Giết người thân vì danh dự là cách trừng phạt trong xã hội Ấn Độ
Ritu Sharma từ New Delhi
Mohammad Burhan Shaikhon nói ông đã thiêu sống con gái của ông ở Gujarta hôm thứ Ba để bảo vệ danh dự gia đình.
Con gái ông phạm tội cố tình bỏ trốn cùng người bạn trai cô ta yêu hồi tuần trước.
Tuy nhiên, Shaikhon đã tìm cách dụ dỗ cô ta trở về quận Surat của bang miền tây Ấn Độ và lập tức thiêu sống cô ta trước khi báo cảnh sát.
Ở một nơi khác, một người đàn ông khác là Ogad Singh đã chặt đầu đứa con gái 20 tuổi đã có gia đình hôm thứ Hai do có quan hệ với những người đàn ông khác trong bang miền bắc Ấn Độ là Rajasthan.
Sau khi dùng gươm chặt đầu con gái mình, ông cầm đầu con gái đi quanh làng Dungerji Ka Guda thuộc quận Rajasamand trước khi báo cảnh sát.
Những vụ việc kinh hoàng này cho thấy tư tưởng đẳng cấp và địa vị xã hội vẫn còn được coi trọng hơn tình phụ tử nhiều.
“Người ta không thể làm được gì nhiều trong những trường hợp như thế vì các cơ quan hành pháp không chú ý đến những vụ kinh hãi này” – Jyotsana Chatterjee, nhà hoạt động nữ quyền ở Delhi, nhận định.
Chatterjee, đứng đầu nhóm nữ quyền có tên là Chương trình Phụ nữ, cho biết các viên chức trong ngành cảnh sát vẫn còn cho rằng truyền thống và văn hóa của gia đình cần được bảo vệ và duy trì.
Bà nói đây là do họ sinh ra và lớn lên trong một hệ gia đình như thế.
Chatterjee than phiền rằng đất nước có luật xử lý các tội ác kinh hoàng này, nhưng người dân không ý thức được hình phạt họ gánh chịu và cảnh sát không được đào tạo thi hành các đạo luật đó.
Giết người vì danh dự là người thân giết chết người trong gia đình mình vì cho rằng nạn nhân đã mang lại nỗi nhục và làm mất danh dự của gia đình hay cộng đồng.
Hành động này rất phổ biến trong các bang miền bắc Ấn Độ như Punjab, Haryana, Uttar Pradesh và Rajasthan.
Theo cảnh sát Punjab, có 34 vụ giết người thân vì danh dự trong bang này từ năm 2008-2010.
Tại Haryana và miền đông Uttar Pradesh, khap panchayats (các hội đồng làng) quyết định số phận của những thanh niên nam nữ muốn kết hôn hay yêu một người không thuộc đẳng cấp hay tôn giáo của họ. Các vụ giết người như thế xảy ra chủ yếu trong giới đẳng cấp cao.
Trong một bản án quan trọng hồi năm 2010, một tòa án quận ở Haryana tuyên án tử hình năm người liên quan hai vụ giết người thân vì danh dự. Họ ra lệnh giết một đôi nam nữ bỏ trốn và kết hôn với nhau hồi tháng 6-2007.
Mặc dù có cảnh sát bảo vệ, họ vẫn bị bắt cóc và người ta phát hiện thi thể họ bị cắt xẻo trên một mương nước một tuần sau đó.
Chatterjee nói ít người phạm tội giết người thân bị trừng phạt vì quan điểm gia trưởng, truyền thống và văn hóa còn mạnh và cho đến nay vẫn không đổi.
Ranjana Kumari, giám đốc trung tâm trợ giúp nữ giới ở New Delhi, nhận xét những người bị buộc tội giết người có được sự chấp thuận ngầm của gia đình và dân làng.
“Không ai đứng ra làm chứng các vụ sát nhân đó” – bà nói.
Những vụ giết người này không chỉ xảy ra ở các vùng nông thôn mà còn thường xảy ra ở các đô thị giàu có.
“Giết chết vì danh dự là cách trừng phạt nghiêm khắc nhất đối với phụ nữ trong các thành phố. Trước hết bố mẹ cho con gái nghỉ học, đưa đến nhà của một người thân hay không chu cấp tiền nữa để chứng tỏ họ không đồng ý” – Kumari nói thêm.
Bà nói cảnh sát cần đầu tư thời gian và công sức hơn nữa để ngăn chặn các tội ác khủng khiếp này trong tương lai.
Ucanews