Giáo lý 

Nên xức tro cho trẻ nhỏ và người ngoài Công giáo không?

ROMA – Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, giáo sư phụng vụ tại đại học Regina Apostolorum (Nữ vương các thánh Tông đồ), Roma.

xuctroCâu hỏi 1: Trong ngày thứ Tư Lễ Tro, có thích hợp cho trẻ em được xức tro không? Công thức “Hãy sám hối và tin vào Tin mừng” ngụ ý rằng người nhận tro có khả năng phạm tội. Chúng ta thường xem tuổi khôn là khoảng 7 tuổi. Cha mẹ thường đem theo trẻ nhỏ, từ bé nhỏ ẵm trên tay, đến trẻ mới biết đi, đến trẻ 4-5 tuổi, và muốn cho con cái được xức tro nữa. Việc xức tro như thế có thích hợp không, trong khi trẻ nhỏ chưa hiểu điều chúng tham gia? – E.K., Toronto, Canada

Câu hỏi 2: Một câu hỏi về ngày thứ Tư Lễ Tro: Có các hạn chế cho việc xức tro không, nghĩa là ai là thích hợp để được xức tro? Người không Công giáo và trẻ nhỏ đã rửa tội có thể được xức tro không? Có các qui định về việc xức tro không, và các qui định này được tìm thấy ở đâu? Giả định rằng bất cứ ai cũng có thể được xức tro, bất kể tuổi tác hay tôn giáo. Điều này có đúng không? – S.M., Indianapolis, Indiana, Mỹ.

Trả lời: Các quy định liên quan đến việc xức tro là ít ỏi, và dường như không đặt bất kỳ hạn chế cụ thể nào về việc xức tro cho ai.

Chữ đỏ của Sách Lễ chỉ nói đơn giản rằng “linh mục đặt tro trên đầu của những người có mặt tại chỗ và đến với ngài…”

Thánh Bộ Phụng tự đã xuất bản một thư luân lưu về việc cử hành xức tro vào năm 1988. Về thứ Tư Lễ Tro, thư luân lưu nói:

“21. ‘Ngày thứ tư trước Chủ Nhật 1 Mùa Chay, các tín hữu được xức tro, đi vào một thời kỳ qui định cho việc thanh luyện linh hồn họ. Dấu hiệu thống hối này, một sự thống hối theo truyền thống Kinh Thánh, đã được duy trì trong số các tập tục của Giáo Hội cho đến ngày nay. Nó biểu thị thân phận của con người là người có tội, người tìm cách bày tỏ cảm thức tội lỗi của mình trước mặt Chúa một cách bên ngoài, và bằng cách đó diễn tả sự hoán cải nội tâm của mình, được dẫn dắt bởi niềm hy vọng rằng Chúa sẽ thương xót mình. Dấu hiệu này đánh dấu sự khởi đầu của con đường hoán cải, vốn được triển khai thông qua việc cử hành bí tích sám hối trong những ngày trước lễ Phục Sinh.’

“Việc làm phép tro và xức tro có thể diễn ra trong Thánh Lễ hoặc ngoài Thánh Lễ. Trong trường hợp thứ hai (ngoài Thánh lễ), nó là một phần của phụng vụ Lời Chúa và kết thúc với lời nguyện tín hữu.”

Mặc dầu rõ ràng rằng trẻ nhỏ không cần phải ăn năn thống hối hoặc làm việc đền tội, tôi thấy không có lý do gì để từ chối xức tro cho trẻ nhỏ, nếu cha mẹ các em đưa các em đến. Hành động này có thể dùng như một phương tiện để giáo dục các em trong truyền thống Công giáo, cũng như việc cha mẹ sẽ dạy các em làm dấu Thánh giá, và thường xuyên đưa các em đi lễ nhiều năm, trước khi các em rước lễ vỡ lòng.

Trong ngày Thứ Tư Lễ Tro, nhiều người, bao gồm nhiều người Công giáo không thường xuyên sống đạo, xin được xức tro. Không có lý do chính đáng nào để từ chối bất cứ ai, và thực sự cử chỉ này có thể thắp lên một tia sáng của sự ăn năn thống hối.

Tôi tin rằng hầu hết các tín đữu Tin Lành, nhất là tín hữu Hội thánh Tin lành Phúc âm (Evangelical), sẽ không bao giờ mơ ước sử dụng một á bí tích Công giáo. Tuy nhiên các tín hữu Tân giáo (Episcopalian) và một số người khác, những người có thể không ở gần một nhà thờ riêng của họ, có thể quyết định nhận tro tại một buổi lễ Công giáo.

Bởi vì việc xức tro là một dấu hiệu của sự ăn năn, và không nhất thiết phải bao hàm sự hiệp thông đức tin, tôi nghĩ rằng việc xức tro có thể được thực hiện, ngay cả khi linh mục biết rằng họ không phải là người Công giáo.

Nói tóm lại, tôi nghĩ rằng việc thực hành tốt nhất là tin vào thiện ý của những người xin xức tro, và không lo lắng về động lực hay xuất xứ của họ.

Không giống như trường hợp Rước Lễ, dường như không có nguy hại nào đến từ việc được xức tro, và đôi khi Thiên Chúa có thể sử dụng những giây phút này để tạo sự lành cho nhiều người. (Zenit.org 13-3-2012)

Nguyễn Trọng Đa

Vietcatholic News

Related posts