“Con đường giữa sa mạc cuộc đời”
“Con đường giữa sa mạc cuộc đời”
(CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN B 2012)
Jos. Trương Đình Hiền
Đi qua trên những nẻo đường lịch sử cứu độ, đặc biệt, những nẻo đường của Tân ước, chúng ta đều gặp thấy những lần phép lạ xảy ra theo sau những cuộc gặp gỡ của niềm tin. Từ cuộc gặp gỡ của niềm tin tinh tuyền mãnh liệt giữa thần sứ Gáp-ri-el và cô thôn nữ Maria đã xảy ra phép lạ cả thể : Ngôi Lời đã nhập thể làm người. Rồi đến cuộc gặp gỡ giữa 2 bà mẹ thánh thiện, đơn sơ nhưng đầy lòng tin và yêu mến đã cho Gioan nhảy mừng trong lòng mẹ và tức khắc được thánh hóa. Và 30 năm sau đó, có bao nhiêu cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với những con người đón nhận Ngài trong tin yêu hy vọng là có bấy nhiêu phép lạ kèm theo : Cuộc gặp gỡ tại tiệc cưới Cana đã đem về dấu lạ đầu tiên trong chặng đường công khai rao giảng : 600 lít nước lã hóa thành rượu ngon ; nhờ gặp gỡ Ngài mà những kẻ bị thần ô uế ám đã được giải thoát, những người phung cùi, câm đui, què điếc đã được chữa lành …cuộc gặp gỡ giữa Ngài và người mù từ lúc mới sinh, đã mở bừng đôi mắt thịt của u mê lầm lạc tối tăm để đôi mắt tâm linh trực giác được ánh nhìn của chân lý và niềm tin ; bà mẹ góa thành Naim trên đường đưa tiễn con về huyệt mộ buồn đau, nhờ gặp Ngài mà thấy con sống lại trong vòng tay hạnh phúc ; cũng thế, nếu gia đình Matta, Maria ở Bêtania ngày ấy không gặp Chúa trở về, thì chắc chắn người em trai yêu dấu La-gia-rô đã chết thối trong niềm tiếc thương buồn đau da diết của thân quyến tang gia…
Và không chỉ có “phép lạ thể lý” xảy ra trên thân xác và cuộc sống tự nhiên. Chính nhờ cuộc gặp gỡ với Ngài mà bao nhiêu “phép lạ tâm linh” đã thanh tẩy, đổi mới tâm hồn của bao nhiêu con người : gặp Ngài : Lêvi thu thuế, đã bật gốc giã từ “thế giới của bạc tiền, nhầy nhụa vật chất” để nên tông đồ dấn thân phục vụ cho công trình Nước Thiên Chúa ; nhờ cuộc gặp gỡ Ngài bên bờ giếng Giacóp mà cô phụ nữ Samari phóng đảng tim được “nguồn nước sống đích thực” ; nhờ cuộc gặp gỡ thầy Giêsu trong nước mắt sám hối chân tình mà cô gái điếm Maria Mađalêna đã trở thành người đàu tiên mang Tin Mừng Phục Sinh đến cho thế giới ; cuộc gặp gỡ trong bẽ bàng tũi nhục của người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình với “vị quan tòa Giêsu”, đã đem lại cho cô niềm tin yêu vô bờ của lòng khoan dung tha thứ để cô đứng lên làm lại cuộc đời : “Tôi không kết án chị đâu. Chị hãy đi và đừng phạm tội nữa” ; cuộc gặp gỡ tin yêu với ông Giêsu người tử tội lạ lùng trong những phút giây cuối đời đã mở ra cho người kẻ trộm bị đóng đinh bên hữu một chân trời hy vọng : “Hôm nay con sẽ ở trên thiên đường với Ta”…
Quả thật, nếu Chúa không “đi bước trước” chắc chắn con người sẽ không tự nhắc nổi mình lên để đích thân đến gặp gỡ Ngài. Kể từ biến cố “Lời đã nhập thể và ở giữa chúng ta”, khoảng cách đất- trời đã thôi cách biệt, tương quan Chúa-Người đã nối lại “nghĩa cũ tình xưa’ vốn đã bị tội lỗi làm cho ngàn trùng xa cách.
Thiên Chúa yêu thế gian nên đã đích thân đến “đi tìm từng con chiên lạc”, và cho dù con người có quên mất lối về trong phóng đảng trụy lạc bùn nhơ, thì Người cha Thiên Chúa vẫn cứ hoài mong ngóng đợi. Nếu ngày xửa ngày xưa trong thời cựu ước, Thiên Chúa đã “mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn”… để “xóa bỏ các tội phản nghịch của dân và không còn nhớ đến lỗi lầm của họ” (BĐ 1). Thì đến thời Tân Ước, Chúa Giêsu đã chen vai sát cánh cùng anh em mình lội xuống dòng sông Giođan của khổ đau thập giá để khi chỗi dậy, đứng lên, đã “kéo tất cả lên với Ngài trong cuộc sống phục sinh vinh hiển”.
Tuy nhiên, cũng có những lúc, những nơi, như biến cố người bất toại được chữa lành trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, chính những anh em bạn hữu lại là những cánh tay đắc lực để đưa anh em đến được với Thiên Chúa. Có biết bao nhiêu người đã buông mình thất vọng trong những cái chết cay đắng ê chề, hay trong những cuộc sống buồn đau tăm tối, vì không tìm thấy một bàn tay nâng đỡ đưa ra để nắm lấy, một ánh mắt nhìn để cảm thông.
Thật vậy, nếu thế giới nầy không có những con người như Mẹ thánh Têrêsa Calcutta thì biết bao trẻ em mồ côi, biết bao người già tàn tật, biết bao những kẻ bần hàn đói khát bị chà đạp và bỏ rơi bên vệ đường hành khất…sẽ hoặc kéo lê cuộc đời trong tăm tối buồn đau hoặc chết tủi thân trong nổi cô độc lạnh lùng thất vọng…
Chắc chắn cũng chính trong ý nghĩa nầy, mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chọn lời Thánh Kinh trong thư Do Thái 10,24 : “Chúng ta hãy quan tâm đến nhau, để khích lệ nhau sống bác ái và làm việc lành” (Dt 10,24), để làm chủ đề suy tư, cầu nguyện và sống cho Mùa Chay năm 2012 nầy. Chính Ngài đã nhấn mạnh rằng. (Xin trích) :
Ngày nay cũng vậy, lời Chúa kêu gọi mọi người chúng ta quan tâm đến nhau. Ngày nay Chúa cũng đòi chúng ta phải là những “người trông coi” anh chị em mình (x. St 4,9), xây dựng những tương quan ân cần đối với nhau, quan tâm đến hạnh phúc và hạnh phúc trọn vẹn của tha nhân.
… Nếu chúng ta vun trồng cái nhìn này –xem tha nhân như anh chị em mình–, thì tình liên đới, sự công chính cũng như lòng khoan dung và thương xót sẽ tự nhiên trào dâng nơi tâm hồn chúng ta. Vị Tôi Tớ Chúa Phaolô VI đã khẳng định rằng thế giới ngày nay đau khổ chủ yếu là vì thiếu tình huynh đệ : “Xã hội con người đang bệnh nặng. Nguyên do không phải vì tài nguyên cạn kiệt hoặc vì một số người nắm độc quyền thao túng, cho bằng vì thiếu tình huynh đệ giữa con người với nhau và giữa các dân tộc với nhau” (Thông điệp “Phát triển các dân tộc”, số 66).
Vâng tình huynh đệ chính là “con đường giữa sa mạc”…là “ dòng sông tại vùng đất khô cằn”, là những cánh tay của “bốn người khiêng” để biết bao nhiêu người anh em bất toại cả thể xác lẫn tâm hồn tìm được nguồn sống đích thực nơi Chúa Giêsu, Đấng đã từng tuyên bố : “Ta đến để chiên ta được sống và sống phong phú”.
Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng chờ Thiên Chúa “ra tay” chơi một đòn sấm sét như kiểu Phaolô ngã ngựa trên đường Đa-mát thì mới hy vọng đổi đời ; hay cứ ỷ nại vào sự chăm sóc nhiệt tình của anh em “cột dây thòng xuống trước mặt Chúa Giêsu” thì mới mong đứng dậy…mà phải cố gắng bằng tất cả những nỗ lực của bản thân. Người con hoang đã quyết chí “tự mình chỗi dậy đi về nhà cha”, Maria Mađalêna tự mình đến khóc dưới chân Chúa, Maria Bêtania tự mình đập bể bình dầu thơm cam tùng để xức chân Chúa, Giakê tự mình trèo lên cây sung để nhìn xem Chúa và tự mình dọn cổ đón Ngài. Tục ngữ xưa có câu “tận nhân lực tất tri thiên mệnh”. Tri thiên mệnh ở đây, trong ý nghĩa nầy, đó chính là niềm xác tín như Thánh Phaolô trong BĐ 2 hôm nay đã tuyên bố : “Chính Thiên Chúa đã đóng ấn tin trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng”, bảo chứng của tình yêu thương và tha thứ, bảo chứng của ơn cứu độ và chữa lành.
Cũng như ở tại hội quán Caphanaum hôm nào, giờ đây, Chúa Giêsu cũng đang hiện diện để trao ban Lời Hằng Sống và Bánh Trường Sinh. Không biết, có ai trong số chúng ta lại nhận được chính lời quyền năng và thân thương của Chúa : “Tội con đã được tha…Hãy đứng lên vác chõng mà về !”, để rồi từ đó, chúng ta ra đi và trở nên những “con đường giữa sa mạc cuộc đời” để dẫn đưa bao anh chị em chúng ta gặp gỡ Đức Kitô để lại được “ăn mày phép lạ”.