Tin Giáo hội 

Quan hệ Trung Quốc – Tòa Thánh đối diện nhiều thử thách

Hy vọng mỏng manh về quyền tự do của Giáo hội Trung Quốc.

Người Công giáo Trung Quốc hoan nghênh việc Đức Hồng y John Tong của Hồng Kông được bổ nhiệm vào Hồng y Đoàn mới đây.

Các chuyên gia danh tiếng khác về Giáo hội Trung Quốc cũng được Tòa Thánh nhắc đến vì có vai trò then chốt trong năm qua gồm Đức Hồng y Fernando Filoni và Đức Tổng giám mục Savio Hon, ngài hiện đang đứng đầu Thánh bộ Truyền giáo.

Một số người hoan nghênh những diễn biến này với hy vọng quan hệ giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh sẽ được cải thiện sau nhiều tháng căng thẳng do các vụ tấn phong giám mục bất hợp thức.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát Giáo hội tại Trung Quốc cho biết thay vì cải thiện họ lại lo sợ vẫn còn tình trạng bế tắc trong quan hệ hai bên.

“Hiện nay Trung Quốc mạnh và giàu có. Mặc dù có 10 hồng y am hiểu các vấn đề Trung Quốc, nhưng ai có thể nói thẳng nói thật giống như Đức Hồng y Joseph Zen? – nữ tu Beatrice Leung Kit-fun nhận xét – Bắc Kinh chỉ kính nể những nhân vật mạnh mẽ như Đức Hồng y Zen thôi, vì ngài đã được quốc tế tin tưởng.”

Theo sơ Leung, giáo sư chính trị tại Ma Cao, vào lúc này các lãnh đạo Trung Quốc có những quan tâm khác, như bảo đảm việc chuyển giao quyền lực được suông sẻ trước Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ tám vào cuối năm nay.

“Không ai dám ra quyết định về những vấn đề liên quan đến Tòa Thánh vào thời điểm quyết định này” – chị nhận định và thêm rằng việc kiểm soát chặt chẽ Giáo hội chắc sẽ tiếp tục cho đến khi đại hội đảng kết thúc.

Chị Leung nói báo chí đưa tin cựu phó thị trưởng thành phố Trùng Khánh Wang Lijun đã sang Mỹ xin tị nạn hôm 6-2 cho biết có sự bất hòa nghiêm trọng trong đảng.

“Ông Wang là viên chức cấp cao đầu tiên của Trung Quốc tìm nơi tị nạn ở nước ngoài trong 40 năm qua – chị nói – và Bắc Kinh đã hết sức chú ý đến chuyện này”.

Ren Yanli, nhà nghiên cứu về hưu tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho biết ông nghĩ việc Tòa Thánh bổ nhiệm các chuyên gia Trung Quốc có thể bị chính quyền Trung Quốc hiểu như là một “hành động thiếu thiện cảm”.

Ông nói không dễ đoán được triển vọng về quan hệ giữa Trung Quốc và Tòa Thánh trong năm nay, vì các kênh liên lạc chính thức giữa hai bên đã bị cắt đứt từ khi diễn ra các lễ tấn phong giám mục bất hợp thức.

Một nhà quan sát ở Hồng Kông là Kwun Ping-hung nói Tòa Thánh đã tha thứ cho các giám mục hợp thức tham dự các lễ tấn phong giám mục bất hợp thức và Trung Quốc đã không tấn phong ứng viên giám mục nào không có sự chấp thuận của Tòa Thánh từ tháng 7 năm ngoái. Ông nhận xét việc này sẽ “tạo ra ý nghĩa tiêu cực cho nguyên tắc và điểm mấu chốt mà mỗi bên theo đuổi” nhưng bề ngoài sẽ giúp ngăn được tình trạng quan hệ ngày càng xấu đi.

Đây có thể là “ước muốn chung nhưng chưa có sự nhất trí”, ông lưu ý, và việc này có thể trở thành nhân tố “duy trì nguyên trạng và trì hoãn thêm quan hệ giữa hai bên” trong năm nay.

Cha Mudi, bút danh của một linh mục đại lục, nói khác với quá khứ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc không bình luận gì cả sau các án phạt vạ tuyệt thông Tòa Thánh dành cho hai giám mục bất hợp thức năm ngoái, mặc dù Ban Tôn giáo nhà nước có vài lời phản đối.

“Điều đó nói lên rằng Bắc Kinh tỏ vẻ thận trọng đối với Vatican lúc nghiêm túc và theo nguyên tắc. Nhưng vì các khẩu hiệu độc lập và tự tấn phong được hô hào lớn tiếng, Trung Quốc vẫn còn phải giữ mặt mũi”, ngài nói.

Cha Mudi hy vọng làn sóng tự tấn phong sẽ tạm lắng xuống nhưng đoán rằng sẽ có nhiều cam go phía trước.

“Đừng quá nghiêm túc về quan hệ ngoại giao Trung Quốc -Tòa Thánh. Dù quan hệ ngoại giao được thiết lập, tôi vẫn hy vọng ít ỏi về việc Giáo hội Trung Quốc sẽ được hưởng tự do xứng đáng”.

Phóng viên ucanews từ Hồng Kông
China

Theo Ucanews

Related posts