Tài liệu 

Củng cố và canh tân tình huynh đệ linh mục trong giáo phận (bài 2)

Bài chia sẻ của ĐGM. Matthêu Nguyễn Văn Khôi trong cuộc tĩnh tâm thường niên của các linh mục giáo phận Phan Thiết từ ngày 9 đến 13-1-2012, theo chủ đề “Củng cố và canh tân tình huynh đệ linh mục trong giáo phận”

2.

TÌM VỀ NGUỒN MẠCH

CỦA TÌNH HUYNH ĐỆ LINH MỤC

Canh tân tình huynh đệ linh mục không có nghĩa là phủ nhận những gì đã có, đã đạt được, nhưng là cố gắng làm cho tình huynh đệ ấy có một sức sống mới để đáp ứng với hoàn cảnh mới, nhưng vẫn trung thành với nguồn mạch và bản chất của mình, như cây cối thay lá vào mùa xuân để chuẩn bị một mùa kết trái mới phong phú hơn, nhờ sức sống nhận được từ gốc rễ. Nhưng tình huynh đệ linh mục phát xuất từ đâu? Đâu là cội nguồn của tình huynh đệ giữa các linh mục?

Nguồn mạch của tình huynh đệ linh mục có thể được khám phá nơi mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, nơi cộng đoàn môn đệ xung quanh Đức Kitô, nơi mầu nhiệm hiệp thông Hội Thánh, nơi Bí tích Thánh Thể và Bí tích Truyền Chức Thánh. Chúng ta có thể phác hoạ sơ đồ định vị nguồn mạch này theo hình những vòng tròn đồng tâm. Tâm điểm là Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, là nguồn mạch đầu tiên của mọi nguồn mạch. Tất cả mọi sự đều phát sinh từ đó và cuối cùng cũng đồng quy về đó. Từ cộng đoàn hiệp thông đầu tiên và khuôn mẫu là Thiên Chúa Ba Ngôi, Ngôi Hai đã đi ra đến với con người và quy tụ xung quanh mình cộng đoàn huynh đệ gồm các môn đệ tiên khởi. Với biến cố Tử nạn, Phục sinh và Lên trời của Đức Kitô, vòng tròn môn đệ này đã được mở rộng hướng đến mọi dân tộc do sức mạnh của Chúa Thánh Thần và biến thành cộng đồng hiệp thông mang chiều kích hoàn vũ, đó là Hội Thánh. Hội Thánh là Nhiệm Thể Đức Kitô được nuôi dưỡng, xây dựng và lớn lên mỗi ngày nhờ Bí tích Thánh Thể được cử hành khắp nơi cả ngày lẫn đêm theo vòng quay của trái đất, tạo thành một vòng tròn ôm gọn mọi hoạt động của Hội Thánh. Cuối cùng, cộng đoàn Hội Thánh được mở rộng và lên đường phục vụ mọi người nhờ việc thi hành thừa tác vụ linh mục được thúc đẩy bởi đức ái mục vụ, qua đó các linh mục thừa tác cùng với mọi thành phần Dân Chúa không ngừng ra đi “làm cho muôn dân thành môn đệ”, như lệnh truyền cuối cùng của Đức Kitô trước khi về trời (x. Mt 28,19-20).

1. MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA BA NGÔI

Chúa Ba NgôiHuynh đệ hay anh em, theo nghĩa đen, là những người sinh ra từ dạ chung của cùng một người mẹ (x. St 4,2). Theo nghĩa rộng hơn, trong ngôn ngữ Dothái, đó là thành viên của cùng một gia đình, bộ tộc hay quốc gia, là những hậu duệ của cùng một tổ tiên. Bên cạnh tình huynh đệ do huyết nhục này, Thánh Kinh còn nói đến một tình huynh đệ khác do mối dây liên hệ thiêng liêng: huynh đệ do đức tin (x. Cv 2,29), do chức vụ giống nhau (x. 2 V 9,1-2). Việc sử dụng danh từ theo cách ẩn dụ chứng tỏ tình huynh đệ nhân loại là một thực tại sống, không chỉ giới hạn vào mối liên hệ huyết thống, mặc dù nền tảng huyết thống vẫn là nền tảng tự nhiên và căn bản nhất.

Tình huynh đệ trước hết được tìm thấy trên bình diện tự nhiên, trong chính cấu trúc hữu thể của con người. Con người tự bản chất có xã hội tính, vì thế họ không thể sống và lớn lên về mặt thể lý cũng như tinh thần bên ngoài một cộng đoàn xã hội. Hơn nữa, con người được triết học định nghĩa là một ngôi vị theo nghĩa đúng nhất của nó, tức là không phải một cá vị đơn độc, trái lại luôn hiện hữu trong một mối tương quan. Vì thế con người được gọi là “người ta”, tức là vừa có “người” vừa có “ta”. Cũng trong chiều hướng ấy, mạc khải Thánh Kinh đã xác định con người tự bản chất là huynh đệ, bởi vì được sinh ra từ một nguyên tổ, và là con cùng một Cha trên trời.

Thư Chung hậu Đại hội Dân Chúa 2010, số 20, đã viết: “Trong Chúa Thánh Thần, chúng ta nên một với Đức Kitô, và nhờ Ngài, nên một với Thiên Chúa Cha. Từ đó chúng ta nên một với nhau làm thành Hội Thánh. Mầu nhiệm hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi vừa là suối nguồn vừa là mẫu mực và cùng đích của sự hiệp thông trong Hội Thánh. Theo giáo lý truyền thống, hiệp thông là thông phần cùng một Chúa Thánh Thần, thông dự các thực tại thánh, và thông công giữa các thánh. Như thế nguồn mạch và nền tảng cơ bản cũng như điều kiện thiêt yếu cho sự hiệp thông giữa các tín hữu trong Hội Thánh, chính là sự hiệp thông với Thiên Chúa. Không kết hợp với Thiên Chúa thì không thể nói đến hiệp thông trong Hội Thánh được”.[1]

Tình huynh đệ đặt cơ sở thần học trên sự hiệp nhất của Ba Ngôi chí thánh. Trong Ba Ngôi, vừa có sự duy nhất vừa có sự khác biệt. Chính sự hiệp nhất trong dị biệt của Ba Ngôi chí thánh là cội nguồn của tình huynh đệ trong nhân loại (x. Ga 17,21-23). Hội Thánh là mầu nhiệm hiệp thông của Ba Ngôi. Linh mục phát xuất từ Hội Thánh, làm việc trong Hội Thánh và cho Hội Thánh, do đó hơn ai hết, linh mục là người phản ánh sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Trong lời nguyện của Chúa Giêsu vào cuối Bữa Tiệc Ly, thường được gọi là “Lời nguyện của Đức Giêsu Thượng Tế” hay “lời nguyện hiến tế”, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha cho các môn đệ: “Để họ được nên một như chúng ta là một” (Ga 16,22). “Họ” ở đây là các môn đệ, tức các linh mục của Chúa, còn “chúng ta” là Chúa Giêsu cùng với Cha Ngài trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần, tức là Ba Ngôi Thiên Chúa.

Trong Tông huấn Pastores dabo vobis, số 12, Đức Gioan Phaolô II đã lấy lại nguyên văn lời khẳng định của các Nghị phụ Thượng Hội đồng: “Căn tính linh mục, cũng như bất cứ căn tính nào của người Kitô hữu, bắt nguồn từ Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi”. Và ngài viết tiếp: “Nhờ đó người ta hiểu được tính chất thiết yếu “tương giao” của căn tính linh mục: do bởi chức linh mục phát sinh từ nơi thẳm sâu mầu nhiệm khôn tả của Thiên Chúa, nghĩa là từ tình yêu của Chúa Cha, từ ân sủng của Chúa Giêsu Kitô và từ ơn hiệp nhất của Chúa Thánh Thần, người linh mục qua bí tích được hội nhập vào sự hiệp thông với giám mục và với các linh mục khác…”. Tình huynh đệ giữa các linh mục cũng phản ánh và phát xuất từ sự hiệp thông sâu sắc giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, nhờ đó linh mục có nhiệm vụ và sứ mệnh xây dựng tình huynh đệ giữa mọi người, vì mọi người đều cùng chung một Cha trên trời. Ở đâu có tình bác ái và huynh đệ, ở đó có Thiên Chúa.

Chuyện kể rằng ngày xưa khi thế giới mới được tạo dựng, có hai anh em thừa hưởng gia tài của cha mẹ để lại gồm một thửa ruộng và một cái cối xay. Người anh đã có vợ và con cái, còn người em thì vẫn sống độc thân. Hai anh em mặc dù ở riêng, nhưng cùng canh tác chung thửa ruộng trong sự thuận hoà đùm bọc lẫn nhau. Mỗi ngày khi chiều về họ phân chia đồng đều hai phần thóc ngô và hoa lợi họ thu hoạch được trong ngày. Một hôm người em tự nghĩ: “Thật không công bằng chút nào khi hai anh em chia đều hai phần hoa màu. Ta chỉ có một thân một mình, trái lại ông anh ta có gia đình đông con cái phải tốn kém hơn nhiều”. Nghĩ như thế rồi từ đó mỗi đêm vào lúc khuya, chú em đã âm thầm mang một thúng hoa màu của mình đem đổ qua bên kho của gia đình người anh, hầu cho anh chị và các cháu có đủ thức ăn mỗi ngày.

Người anh có gia đình cũng nghĩ trong lòng: “Thật không công bằng chút nào khi hai người chia đều phần hoa lợi, bởi vì mình còn vợ con phụ giúp, trong khi đó chú em có một thân một mình, khi về già sức yếu không ai lo cho thì lấy gì mà sống”. Nghĩ thế rồi, hằng đêm người anh lặng lẽ mang một thúng hoa màu của mình sang đổ vào kho của chú em. Kết quả là mỗi sáng, mỗi người đều nhận thấy hoa màu trong kho của mình vẫn như cũ, không giảm bớt tí nào.

Rồi một đêm tối kia, hai người tình cờ thức dậy cùng giờ. Khi hai người đang mang hoa màu đi sang nhà nhau, họ đã gặp nhau ở giữa đường. Họ đã nhận ra cộng việc họ đã làm cho nhau từ trước đến nay, và họ đã ôm chầm lấy nhau trong tình yêu chan chứa không nói nên lời. Truyện kể rằng Thiên Chúa đã nhìn thấy sự gặp gỡ của họ và Người đã tuyên bố: “Đây là nơi thánh, nơi của tình yêu, và chính tại nơi đây đền thờ của Ta sẽ được xây cất”.

2. CỘNG ĐOÀN MÔN ĐỆ XUNG QUANH ĐỨC KITÔ

Khi bắt đầu sứ vụ công khai, Đức Giêsu đã kêu mời một số người đi theo làm môn đệ Ngài để họ ở với Ngài và với nhau. Từ đó hình thành cộng đoàn tín hữu đầu tiên chung quanh Đức Giêsu để tập sống tình huynh đệ Kitô hữu, chia sẻ cuộc sống chung dưới sự hướng dẫn của Ngài. Môn đệ Đức Kitô là một danh xưng nói lên tương quan của các môn đệ với Đức Kitô và với nhau. Dưới mái trường của Đức Giêsu, các môn đệ chỉ có một Thầy là Đức Giêsu, còn tất cả họ đều là anh em với nhau như Ngài đã nói trong Tin Mừng Mt 23,8. Chính Ngài đã đặt nền tảng và công bố lề luật của cộng đoàn huynh đệ mới. Ngài đã lặp lại và hoàn thiện các giới răn liên quan đến các mối tương quan huynh đệ: “Thầy bảo cho anh em biết: ai giận anh em mình thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. Vậy nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,22-24). Ngài đặt nặng bổn phận sửa sai anh em (x. Mt 18,15-18). Ngài dạy các môn đệ hãy hiệp ý cầu nguyện chung với nhau (x. Mt 18,19-20) và luôn luôn tha thứ cho nhau (x. Mt 18,21-22).

Mỗi Kitô hữu đều được gọi là môn đệ Đức Kitô, vì họ đón nhận giáo huấn của Ngài và bước theo Ngài. Phần các linh mục thì được gọi là môn đệ của Đức Kitô cách đặc biệt hơn do ơn gọi, cách sống và sứ vụ mà Chúa đã giao phó cho họ. Theo Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, “nếu danh xưng Kitô hữu là số nhiều phổ quát cho mọi kẻ tin Đức Kitô, thì danh xưng môn đệ Chúa Kitô lại là số nhiều của tập thể những người đã được Đức Kitô chọn gọi để gắn bó với Ngài một cách thiết thân hơn, và cũng để phục vụ Ngài một cách thiết thực giữa lòng Hội Thánh”.[2]

Chính sự liên kết đặc biệt với Đức Kitô đã tạo nên tương quan huynh đệ đặc biệt giữa các linh mục với nhau. Chúa Giêsu, vị linh mục tối cao, là mẫu mực hoàn hảo cho đời sống linh mục trong mọi chiều kích. Ngài kêu gọi các môn đệ, trước hết để họ “ở lại với Ngài” trong bầu khí huynh đệ thân tình (x. Ga 1,35-39), rồi Ngài mới sai họ đi thi hành sứ vụ. Tình huynh đệ là một dấu chỉ, là chứng từ cốt yếu, là đòi hỏi tiên quyết và đồng thời cũng là điều kiện cơ bản của người môn đệ Đức Giêsu. “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Điều đó càng quan trọng hơn đối với linh mục, nhất là linh mục giáo phận.

Điều cốt yếu nhất của một linh mục là “ở với” và “ở lại” với Chúa Giêsu. Căn tính ấy hệ tại ở động từ “là” linh mục hơn là “làm” linh mục. Mỗi linh mục được Chúa Kitô chọn gọi và phong chức, do đó thuộc về Chúa Kitô và sống cho Chúa Kitô. Không có linh mục nào ở ngoài Chúa Kitô, như Ngài đã nói trong dụ ngôn cây nho và cành nho (x. Ga 15,1-11).

Mối liên hệ cá vị với Đức Kitô là nền tảng của tất cả đời sống linh mục và do đó cũng là nền tảng của tình huynh đệ linh mục. Chúng ta hãy luôn nhớ rằng không có sự hiệp thông giữa hàng linh mục nếu không có sự hiệp thông theo chiều dọc với Đức Kitô. Từ “hiệp thông” có gốc tiếng Hylạp là koinonia, nghĩa là tình anh em bằng hữu, sự chia sẻ, sự dự phần. Tuy nhiên, trong Tân Ước và nơi các giáo phụ, từ này  trước hết không có nghĩa là một sự hiệp thông giữa con người với nhau. Ý nghĩa nguyên thuỷ của nó không phải là một cộng đoàn nhân loại, nhưng là một sự thông dự chung với Đức Kitô, với cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Ngài, với Tin Mừng và sứ vụ của Ngài. Hiệp thông là việc các Kitô hữu sống tương quan mật thiết với Chúa Kitô và với nhau (x. 1 Ga 1,3-7; 1 Cr 1,9). Chính sự thông hiệp với Đức Giêsu Kitô mới là nền tảng của sự hiệp thông Hội Thánh và của tình huynh đệ linh mục, như Thánh Phaolô đã nói: “Tất cả anh em là một trong Đức Kitô Giêsu” (Gl 3,28).

Chính từ koinonia theo nghĩa một sự hiệp thông với Đức Kitô đã phát sinh ra koinonia theo nghĩa một sự hiệp thông huynh đệ giữa các linh mục là những người cùng hiệp thông với Đức Kitô. Như thế, tình huynh đệ linh mục không phải là sản phẩm của con người, nhưng là một ân huệ mà các linh mục phải luôn cầu xin và đón nhận với một tâm hồn tri ân. Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu không nói về sự hiệp thông, nhưng Ngài cầu xin Chúa Cha ban nó cho các môn đệ của Ngài, cũng như cho các tín hữu sau này và cho cả Hội Thánh (x. Ga 17).

3. MẦU NHIỆM HIỆP THÔNG HỘI THÁNH

Hội Thánh là một sự mở rộng cộng đoàn hiệp thông huynh đệ của các môn đệ chung quanh Đức Kitô. Việc mở rộng ấy được thực hiện qua biến cố Khổ nạn, Phục sinh và Lên trời của Đức Kitô và việc trao ban Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần.

Quả thế, nhờ cuộc Tử nạn và Phục sinh, Đức Kitô đã phá đổ bức tường ngăn cách giữa dân Dothái và dân ngoại, khiến dân ngoại cũng được hòa giải với Thiên Chúa và gia nhập cộng đoàn Kitô hữu, trong đó không còn phân biệt Dothái hay Hylạp. Chính sự giao hoà và ơn bình an do mầu nhiệm Phục sinh đem lại đã khơi dậy mối hiệp thông huynh đệ trong Hội Thánh, một tình huynh đệ đặt căn bản trên Đức Kitô Phục Sinh là “Trưởng Tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29; x. Ga 13,34-35). Chính giữa lòng cộng đoàn Hội Thánh mà tình yêu thương huynh đệ được thực thi trước tiên. Tình huynh đệ ấy không chỉ là tình yêu tự nhiên, nhưng nó chỉ có thể phát xuất từ cuộc tái sinh (x. 1 Pr 1,22-23). Trước khi về trời, Đức Kitô đã truyền cho các Tông đồ ra đi khắp tứ phương thiên hạ rao giảng Tin Mừng để biến muôn dân thành môn đệ. Cuối cùng trong ngày lễ Ngũ Tuần, Ngài đã sai Chúa Thánh Thần đến biến đổi các môn đệ trở nên con người mới sống theo ân sủng (x. 2 Cr 5,17) và quy tụ muôn dân thành một Hội Thánh như một cộng đoàn huynh đệ phổ quát, không biên giới, không còn phân biệt tiếng nói, màu da hay sắc tộc.

Nếu Hội Thánh là kết quả do ân sủng của Đức Kitô và do tình yêu của Chúa Cha, thì cuối cùng sự hiệp thông trong Hội Thánh là công trình của Chúa Thánh Thần, như lời cầu chúc của thánh Phaolô ở cuối bức thư thứ hai gửi giáo đoàn Côrintô (x. 2 Cr 13,13) mà phụng vụ quen dùng như lời chào mở đầu thánh lễ. Hội Thánh chính là cộng đoàn hiệp thông. Khái niệm này có nền tảng sâu xa trong Thánh Kinh và lịch sử, cũng như các truyền thống Hội Thánh: Hội Thánh là cộng đoàn diễn tả mối tương quan giữa Thiên Chúa và tín hữu dựa trên ân sủng được làm con Thiên Chúa và tình huynh đệ của Tin Mừng. Có thể nói Hội Thánh là một tên gọi khác và là một kinh nghiệm thẳm sâu về tình hiệp thông huynh đệ. Sự hiệp thông trong Hội Thánh là sự hiệp thông theo mô hình gia đình và mô hình thân thể.

Trong Tông huấn về Đời sống Thánh hiến Vita consecrata, số 41, tuy không minh nhiên gọi Hội Thánh là gia đình, nhưng Đức Gioan Phaolô II đã viết: “Trong cuộc sống trần thế, Chúa Giêsu đã kêu gọi những ai Ngài muốn, để giữ họ lại bên Ngài và chuẩn bị cho họ theo gương Ngài sống cho Chúa Cha và cho sứ mạng Ngài đã nhận lãnh (x. Mc 3,13-15). Như vậy, Ngài đã tạo ra gia đình mới, gia đình sẽ quy tụ qua dòng thời gian hết những ai sẵn sàng “thi hành ý muốn của Thiên Chúa” (x. Mc 3,32-35) […]. Trong thực tế, Hội Thánh chủ yếu là mầu nhiệm hiệp thông, là đoàn dân được kết hiệp nhờ sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Quả thế, Hội Thánh là một gia đình được xây dựng trong tình huynh đệ. Chính tình huynh đệ tạo nên cộng đoàn Kitô hữu, tạo nên Hội Thánh thực sự. Chính trong Hội Thánh được coi như một gia đình mà các linh mục nhận thức rõ ràng mình là huynh đệ với nhau cách đặc biệt để cùng nhau góp phần xây dựng tình huynh đệ rộng lớn giữa các kitô hữu và tình huynh đệ đại đồng giữa người với người.

Ngoài ra, theo thần học của Thánh Phaolô, Hội Thánh được diễn tả như thân mình mầu nhiệm của Đức Kitô mà Ngài là đầu, còn tất cả các tín hữu đều là những chi thể (x. 1 Cr 12,12-27). Khi suy tư về giáo huấn trên đây của Thánh Phaolô, Công đồng Vatican II trong Hiến chế Lumen Gentium, số 7, đã dạy: “Thực vậy, tất cả các chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ tạo thành một thân thể; cũng thế, các tín hữu hợp thành một thân thể trong Chúa Kitô (x. 1 Cr 12,12). Trong việc xây dựng thân thể Chúa Kitô, cần có nhiều chi thể với phận vụ khác nhau. Chỉ có một Chúa Thánh Thần ban những ân sủng khác nhau để làm ích cho Hội Thánh theo sự sung mãn của Ngài và tuỳ nhu cầu của công việc (x. 1 Cr 12,1-11)”. Chính trong Hội Thánh được quan niệm như một thân thể mà các linh mục càng ý thức mình là anh em của mọi Kitô hữu và cách riêng là anh em với nhau, như ca dao Việt Nam có câu: “Anh em như thể chân tay”.

Tình huynh đệ hay sự hiệp thông huynh đệ là yếu tố thứ nhất có tính cách thiêng liêng, phát xuất từ tâm hồn dưới sự thúc đẩy của đức ái. Tình huynh đệ này nhấn mạnh đến “sống hiệp thông” và những mối tương quan cá vị. Sự hiệp thông huynh đệ dẫn đến hiệp nhất là nét đặc trưng của một cộng đoàn đúng nghĩa. Đó cũng là nét đặc trưng của cộng đoàn tín hữu tiên khởi tại Giêrusalem. Sự hiệp nhất chính là điều Đức Kitô quan tâm và coi đó như dấu chỉ để cho thế gian nhận biết chúng ta là môn đệ của Ngài và nhận biết Ngài là Đấng Chúa Cha sai đến (x. Ga 13,35; 17,23).

Trong bữa ăn tối với các môn đệ trước khi bắt đầu cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu đã cầu nguyện thật dài với Chúa Cha để xin cho các môn đệ được hiệp nhất. Trong lời cầu nguyện đó Ngài đã lặp đi lặp lại đến 5 lần lời cầu xin hiệp nhất. Lời cầu nguyện hiệp nhất của Chúa Giêsu được coi như lời trăng trối cuối cùng, như lời di chúc trước lúc ra đi chịu chết. Theo tâm lý người đời thì thường người ta rất trân trọng lời di chúc của cha mẹ. Trong nền văn hoá Á Đông và của dân tộc Việt Nam ta, thi hành lời di chúc là một bổn phận thiêng liêng không thể bỏ qua. Sự hiệp nhất giữa các linh mục phải là sự hiệp nhất của Hội Thánh Chúa Kitô, chứ không phải là sự tập hợp hay đoàn kết theo kiểu các tổ chức chính trị hay xã hội. Sự hiệp nhất và cộng tác huynh đệ giữa các linh mục có một mục đích duy nhất là xây dựng Hội Thánh.

Trong Tông huấn Pastores dabo vobis, số 12, Đức Gioan Phaolô II đã dạy: “Chính trong lòng Hội Thánh xét như là mầu nhiệm hiệp thông giữa Thiên Chúa Ba Ngôi, trong nỗi day dứt thi hành sứ vụ, mà mọi căn tính Kitô hữu được mạc khải và đồng thời căn tính loại biệt của linh mục và của thừa tác vụ linh mục cũng được mạc khải… Từ đó, nghiên cứu Hội Thánh về phương diện hiệp thông chính là việc làm có tính định đoạt để có thể nắm vững căn tính linh mục, phẩm giá riêng biệt của linh mục, ơn gọi và sứ vụ trong dân Thiên Chúa và trong thế giới. Chính vì thế, quy chiếu về Hội Thánh là điều cần thiết, ngay cả khi đó không phải là điều tiên quyết trong định nghĩa về căn tính linh mục”.

4. BÍ TÍCH THÁNH THỂ

“Cũng như tấm bánh mà chúng con bẻ ra đây, trước kia là những hạt lúa rải rác khắp cánh đồng, đã được thu họp về đây. Chớ gì Hội Thánh Chúa cũng tụ họp muôn dân khắp nơi về một Nước Chúa”. Có lẽ đây là một trong những kinh Tạ Ơn cũ nhất, kinh Didachè, diễn tả cách cụ thể Mầu nhiệm Thánh Thể và Mầu nhiệm Hội Thánh.

Đức Gioan Phaolô II trong Thông điệp Hội Thánh từ Thánh Thể (Ecclesia de Eucharistia), số 21-24, đã khẳng định rằng Hội Thánh được xây dựng nhờ Bí tích Thánh Thể. Chính nhờ Bí tích Thánh Thể mà các Kitô hữu được hiệp nhất nên một thân mình trong Đức Kitô. Bí tích Thánh Thể vừa biểu thị vừa thực hiện sự hiệp nhất đó. Việc trở nên một trong Đức Kitô do Bí tích Thánh Thể thực hiện không ngừng được đổi mới và củng cố mỗi lần chúng ta cử hành thánh lễ, nhất là cùng đồng tế thánh lễ và hiệp thông trọn vẹn với Đức Kitô và với nhau qua việc rước lễ. Quả thế, việc tham dự cử hành Thánh Thể thực hiện cách viên mãn và phong phú những khát vọng hiệp nhất huynh đệ tiềm ẩn sâu xa trong tâm hồn con người; đồng thời nâng cao kinh nghiệm về tình huynh đệ khi cùng chia sẻ cùng một tấm bánh là Đức Kitô, một kinh nghiệm còn vượt quá những kinh nghiệm mà con người vẫn có trong việc chia sẻ một bữa ăn bình thường. Chính nhờ ân sủng của Bí tích Thánh Thể, bí tích của sự hiệp nhất, mà những mầm mống chia rẽ do tội lỗi gây ra đã bị ngăn chận hoặc xoá tan.

Thư Chung hậu Đại hội Dân Chúa 2010, số 12, cũng viết: “Khi được quy tụ và hợp nhất quanh vị giám mục nơi bàn tiệc Thánh Thể, cộng đoàn tín hữu cử hành Mầu nhiệm Vượt Qua, thông phần vào sự sống Đức Kitô và được biến đổi nên giống Ngài, được xây dựng thành cộng đoàn hiệp thông huynh đệ và dấn thân rao giảng Tin Mừng”.

Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch của sự hiệp thông và tình huynh đệ giữa các tín hữu, thì càng là nguồn mạch của tình huynh đệ linh mục, bởi lẽ hơn ai hết, các linh mục phải sống điều mà mình cử hành mỗi ngày. Sắc lệnh về Chức vụ và Đời sống Linh mục Presbyterorum Ordinis của công đồng Vatican II, số 8, đã dạy: “Mỗi vị liên kết với những thành phần khác của linh mục đoàn bằng những mối dây đặc biệt của tình bác ái tông đồ, của thừa tác vụ và tình huynh đệ: điều này đã được biểu hiện trong phụng vụ,… khi các ngài đồng tâm cử hành Bí tích Thánh Thể”.

Khi các linh mục cùng chung một tâm tình quây quần chung quanh bàn thờ để cử hành Bí tích Thánh Thể với giám mục của mình, các ngài biểu lộ sự duy nhất của Hội Thánh, của bí tích truyền chức thánh và của hàng linh mục. Con đường dẫn đến sự hiệp thông luôn luôn khởi đi từ bàn tiệc thánh, nơi Đức Kitô bẻ bánh. Đồng tế là một dấu hiệu quan trọng nhất đối với tình huynh đệ linh mục, nhất là khi các linh mục trong giáo phận cùng đồng tế thánh lễ với giám mục của mình. Dấu hiệu rõ rệt nhất vừa diễn tả vừa xây dựng sự hiệp nhất và tình huynh đệ linh mục là nghi thức truyền phép: mọi người cùng giơ tay hướng về tấm bánh và ly rượu và cùng đọc: “Này là Mình Thầy…; này là chén Máu Thầy…”. Chỉ có một tấm bánh là Đức Kitô, nên tuy nhiều, các linh mục cũng chỉ là một trong Đức Kitô. Có thể nói Bí tích Thánh Thể là biến cố và qui trình của tình huynh đệ linh mục.

5. BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH

Trong bữa tiệc ly, Bí tích Truyền Chức Thánh được Chúa Giêsu thiết lập ngay sau Bí tích Thánh Thể và gắn liền với bí tích này. Cùng lãnh nhận Bí tích Truyền Chức Thánh, các linh mục được liên kết với nhau bởi cùng một ơn gọi và cùng một sứ mệnh. Qua Bí tích Truyền Chức Thánh mọi linh mục liên kết với nhau bằng một tình huynh đệ bí tích, tạo nên linh mục đoàn của giáo phận, dưới quyền của Đức Giám mục, để thi hành một thừa tác vụ tư tế duy nhất và nhắm đến một mục tiêu duy nhất là xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô.

Sắc lệnh về Chức vụ và Đời sống Linh mục Presbyterorum Ordinis của Công đồng Vatican II, số 8, đã dạy: “Khi gia nhập hàng linh mục nhờ Bí tích Truyền Chức Thánh, tất cả các linh mục liên kết mật thiết với nhau bằng một tình huynh đệ do bí tích; nhưng đặc biệt trong một giáo phận, khi được chỉ định phục vụ dưới quyền giám mục của mình, các ngài hợp thành một linh mục đoàn duy nhất. Thực vậy, tuy giữ những chức vụ khác nhau, nhưng các ngài vẫn thi hành một thừa tác vụ tư tế duy nhất cho loài người… Tất cả các linh mục đều phải hướng về mục đích duy nhất này là xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô… Mỗi vị liên kết với những thành phần khác của linh mục đoàn bằng những mối dây đặc biệt của tình bác ái tông đồ, của thừa tác vụ và tình huynh đệ: điều này đã được biểu hiện trong phụng vụ, ngay từ thời xa xưa, khi các linh mục hiện diện được mời cùng với giám mục chủ phong đặt tay trên vị tiến chức”.

Trong một thánh lễ truyền chức linh mục tại một giáo phận nọ ở Việt Nam có rất nhiều linh mục tham dự, nghi thức các linh mục đồng tế đặt tay trên đầu vị tiến chức kéo đến 15 phút trong bầu khí thật cảm động của tình huynh đệ linh mục, khiến cho một linh mục ngoại quốc buột miệng thốt lên: “Magnifique!”. Có lẽ vì ông chưa từng thấy như thế tại các nước Tây phương. Nghi thức ấy nói lên sự đón nhận nhau và hiệp thông huynh đệ rõ rệt nhất giữa các linh mục.

Trong Tông huấn Pastores dabo vobis, số 17, Đức Gioan Phaolô II đã nói về tình huynh đệ linh mục qua Bí tích Truyền Chức Thánh như sau: “Thừa tác vụ được phong ban, do tự bản chất, chỉ có thể được hoàn thành trong mức độ linh mục hiệp nhất với Chúa Kitô bằng sự hội nhập hiểu theo nghĩa bí tích vào trong hàng ngũ linh mục và bởi đó trong mức độ linh mục hiệp thông với giám mục về phương diện phẩm trật. Tự căn rễ, thừa tác vụ được phong ban mang “bản chất cộng đồng” và chỉ có thể được hoàn thành như là công trình tập thể… Mỗi linh mục, triều hoặc dòng, được liên kết nên một với các thành phần khác thuộc linh mục đoàn, tuỳ theo Bí tích Truyền Chức Thánh, bằng những mối liên hệ riêng biệt về đức ái tông đồ, về thừa tác vụ và về tình huynh đệ. Thực vậy, tất cả các linh mục triều hoặc dòng đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô là Đầu và là Mục Tử, cũng nhắm một mục đích là xây dựng Nhiệm Thể Đức Kitô”.

Và ở số 74, ngài nói tiếp như sau: “Linh mục đoàn thực sự là một mầu nhiệm; linh mục đoàn quả là một thực thể siêu nhiên bởi vì bén rễ trong Bí tích Truyền Chức Thánh. Nguồn mạch và cội rễ của linh mục đoàn, nơi sinh ra và tăng trưởng của cộng đoàn là ở đó… Nguồn cội bí tích ấy phản ánh và nối tiếp trong việc thi hành thừa tác vụ linh mục: từ mầu nhiệm đến thừa tác vụ. Sự hiệp nhất giữa các linh mục với giám mục và giữa các linh mục với nhau không phải được thêm như thể từ bên ngoài vào trong bản chất tách biệt của công việc phục vụ, sự hiệp nhất ấy biểu lộ yếu tính của công việc phục vụ…”.

“Diện mạo của linh mục đoàn chính là diện mạo của một gia đình thực sự và của một mối tình huynh đệ không phải với những ràng buộc máu thịt, nhưng với những ràng buộc do ân sủng của chức thánh. Ân sủng ấy xâm chiếm và nâng cao những mối tương quan nhân loại, tâm lý, cảm tính, bằng hữu và thiêng liêng giữa các linh mục với nhau; ân sủng ấy biểu lộ khắp mọi nơi và tỏ hiện cách cụ thể trong những hình thức tương trợ tinh thần và vật chất đa dạng nhất…”.

———————————————–

[1] Đoạn này lấy ý từ bài tham luận nhan đề “Giáo Hội hiệp thông theo mô hình hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa” của Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc tại Đại hội Dân Chúa trong Năm Thánh 2010.

[2] GIUSE VŨ DUY THỐNG, “Linh mục, môn đệ Đức Kitô”, trong Hiệp Thông, bản tin của Hội đồng Giám mục Việt Nam, số 53 (tháng 5 và 6-2009), tr. 79.

+ Matthêu Nguyễn Văn Khôi

Related posts