Giảng lễ tĩnh tâm thứ tư 07/03/2012
TUẦN TĨNH TÂM LINH MỤC ĐOÀN GIÁO PHẬN QUI NHƠN
GIẢNG LỄ TĨNH TÂM
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Là một trong những người giàu nhất thế giới, nhưng Bill Gates và vợ mình lại không mong muốn giữ số tài sản đó cho bản thân cũng như cho ba người con của mình. Ông cho biết: “Tôi không cho rằng cho con thừa hưởng tài sản là một ý hay. Điều đó không hề tốt cho con tôi và cho xã hội này”. Thừa kế một tài sản hợp pháp, chính đáng, lương thiện mà lại là điều gì không tốt sao? Vậy mà người ta còn tính đến chuyện thừa kế một đất nước nữa đấy! Chỉ mới gần đây thôi, khi ông bố Kim Jong Il qua đời thì ông con Kim Jong Un lên thay làm lãnh đạo Bắc Triều Tiên, chúng ta chắc lưỡi chê bai rằng: thôi kệ! đó là một đất nước lạc hậu ít oi còn sót lại. Nhưng rồi nhìn lại ngay đất nước mình thì thấy cũng không thiếu những ví dụ cụ thể, ông bố làm lớn thì mấy cậu ấm cũng len lỏi chiếm một vị trí nhất định nào đó, ta lại chép miệng: ôi! chuyện thế gian! Thế nhưng bài Tin Mừng hôm nay khiến mấy cái chép miệng của chúng ta trở nên vô duyên: ám ảnh quyền lực có thể hiện diện ngay những nơi được cho là thánh thiện nhất. Sau khi loan báo cuộc khổ nạn lần thứ ba thì ba mẹ con nhà Zêbêđê đã đến xin Chúa Giêsu một chỗ ngồi bên hữu bên tả. Họ đã đi một nước cờ độc và chiếm ưu thế trong cuộc chiến tranh giành quyền lực này: thứ nhất là họ đã đi bước trước và thứ đến là lợi dụng được mối quan hệ họ hàng. Thật đáng buồn là cả ba lần Chúa Giêsu loan báo khổ nạn đều gặp phải tình huống dỡ khóc dỡ cười này. Các môn đệ chỉ nghĩ đến vinh quang của chính mình hơn là sự đau khổ mà Chúa Giêsu sắp phải chịu. Các ông vẫn nhắm mắt trước cảnh báo về cuộc khổ nạn và mở to cặp mắt ra trước vinh quang thế trần. Riêng các ông Giacôbê và Gioan đã có được một vị trí nhất định trong nhóm 12. Cùng với Thánh Phêrô, họ làm thành một nhóm thân cận với Chúa Giêsu, và dường như những biến cố quan trọng đều có mặt các ông. Thế nhưng dường như vị trí ấy vẫn chưa đủ đối với họ.
Lời yêu cầu bạo dạn đã gây bất bình trong nhóm môn đệ khiến cho Thánh Matthêu tìm cách bao che và làm dịu đi tình hình căng thẳng khi gán những lời này cho bà mẹ trong khi ở Tin Mừng Marcô 10, 35-41 thì nói rõ ràng chính các ông con đưa ra lời cầu xin. “Bà mẹ của các con ông Zêbêđê” này là ai? Tại sao không gọi là “vợ ông Zêbêđê” cho đơn giản? Có thể rằng ông Zêbêđê đã chết nhưng lý do quan trọng hơn là vì lời cầu xin của bà mẹ này có liên quan đến các ông con chứ không quan đến người chồng. Theo truyền thuyết thì có thể bà mẹ này là bà Salômê (Mc 15, 40), người chị em của Đức Maria. Như thế bà là dì của Chúa Giêsu và các ông Giacôbê và Gioan là anh em họ với ngài. Thế nhưng Thánh Matthêu dù có cố gắng giấu đầu thì cũng bị lòi đuôi, vì khi trả lời cho “lời đề nghị khiếm nhã” của bà mẹ, Chúa Giêsu đã dùng một đại từ nhân xưng ở số nhiều: “Các người không biết các người xin gì. Các người có uống chén nổi chén Thầy sắp uống không?” (Mt 20, 22). Rõ ràng những lời này không trả lời cho riêng bà mẹ. Chúa đã nói với chính hai ông hơn là nói với bà mẹ. Và dường như câu trả lời càng trở nên cực kỳ hóm hỉnh vào cuối cuộc khổ nạn. Nếu chúng ta cho rằng thập giá là vinh quang thì trên đỉnh vinh quang thập giá, người bên hữu bên tả là hai tên trộm chứ không phải là anh em nhà Zêbêđê. Một lời nhắn nhủ gì chăng?
Suốt những năm tháng rao giảng, Chúa Giêsu đã từng luôn nhấn mạnh rằng sự cao trọng được đo bằng cây thước khiêm nhường, bằng con đường tự hạ (Mt 18, 1-4), rằng ơn cứu rỗi thuộc về trẻ nhỏ và những ai giống như chúng (Mt 19, 14), và rằng sự nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa là điều cần thiết để có thể bước vào Nước Trời vì cánh cửa vào đó chỉ bằng một “lỗ kim”. Ngài đã từng dạy rằng làm việc cho Chúa thì không cần phải luôn đặt câu hỏi “Tôi sẽ nhận lãnh lại được gì?” và người cuối cùng trong ngày cuối cùng sẽ là người trước hết (Mt 19, 30; 20, 16). Anh em nhà Zêbêđê đã từng nghe những lời dạy dỗ này nhưng có bao giờ họ khắc ghi trong tâm hồn đâu?
Chúa Giêsu luôn nói: “Trong các con thì không phải như vậy”. Phẩm trật trong Nước Trời theo một trật tự khác hẳn với thế gian: người lớn nhất không phải là người trên cùng mà là người phục vụ. Do đó dẫn đến vấn đề thứ hai là con đường đi đến sự cao trọng là một con đường khác hẳn: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em. Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20, 23)
Con người đến “không phải để được phục vụ mà là để phục vụ”. Một bài học quá khó nhưng rất cần thiết. Nicholas Herman là một binh sĩ người Pháp sống ở thế kỷ XVII. Khi nhìn ngắm những cây khô trụi lá vào mùa Đông nhưng chỉ trong một thời gian rất ngắn bổng nhiên hồi sinh thật mạnh mẽ vào mùa Xuân, ông đã cảm nhận được tình yêu và sức mạnh của Thiên Chúa. Sau khi mãn hạn quân dịch năm 1666, anh đã vào Dòng Carmel và trở thành Thầy “Laurent de la Réssurection”. Vào nhà Dòng, thầy được chỉ định phụ trách bếp. Thoạt đầu thầy rất ghét công việc này, nhưng dần dà thầy đã cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa trong công việc khiêm hạ hằng ngày này. Thầy đã biến căn bếp thành ngôi nhà nguyện và có thể cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của nồi niêu soong chảo, xin hãy làm cho con nên thánh qua việc nấu ăn và rửa chén bát”. Vậy mà lời cầu của Thầy đã trở thành lời nguyện khuôn mẫu để nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa ngay trong những tưởng chừng như không có. Thầy Laurent đã chọn sự khiêm hạ và đã nắm được chiếc ghế ngồi tả hữu qua sự khiêm hạ phục vụ.
Trong bài “Linh mục theo quan niệm Bernanos” (Nguyệt san Sacerdos số 55/1966, trang 31), linh mục Pierre de Boisdeffre chia sẻ rằng: “Theo Bernanos, cám dỗ lớn nhất của linh mục là tìm cách che đậy sự tầm thường của mình bằng cái áo chức vị, một chức vị không phải là của mình”. Vậy thì chức vị linh mục đến từ đâu? Đức Thánh Cha Piô XI, trong Thông điệp “ad catholici sacerdotii” số 34 đã nói rằng: “Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã truyền cho các thầy tư tế và Lêvi rằng: “Hãy thánh thiện bởi vì Ta thánh thiện”. Trong bài thánh ca cung hiến đền thờ, vị vua khôn ngoan Salômon cũng cầu xin như thế cho con cái của Aaron: “Xin hãy khoát cho các tư tế của ngài chiếc áo công chính”. Vì thế các anh em linh mục có thể cùng tự hỏi với Thánh Robertô Bellarminô rằng: “Nếu các tư tế (ngày xưa) chỉ dâng hiến chiên bò và chúc tụng Thiên Chúa chỉ để được nhận lãnh lời chúc phúc mà còn bị khe khắc đòi hỏi phải có sự đạo đức, thánh thiện và cao trọng dường ấy thì linh mục chúng ta còn phải được đòi hỏi như thế nào khi dâng hiến Con Chiên Thiên Chúa và dâng lời tạ ơn để nhận lãnh phúc lành trường sinh?”. Thánh Laurensô Justinianô cũng nói rằng: “Linh mục có phẩm tước cao trọng nhưng trách nhiệm cũng cao vời như vậy. Họ chiếm vị trí cao cả trước mặt người đời nhưng họ cũng phải tự nâng mình lên đến đỉnh cao của nhân đức trước mắt Đấng nhìn thấy tất cả, nếu không, sự cao trọng không phải là công trạng mà là sự kết án dành cho họ”.
Vậy thì không phải vô ích khi chúng ta suy gẫm những lời nói của Jeanne, một nhân vật của Georges Bernanos, một tiểu thuyết gia Công giáo người Pháp quan tâm đến các vấn đề lớn như sự nghèo khó, sự thánh thiện và sự chết. Jeanne nói rằng: “Giáo Hội của chúng ta là giáo hội của các thánh. Những người đến với thái độ khinh khi sẽ chỉ nhìn thấy những cánh cửa đóng kín, những hàng rào. Tắt một lời, họ sẽ nhìn thấy chúng ta là những cảnh binh tinh thần. Nhưng Giáo Hội của chúng ta là giáo hội các thánh. Để trở nên một vị thánh, giám mục sẽ vội vã cởi bỏ nhẫn vàng mũ ngọc đi, một hồng y sẽ cởi ngay phẩm phục, một giáo hoàng sẽ bước xuống kiệu và bỏ mặc lính hầu, bởi vì ai mà chả thích dấn thân vào cuộc phiêu lưu lạ lùng này chứ? Vì sự thánh thiện chính là một cuộc phiêu lưu, cuộc phiêu lưu duy nhất ở đời này…”
Vài hình ảnh về buổi hội thảo, tĩnh tâm linh mục Qui Nhơn 2012