Thánh Thể 

Giờ chầu Thánh Thể 4 (1)

GIƠ CHẦU THÁNH THỂ 4

Suy niệm và cầu nguyện dựa vào Thánh Vịnh 23

Chủ đề của giờ chầu 4 : Chúa Giêsu là Mục Tử nhân lành hiện diện trong Bí tích Thánh Thể: Chúa ở với chúng ta ngày đêm để làm tươi trẻ linh hồn ta, nuôi dưỡng tinh thần ta và thỏa mãn các nhu cầu của ta khi ta đến gặp Ngài trong Bí tích Thánh Thể

Thánh vịnh 23 : Chúa là Mục Tử nhân lành.

Đáp. Chúa Giêsu ngự trong BT Thánh Thể là Mục Tử nhân lành của tôi.

Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi.

Đáp. Chúa Giêsu ngự trong BT Thánh Thể là Mục Tử nhân lành của tôi.

Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dẫu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.

Đáp. Chúa Giêsu ngự trong Thánh Thể là Mục Tử nhân lành của tôi.

Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn
chan chứa.

Đáp. Chúa Giêsu ngự trong BT Thánh Thể là Mục Tử nhân lành của tôi

Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài
triền miên.

Đáp. Chúa Giêsu ngự trong BT Thánh Thể là Mục Tử nhân lành của tôi

Suy niệm: Chúa Giêsu mô tả người mục tử nhân lành là người không bỏ chạy, nhưng ở lại với đàn chiên. Trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Kitô đúng là “Emmanuen, Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Ngày lẫn đêm, Ngài vẫn ở giữa chúng ta, Ngài ở với chúng ta mang theo ân sủng và sự thật. Ngài phán: “Ta là bánh sự sống”. Chúng ta cầu nguyện với Ngài “Lạy Mục Tử nhân lành” vì tình Ngài yêu ta là một tình yêu riêng tư, Dù ai cũng được Ngài yêu thương vô hạn, nhưng Ngài yêu thương bạn như thể trên đời này chỉ có mình bạn. Bí tích Thánh Thể là chính Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành đang ở trước mặt bạn chỉ vì yêu thương bạn. Ngài có mặt ở đây để lôi kéo bạn xích lai gần Ngài hơn, để đào sâu mối tình và quan hệ bằng hữu giữa bạn với Ngài. Tình yêu cá nhân riêng tư ấy đã được đức giáo hoàng Gioan Phaolo 2 mô tả như thế, khi bảo: “Chúa Giêsu đang chờ đợi chúng ta trong Bí tích Thánh Thể. Vì Ngài ban cho chúng ta mọi sự chúng ta cần, nên tôi chẳng thiếu thốn chi”. Ngài muốn qua đó gợi cho chúng ta thấy ta chỉ thiếu Ngài và Thánh Ý của Ngài. Bằng cách ấy chúng ta sẽ “nghỉ ngơi” trong tình yêu trái tim Thánh Thể của Ngài. “Đồng cỏ xanh tươi”chính là các ơn thánh mới lạ Ngài dùng để bổ dưỡng linh hồn chúng ta. Ngài dẫn chúng ta đến với Bí tích Thánh Thể để mời chúng ta uống tận “dòng nước trong lành”, suối cứu độ chẩy ra từ những vết thương vinh hiển bất diệt của Ngài, nhờ đó chúng ta luôn luôn được lành bệnh. Trong Bí tích Thánh Thể, “Ngài sẽ khôi phục lại tinh thần của ta, dưỡng nuôi các nhân đức, an ủi kẻ phiền muộn, củng cố người yếu đuối”(Mysterium Fidei). “Vì danh dự của Ngài” nghĩa là Ngài luôn luôn trung thành với chúng ta và với tất cả các lời Ngài đã hứa với chúng ta. Không có gì là xấu xa đáng sợ khi ta được mời gọi tin rằng Chúa đang kiểm soát mọi sự. Từ bất cứ sự dữ nào mà Ngài đã cho phép xẩy ra, Ngài sẽ chỉ rút ra cho ta những điều tốt lành thôi. Côn trượng Ngài chính là sức mạnh Ngài sẽ ban cho ta trong Bí tích này. Ngài mạnh gấp ngàn lần hơn tất cả đạo binh hỏa ngục hợp lại. “Yến tiệc” nói trong Thánh vịnh này chính là Chúa Giêsu, Đấng đã từng phán: “Ta là bánh ban sự sống”. Tình yêu Chúa chính là lương thực Ngài sẽ dọn cho chúng ta. Tình yêu ngập đầy ân sủng, bình an và niềm vui mà Ngài ban cho ta khi ta đến với Ngài trong Bí tích Thánh Thể đã được chuẩn bị sẵn cho ta trên Núi Sọ. Ngày Thứ Năm Tuần Thánh luôn đi đôi với ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, như Bí tích Thánh Thể là hoa quả của cuộc khổ nạn mà Chúa phải chịu. Cũng như lúa phải nghiền nát ra trước khi trở thành bánh, Chúa Giêsu cũng phải bị nghiền nát trên thập giá để trở thành lương thực thiêng liêng cho chúng ta. Ngài phải chịu hành hạ, tra tấn để cho ta được an ủi; phải chịu khai trừ để ta được yêu thương; phải chết trong bóng tối để ta có đươc ánh sáng hy vọng; phải chịu lưỡi đòng đâm thấu tim để ta hứng được sự bình an. Hình ảnh một ly nước đầy tràn là biểu tượng Chúa ban cho chúng ta nhiều hơn cả mức chúng ta xin, dù không phải lúc nào ta cũng cảm nhận được điêu đó. Cho dù có dâng hy tế nào để làm nên giờ chầu đi nữa, hy tế đó vẫn không thể nào sánh được với hy tế ta đang nhận được bây giờ và mãi mãi. “Lòng nhân hậu và tình thương” đúng là tên gọi và là con người của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, Đấng đã ở với chúng ta”suốt cả cuộc đời chúng ta”. Vì lẽ đó, chúng ta ao ước được ở lại với Ngài “trong đền Ngài”

Thánh vịnh 123

Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể chính là niềm hy vọng không suy suyễn của dân Ngài

Đ. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Con ngước mắt hướng nhìn lên Chúa, Đấng đang ngự trên trời. Quả thực như mắt của gia nhân hướng nhìn tay ông chủ,

Đ. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Như mắt của nữ tỳ hướng nhìn tay bà chủ, mắt chúng ta cũng hướng nhìn lên Chúa, là Thiên Chúa chúng ta, tới khi Ngài xót thương chút phận

Đ. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Dủ lòng thương, lạy Chúa, xin dủ lòng thương, bởi chúng con bị khinh miệt ê chề; hồn thật quá ê chề vì hứng chịu lời nhạo báng của phường tự mãn, giọng khinh người của bọn kiêu căng.

Đ. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, con ngước mắt hướng nhìn lên Chúa, Đấng đang ngự trong Bí tích Thánh Thể.

Suy niệm: Chúa Giêsu bảo Tôma: “Phúc cho ai không thấy mà tin”. Lòng tin chính là điều Chúa muốn tìm nơi những kẻ theo Ngài. Vì nhìn với ánh sáng đức tin, nên bạn tin tưởng Ngài và đến thờ lạy Ngài. Giả như Chúa Kitô được vinh quang có thể thấy được trong Bí tích Thánh Thể, thì bạn sẽ chẳng có công trạng gì khi đến viếng Thánh Thể. Giả như Ngài tỏ vinh quang rạng rỡ cho ta thấy được thì hẳn cả thế giới sẽ có mặt ở đây. Nhưng Ngài vẫn giấu mình đi, để với lòng tin khi viếng Chúa, bạn có thể tôn vinh Chúa Cha. Chính vì thế, đức giáo hoàng Phaolo VI trong “Kinh tin kính của dân Chúa” đã nói rằng: “Bổn phận hết sức dịu dàng của chúng ta là tôn vinh và thờ lạy Ngôi Lời Nhập thể mà ta không thấy được. Và tuy vẫn ở trên trời, Ngài đã xuất hiện trước mắt chúng ta nơi Bánh thánh mà ai cũng thấy”. Khi ở trước mặt Ngài trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta tựa như các mục đồng được tuyển chọn và ưu đãi được gọi đến và thờ lạy Ngài tại Belem, hay như Mẹ Maria, Gioan, Macdala khi đứng dưới chân thánh giá, hoặc như hai môn đệ đi về Emmau đã nhận ra Ngài khi Ngài bẻ bánh. Thánh vinh 123 bắt đầu với câu: “Con ngước mắt hướng nhìn lên Chúa”. Chúng ta ngước mắt nhìn lên Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể vẫn đang ở với chúng ta và trên triều đình thiên quốc. Với đức tin, chúng ta thấy được chiều sâu của tình yêu, và sự khiêm tốn của Ngài trong Bí tích Thánh Thể, là hoa trái của cuộc Khổ nạn trên thánh giá. Chúng ta xin Ngài cho chúng ta trở thành những người có những nhận thức của Ngài bằng cách luôn luôn tìm kiếm thánh ý Ngài. Buồn bã, than trách và ích kỷ là do ta cứ dán mắt nhìn vào mình. Còn khi đưa mắt và đưa ý chí lên với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, ta sẽ được Ngài biến đổi trong lửa tình yêu của Ngài.

Thánh vịnh 92.

Đ. Cảm tạ Chúa ngự trong Bí tích Thánh thể quả là việc tốt lành.

Thú vị thay được tạ ơn Chúa, được mừng hát danh Ngài, lạy Đấng Tối cao, được tuyên xưng tình thương của Ngài từ buổi sớm, và lòng thành tín của Ngài lúc canh khuya, hòa điệu sắt cầm gieo trầm bổng, nhè nhẹ vấn vương khúc tỳ bà.

Đ. Cảm tạ Chúa ngự trong Bí tích Thánh Thể quả là việc tốt lành

Lạy Chúa, sự nghiệp Ngài khiến con mừng rỡ, thấy việc tay Ngài làm, con phải reo lên: Lạy Chúa, công trình Ngài xiết bao vĩ đại, tư tưởng Ngài thâm thúy lắm thay ! Người khờ dại nào đâu có biết, kẻ ngu si chẳng hiểu điều này.

Đ. Cảm tạ Chúa ngư trong Bí tích Thánh Thể quả là việc tốt lành.

Bọn bất nhân dầu sởn sơ như cỏ, phường gian ác có đua nở khoe tươi, cũng là để bị diệt trừ vĩnh viễn. Còn Chúa, Ngài cao cả đến muôn đời. Kìa những kẻ thù Ngài, lạy Chúa, kìa những kẻ thù Ngài tiêu vong, bọn gian ác đều rã tan hết thảy.

Đ. Cảm tạ Chúa ngự trong Bí tích Thánh Thể quả là việc tốt lành.

Ngài cho con ngẩng đầu hãnh diện, tựa như trâu ngạo nghễ giương sừng. Thân con, Ngài xức dầu thơm mát. Mắt con nghênh những kẻ địch thù, tai nghe biết lũ hại con mạt vận. Người công chính vươn lên tựa cây dừa tươi tốt, lớn mạnh như hương bá Libăng.

Đ. Cảm tạ Chúa ngự trong Bí tích Thánh Thể quả là việc tốt lành

Được trồng nơi nhà Chúa, mơn mởn giữa khuôn viên đền thánh Chúa ta; già cỗi rồi vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn, để loan truyền rằng: Chúa thực là ngay thẳng, là núi đá cho tôi ẩn náu, nơi Người chẳng có chút
bất công.

Đ. Cảm tạ Chúa ngự trong Bí tích Thánh Thể quả là việc tốt lành. Được trồng nơi nhà Chúa, tôi sẽ tươi tốt trong tình yêu Ngài.

Suy niệm: Chúa Giêsu là Đấng được quý trọng nhất. Trái Tim Ngài xúc động khi thấy người phong cùi lành bệnh trở lại cám ơn. Ngài chỉ cho người Pharisêu thấy lòng tri ân của Maria Macdala. Kẻ trộm lành đã “ăn trộm” được Nước Trời nhờ những lời khiêm hạ anh ta nói với Chúa Kitô trên thập giá.

Thánh vịnh 92 là môt lời nguyện tạ ơn. Phaolo bảo ta hãy hết lòng cảm tạ. Một lần nữa, chúng ta lại làm Trái Tim Chúa cảm kích khi “cảm tạ Ngài”. Lời cảm tạ của chúng ta chính là điệu nhạc làm Chúa ưng ý hơn cả.

Trước hết, chúng ta cảm tạ Chúa vì hồng ân cao cả Ngài ban là Bí tích Thánh Thể. Cái giá mà Ngài phải trả để mua hồng ân ấy chính là những đau khổ Ngài phải chịu trên Núi sọ. Chúng ta “tuyên xưng” tình thương của Ngài bằng cách bầy tỏ một cử chỉ đức tin đối với Ngài đang hiện diện thật trong Bí tích Thánh Thể.

“Lạy Chúa, sự nghiệp Ngài khiến con mừng rỡ” có nghĩa là mọi sự Chúa Kitô làm từ khi sinh ra đến lúc chết và sống lại đều là vì tình thương Ngài dành cho riêng bạn. “Kẻ ngu si chẳng hiểu điều này”, vì bản tính con người thường hay phàn nàn về những gì khó chịu, mà “không lo tìm Nước Thiên Chúa và đường thánh thiện của Người trước”

Bí tích Thánh Thể là công trình vĩ đại của tình yêu Thiên Chúa, vì qua đó, Chúa Kitô tiếp tục hiện diện và kéo dài các mầu nhiệm cứu độ. Lại một lần nữa, “kẻ ngu si chẳng hiểu điều này”, vì nó chỉ tìm những sự mau qua trên đời này và chỉ nhận thức bằng giác quan.

“Được trồng nơi nhà Chúa”, người ta sẽ lớn lên mạnh mẽ phương phi như “trâu ngạo nghễ giương sừng”. Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể là “núi đá” vì Ngài là sức mạnh của ta và chỉ nơi Ngài ta tìm được an toàn và con người thật của mình. “Nơi Ngài chẳng có chút bất công” vì Ngài toàn thiện, rất mực yêu thương. Chỉ có sự dữ nơi kẻ dữ, và nơi thế giới vô đạo. Bất cứ sự gì Ngài cho phép xẩy đến với chúng ta, chúng ta phải yêu thương đón nhận và tin rằng đó là để phục vụ linh hồn ta và vinh quang Thiên Chúa Cha.

Nhân vật trong một câu chuyện Tin mừng nọ ra khỏi đền thờ và được nên công chính là do nhận biết mình là kẻ có tội. Trong Thánh vịnh này, chúng ta cũng làm một việc tương tự: “Lạy Chúa, xin dủ tình thương xót chúng con”. Đó là lời cầu nguyện thống hối, lời cầu nguyện xin được ơn hoán cải liên tục cho tới khi ta trở nên một với Thiên Chúa. Chúng ta khiêm tốn nhìn nhận tình trạng tội lỗi của mình để Chúa đổ tình thương xuống trên chúng ta. Sau khi đi xưng tội về, chúng ta sẽ lại có ý hướng khiêm tốn như thế trong lần xưng tội tới.

Khi ra trước mặt Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, ta lại thấy Ngài sẵn sàng mở các cửa từ bi để đổ lòng thương xót xuống trên ta và trên nhân loại. Chúng ta xin Ngài thương xót không chỉ cho chúng ta mà còn cho cả nhân loại. Phải lấy lời cầu xin của Chúa Giêsu làm của mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ”. Một lần nữa, chúng ta dâng lên Chúa Cha mọi công trạng của Chúa Giêsu, các vết thương của Ngài (mà lúc này đã trở nên đẹp đẽ, vẻ vang trên thiên đàng) để Chúa đoái thương toàn dân.

Thánh vịnh 42.

Khát mong nhìn thấy Chúa hiện diện trong Đền thờ

Đ. Lạy Chúa Giêsu, con khát khao tình yêu của Chúa trong Bí tích Thánh Thể.

Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa.

Đ. Lạy Chúa Giêsu,con khát khao tình yêu của Chúa trong Bí tích Thánh Thể.

Linh hồn con khát khao Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống. Bao giờ con được vào bệ kiến Tôn Nhan ?

Đ. Lạy Chúa Giêsu, con khát khao tình yêu của Chúa trong Bí tích Thánh Thể.

Châu lệ là cơm bánh đêm ngày, khi thiên hạ thường ngày cứ hỏi: “Này Thiên Chúa ngươi đâu ?”

Đ. Lạy Chúa Giêsu, con khát khao tình yêu của Chúa trong Bí tích Thánh Thể.

Tôi thả hồn miên man tưởng nhớ thuở tiến về lều thánh cao sang, đến tận Nhà Thiên Chúa, cùng muôn tiếng reo mừng tán tạ, giữa sóng người trẩy hội tưng bừng.

Đ. Lạy Chúa Giêsu,con khát khao tình yêu của Chúa trong Bí tích Thánh Thể.

Hồn tôi ơi, cớ sao phiền muộn, xót xa phận mình mãi làm chi ? Hãy cậy trông Thiên Chúa, tôi còn tán tụng Người, Nguời là Đấng cứu độ, là Thiên Chúa của tôi.

Đ. Lạy Chúa Giêsu, con khát khao tình yêu của Chúa trong Bí tích Thánh Thể.

Lạy Chúa, con chìm sâu trong phiền muộn, nên chi từ giải đất Giođan, cũng như rặng Khemon cao ngất và núi nhỏ Mixa, con tưởng nhớ đến Ngài. Kìa vực thẳm kêu gào vực thẳm, khi tiếng thác của Ngài tuôn đổ ầm vang, sóng cồn theo nước cuốn, Ngài để cho tràn ngập thân này.

Đ. Lạy Chúa Giêsu, con khát khao tình yêu Chúa trong Bí tích Thánh Thể.

Ban ngày Chúa gửi tình thương xuống, con ngâm nga bài thánh nhạc thâu đêm thành kinh nguyện dâng Chúa Trời nguồn sống.

Đ. Lạy Chúa Giêsu, con khát khao tình yêu của Chúa trong Bí tích Thánh Thể.

Con thưa cùng Thiên Chúa, là núi đá bảo vệ đời con: “Chúa quên con sao đành ? Sao con phải lang thang tiều tụy, bị quân thù áp bức mãi không thôi ? Xương cốt con gẫy rời từng khúc, bởi đối phương lăng nhục thân này, khi thiên hạ thưòng ngày cứ hỏi : “Này Thiên Chúa ngươi đâu ?”

Đ. Lạy Chúa Giêsu, con khát khao tình yêu Chúa trong Bí tích Thánh Thể.

Hồn tôi ơi, cớ sao phiền muộn, xót xa phận mình mãi làm chi ? Hãy cậy trông Thiên Chúa, tôi còn tán tụng Người, Người là Đấng cứu độ, là Thiên Chúa của tôi.

Đ. Lạy Chúa Giêsu, con khát khao tình yêu của Chúa trong Bí tích Thánh Thể. Chúa là Đấng cứu độ và là Thiên Chúa của con.

Suy niệm và cầu nguyện: Thánh Au-tinh nói: “Tâm hồn chúng ta được dựng nên cho Chúa và chỉ yên nghỉ khi nào ở trong Ngài”. Như nai rừng khát mong “suối nước trong”, hồn chúng ta cũng khát khát khao tình yêu Chúa. Thế nhưng, Ngài còn khát khao chúng ta nhiều hơn chúng ta khát khao Ngài nữa. Vì thế, Ngài mới ở lại với chúng ta trong Bí tích Thánh Thể cả ngày lẫn đêm. Bánh Thánh mà bạn thấy nơi hào quang (mặt nhật) là chính Chúa Giêsu, Con Chiên Thiên Chúa, Đấng đang hô to: “Ai khát hãy đến cùng Ta, ai tin vào Ta, hãy uống nước. Vì, như có lời Kinh Thánh: “Từ lòng Ngài sẽ chẩy ra Nước Hằng Sống”. (Ga 7, 37-39). “Nước hằng sống” ở đây là ơn yêu thương, bình an và vui tươi tuôn đổ từ Trái Tim Thánh Thể cho mọi kẻ tìm đến với Chúa Giêsu. Nước vốn cần thiết cho sự sống trên trái đát để làm tươi mát, no thỏa và đổi mới thế nào, thì ơn Chúa cũng cần thiết cho sự sống linh hồn như thế. Không cần biết trong lòng chúng ta cảm thấy thế nào, khi ta nói lên mình khao khát kết hơp với Ngài là ta đã ca ngợi Thiên Chúa. Đó chính là chủ đề của thánh vịnh 42. Nếu như Chúa Giêsu xuất hiện trong vinh quang thần thánh của Ngài, thì phía chúng ta sẽ không cần đức tin hay có công trạng gì. Nhưng thần tính Ngài vẫn tiếp tục giấu ẩn trong Bí tích Thánh Thể trước mắt chúng ta như xưa đã từng giấu ẩn đàng sau nhân tính của Ngài khi còn là trẻ sơ sinh ở Belem, khi còn là thợ mộc ở Nagiaret, khi là một tử tội trên Núi Sọ.

Chúng ta chỉ nhìn thấy Thiên Chúa một cách trực tiếp trong Bí tích Thánh Thể khi chúng tin vào sự hiện diện thật của Ngài ở đó và tin vào lời Ngài phán: “Ta là Bánh Trường Sinh từ trời xuống” để “lấy thịt mình nuôi thế gian được sống”. Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta nhìn thấy khuôn mặt của một Thiên Chúa khiêm nhu và yêu thương vô hạn, vẫn tiếp tục trút bỏ hết mọi sự của mình, không coi việc ngang hàng với Thiên Chúa như một điều gì phải bám lấy; nhưng đã mặc lấy một dáng dấp khác để dậy chúng ta rằng phải có thái độ như Đức Kitô: ngoan ngoãn chấp nhận chết cho mình và ý riêng của mình để sống trong Chúa và cho Chúa (Pl 2,6-8). Linh hồn chúng ta sẽ rơi vào phiền muộn khi chúng ta muốn một điều khác với điều Chúa muốn cho chúng ta. Cậy trông vào Chúa là ao ước chiếm lấy Chúa và coi thánh ý của Ngài là khát vọng duy nhất của lòng ta.

“Vực thẳm kêu gào vực thẳm”, đó chính là hình ảnh diễn tả tình yêu vô hạn của Chúa Kitô; Ngài đang mời gọi bạn kết hợp với Ngài.

Thánh Vịnh 118

Đ. Hãy cảm tạ Chúa trong Bí tích Thánh Thể vì Ngài nhân lành.

Hãy tạ ơn Chúa, vì Chúa nhân từ, “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” It-ra-en hãy nói lên rằng: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. Nhà A-a-ron hãy nói lên rằng; “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”.

Đ. Hãy cảm tạ Chúa trong Bí tích Thánh Thể vì Ngài nhân lành.

Giữa cảnh gian truân tôi đã kêu cầu Chúa, Chúa đáp lời và giải thoát tôi. Có Chúa ở cùng tôi, tôi chẳng sợ gì, hỏi nguời đời làm chi tôi được? Có Chúa ở cùng tôi mà bênh đỡ, tôi dám nghênh lũ địch thù tôi.

Đ. Hãy cảm tạ Chúa trong Bí tích Thánh Thể vì Ngài nhân lành.

Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời thì hơn tin cậy ở người
trần gian; cậy vào thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời.

Đ. Hãy cảm tạ Chúa trong Bí tích Thánh Thể vì Chúa nhân lành.

Chư dân xúm lại bủa vây tôi, nhờ danh Chúa tôi đã trừ diệt chúng. Chúng bủa vây tôi trùng điệp tư bề, nhờ danh Chúa tôi đã trừ diệt chúng. Chúng bủa vây tôi như thể bầy ong, chúng như lửa bụi gai cháy bừng bừng, nhờ danh Chúa tôi đã trừ diệt chúng.

Đ. Hãy cảm tạ Chúa trong Bí tích Thánh Thể vì Ngài nhân lành.

Chúng xô đẩy tôi, xô cho ngã, nhưng Chúa đã phù trợ thân này. Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi; chính Người cứu độ tôi. Kìa nghe tiếng reo mừng chiến thắng trong doanh trại chính nhân.

Đ. Hãy cảm tạ Chúa trong Bí tích thánh Thể vì Chúa nhân lành.

Tay hữu Chúa đã ra oai thần lực, tay hữu Chúa giơ cao, tay hữu Chúa đã ra oai thần lực. Tôi không phải chết, nhưng tôi sẽ sống, để loan báo những công việc Chúa làm. Sửa phạt tôi, vâng Chúa sửa phạt tôi, nhưng không nỡ để tôi phải chết.

Đ. Hãy cảm tạ Chúa trong Bí tích Thánh Thể vì Ngài nhân lành.

Xin mở cửa công chính cho tôi để tôi vào tạ ơn Đức Chúa. Đây là cửa dẫn vào nơi Chúa ngự, chỉ những người công chính mới được qua. Lạy Chúa, con xin tạ ơn Ngài vì đã đáp lời con và thương cứu độ. Tảng dá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta. Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.

Đ. Hãy cảm tạ Chúa trong Bí tích Thánh Thể vì Ngài nhân lành.

Lạy Chúa, xin ban ơn cứu độ, lạy Chúa, xin thương giúp thành công. Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành cho người tiến vào đây nhân danh Chúa. Từ nhà Chúa, chúng tôi chúc lành cho anh em. Đức Chúa là Thượng Đế, Người giãi sáng trên ta

Đ. Hãy cảm tạ Chúa trong Bí tích Thánh Thể vì Ngài nhân lành.

Tay cầm lá, hãy sắp thành đám rước đến bên cạnh bàn thờ. Lạy Chúa, chính Ngài là Thiên Chúa của con, xin dâng Ngài muôn câu cảm tạ. Lạy Thiên Chúa con thờ, xin dâng Ngài vạn tiêng tôn vinh. Hãy tạ ơn Chúa, vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Đ. Hãy cảm tạ Chúa trong Bí tích Thánh thể vì Ngài nhân lành.Vì tình yêu Chúa dành cho tôi kéo dài muôn thuở.

Suy niệm: Thánh vịnh 118 mở đầu bằng cách cảm tạ Chúa vì lòng tốt của Ngài: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. Tình yêu Thiên Chúa dành cho ta lớn hơn gấp ngàn lần những gì trí khôn ta có thể suy tưởng, tâm hồn ta có thể ước ao và trí óc ta có thể hình dung được. Một trong các đặc điểm ta thấy nơi tình thương Thiên Chúa là tình thương ấy không bao giờ thay đổi. Ngài là người bạn trước sau như một. Vì bản tính ta vốn yếu đuối, nên thỉnh thoảng ta nghĩ rằng hiện nay Thiên Chúa thương ta khác với trước kia. Bây giờ nhiều sự cố xẩy ra hơn. Nhiều tội quá đếm không hết, nhiều lần làm Ngài thất vọng đến nỗi không thể nhớ nổi. Dù có bất cứ sự gì, hay dù mọi sự có xẩy ra thế nào đi nữa, tình yêu Ngài dành cho mỗi người chúng ta vẫn mãnh liệt và dịu dàng như khi ta mới sinh ra và chịu phép Rửa trong sự đơn sơ trong trắng của Thánh Thần.

Lời cầu nguyện ta cùng nhau đọc trong kinh “Thánh, Thánh, Thánh” trước lúc truyền phép trong Thánh lễ, được lấy ra ở phần cuối Thánh vịnh này: “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến” Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ và là sự thật Thiên Chúa yêu thương con người bằng một mối tình không hề thay đổi.

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi sai Con Một mình xuống. Ngài vẫn hằng yêu thế gian nên mới tiếp tục sai Con mình xuống trong Bí tích Thánh Thẻ. Nhìn xem Bánh Thánh Thể là nghiền ngẫm những lời sau đây của Chúa nói với bạn: “Ta yêu con bằng môt tình yêu bền vững, tình yêu Ta dành cho con chẳng hề đổi thay”.

Không còn gì hơn mà Chúa Giêsu có thể làm để chứng minh tình yêu ấy. Vì thế cảm tạ Ngài cũng là ca ngợi Ngài. Ngài là Đấng đáng đươc đề cao hơn cả. Tâm hồn Ngài cảm thấy xúc động sâu xa khi thấy người phong cùi trở lại cảm tạ Ngài, như điều bạn đang làm, hôm nay. Tạ ơn Chúa là nguồn vui của linh hồn. Nếu đời ta không tươi vui, ấy là vì ta đã quên tất cả những gì Chúa đã làm cho ta, và tất cả tình yêu Chúa dành cho ta.

Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể tiếp tục làm “viên đá bị thợ xây loại bỏ”. Nhiều người không tin Ngài hiện diện thật trong Bí tích Thánh Thể. Có kẻ tin, nhưng lại gạt bỏ lời Ngài mời gọi yêu mến và tôn sùng Bí tích Thánh Thể, bằng cách hoặc dửng dưng hoặc nghĩ sai quấy.

Niềm tin của bạn và sự có mặt của bạn hôm nay trước Bí tích Thánh Thể sẽ an ủi Trái Tim Ngài thay cho những kẻ chối bỏ Ngài. Vì lẽ đó, bạn càng cần quay về và trung thành với giờ chầu. Vì chỉ cần một người như bạn thật sự yêu mến Ngài trong Bí tích Thánh Thể là đã có thể bù đắp cho rất nhiều người đã chối bỏ Ngài.

Thánh vịnh 119.

Đ. Lạy Chúa Giêsu là Cứu Chúa của con trong Bí tích Thánh Thể.

Tấm thân này bị nhận xuống bùn đen, theo lời Ngài, xin cho con được sống. Con kể lể đường đời, Chúa đáp lại, xin dậy cho con biết thánh chỉ Ngài.

Đ. Lạy Chúa Giêsu là Cứu Chúa của con trong Bí tích Thánh Thể.

Đường lối huấn lệnh Ngài, xin cho con hiểu rõ, để con suy gẫm những kỳ công của Ngài. Con đã phải buồn sầu ứa lệ, như lời Ngài phán, xin đỡ con lên.

Đ. Lạy Chúa Giêsu là Cứu Chúa của con trong Bí tích Thánh Thể.

Xin giúp con tránh đường xảo trá và thương ban cho con luật pháp Ngài. Đường chân lý này con đã chọn, quyết định Ngài, con khao khát đợi trông.

Đ. Lạy Chúa Giêsu là Cứu Chúa của con trong Bí tích Thánh Thể.

Con thiết tha với thánh ý Ngài, lạy Chúa, xin đừng để con phải nhục nhã ê chề. Được Chúa thương mở lòng mở trí, con chạy theo đường mệnh lệnh của Ngài.

Đ. Lạy Chúa Giêsu là Cứu Chúa của con trong Bí tích Thánh Thể, xin ban tự do cho tâm hồn con.

Suy niệm: Như vàng chịu thử trong lửa, đau khổ sẽ biến ta thành người có trái tim của Chúa Giêsu. Chúa không bao giờ có ý định, cũng chẳng muốn ta chịu đau khổ. Con người sa ngã là do bất tuân và vì thế phải rời xa thiên đàng mà Chúa đã tạo dựng. Những đau khổ của Chúa Giêsu trên thập giá làm cho những đau khổ của ta có giá trị, có mục đích và có ý nghĩa cho đến khi thiên đàng ấy được khôi phục lại.

Dù đau khổ của ta lớn hay nhỏ, ta cũng liên kết nó với Chúa Giêsu đang hiện diện thật trong Bí tích Thánh Thể. Ngài sẽ nhận lấy và dâng nó lên cho Chúa Cha, cùng với những đau khổ Ngài đã chịu vì chúng ta trên Núi sọ. Ngài sẽ lấy máu mình thanh tẩy các đau khổ của ta và làm cho nó trở nên mỹ miều khôn tả, bằng cách kết hợp với tình yêu mà Ngài đã cưu mang khi chịu khổ nạn.

Thiên Chúa dùng đau khổ vào ba mục đích:Một là để thanh tẩy ta khỏi tự ái, ích kỷ và kiêu ngạo, để lòng ta được như lòng tác giả thánh vịnh: “Tôi thiết tha với thánh ý Chúa”.Tâm hồn ta sẽ được tự do khi ta làm theo thánh ý Chúa. Bằng không, ta sẽ bị nô lệ cho tính ích kỷ của mình.

Trước khi chết, đức giám mục Sheen được một phóng viên truyền hình hỏi có gì khác giữa linh mục Fulton Sheen hồi trẻ, lúc mới chíu chức, và giám mục Sheen 80 tuổi mà ông đang tiếp xúc. Ngài trả lời : “nhờ đau khổ mà đã trở nên khôn ngoan hơn”.

Mục đích thứ hai của đau khổ là làm cho ta có một trái tim biết thông cảm. Nhờ đau khổ, ta trở nên nhậy bén trước tiếng kêu than và nhu cầu của người khác.

Mục đích thứ ba là đau khổ có giá trị cứu độ khi ta chấp nhận và dâng đau khổ lên Thiên Chúa, kết hợp với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Ý của Chúa là mọi con cái của Ngài đều phải được cứu độ. Vì thế Ngài cho phép đau khổ xẩy đến để người này có thể thu được những ơn cần cho người khác, bằng không người ấy sẽ hư mất. Cũng như thánh Phaolo, nhờ đau khổ, chúng ta bù đắp những gì còn thiếu trong Nhiệm thể Chúa Kitô.

Lời hồi sinh chúng ta chính là Chúa Kitô-Ngôi Lời nhập thể-vẫn đang tiếp tục các mầu nhiệm cứu độ trong Bí tích Thánh Thể.

Related posts