Văn hóa & Đức tin 

Văn hóa Việt Nam – VII

2. Người Việt Nam cũng không thuộc chủng Miêu

Dân tộc Miêu, người Mèo, còn sống trên cao nguyên Việt Nam và Thượng Lào….

Chúng ta thuộc chủng Miêu chăng? Phần tự vệ lên cao sống, phần chịu thuần phục, là cha ông chúng ta , còn ở trung châu? Ông Bình Nguyên Lộc tự hỏi và giải thích:

“Miêu có phải là Việt hay không, như giáo sư Kim Định đã dùng làm căn bản lớn cho sách của ông. [1]

Xét chỉ số sọ của chủng Miêu, thấy nó không giống chủng nào khác hết, nó khác với Hoa chủng, mà cũng khác với Việt, với Mã Lai.

Có lai căn ba bốn chủng tộc, khoa chủng tộc học cũng biết được, mà chỉ lai một lần hay lai đi lai lại mãi, khoa đó cũng biết được một cách chính xác, lai mấy ngàn năm rồi, cũng cứ còn biết được như thường.

Như khoa đó xác nhận là Miêu thuộc một chủng riêng, rất lớn, có mặt khắp nước Tàu, mà không có mặt ở đâu nữa cả, trừ cuộc di cư cách đây hai ba trăm năm đến Thượng Lào và Thượng Du Bắc Việt…

… Miêu cũng bị đẩy lui dần từ Hoa Bắc đến Hoa Nam, và cuộc nhường đất của Miêu hoàn toàn xảy ra trên bộ, và dưới đời nhà Chu thì, theo Kinh Thư, Miêu đã bị đẩy xuống vùng đất giữa hồ Động Đình và hồ Bành Lải. Nhưng đến nay thì Miêu cũng mất luôn địa bàn đó và đất xa nhứt của họ ở phía Bắc là tỉnh Quý Châu….

Giáo sư Kim Định, dựa vào quyển sách Tàu Cổ sử nhân vi của Mông Văn Thông, là một người chưa học khoa chủng tộc học lần nào hết, để nói rằng Tàu gặp Viêm tộc trước nhứt, mà Viêm là Việt + Miêu.

… Bảo rằng Viêm = Việt + Miêu thì sai sự thật quá xa, vì sọ Miêu khác xa sọ Việt, lại không bao giờ có sọ lại Miêu + Việt.

…… Trong bức bản đồ ở trang 77, thì giáo sư lại cho vẽ Viêm-Việt gồm có: Anh-đô-nê, Môn, Chàm, Miến điện, Miêu, Lạc, v.v…. Tất cả các dân tộc đó, trừ Miêu, đều có sọ giống hệt nhau, nhưng không đặt tên nó là Viêm, vì nó đã tự xưng là Mã Lai từ 6 ngàn năm rồi (có chứng tích), còn Chàm, Miến Điện v.v… thì đều là danh xưng mới có về sau. Và Mã Lai = Anh-Đô-Nê. [2]

…… Người Tàu có quyền đặt tên một chủng, khác với khoa chủng tộc học. Nhưng danh xưng Viêm thì không thấy dùng để chỉ chủng tộc bao giờ cả, mà chỉ có dùng để trỏ vài dân tộc nho nhỏ ở phương Nam của Hoa Bắc, và chỉ có nghĩa mơ hồ là dân xứ nóng, chớ không trỏ hẳn ai.

…… Vậy thì gốc tổ tiên (chúng ta) là Mã Lai chớ không phải tên Viêm, mà Tàu cũng không bao giờ gọi nó là Viêm, chỉ có một ông Tàu đời sau là Mộng Văn Thông mới phịa ra đây thôi. Tàu gọi nó là LÔ, là LỈA, tức LAI đấy, vì Tàu độc âm, bỏ mất MÃ, hoặc vì Mã Lai cũng có thói quen tự bỏ bớt một âm, có nhóm chỉ tự xưng là MẠ mà thôi. [3] Nhưng  cái nhóm chánh cổ sơ nhất thì tự xưng rất dài là MALAYA (núi Hi-Malaya) và nhóm thứ nhì cổ sáu ngàn năm tự xưng là MALAYALAM, được kinh Phệ-đà phiên âm là M’leecha”.  [4]

[ 15 ]     Vài nét về Khảo Tiền Sử Việt Nam

Muốn biết về nguồn gốc, bà con của mình, người ta thường hỏi những người chung quanh. Khi cả vùng không biết, người ta đành cùng nhau tìm. Phong trào khảo cổ liên quốc gia tiến rất chậm, vì nó có vẻ không thiết thực với đời sống hằng ngày. Tuy vậy, nó rất quan trọng, không chỉ để biết xử trí trong quan hệ hiện tại, mà nó giúp rất nhiều cho những kế hoạch công tác tương lai.

Chính vì thế, chúng ta nên biết sơ qua, để nếu không có điều kiện tham gia, mình cũng không lạc lõng.

  1. Những chặng và mốc văn hoá trong khảo tiền sử

Thời tiền sử được coi như gồm ba chặng, theo mốc di tích văn hoá của con người tiền sử:

*   Thời đồ ĐÁ CŨ =                      Paléolithique

*   Thời đồ ĐÁ MỰC GIỮA              Mésolithique

*   Thời đồ ĐÁ MỚI                        Néolithique

Thời sơ sử chỉ gồm hai chặng:

*   Thời ĐỒ ĐỒNG                         Âge du bronze

*   Thời ĐỒ SẮT                             Âge du fer

Ngành khoa học này tương đối mới, còn nhiều cách dùng từ khác nhau giữa từng tác giả; tuy nhiên, phải nhận rằng những người Pháp là những người để lại tác phẩm đầu tiên về khảo tiền sử Việt Nam. Khi đọc họ, chúng ta lưu ý vài kiểu nói sau đây:

–  Paléolithe (Paléolith) = instrument en pierre taillé

đồ dùng bằng đá đẽo.

–  Protonéolithe = Néolithe inférieur (= protoneolith)

= instrument poli au tranchant seulement

đồ dùng chỉ mài nhẵn phía đầu lưỡi.

–  Type de Sumatre (Sumatra type)

= instrument taillé sur une seule face

đồ dùng đẽo một mặt

–  Néolithe = instrument poli en entier

đồ dùng mài nhẵn toàn diện

Rõ ràng ba loại trên đều thuộc thời kỳ đồ đá đẽo.

Loại thứ bốn mới thuộc thời Tân Thạch.

2. Mốc thời gian và mốc văn hoá

Thời gian không ấn định cho văn hoá được. Chúng ta dùng THỜI và dùng một mốc văn hoá nào cũng phải xác định toạ độ. Nghĩa là mốc văn hoá đó chỉ đúng trong thời gian đó (vị trí lịch sử) ở vị trí địa lý đó.

Thí dụ: Khi người Anh khám phá ra Úc châu và dùng làm nơi lưu đày phạm nhân, thế kỷ XVIII, thì người địa phương (thổ dân) còn sống trong văn hoá tiền sử.

Khi các nhà thừa sai công giáo đến Kotum thế kỷ XIX, còn thấy tộc Bahrour mài nhẵn đồ dùng bằng đá, như trong thời tiền sử các nơi khác.

3. Vài lát cuốc khảo cổ đầu tiên

“Chính Henri Mansuy, người thuộc Sở Địa Chất Pháp tại Việt Nam, là người đầu tiên chú trọng đến những di tích tiền sử. Năm 1902, Mansuy đã viết bài nghiên cứu về di tích vùng Sam Rong Sen (Kampuchia), năm 1906 Mansuy thấy những di tích trong hang núi phố Bình Gia (Lạng Sơn). Từ năm 1923, những di tích đào được trong các hang núi ở vùng Bắc sơn đã làm thay đổi hẳn những điều từ trước tới nay mà người ta vẫn thường nói về thời tiền sử của xứ Đông Dương. Mansuy tìm ra những đồ dùng bằng đá đẽo mà từ trước chưa ai sưu tầm được, những xương người đào được trong các hang núi, chứng tỏ là đã có các giống người khác nhiều với những giống hiện nay đang sống ở Đông Dương đã sinh sống trong thời tiền sử trên đất Đông Dương này.

Từ năm 1923, giáo sư E. Patte in những trang sách khảo cứu về các di tích tiền sử thuộc tỉnh Đồng Hới và Thanh Hoá. Đến năm 1935, giáo sư Patte có viết bài tổng quát nói về người thời tiền sử ở Đông Dương, đến năm 1966 có viết bài nghiên cứu kỹ lưỡng về các xác người thấy ở Đa Bút (Thanh Hoá).

Từ năm 1924, Madeleine Colani bắt đầu chuyên khảo về tiền sử. Colani tìm ra được thời đồ đá của vùng Hoà Bình. Colani đã làm nhiều công trình khảo cứu về thời tiền sử vùng Bắc Sơn, Hoà Bình, Vịnh Hạ Long và về những chum bằng đá ở vùng Chấn Ninh.

Jacques Fromaget viết chung với Mansuy năm 1924, với Edmond Saurinnăm 1936 những công trình khảo cứu về các di tích tiền sử tại vài miền ở Trung Việt và ở Thượng Lào, Paul Lévy tìm được di tích tiền sử tại M’lu Pocei (Kampuchia) năm 1938, và ở bờ sống Mékong ở gần vùng Luang Brabang năm 1942.

Năm 1938, bác sĩ Gunnar Anderson một giáo sư Thuỵ Điển tìm di tích tiền sử ở các đảo vịnh Hạ Long. Sau vì phải về Thuỵ Điển, để Colani nối tiếp làm công việc đó.

Từ năm 1935-1939 mới bắt đầu có những công cuộc khai quật cổ tích thật đúng phương pháp khoa học do giáo sư Olor Jansé, cũng là người Thuỵ Điển, có khai quật những cổ mộ ở Bắc Việt và Bắc Trung Phần. Jansé có thấy những di tích về thời Đồ Đồng ở Thanh Hoá. Năm 1938, ông Saurin có viết bài khảo cứu về những di tích tiền sử ở Thanh Hoá và Nghệ An. Năm 1957 viết về di tích tiền sử ở Hòn Gay.

Ta cũng nên nhớ Saurin và Fromaget đã cho in những phát minh quan trọng về di tích ở Thượng Lào, vì những di tích này rất quan trọng cho biết rõ về niên sử của Việt Nam.

Năm 1952, G.Condominas nghiên cứu về nhạc cụ tiền sử tìm được ở gần Đà Lạt.

Năm 1956, các giáo sư J.B.Lafont có viết bài khảo cứu về đồ đá tìm được ở Pleiku.

Năm 1960, Nguyễn Văn Nghĩa có viết bài báo cáo về đồ di tích Cổ Nhuế (Huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ).

Năm 1961, Lê Văn Lan có viết bài về những đồ dùng bằng đá đào được ở tình Phú Thọ.

Năm 1961, Viện Sử Học Hà Nội có in bản báo cáo về hai di tích tiền sử Đông Khối và Núi Đọ (Thanh Hoá).

Năm 1968, Nguyễn Văn Nghĩa có in sách nói về di tích tiền sử Lũng Hoà, và 1971 tại Sài-Gòn, Linh mục Fontaine viết bài về thời đại đồ đá mới ở chung quanh Sài-Gòn”.[5]

Tất nhiên sau ngày thống nhất đất nước, công việc khảo cổ được làm quy mô hơn và có tài trợ của chính quyền và những cơ quan ngoại quốc. Thành quả dồi dào hơn trước, tuy vẫn chưa đủ. Thiếu khảo cứu rộng khắp và thiếu phương tiện cũng như còn nghèo kiến thức chuyên môn.

4. Một thí dụ khảo tiền sử: tìm di tích Núi Đọ

Chúng ta đọc giáo sư Nghiêm Thẩm về việc tìm di tích Núi Đọ của nhóm đồng nghiệp với ông, mà ở Miền Bắc. Sau đó sẽ đọc một trong những người thuộc nhóm khảo cổ trên. Hy vọng có “hai tiếng chuông”, ta nhận xét khách quan hơn. Giáo sư Nghiệm Thẩm nói:

“Trong tháng 11.1960, có ba cơ quan văn hoá của Bắc Việt là Viện Bảo Tàng Lịch Sử, Viện Sử Học và trường Đại học Tổng hợp có tổ chức một cuộc khai quật cổ tích tại xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá, để tìm những cổ tích đúc bằng đồng tại nơi này. Trong thời gian làm việc ở Thiệu Dương phái đoàn khảo cổ tìm được 2 di tích thuộc thời đại đồ đá. Di tích Đông Khối có các đồ đá mài nhẵn và di tích Núi Đọ có nhiều đồ đá đẽo, núi Đọ ở gần thôn Phú Ân xã Thiệu Khánh, huyện Thiệu Hoá chừng 8km. Trong khi đi xem xét núi Đọ phái đoàn khảo cổ đã tìm thấy một địa điểm khảo cổ có một số mảnh vỡ của kỹ nghệ sản xuất đồ dùng bằng đá. Theo các nhà chuyên môn trong có giáo sư Borfskovski thì đó là những di tích của thời đại đồ đá cũ. Những đồ đá này đều ở ngay trên mặt đất, ở khắp các sườn núi, từ độ cao 20m tới 80m so với các ruộng lúa ở chung quanh núi. Những ruộng này cao hơn mặt bể 4,50m. Những đồ đá này nằm lẫn với rất nhiều mảnh đá không có dấu vết gì là do tay người tạo ra, và còn thấy cả những cổ vật của những thời kỳ tương đối là mới hơn.

Thật ra phái đoàn khảo cổ chưa đào hố để xem dưới đất có các cổ vật hay không, vì những cổ vật được thấy ngay ở trên mặt đất nên chắc chắn đã bị xáo trộn rất nhiều, vì nếu nó đã từ thời đồ đá cũ đến ngày nay đã bao nhiêu trăm nghìn năm rồi. Tuy vậy, các tác giả của bản báo cáo nói rằng: Tình trạng xáo trộn ở núi Đọ không phải là lớn lắm, và ngoài núi Đọ, các miền chung quanh đều không tìm thấy các cổ vật đó trừ một vài mảnh đất tước (édat) thấy ở núi Trành, cách núi Đọ chừng 1km. Và có lẽ là đã được Ngẫu nhiên đem tới đó. Các cổ vật ở núi Đọ đều được làm bằng Basalte hay đá Diabase, đó là thứ đá khai thác ngay ở núi Đọ. Loại đá này cũng cứng như đá lửa, đó là một thứ nguyên liệu rất tốt nên sau này đến thời đại đá mới người tiền sử cũng tìm đến núi Đọ để khai thác nguyên liệu và sản xuất dụng cụ.

Những đồ đá thời tiền sử tìm thấy ở núi Đọ đều có một lượt màu nâu mờ mờ phủ ngoài chất đen sẫm của đá Diabase, nhưng lớp ngoài này không chứng thực là những đồ đá đẽo là cổ xưa, vì những đồ đá mài nhẵn cũng thấy ở núi Đọ cũng có lớp màu phủ ngoài, như vậy có lẽ vì những dụng cụ tiền sử để phơi ở ngoài khí trời nên đã thay đổi màu nhiều và nhanh chóng như vậy. Những cổ vật ở núi Đọ đều bị bào mòn vì những dòng nước chảy trên núi xuống qua sườn núi. Nước chảy mang theo nhiều cát và những hạt đá nhỏ, bén, làm cho các cổ vật cọ sát vào nhau nên đã làm mòn các lưới và cạnh của cổ vật.

Những cổ vật tiền sử ở núi Đọ gồm có:

1. Những mảnh vỡ

2. Những khối đá

3. Rìu tay

4. Những dụng cụ để chặt

5. Những dụng cụ để nạo.

95% tổng số cổ vật ở núi Đọ là những mảnh vỡ có dấu vết của tay người tạo ra như mặt đề đập ra thành mảnh, u ghè. Những mảnh vỡ đầu tiên được đẽo và sửa để làm đồ dùng, đa số là mảnh vỡ lớn, có mảnh tới 15 hay 20cm. Những mảnh vỡ ở núi Đọ đều có những tính chất của những mảnh Clactonien ở Âu Châu, thô và dày. Ngoài ra còn có một số ít mảnh vỡ tương đối cân xứng hơn, dài và không dầy lắm như mảnh vỡ Levaloisien ở bên Pháp. Đa số các mảnh vỡ đều được sử dụng để làm các đồ dùng. Ở núi Đọ có thấy một chiếc rìu tay, dài 15cm. Rộng 10cm. Rìu tay này có những vết ghè, đẽo rất lớn hình hạt hạnh nhân, hình dáng thô sơ hơn rìu tay thời Chelléem archenléen. Ngoài chiếc rìu tay còn thấy những dụng cụ để chặt, đó là những chopper có thấy 7 chiếc và 1 chiếc đồ dùng để nạo.

Tóm tắt những dụng cụ ở núi Đọ rất nghèo nàn, thô sơ, nặng nề, hình dáng chưa được chính xác, có nhiều mảnh vỡ, có những mảnh vỡ dùng trong công việc. Việc xác định niên đại chính xác cho núi Đọ rất khó khăn. Đây là lần đầu tiên ở đất Việt Nam một di tích về thời đồ đá cũ thô sơ nhất, địa điểm này thiếu các tầng lớp đất cổ vật.

Trên đây là giáo sư Nghiêm Thẩm của Miền Nam Việt Nam ghi nhận ngay từ khi Việt Nam còn chia hai miền tranh đấu. Trong tác phẩm chính thức của Nhà Xuất Bản Văn Hoá Dân Tộc, Giáo sư Trần Đức Vượng của Đại học Tổng hợp Hà Nội viết lại thế này:

“Nếu ta không / chưa kể bộ ba di chỉ Núi Đọ – Nho quan Yên – Núi Nường (do tôi có góp phần phát hiện và nghiên cứu) có phải là di tích văn hoá sơ kỳ đá cũ vài chục vạn năm trước đây hay không (giới khảo cổ trong ngoài nước, người bảo phải người bảo không phải, đang tranh luận. Tôi thuộc phái bảo ba di tích đó, là những phức hệ gồm nhiều di chỉ có những niên đại sớm – muộn khác nhau nhưng có di tích đá cũ sơ kỳ). Nhưng từ đầu thập kỷ 30 – thời bà Madeleine Colani cho đến phát hiện của tôi cùng PTS. Lâm Mỹ Dung và ông Vũ Duy Trịnh (Bảo tàng Thanh Hoá) tháng 6 năm 1993, thì giới khảo cổ “chung khẩu đồng từ” đều xác nhận miền núi đá vôi Karstic và các thung lũng xứ Thanh (Cẩm Thuỷ, Ngọc Lạc, Thạch Thành) là một địa bàn quan trọng của hai nền văn hoá Hoà Bình và Bắc Sơn, nổi tiếng Đông Nam Á và Thế giới, niên đại C.14 trên dưới một vạn năm – và trước hai nền văn hoá đó, do phát hiện của tôi và ông Phạm Hổ Đấu (bảo tàng Thanh Hoá) thì xứ Thanh (cũng như Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên Huế) còn là những không gian văn hoá Sơn Vi cuối đá cũ, tiền Hoà Bình, có niên đại 12 vạn năm nữa kia!” Mà văn hoá Hoà bình, văn hoá Bắc Sơn sơ kỳ đá mới đã được xác nhận là màn dạo đầu (prélude) của cuộc cách mạng Đá mới – còn gọi là cách mạng đá nông (agrolithique), nghĩa là sự ra đời của Nông nghiệp. Thời Đá 60 vạn năm (Sơn Vi trở lên) hái lượm trội hơn săn bắt (bắn) thì từ thời đá mới trên dưới một vạn năm, nông nghiệp ở xứ Thanh cũng như toàn Việt Nam và Đông Nam Á bắt đầu nảy sinh ở miền chân núi (piémont) – hay cũng tức là miền thung lũng trung du, và trong nông nghiệp thì trồng trọt trội vượt hơn chăn nuôi….”[6]

5. Hai di chỉ Đồ Đá Cũ ở Miền Nam

Đã hết rồi lầm tưởng rằng chỉ miền Bắc Việt Nam là đất cũ, Miền Nam là đất mới, xin ghi lại hai di chỉ thời đồ đá cũ ở Đồng Nai, Long Khánh, và mới đây, ở chính rừng ngập mặn Cực Nam.

5.1. Di tích Dầu Giây 2

“Tại làng Hội Lộc, ở cây số 1.833 trên quốc lộ số 1 trong đồn điền cao su Suzannah, có thấy trên mặt đất, trên dốc để đi xuống suối Dầu Giây, có một dụng cụ bằng đá Basalte được đẽo hai mặt như kiểu các đồ dùng kiểu Acheulées. Dụng cụ này cũng giống như dụng cụ ở di tích Hàng Gòn 6, cách đó 15km, những dụng cụ của hai nơi này chứng thực là ta có thể thấy những di tích thuộc thời Acheulées tại vùng Xuân Lộc, và ở Nam Việt Nam. Theo giáo sư Saurin thì dụng cụ được đẽo hai mặt này có thể đã được phát hiện trên mặt đất vì công việc đào bới đất để trồng cao su.

5.2. Di tích Hàng Gòn 6 ở Xuân Lộc

“Ở dưới chân ngọn đồi 225, giáo sư Saurin có thấy một di tích thuộc thời đại đồ đá cũ, có thể liệt vào thời xưa nhất của thời Acheuléen bên Âu Châu. Bên bờ suối Lét, có những dụng cụ bằng đá Basalte, hoặc những dụng cụ được đẽo hai mặt, và những dụng cụ hình tròn (sphéroide) và cả những dụng cụ đẽo một mặt rất sơ sài.

Nhờ di tích này, ta có thể biết chắc chắn là tại Đông Dương cũng có những nền kỹ thuật sản xuất dụng cụ đẽo hai mặt như ở Âu châu, Phi châu và Tây Á châu. Cũng như di tích núi Đọ gần Thanh Hoá, di tích Hàng Gòn 6 cho ta biết là những kỹ thuật đẽo đá ở thời tiền sử Tây phương cổ xưa nhất cũng đã tìm thấy ở Việt Nam. Những dụng cụ được đẽo một mặt ở Hàng Gòn 6 là kiểu các dụng cụ để chặt mà các nhà tiền sử học thường thấy ở phía Nam Á châu, thường được gọi là Copper (chopping tool).

Theo giáo sư Saurin thì những dụng cụ ở Hàng Gòn 6 thuộc về thời Acheuléen cổ xưa và những dụng cụ Dầu Giây 2 cũng thuộc về Acheuléen mà tiến bộ hơn” [7]

5.3. Từ Vĩnh Phú tới An Giang

Mấy tuần lễ cuôi tháng 8.2004, ngưới ta chỉ đào một diện tích nhỏ, mà thâu lượm thực nhiều đồ đá cũ tại An Giang, ngay dưới rừng ngập mạn. Cũng những viên đá của con người đang bung ra ngoài tầm hái lượm, dùng làm dụng cụ “săn bắt’ vật xa hơn tầm tây, tới những hình dạng lưỡi búa đẽo hoặc mài sơ… đặc trưng của con người “văn hóa Sơn Vi”…

Chúng ta sẽ còn phải nhắc đến nhiều di chỉ khi nói về các thời đại Văn hoá Việt Nam.

[ 16 ]     Dân Việt Nam và các dân bà con .

Biết về ông bà mình rồi, người ta muốn biết ông bà của anh chị bạn quanh mình. Gần chúng ta có một nước Thái-Lan và ngay trong nước chúng ta lại có tộc Thái.

  1. Việt và Thái bà con thế nào ?

Thử hỏi : Anh em Thái trên Cao nguyên Việt Nam chúng ta và người Thái Lan bà con với nhau không? Giữa những người Thái ở Thái Lan và ở Cao Nguyên Bắc Việt có bà con với “người Kinh” chúng ta không?

Bà Pháp Colani cũng như ông Hoa Kỳ Wilhelm G. Solheim II đều cho rằng chúng ta và họ có chung nền văn hoá Hoà Bình, tất nhiên là Bà con rất gần. Giáo sư Max. Sorre cho rằng chúng ta và họ chung một CÁNH phương Đông.

Bình Nguyên Lộc với những chỉ số Sọ nhận thấy thế nào ? Về dân tộc Thái trên cao nguyên Việt Nam và dân nước Thái lan (Thailand = đất của người Thái), Bình Nguyên Lộc viết :

“Chúng tôi tìm được một bức dư đồ rất hữu ích, tên là Ethnolinguistico Groups of mainland southest Asia do “ Human relations Area files Yale university” xuất bản.

Theo tài liệu của Pháp thì bức dư đồ Huê Kỳ đó được giới khoa học Nga xác nhận là thật đúng, và ta dùng nó được một cách an lòng, vì hai nước nghịch nhau mà tán đồng nhau thì là đúng sự thật.

Theo bức dư đồ đó thì hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Nam Quý Châu là địa bàn hiện kim của dân Thái, một dân tộc rất cổ mà ngày xưa Tàu gọi là dân Âu. Chỉ bằng vào sự kiện địa bàn ta có thể kết luận rằng nước Tây Âu là nước của dân Thái ở ba tỉnh Trung Hoa ấy ngày nay….

Mặt khác, Tối tân Trung Quốc phân tỉnh đồ cho biết một điều này rất quan trọng: là không có nhóm người Tàu nào gọi là người Quảng Tây hết. Ở cả hai tỉnh rưỡi đó có người Quảng Đông mà thôi. Chi tiết trên đây rất quan trọng vì nó chứng minh rằng không có chủng tộc, dân tộc thứ nhì nào làm chủ vùng đó cả từ đời Tần, mà chỉ có độc một thứ người là người Thái biến thành Tàu và được gọi là người Quảng Đông, và người Thái chưa biến thành Tàu, còn phân chia thành nhiều nhóm, như người Nùng (chữ nho là Nông) là một.

……. Tại sao biết rằng họ là người Thái biến thành Tàu? …các giọng nói địa phương của Tàu ăn khớp với địa bàn của các “man di” đời xưa. Mân Việt nói tiếng Tàu khác giọng Quảng Đông, và cả hai nói khác giọng Triết Giang.

Hơn thế, đây mới là điều quan trọng, mỗi nhóm giọng đều có giữ được lối một trăm danh từ cổ để chỉ nguồn gốc của họ.

……. Nội một trăm danh từ địa phương sống sót này đủ cho ta biết rằng người Quảng Đông gốc Thái và nước Tây Âu là một cường quốc Thái dưới đời Tần, mạnh ngang hàng với nước Sở, vì Tần Thỉ Hoàng đánh Sở đã dùng 600 ngàn quân, còn đánh Tây Âu cũng phải dùng đến 500 ngàn quân, và hao quân nhiều hơn lúc đánh Sở.

Dĩ nhiên là trong hai tỉnh rưỡi ấy cũng còn dân thiểu số, nhưng họ là thiểu số nên kể đến vì chủ đất phải là dân đa số, dầu cho họ đã biến thành Tàu hay mới biến nửa chừng như người Nùng, hoặc chưa biến chút nào hết như người Đồng, người Cầu Di, người Lương, người Bạch Di.

Trong các người thiểu số có người Mèo (thuộc chủng Miêu) và người Choang (thuộc chủng Mã-lai, nhưng chi Lạc, nhưng đó là Lạc bộ Mã, chớ không phải Lạc bộ Trãi, vì họ rất gần với người Phước Kiến). Lại còn một nhóm thiểu số nữa bị Hoa-hoá đến 99 phần trăm, đó là người Khách Gia mà Pháp gọi là Hakka và người miền Nam gọi là Hẹ, gốc Ba Thục, tổ tiên của An Dương Vương.

…. Thái là một danh tự xưng, mà họ chỉ mới lấy hồi thế kỷ 13 khi bị Hoa tộc lấn dữ dội, họ phải bỏ xứ mà Nam thiên xuống thượng du Bắc Việt và Thái Lan ngày nay, và có nghĩa là “thoát khỏi, tự do, thong thả”, không bị Tàu áp bức, còn trước đó họ tự xưng là NGU hoặc NGÊ-U. Quả thật thế, Quan Thoại phiên âm danh xưng đó là Ngê-U, tại các nhà nho ta đọc sai ra là Âu, chớ còn người Mường họ vẫn đọc đúng là Ngu…

Vậy cái bí mật cổ thời ấy ta đã biết: Nước Tây Âu là một quốc gia của chi Âu của chủng Mã-Lai, nằm sát các quốc gia của chi LẠC từ Hoa Bắc đến Hoa Nam (và chúng tôi càng tin mạnh rằng truyền thuyết LẠC Long Quân và ÂU Cơ bắt nguồn từ sự kiện này vì chi Âu luôn luôn chiếm địa bàn rừng núi, còn chi Lạc luôn luôn chiếm địa bàn ven biển, không có ngoại lệ, trừ nước Thái Lan chỉ mới thành lập 600 năm nay thì không kể)….

Người Thái ở Thượng du Bắc Việt khác hẳn người Thái Lan, vì người Thái Lan đã tới bờ biển và lập quốc từ nhiều trăm năm, theo văn hoá Ấn Độ và Phật giáo, còn người Thái Thượng du Bắc Việt còn giữ nguyên vẹn văn minh cổ thời của  họ….

……. Bây giờ ta nên đặt ra một câu hỏi rất quan trọng và câu trả lời sẽ cho ta biết một sự thật lớn. Thượng du Bắc Việt ngày nay là đất Thái. Vậy nơi đó là đất Thái từ thời cổ đến nay, hay người Thái mới xâm lăng ta sau này, hoặc họ di cư đến đó sau này, vào thời nào?

………… Truyền thuyết về các đời Hùng Vương có nói đến chiến tranh với Chàm, với An Dương Vương, mà không hề nói đến chiến tranh với Tây Âu, thì hẳn đó là một cuộc di cư êm thấm, không có đổ máu, mà khi nói đến di cư, tức Thượng du Bắc Việt không phải của Tây Âu.

Có di cư, nhưng di cư vào thời nào?

… Ta dám cả quyết rằng cho đến thời Triệu Đà, người Thái vẫn chưa có mặt tại Thượng Du Bắc Việt, vì chi tiết sau đây để tiết lộ ra sự kiện ấy.

Khi nhà Hán chia hai nước Nam Việt của Triệu Đà, một phần làm Giao Châu, một phần làm Quảng Châu, thì Thượng du Bắc Việt thuộc vào ta. Đừng tưởng người Tàu họ làm chủ một nơi rồi họ muốn chia cắt làm sao, tuỳ ý thích riêng của họ. Nhứt định họ phải theo một tiêu chuẩn nào, mà tiêu chuẩn đó là như thế này: hai thứ man-di không thể cùng trị được bằng một chính sách. Chính sách ấy phải mềm dẻo đối với mỗi châu, mỗi quận, tuỳ theo phong tục địa phương của mỗi nhóm “man-di”. Thế thì hẳn họ phải chú trọng đến dân tộc khi chia đất, chớ không thể dựa vào tiêu chuẩn nào khác hơn được.

Hai dân tộc Âu và Lạc bị Triệu Đà sáp nhập thì Triệu Đà có lý do riêng của y, nhưng nhà Hán tách ra, nhà Hán cũng có lý do của nhà Hán, cả hai lý do đều hữu lý, nhưng sự kiện vẫn cứ là có hai dân khác nhau, và thời điểm nhập và chia ra cho ta biết rõ địa bàn của hai dân tộc đó, vào thuở ấy.

Danh xưng VIỆT trong quốc hiệu NAM VIỆT làm cho các sử gia Pháp Việt ngộ nhận rất nhiều….

Lời phê của vua Tự Đức vào quyển Đại Việt sử ký Toàn thư N.K. của Ngô Sĩ Liên là sai. Khi thấy họ Ngô chép rằng có 6 quận của nước NAM VIỆT bị Trung Hoa lấy luôn làm đất Quảng Châu. Nhà vua phê: “Đất nước Việt Ta đã mất vào Trung Quốc hồ quá nửa!”…

… Từ sông Dương Tử đổ xuống, bất kỳ thổ dân nào cũng bị (Tàu) họ gọi là Việt tuốt hết…. Sáu quận đó là của nước Nam Việt, chớ không phải của nước VIỆT NAM. Mà NAM VIỆT thời Hán là Quảng Đông và Cổ Việt Nam thì còn biết sáu quận ấy là của dân nào thật sự, có thể là của dân Lạc, mà cũng có thể là của dân Thái; nhưng chắc chắn là của dân Thái, bằng vào tiêu chuẩn chia cắt nói trên. Tiêu chuẩn ấy không hề được ghi chép ở sách nào hết, nhưng vẫn phải có. Sự chia cắt của nhà Hán chỉ đi ngược chiều sự sáp nhập của Triệu Đà và các thành phần bị nhập và bị tách phải như nhau, cũng cứ vì cái tiêu chuẩn nói trên………

Tóm lại, lúc chia hai nước Nam Việt, nhà Hán phải nhớ đến hai nước cũ là Âu Lạc và Tây Âu, mà dân chúng còn nguyên vẹn vì mới có mấy trăm năm qua. Nhà Tần, rồi Triệu Đà, có muốn nhập hai thứ dân đó lại cũng không xong. Họ không dại mà cắt đất của nước nầy bỏ vào một châu khác, bởi làm như vậy họ khó cai trị hơn, vì một đơn vị hành chánh cần trùng với một nước cũ để mọi biện pháp cải cách mới, được thi hành, mà không gây xáo trộn nhiều cho dân phải bất mãn, luật cho Giao Châu phải khác luật cho Quảng Châu…” [8]

Chúng ta sẽ trở lại với các Tổ lập Quốc khi tìm về những đợt Văn Hoá khảo cổ học. Bây giờ nên nhìn rộng thêm một chút qua các nước Á-châu, nhất là các nước hiện nay thuộc “khối Asean”, cho biết anh em hoặc láng giềng.

2. Dân Việt Nam và các nước anh em

Tôi cho rằng trang này của Bình Nguyên Lộc là tóm kết nhiều nhất khi khẳng định “Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam”. Ông nói theo cái nhìn khảo tiền sử và nhân chủng học:

“Đây, nguồn sáng từ dưới âm ty chiếu lên hay từ 5.000 năm trước chiếu lại, một khúc phim của quá khứ mà các cuộc đào bới cho thấy khá rõ ràng…

1.     Các đây lối 5.000 năm, chủng Anh-đô-nê-diêng, từ Cổ Mã-Lai, từ đâu không biết , và không biết vì lẽ gì di cư đến Triều Tiên, đến Nhựt Bổn, đến Đài Loan, đến Cổ Việt và đến đảo Célèbes ở Nam Dương.

Đồng thời họ cũng di cư sang Đông Ấn Độ, rồi từ Đông Ấn Độ họ di cư sang Đông Dương (tức có cả Miến Điện và Thái Lan trong đó, và nên nhớ rằng dân của nước Thái Lan chỉ mới di cư tới nước Thái Lan nay kể từ thế kỷ thứ 8, thứ 9 . Và đến thế kỷ thứ 13 thì họ đã đủ đông để đuổi người Cao Miên, đang làm chủ ở đó, để dựng lên nước Xiêm. Vậy nếu ở  Thái Lan có dấu vết của bọn di cư nói trên thì bọn ấy cũng không phải là tổ tiên của nước Thái).

2.     Sọ của bọn Cổ Mã Lai này cho thấy rằng họ có lai giống với một nhóm Mông Cổ, nhưng không biết là nhóm nào. (Khoa chủng tộc học dùng danh từ Mongoloide. Danh từ này có nghĩa là có tính cách Mông Cổ nhiều hay ít và chúng tôi đã trình ra hai thứ dân là Trung Mông-gô-lích, tức là người Hoa Bắc, và dân Nam Mông-gô-lích, tức là người Hoa Nam. Vậy danh từ Mongoloide có nghĩa rất rộng, có thể là lai thẳng với Mông Cổ, mà cũng có thể là lai với Tàu Hoa Bắc, nhưng không thể với Tàu Hoa Nam, vì cách đây 5.000 năm, chủng Nam Mông-gô-lích chưa có mặt trên quả địa cầu.)

3.     Tại Miến Điện xưa và Cao Miên xưa, tức ở Trung Lào nay, bọn Cổ Mã Lai lai giống quá nhiều với dân thổ trước, thuộc chủng Mê-la-nê. Có lai nhiều vì ở những nơi đó chủng Mê-la-nê đã tiến bộ lắm, bắt đầu tiến tới thời đại Tân Thạch, giỏi gần bằng bọn mới đến. Thế nên bọn di cư ấy mới đen da.

Ở Cổ Việt Nam thì thổ trước Mê-la-nê chỉ còn ở trong thời đại Cựu Thạch, nên rất ít có hợp chủng Cổ Mã Lai + Mê-la-nê, thế nên người Việt Nam trắng da hơn Môn và Khơ Me.

4.     Vũ khí và dụng cụ độc nhất của họ là lưỡi rìu đá mài có tay cầm.

5.     Cạnh sọ Mã Lai và lưỡi rìu tay cầm không thấy dụng cụ xay, dã, nghiền hay tán gì hết để có thể kết luận rằng họ đã biết trồng trọt.

6.     Nếu chỉ có một mình họ di cư mà thôi thì không cần đặt tên mới cho họ, nhưng còn một đợt di cư sau, cũng là của chủng Cổ Mã Lai, sau đó lối 2.500 năm, nên bọn trước đó đặt tên là AUSTRO-ASIATIQUES để phân biệt với bọn sau.

(Chú ý: Austro-asiatique chỉ có nghĩa là người Á Đông Phương Nam, chớ không có nghĩa gì là Úc-Á cả, như tất cả các sách Việt đều đã dịch sai như thế).

7.     Cách đây tới 2.500 năm chủng Cổ Mã Lai từ cực Nam Hoa Nam đi thẳng xuống bán đảo Mã-lai-á, rồi từ đó sang Nam Dương quần đảo và từ Nam Dương sang Madagascar và Phi-luật-tân. Có một bọn lại đi ngược lên Nhựt Bổn.

8.     Sọ của bọn sau, thuần chủng Cổ Mã-lai, không có lai giống với nhóm Mông Cổ nào hết.

9.     Cạnh lưỡi rìu có nhiều dụng cụ cho thấy họ đã biết nông nghiệp và nhứt là biết làm đồ đất nung, biết nuôi súc vật…

……. Với những người đã học khoa chủng tộc học và ngôn ngữ tỉ hiệu và có học cổ sử Tàu, thì đây là một cuộc thắp đèn thình lình, soi tỏ hết cả mọi mối manh rối nùi của lịch sử dân ta, và cả dân Tàu, dân Chàm, dân Cao-Miên, Miến-Điện, Mã-Lai và Thượng Việt… [9]

Những nhận định của Bình Nguyên Lộc qua bao nhiêu năm nghiên cứu ấy có mạch lạc khá rõ về nguồn gốc các dân tộc chúng ta ở Nam Á Châu này. Tuy vậy, sánh với tuổi đời của di tích Văn Hoá Sơn Vi , thì trên những vùng đất này, đã có một chủng nào sống trước chủng Mã-Lai rồi ?

Lm. Nguyễn Thế Thoại


[1] Cuốn « Việt Lý tố nguyên »

[2] Một số tác gia gọi là Chủng Nam Đảo

[3] Còn chừng 20.000 người thuộc Dân tộc MẠ, ở vùng Tây Nam  tỉnh Lâm Đồng

[4] Theo Bình Nguyên Lộc sdd tr.82-86

[5] Giáo sư Nghiêm Thẩm, giáo trình « Khảo Cổ Học »Dại Học CG.Da Lạt

[6]    Trần Quốc Vượng, sdd.tr.271-272

[7]  Nghiêm Thẩm. sdd. Tr.9-10

[8] Bình Nguyên Lộc, sdd tr. 290-296

[9] Bình Nguyên Lộc sdd tr.323-326

Related posts