Tài liệu 

Củng cố và canh tân tình huynh đệ linh mục trong giáo phận (bài 5)

5.

PHÁC HOẠ LƯỢC ĐỒ XÂY DỰNG TÌNH HUYNH ĐỆ LINH MỤC

Tình huynh đệ là một dấu chỉ để mọi người có thể nhận ra chúng ta là những môn đệ đích thực của Đức Kitô, là khí cụ để xây dựng sự hiệp thông giữa lòng Hội Thánh và thế giới, là phương thế góp phần hữu hiệu vào việc rao giảng Tin Mừng. Thế nhưng tình huynh đệ ấy là một bổn phận phải thực hiện, một công trình cần phải được xây dựng từng ngày với biết bao cố gắng, bền chí và hy sinh. Công cuộc xây dựng tình huynh đệ càng gặp khó khăn nhiều hơn, nhưng cũng càng trở nên cấp bách hơn, khi chúng ta đang sống trong một thời đại và một xã hội chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi sự đề cao cá nhân và nếp sống ích kỷ. Người ta có cảm tưởng rằng giới trẻ được nuôi dưỡng trong lòng xã hội bằng một tinh thần cá nhân chủ nghĩa nào đó khiến cho từ nay đời sống huynh đệ trở nên khó khăn hơn. Họ thích lựa chọn nhau trong một nhóm nhỏ bạn bè mà họ có thể bỏ rơi khi họ muốn, thường là sau khi rút ra được tất cả những gì những người ấy có thể cho họ. Trái lại, tình huynh đệ đòi hỏi một sự dấn thân trường kỳ của cả hai bên. Tình huynh đệ là một cái gì triệt để và lâu dài: nó có giá trị cho những ngày buồn cũng như những ngày vui, giống như trong đời sống hôn nhân, tình huynh đệ linh mục cần phải được xây dựng mỗi ngày.

Ý thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của tình huynh đệ đối với đời sống của các linh mục và đối với sự phát triển của Hội Thánh, cũng như ý thức về những nhân tố có ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống Hội Thánh, khiến chúng ta phải tự đặt ra cho mình câu hỏi: ta phải làm thế nào để xây dựng tình huynh đệ?

1. TỪ NHỮNG ĐOẠN THÁNH KINH…

Theo Thánh Kinh, khi tạo dựng loài người từ “một nguyên lý độc nhất” (Cv 17,26; x. St 1-2), Thiên Chúa đã đặt vào lòng con người mơ ước trở thành anh em với nhau nơi Ađam. Nhưng mơ ước đó chỉ thực hiện được sau một cuộc hành trình dài. Bởi vì lịch sử con cháu Ađam đã bắt đầu bằng một tình huynh đệ đổ vỡ qua việc Cain sát hại em mình là Aben (x. St 4,9). Chúa Giêsu, người anh cả của nhân loại đã đến để xây dựng lại tình huynh đệ nhân loại bị đổ vỡ ấy bằng lời giáo huấn và bằng cái chết của Ngài. Cuộc xây dựng ấy đã khởi đi từ cộng đoàn các môn đệ chung quanh Ngài ngày xưa thế nào, thì ngày nay cũng tiếp tục khởi đi từ cộng đoàn các linh mục là những kẻ đáp lại lời mời gọi của Ngài như các môn đệ ngày xưa.

Theo giáo huấn của Đức Kitô, Thánh Phaolô đã khuyến khích xây dựng tình huynh đệ bằng những thái độ và việc làm tùy theo hoàn cảnh cụ thể. Trong các Hội Thánh địa phượng nói chung và giáo đoàn Rôma nói riêng, Thánh Phaolô nhận thấy rằng việc tập họp các Kitô hữu có nguồn gốc khác nhau, để họ làm thành một cộng đoàn huynh đệ, sẵn sàng chấp nhận lẫn nhau bất chấp những khác biệt của nhau, không phải là chuyện đơn giản và dễ dàng. Vì thế ngài đã viết cho họ như sau:  “Hãy thương mến nhau với tình huynh đệ; coi người khác trọng hơn mình” (Rm 12,10). “Hãy đồng tâm nhất trí với nhau” (Rm 12,16). “Hãy đón nhận nhau như Đức Kitô đã đón nhận anh em” (Rm 15,7). “Tôi tin chắc rằng anh em có đầy thiện chí, thừa hiểu biết và có khả năng khuyên bảo nhau” (Rm 15,14).

Tại giáo đoàn Côrintô, một cộng đoàn năng nổ nhưng hơi thiếu trật tự, có nhiều chia rẽ nội bộ, thậm chí ngay cả khi họ họp nhau để cử hành bữa tiệc của Chúa, mỗi người lo ăn bữa riêng của mình trước và như thế kẻ thì đói người thì say, không còn gì là bữa ăn huynh đệ, vì thế Thánh Phaolô đã khuyên: “Anh em hãy chờ nhau” (1 Cr 11,33). Đặc biệt, ngài gửi đến họ một bài ca đức ái tuyệt vời được dệt nên bằng đủ mọi cung bậc, từ thấp lên cao, từ tiêu cực đến tích cực: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 14,4-7).

Tại giáo đoàn Galát, một số tín hữu gốc Dothái từ Giêrusalem đến làm lung lạc đức tin của các tín hữu gốc dân ngoại khi buộc họ phải tuân giữ luật Môsê. Nhân dịp này Thánh Phaolô cho họ thấy rằng Kitô hữu là những người được Đức Kitô giải thoát và trở thành những người tự do, không còn bị ràng buộc bởi luật Môsê. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ có thể trở lại lối sống theo xác thịt của dân ngoại, bởi lẽ giờ đây họ sống theo Thần Khí, mà công trình của Thần Khí là đức ái. Vì vậy, Thánh Phaolô đã khuyên họ: “Đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau” (Gl 5,13). “Bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em cùng trong đại gia đình đức tin” (Gl 6,10).

Với các tín hữu tại vùng Êphêxô, Thánh Phaolô thấy họ có thể đang bị lôi cuốn bởi những học thuyết và tôn giáo phát xuất từ vùng Trung Đông tự cho mình là con đường cứu độ, vì thế ngài đã trình bày cho họ chương trình cứu độ của Thiên Chúa là quy tụ muôn loài dưới quyền Thủ Lãnh là Đức Kitô để làm nên Hội Thánh là Thân Thể của Ngài. Từ đó, Thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu hãy sống hiệp nhất, xứng với đời sống mới, đời sống kết hợp với Đức Kitô qua những tương quan cụ thể trong đời sống thường ngày. Ngài viết: “Hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hợp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau” (Ep 4,2-3). “Phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Ep 4,32).

Các tín hữu giáo đoàn Côlôxê cũng có một hoàn cảnh và những thách đố tương tự như các tín hữu vùng Êphêxô, vì thế Thánh Phaolô đã viết cho họ như sau: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, thánh hiến và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết, mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,12-14).

Đối với các tín hữu giáo đoàn Philipphê là những người đã quan tâm giúp đỡ ngài nhiều nhất trong những lúc khó khăn, Thánh Phaolô muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với họ và khuyên nhủ họ hãy tiếp tục sống hiệp nhất yêu thương nhau theo gương Đức Kitô: “Nếu quả thật sự liên kết với Đức Kitô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu” (Pl 2,1-5).

Sau khi nghe ông Timôthê trở về báo cáo về lòng tin và lòng mến của các tín hữu Thêxalônica, Thánh Phaolô vui mừng tạ ơn Chúa và nhắn nhủ họ bền vững và tiến tới trong tình yêu thương huynh đệ: “Còn về tình huynh đệ, anh em không cần ai viết cho anh em, vì chính anh em đã được Thiên Chúa dạy phải thương yêu nhau, và anh em cũng đang làm như vậy cho tất cả các anh em trong toàn miền Makêđônia. Nhưng thưa anh em, tôi khuyên nhủ anh em hãy tiến tới nhiều hơn nữa” (1 Tx 4,9-10).

Tất cả những thái độ, hành động và đức tính trên đây là những hình thức biểu lộ của tình bác ái huynh đệ Kitô giáo theo gương Đức Kitô, Đấng vì tình yêu đã chấp nhận chịu chết vì chúng ta là những bạn hữu của Ngài, để cho chúng ta thấy rằng không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Trong mầu nhiệm Vượt Qua, Đức Kitô trở thành mẫu mực của tình yêu thương huynh đệ. Quả thực, Ngài là nguồn mạch, là mẫu mực và thước đo của giới luật yêu thương: chúng ta phải yêu thương nhau như chính Ngài đã yêu thương chúng ta. Tuy nhiên, tất cả những điều này không nằm trong bản chất con người cũ. Con đường từ con người cũ chỉ muốn đóng kín nơi chính mình đến con người mới sẵn sàng trao ban chính mình cho kẻ khác, là cả một lộ trình dài và khó khăn. Đó không phải là một cái gì tự phát, cũng không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Chính Đức Kitô đã đổ tràn tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta, thôi thúc chúng ta yêu thương anh em đến độ sẵn sàng nhận lấy những yếu đuối và những khó khăn của họ.

2. … ĐẾN NHỮNG CHỈ DẪN CỦA HỘI THÁNH

Từ những đoạn Thánh Kinh liên hệ, trong Sắc lệnh về Chức vụ và Đời sống Linh mục Presbyterorum Ordinis, số 8, với tựa đề “Hiệp nhất và cộng tác huynh đệ giữa các linh mục”, sau khi khẳng định rằng nhờ bí tích truyền chức thánh tất cả các linh mục liên kết mật thiết với nhau bằng một tình huynh đệ do bí tích, hợp thành một linh mục đoàn duy nhất, cùng thi hành một thừa tác vụ tư tế duy nhất, cùng hướng về một mục đích duy nhất là xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô, Công đồng Vatican II đã đưa ra một lược đồ 7 điểm nhằm xây dựng tình huynh đệ linh mục như sau:

1. “Mỗi linh mục hợp nhất với các anh em linh mục khác bằng mối dây bác ái, cầu nguyện và cộng tác dưới mọi hình thức”.

Thánh Phaolô đã nhắn nhủ: “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,12). Để xây dựng tình huynh đệ linh mục, trước hết phải có đức ái Kitô giáo theo gương Đức Kitô, đó là quên mình để sống hoà hợp với anh em. Nhiều khi chúng ta cố gắng sống trong sạch, khó nghèo, vâng phục bề trên, nhưng lại thiếu tình huynh đệ đối với anh em. Chúng ta vun xới sự hoàn thiện với rất nhiều can đảm, siêng năng trong công việc mục vụ, kinh nguyện đầy đủ, nhưng không làm nổi một nghĩa vụ hoà giải, một nghĩa cử huynh đệ, không nói được một lời nồng ấm, không thể sống chung hoà hợp với anh em. Sự khô cứng trong việc thực thi các bổn phận nhiều lúc làm cho chúng ta trở nên chấp nhất đối với anh em. Vì thế, trước hết cần phải quan tâm phát triển đức ái giữa các linh mục để đức ái ấy trở thành mối dây liên kết chúng ta với nhau.

Để phát triển đức ái đối với nhau, các linh mục cần tập loại bỏ tính ích kỷ là một hình thức đi ngược lại tình huynh đệ và ảnh hưởng xấu đến việc mục vụ. Vì tính vị kỷ mà có những linh mục khi làm việc chỉ muốn tìm kiếm thành công, tiếng tăm cho riêng mình, chứ không nhằm ích chung của Hội Thánh. Có cha xứ không muốn nhận cha phó vì sợ cha phó trẻ trung, năng động, nhiều sáng kiến, thu hút giáo dân, khiến mình bị mất ảnh hưởng. Ngược lại, cũng có một số cha phó không muốn đem hết khả năng của mình ra làm việc, vì nghĩ rằng mình có làm cho lắm thì cũng chỉ cha xứ hưởng kết quả.

Tính vị kỷ cũng được biểu lộ qua thái độ quá quan tâm đến cuộc sống thoải mái về vật chất, về tâm lý. Nhiều linh mục chỉ muốn ở một mình cho thoải mái, muốn ăn uống thế nào và lúc nào cũng được, muốn làm gì tuỳ ý. Linh mục ấy không cảm thấy thoải mái với sự hiện diện của kẻ khác trong nhà mình hay trong chương trình sống và làm việc của mình.

Để giúp các linh mục loại bỏ tính vị kỷ, Đức Gioan Phaolô II đã dạy trong Tông huấn Pastores dabo vobis, số 28, như sau: “Một đàng linh mục phải tập làm quen để đừng quá gắn bó với những sở thích riêng và những quan điểm riêng của mình; đàng khác linh mục phải nhượng cho các anh em đồng sự khoảng cách cần thiết để họ có thể triển khai tài nghệ và khả năng của họ, mà không hề ganh tị, phân bì hoặc kình chống”. Sau đó, ở số 31, ngài viết tiếp: “Ngoài ra, mọi người đều được yêu cầu phải có một nỗ lực chân thành nhằm quí chuộng lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau và đánh giá sao cho hoà hợp những dị biệt tích cực và chính đáng hiện có nơi linh mục đoàn”.

Tiếp đến, tình huynh đệ linh mục cần được củng cố mạnh mẽ bởi sự nâng đỡ nhau trong lời cầu nguyện hằng ngày, nhất là trong những dịp gặp gỡ nhau như những cuộc tĩnh tâm tháng, tĩnh tâm năm. Khi cầu nguyện, chúng ta hãy đưa những người anh em linh mục của chúng ta, những lo âu, buồn vui, sướng khổ của họ, vào nội dung lời cầu nguyện của chúng ta. Lúc ấy, lời cầu nguyện sẽ nối kết chúng ta với họ, và lời cầu nguyện của chúng ta sẽ không còn là những lời cầu xin ích kỷ, trái lại góp phần xây dựng tình hiệp nhất huynh đệ. Cầu nguyện trong sự hiệp thông với các anh em linh mục cũng là cách Chúa Giêsu đã làm khi cầu nguyện. Ngài không chỉ nói chuyện riêng tư với Chúa Cha, mà còn cầu nguyện cho các môn đệ của Ngài.

Tình huynh đệ được biểu lộ rõ ràng nhất trong kinh Lạy Cha, tức là lời kinh riêng của nhóm môn đệ Đức Giêsu. Kinh ấy bắt đầu bằng câu “Lạy Cha chúng con ở trên trời”, rồi từ đó chữ “chúng con” được lặp đi lặp lại 7 lần nữa. Có lần Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Các con chỉ có một Cha, Người ngự trên trời, còn tất cả các con đều là anh em với nhau”. Như thế, kinh Lạy Cha là kinh của cộng đoàn huynh đệ, trong đó mọi người đều nhìn nhận nhau là anh em vì cùng có một Cha chung là Thiên Chúa.

Trong khi bạn bè là những người chúng ta tự chọn cho mình, còn anh em là những người không do chúng ta tự chọn, nhưng là do Thiên Chúa xếp đặt như quà tặng Chúa ban. Bởi vậy, để góp phần xây dựng và vun xới đời sống huynh đệ, ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì những người anh em là những món quà Thiên Chúa ban tặng để giúp ta ngày càng trở nên hoàn thiện hơn. Đáp lại ta cũng là món quà Chúa ban cho anh em mình, nên ta cũng luôn cầu xin Chúa cho ta xứng đáng là những món quà như thế.

Chẳng những cầu nguyện cho nhau, các linh mục còn phải biết cộng tác với nhau. Như trên đây chúng ta đã nói, các linh mục không thể một mình chu toàn trách nhiệm mục tử, vì thế họ phải biết cộng tác với nhau. Có nhiều linh mục chỉ muốn làm việc một mình không cần ai cộng tác cũng không biết cộng tác với ai. Ngày nay, theo đà tiến bộ của khoa học kỹ thuật, xã hội ngày càng phát triển theo hướng chuyên môn hoá. Ngày càng ít đi số người một mình làm tất cả mọi chuyện, nhưng mỗi lĩnh vực đều có những người chuyên môn được đào tạo nghiêm túc. Tính chuyên môn hoá ấy vừa giúp người ta phát triển nhiều hơn những lĩnh vực riêng biệt, vừa khiến người ta tôn trọng lĩnh vực chuyên môn của người khác và cần đến sự cộng tác của họ. Nhiều người vẫn nói đùa với nhau: linh mục là “thầy cả”, nghĩa là cả gan, cả tiếng, kẻ cả, chuyện gì cũng dám làm, chuyện gì cũng cho rằng mình thông thạo, ăn nói chẳng nể nang gì ai. Tinh thần cộng tác giữa các linh mục vừa giúp họ nhận ra những giới hạn của mình để sống khiêm tốn hơn, vừa giúp họ khám phá ra những khả năng của kẻ khác để tôn trọng và học hỏi.

Trong tinh thần cộng tác và hoà hợp, các linh mục nên nhìn trước nhìn sau và nhìn chung quanh trước khi lên chương trình hành động. Hãy để ý đến linh mục đã làm việc trước mình và linh mục sẽ đến làm việc sau mình, cũng như các linh mục đang làm việc tại những nhiệm sở chung quanh. Không nên vội vàng đập phá những gì cha xứ trước đã xây dựng, cũng không nên đặt ra một tiền lệ khiến cho cha xứ sau phải khó xử. Hãy chia sẻ với nhau những sáng kiến của mình để các giáo xứ trong một vùng cùng lên đều, tránh cảnh giáo xứ này thì lên quá, còn giáo xứ kế bên thì tệ quá, khiến cho giáo dân khen cha xứ này chê cha xứ kia.

2. “Những linh mục lớn tuổi hãy thực sự đón nhận các linh mục trẻ như là những người em và hãy giúp đỡ họ trong những công tác cũng như những gánh nặng đầu tiên của thừa tác vụ; hơn nữa, các ngài nên cố gắng hiểu biết tâm trạng của họ, dù khác với tâm trạng mình, và theo dõi các công việc của họ với lòng nhân hậu. Cũng thế, các linh mục trẻ phải kính trọng tuổi tác và kinh nghiệm của các vị lớn tuổi cũng như phải bàn hỏi với các ngài về những vấn đề liên quan đến việc coi sóc các linh hồn và sẵn lòng cộng tác với các ngài”.

Chúng ta không thể không nhận ra sự thiếu hiểu biết và ngay cả sự chia rẽ giữa những thành phần trẻ và những người già trong linh mục đoàn. Thường xảy ra trường hợp những người trẻ tự cho mình năng động, nhiều sáng kiến, và chê người già là cổ hũ lỗi thời, cản trở sự tiến bộ; còn những người già thì cho rằng mình nhiều kinh nghiệm, và chê những thành phần trẻ là thiếu khôn ngoan, nhiệt thành nhưng không bền chí. Cũng có khi vì sự phê phán của người trẻ mà những người già có mặc cảm trở thành vô dụng; trong khi đó vì sự phê phán của người già mà những người trẻ cảm thấy mình mãi mãi ở trong tình trạng ấu trĩ, thiếu tự tin.

Nhiều linh mục lớn tuổi nhưng phải phụ tránh giáo xứ lớn, thế mà vẫn không chịu nhận các cha phó và thầy giúp xứ, lấy lý do là mình không cần giúp đỡ. Thực ra sự giúp đỡ ở đây không phải chỉ đơn phương, nhưng song phương. Các cha phó giúp đỡ các cha xứ và ngược lại các cha xứ cũng có bổn phận giúp đỡ các cha phó, vì giai đoạn đầu đời linh mục của họ còn thiếu rất nhiều kinh nghiệm trong công tác mục vụ. Hơn nữa, nhờ sự hiện diện của cha phó mà cha xứ sẽ có cơ hội tập sống quên mình và quan tâm đến anh em hơn, cũng như sống gương mẫu hơn. Những bữa ăn chung với nhau tại nhà xứ sẽ trở thành những cuộc gặp gỡ thân tình, vui cười thoải mái, qua đó cha xứ và các cha phó cùng nhau trao đổi những sáng kiến và kinh nghiệm mục vụ. Một số linh mục trẻ chắc hẳn sẽ cảm thấy đau buồn khi các cha xứ không chịu nhận họ, hoặc nhận một cách miễn cưỡng chỉ vì vâng lời Đức Giám mục giáo phận.

Ngược lại, một số cha phó không tích cực cộng tác với cha xứ, chỉ biết bảo đâu làm đó, giấu kỹ khả năng của mình và tự nhủ rằng hãy chờ cho đến khi được làm cha xứ mới đem hết sức mình ra làm việc. Nghĩ như thế là lầm to, vì Đức Giám mục sẽ rất ngần ngại khi đưa một người không biết làm việc hoặc làm việc cách hời hợt lên làm cha xứ, nhất là cha xứ của một giáo xứ lớn. Hơn nữa, kinh nghiệm cho thấy một linh mục hăng say ngay từ đầu thì sẽ tiếp tục hăng say. Trái lại, một linh mục tà tà ngay từ đầu thì sẽ cứ tà tà cho đến khi bóng ngả về tây.

Ngoài ra, cần phát huy tinh thần đối thoại giữa các linh mục. Ngoài lợi ích giúp cho các linh mục phong phú hoá kiến thức và kinh nghiệm sống của mình, đồng thời giúp nhận ra những khiếm khuyết của mình để sữa chữa và bổ khuyết, đối thoại còn giúp các linh mục hiểu nhau và cảm thông với nhau hơn, khiến tương quan giữa họ ngày càng trở nên gần gũi và thân thiện. Nếu trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống các linh mục giữ được mối tương quan đối thoại chân thành của một “tình huynh đệ bí tích”, thì họ có thể hiểu biết lẫn nhau và cùng nhau giải quyết các vấn đề và các khó khăn trong sứ vụ linh mục của họ.

3. “Trong tinh thần huynh đệ đó, các linh mục đừng quên lòng hiếu khách (Dt 3,1-2), phải lo làm việc thiện và san sẻ của cải (Dt 13,16), nhất là phải chú tâm đến những vị đau yếu, phiền muộn, lao lực, cô đơn, bị đày ải và ngay cả những vị bị bách hại (Mt 5,10).

Về mức sống và điều kiện tài chính, không phải mọi linh mục trong giáo phận đều giống nhau. Có nhiều giáo xứ giàu có, cơ sở vật chất đầy đủ và nhiều khi sang trọng, giáo dân đóng góp rộng rãi và dồi dào, cha xứ có cuộc sống dư giả vào hàng đại gia, có tài khoản ngân hàng bạc tỉ, đồ dùng cá nhân toàn hàng hiệu đắt tiền. Cũng có những giáo xứ nghèo, ở vùng sâu vùng xa, nhà thờ nhà xứ ọp ẹp, thiếu mọi phương tiện vật chất, giáo dân sống dưới mức nghèo khó, cha xứ phải sống kham khổ, muốn xây dựng giáo xứ mà không có ngân khoản. Tình huynh đệ linh mục mời gọi các linh mục phục vụ tại những giáo xứ giàu nên quan tâm giúp đỡ các linh mục tại những giáo xứ nghèo, bằng cách vận động giáo dân mình giúp đỡ các linh mục ấy có điều kiện sinh sống đầy đủ và có khả năng thực hiện các dự án của giáo xứ, hoặc ít là bằng cách chia sẻ bổng lễ cho các vị ấy. Trong quyển sách nhan đề Hoa nắng đời linh mục, tác giả là Linh mục Hồng Nguyên có ghi lại bức thư của một linh mục gửi một linh mục bạn như sau:

“Kim mến,

Không thể quên được những ngày đầu của mình ở đây, mình đã nhận được khuyến cáo là nộp tiền ăn mỗi ngày. Thế mà trong sổ lễ vẫn còn trống trơn, ngoại trừ ít lễ làm sine stipendio cho tổ tiên ân nhân. Mình đã quýnh cả lên, tự nghĩ: “Có lẽ kỳ này mình làm lễ cho tổ tiên suốt năm chắc!” Nhưng cậu đã vội vàng gửi cho mình đủ 2 trang cahiers de messes. Mình cảm động hết sức, một phần đỡ lo, nhưng nhất là cậu đã nghĩ đến người anh em linh mục của cậu, người bạn của cậu… Mình biết ơn cậu, việc làm của cậu làm mình suy nghĩ lắm. Mình nhớ lại, lúc mới về đây, mình đã viết thư đến một linh mục xin ít lễ làm, vì mình với ngài cũng biết nhau… nhưng mình đã phải bẽ mặt. Còn một linh mục ngang lớp với tụi mình nữa, mình biết rõ rằng bạn bè xin lễ không bao giờ cho, chỉ đưa cuốn sổ lễ giả ra để từ chối…” (Trích đặc san Bạn đường, 1970, tr. 22). [1]

Cần thể hiện đức ái huynh đệ bằng một sự quan tâm đến nhau: các linh mục nên thường xuyên thăm viếng nhau và mời nhau đến với mình, nhất là vào những dịp sinh nhật, lễ thánh quan thầy, những cuộc lễ của giáo xứ, tìm hiểu công việc của nhau cách khả ái, thăm hỏi sức khoẻ, gia đình, những lo âu, niềm vui nỗi buồn, và những khó khăn. Một đời sống huynh đệ tốt đẹp được dệt nên bằng những việc nho nhỏ, những sự chú ý cỏn con, nhưng mang nhiều ý nghĩa. Nhiều người nghĩ rằng sự thiếu sót trong những việc làm như thế là không đáng kể. Có lẽ đúng phần nào về phương diện luân lý, nhưng trên bình diện tâm lý thì chắc chắn không. Những điều xem ra vụn vặt này có một sức mạnh to lớn trong việc xây dựng tình huynh đệ và là những biểu lộ hùng hồn nhất của đức ái sâu thẳm trong linh mục đoàn.

Sự quan tâm đến nhau, cách riêng đến những anh em linh mục đang gặp khó khăn, là một việc làm rất đáng trân trọng và đầy ý nghĩa, nhất là trong thời đại ngày nay, khi mà đời sống huynh đệ đang bị ảnh hưởng xấu bởi những trào lưu tiêu cực, nhất là cá nhân chủ nghĩa. Hãy quan tâm đến anh em khác, nhưng đồng thời vẫn tôn trọng đời sống riêng tư của họ, vì ai cũng có quyền có một cuộc sống riêng tư.

4. “Các ngài cũng hãy sẵn lòng và vui vẻ họp nhau để tĩnh dưỡng tâm hồn, vì nhớ lại những lời mà chính Chúa đã mời gọi các tông đồ mệt mỏi: “Các con hãy đến nơi thanh vắng và nghỉ ngơi một chút” (Mc 6,31)”.

Các linh mục giáo phận có những cuộc tĩnh tâm hằng tháng và hằng năm. Đó là những dịp để anh em gặp gỡ nhau trong bầu khí cầu nguyện chung và chia sẻ huynh đệ. Bầu khí tĩnh tâm không nên quá nặng nề, nhưng nhẹ nhàng và thân tình. Phải xem đó như là những thời gian tuyệt vời và hạnh phúc trong cuộc đời linh mục. Không nên viện lý do bận việc mục vụ ở giáo xứ để không đến dự những cuộc gặp gỡ như thế, nếu không, các linh mục sẽ dần dần không còn gắn bó với nhau, mất đi sự nâng đỡ và sẽ kiệt sức trong cô đơn.

Ngoài những dịp tĩnh tâm, các cuộc thường huấn cho các linh mục cần phải được giáo phận thường xuyên tổ chức. Không phải chỉ để cập nhật thông tin, nhưng còn để tăng trưởng chiều kích nhân bản, thiêng liêng và mục vụ. Trong Tông huấn Pastores dabo vobis, số 74, Đức Gioan Phaolô II đã dạy: “Giữa lòng mối dây hiệp thông Hội Thánh, linh mục được mời gọi ngày càng tăng trưởng, nhờ việc đào tạo trường kỳ, trong tư cách thành viên của linh mục đoàn hiệp nhất với giám mục”.

5. “Ngoài ra, để giúp nhau vun trồng đời sống thiêng liêng và trí thức, để có thể cộng tác với nhau đắc lực hơn trong thừa tác vụ, và để tránh những nguy hiểm có thể xảy ra do sự cô đơn, các linh mục phải cổ vũ một đời sống chung, hoặc một lối sống cộng đoàn nào đó. Việc này có thể thực hiện theo nhiều hình thức khác nhau tuỳ những nhu cầu khác biệt thuộc cá nhân hay mục vụ: như ở chung nơi nào có thể hoặc ăn chung, hoặc ít là có những cuộc họp mặt thường xuyên và định kỳ”.

Trong Tông huấn Pastores dabo vobis, số 81, Đức Gioan Phaolô II đã dạy: “Trong số những kiểu cộng tác và phương thế ấy, có thể nhắc tới những hình thức sống chung giữa các linh mục với nhau, là những hình thức vẫn thường có trong lịch sử Hội Thánh, với những thể loại và cường độ khác biệt nhau. Ngày nay không thể không yêu cầu cho có những hình thức ấy, nhất là giữa những linh mục sống và dấn thân mục vụ trong cùng một nơi. Đời sống chung của hàng giáo sĩ như thế hữu ích cho đời sống và hoạt động mục vụ, tạo cho mọi người, cả linh mục và giáo dân, một gương mẫu sáng chói về đức ái và sự hiệp nhất”.

Nhiều giáo phận tại các nước Tây phương đã và đang áp dụng các chỉ dẫn trên đây và thấy kết quả khả quan. Các linh mục trong một vùng gần nhau thay vì sống riêng rẽ thì đã chọn hình thức sống chung với nhau tại một nơi thành cộng đoàn huynh đệ, thường xuyên hoặc vào một số ngày nào đó trong tuần, nhờ đó có thể nâng đỡ nhau, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhau trong công tác mục vụ tại các giáo xứ.

6. “Cũng nên thành lập và nhiệt liệt khuyến khích các hiệp hội linh mục mà nội quy đã được giáo quyền hữu trách chuẩn nhận, những hiệp hội này cổ võ các linh mục nên thánh trong khi thi hành thừa tác vụ bằng cách tổ chức một đời sống thích nghi đã được thoả thuận với nhau bằng sự tương trợ huynh đệ; như vậy, những hiệp hội đó hướng về việc phục vụ toàn thể hàng linh mục”.

Các hiệp hội, tu hội đời dành cho linh mục giáo phận rất được khuyến khích. Ngay từ trước Công đồng Vatican II rất xa, vào ngày 4-8-1908, Đức Thánh Giáo hoàng Piô X, trong Huấn dụ Haerent Animo về việc thánh hoá các linh mục, số 100, đã dạy: “Ta cũng hết lòng khuyên các linh mục nên thiết lập một mối liên kết chặt chẽ hơn với nhau như anh em, với sự chấp thuận và hướng dẫn của giám mục. Chắc hẳn cũng nên lập những hiệp hội, hoặc để bảo đảm cho nhau những trợ giúp tài chính trong lúc không may, hoặc để bảo toàn danh dự và chức vụ chống lại những cạm bẫy của đối phương, hoặc vì một lý do nào khác tương tự. Nhưng quan trọng hơn nhiều là liên kết với nhau để phát triển khoa học thánh, và nhất là với mục đích chuyên cần sốt sắng hơn trong những bổn phận của ơn gọi thánh và làm việc đắc lực hơn vì phần rỗi, bằng việc góp chung tư tưởng và nỗ lực”.

Trong Tông huấn Pastores dabo vobis, số 81, Đức Gioan Phaolô II cũng đã dạy: “Một hình thức tương trợ khác có thể được cung ứng do các hiệp hội linh mục, nhất là các tu hội đời linh mục với tính chất trực thuộc giáo phận, nhờ đó các linh mục kết hợp chặt chẽ hơn với giám mục… Tất cả mọi hình thức huynh đệ linh mục được Hội Thánh công nhận đều hữu ích cho đời sống thiêng liêng, cũng như cho đời sống tông đồ và mục vụ”.

7. “Sau hết, vì liên kết với nhau trong chức linh mục như thế, nên các ngài phải biết rằng mình đặc biệt có trách nhiệm đối với những vị đang gặp những hoàn cảnh khó khăn; các ngài phải kịp thời giúp đỡ, và nếu cần phải khuyên bảo một cách tế nhị. Đối với những vị khiếm khuyết về một vài vấn đề nào đó, các ngài phải luôn lấy tình bác ái huynh đệ và quảng đại mà đối xử, lại phải cầu nguyện rất nhiều với Chúa cho các vị đó, và phải luôn tỏ ra mình là anh em bạn hữu đích thực của họ”.

Đây là một bổn phận rất tế nhị và cũng rất khó thực hiện của tình huynh đệ mà Đức Kitô đã dạy trong Tin Mừng. Chúng ta sẽ cùng nhau suy nghĩ và tìm hiểu trong phần trình bày tiếp theo.

———————————–

[1] HỒNG NGUYÊN, Hoa nắng đời linh mục, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2009, tr. 57.

+ Gm. Matthêu Nguyễn Văn Khôi

Related posts