vị.
Trong 2 ngày 18 hay 19 tháng 2 tới đây, Đức Thánh Cha sẽ tấn phong Hồng Y cho 15 vị. Hiện nay Giáo Hội có tất cả 192 vị Hồng Y nhưng chỉ có 107 vị có quyền bầu Giáo Hoàng.
Danh sách các vị sắp được tấn phong Hồng Y chưa được công bố. Tuy nhiên, hầu chắc là sẽ bao gồm các Đức Tổng Giám Mục Fernando Filoni, Domenico Calcagno Giuseppe Versaldi, Giuseppe Bertello, Francesco Coccopalmerio, và Rino Fisichella là các vị đang giữ các chức vụ quan trọng trong giáo triều Rôma.
Ngoài ra còn có các vị Tổng Giám Mục và Giám Mục của các giáo phận trên thế giới. Tiêu biểu là Đức Cha Gioan Thang Hán của Hương Cảng, Đức Tổng Giám Mục Timothy Dolan của New York, và Đức Tổng Giám Mục George Alencherry của Công Giáo nghi lễ Syro-Malabar.
8. 10 sự kiện sau được ghi nhận là những sự kiện nổi bật hàng đầu trong năm 2011
Năm 2011 là một năm đầy những xúc động, thách đố và háo hức. Theo Rome Reports, 10 sự kiện sau được ghi nhận là những sự kiện nổi bật hàng đầu.
Sự kiện thứ 10 là sự hiện diện lần đầu của Đức Thánh Cha trên tweet là một social network bên cạnh YouTube, và Facebook. Trong năm nay, Đức Thánh Cha đã kêu gọi người Công Giáo hãy học cách thế để nói về Thiên Chúa qua các phương tiện truyền thông khác nhau. Ngài đã đưa ra những thí dụ cụ thể.
Sự kiện thứ 9 liên quan đến cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Tòa Thánh đã đưa ra một tài liệu khẳng định rằng cần phải có những luật lệ khác nhau cho các ngân hàng đầu tư và thương mại. Bản văn đã được Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình đưa ra. Bên cạnh một số khẳng định khác, tài liệu cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế gây ra là do bởi một cuộc khủng hoảng về đạo đức.
Sự kiện thứ 8 là chuyến tông du của Đức Thánh Cha sang Benin để công bố tông huấn Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi Châu. Đây cũng là chuyến viếng thăm Phi Châu lần thứ hai của Đức Thánh Cha. Trong chuyến viếng thăm này, Đức Thánh Cha đã kêu gọi Giáo Hội tại đây cổ vũ mạnh mẽ cho hòa giải, công lý và hòa bình tại lục địa này.
Sự kiện thứ 7 liên quan đến vụ tấn công nhắm vào người Công Giáo Coptic tại Ai Cập gây ra cái chết của 26 người Công Giáo và hàng trăm người khác bị thương. Hôm 9 tháng 10, người Công Giáo Coptic đã biểu tình để chống lại việc các nhà thờ của họ bị đốt phá. Cảnh sát và quân đội đã đàn áp dã man những người biểu tình. Trong buổi triều yết chung hôm thứ Tư 12 tháng 10, Đức Thánh Cha nói:
“Tôi cảm nhận được những nỗi đau buồn của gia đình các nạn nhân và của dân chúng Ai Cập”.
Sự kiện thứ 6 là việc Đức Thánh Cha công bố “Năm Đức Tin” sẽ bắt đầu từ ngày 11 tháng 10 năm 2012 là ngày kỷ niệm 50 năm khai mạc Công Đồng Chung Vaticanô 2 và kết thúc vào ngày 24 tháng 11 năm 2013 nhân lễ Chúa Kitô là Vua Vũ Trụ. Sáng kiến này nhằm cổ vũ việc”Tân Phúc Âm Hóa” trong thế giới Tây Phương.
Sự kiện thứ 5 là việc xuất bản cuốn “Đức Giêsu Thành Nazareth” của Đức Thánh Cha trong đó đề cập đến những suy tư của Đức Thánh Cha về cuộc thương khó, cái chết, và sự Phục sinh của Chúa Kitô. Cuốn sách nhấn mạnh cuộc đời lịch sử của Chúa Giêsu đã nhấn mạnh rằng Đức Giêsu được Phúc Âm đề cập đến là một người có thật trong lịch sử và là Thiên Chúa.
Sự kiện thứ 5 là cuộc gặp gỡ liên tôn tại Assisi. Cùng hiện diện với Đức Thánh Cha trong biến cố này là đại diện của các hệ phái Kitô, Hồi Giáo, Phật Giáo và cả những người vô thần từ trên khắp thế giới. Các vị đã gặp gỡ nhau trong một ý chí kiến tạo hòa bình cho thế giới.
Trong dịp này Đức Thánh Cha đã kêu gọi:
“Nhân danh Thiên Chúa, xin cho mỗi tôn giáo đều mang đến cho trái đất này công lý, sự tha thứ, cuộc sống và tình yêu”
Sự kiện thứ ba trong năm vừa qua là ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Marid diễn ra từ 16 đến 21 tháng 8 trong đó khoảng 1.5 triệu bạn trẻ trên thế giới đã tụ tập tại thủ đô Tây Ban Nha để nghe Đức Thánh Cha nói. Ngài đã kêu gọi các bạn trẻ nghiêm túc và nhiệt thành với đức tin của họ.
Một trong những khoảnh khắc gây ấn tượng nhất của Đại hội Giới trẻ Thế giới xảy ra vào tối thứ Bảy, 20 tháng 8, khi một trận bão với sấm sét dữ dội đã đổ nước như thác vào buổi canh thức cầu nguyện tại sân bay Madrid, và đánh sập hệ thống âm thanh. Mặc dù dưới cơn mưa tầm tã và gió lộng thổi, Đức Giáo Hoàng đã từ chối không rời khỏi nơi hành lễ, Ngài nhấn mạnh rằng cần phải ở lại để dẫn dắt các bạn trẻ trong nghi thức chầu Thánh Thể sau đó.
Sự kiện thứ hai là chuyến tông du Đức quốc của Đức Thánh Cha. Trong 4 ngày, ngài đã đọc 17 bài diễn văn trong khi viếng thăm Berlin, Freiburg và Erfurt. Trong số những bài diễn văn này, quan trọng nhất là diễn văn trước quốc hội Đức trong đó ngài thách đố các nhà chính trị theo đuổi những gì là đúng chứ không phải những điều có tính chất mỵ dân.
Ngài nói:
“Đối với hầu hết các vấn đề cần phải được luật pháp kiểm soát, việc được đa số dân chúng ủng hộ có thể coi là đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, hiển nhiên là đối với những vấn nạn căn bản của luật pháp, trong đó nhân phẩm của con người và nhân loại có thể bị phương hại, nguyên tắc đa số vẫn chưa đủ”.
Sự kiện hàng đầu là biến cố phong chân phước cho Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị. Sáu năm sau khi Đức Cố Giáo Hoàng qua đời, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã tôn phong lên bàn thờ vị Giáo Hoàng được ưa chuộng rộng rãi trên thế giới. Thông điệp mạnh mẽ “Đừng sợ, và hãy mở rộng cửa thế giới ra để chào đón Đức Kitô” lại một lần nữa được vang lên sống động tại quảng trường Thánh Phêrô.
Vietcatholic News