Sau 47 năm con về giỗ Mẹ
Sau 47 năm con về giỗ Mẹ
(Cảm nhận về ngày Bổn Mạng cộng đoàn Trà Câu, Mẹ Về Trời 15/08/2012)
LM. Giuse Trương Đình Hiền
Trên tuyến đường từ Nam ra Bắc, ngang qua đoạn cuối tỉnh Bình Định, bỏ đèo Bình Đê, bỏ biển Sa Huỳnh, bỏ thị trấn Đức Phổ, khách lữ hành để ý một chút sẽ thấy đi qua một chiếc cầu mang tên “cầu Trà Câu” và tiếp đó là một thi tứ với cái chợ bên đường cũng mang tên “chợ Trà Câu”, nằm kề bên khu vực hành chánh xã Phổ Văn.
Có ai biết được đằng sau khu chợ Trà Câu đó và trên khu đất làm địa bàn hành chánh xã hiện nay, ngày xưa trước năm 1966, là trung tâm mục vụ của xứ đạo Trà Câu, với nhà thờ, nhà xứ, trường trung học đệ nhị cấp Đăng Khoa, ký túc xá…đã từng vang bóng một thời.
Nếu thi hào Nguyễn Du đã từng cảm nhận “Trãi qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng”, thì những ai đã từng “chôn nhau cắt rún” tại mảnh đất Trà Câu thân thương nầy, khi trở về nhìn lại quê hương cũ cũng đều phải chạnh lòng.
Chạnh lòng vì những mất mát đổi thay quá lớn cho một quê hương quá êm đềm.
Chạnh lòng vì biết nhiêu kỷ niệm thân thương mà dấu cũ đã hầu như tan biến.
Chạnh lòng vì quá nhiều những người thân đã biền biệt ra đi ; hoặc ra đi định cư ở một vùng đất mới xa lắc xa lơ ; hoặc ra đi vĩnh viễn vào cõi vĩnh hằng…
Năm nay, ngày lễ Mẹ Về Trời – 15/8, ngày Bổn Mạng của nhà thờ và xứ đạo Trà Câu, sau 47 năm kể từ năm 1965, tôi mới được trở về mừng ngày “Giỗ Mẹ”.
Thuở xưa, trong ký ức trẻ thơ còn đọng lại, này Bổn Mạng nầy cả xứ đạo hân hoan, tưng bừng như ngày Tết. Đội nhạc tập trống, đội Tông Đồ tập hát chuẩn bị cho cuộc rước kiệu Mẹ vào đêm vọng 14/8. Hội Công Nhu mà mỗi “hội viên” (cổ phần) đóng vào mỗi năm 2 giạ lúa (khoảng 15 kg lúa) sẽ được chia một phần thịt trâu để ăn mừng lễ. Khu vực nhà thờ treo đèn kết hoa và trên con đường rước kiệu Mẹ cũng dựng lên các phường môn bằng lá ngâu và treo đèn sao, đèn ú…
Ngày nay, những hình ảnh thân thương đó, những sinh hoạt sống động đó đã lùi sâu trong dĩ vãng và không chắc còn mấy người nhớ tới. Bởi chưng, những người về mừng lễ hôm nay hầu hết thuộc giới con cháu đã sinh ra và lớn lên nơi “đất khách quê người”.
Thế nhưng, lịch sử của một xứ đạo thì mãi mãi trường tồn.
Theo sử liệu và chuyện kể của cha ông, xứ đạo Trà Câu nguyên thủy hình thành trước thời Văn Thân và cũng đã phải chịu cơn bách hại khủng khiếp của phong trào Sát Tả nầy. Tại vùng đất Trà Câu cũ, ngày xưa vẫn lưu dấu hai mộ tử đạo : một mộ dài như một đường hào và một mộ tròn như cái giếng. Một số đông tín hữu Trà Câu đã bị chôn sống dưới cái hào dài và cái giếng sâu nầy. Trong khi một số đông khác bì lùa xuống sông Thoa gần “Bến Đò Mốc” (bến sống ngăn đôi hai xã Phổ Văn và Phổ Quang thuộc huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi), đến một vực sâu gọi là vực Ô Rô. Tại nơi đây, giáo dân bị cột trong các giỏ chiên (như giỏ nhốt gà) kết với các hòn đá nặng và bị xô xuống đoạn sông sâu nầy cho chết chìm. Chính do biến cố nầy mà dân cư tại đây cho đến bây giờ vẫn gọi đoạn sông nầy là “Vực Đạo”.
Sau thời Văn Thân, một số giáo dân lưu lạc tập trung tại vùng Mỹ Trang, Bến Đá gần đèo Bình Đê và là họ nhánh biệt lập thuộc địa sở Ga Hựu. Mãi cho đến thời cha Dương Văn Vận, ngài đã dời cư sở Mỹ Trang về lại Trà Câu để từ đó tồn tại và phát triển cho đến khi bị san bằng vào năm 1966.
Cho dù chỉ là một xứ đạo nhỏ với khoảng 400 giáo dân; Tuy nhiên, vào thập niên 60, vùng đất nầy đã từng là một trung tâm truyền giáo sinh động của vùng nam Quảng Ngãi. Hầu hết các xã thuộc huyện Đức Phổ, và một vài nơi thuộc huyện Ba Tơ và Mộ Đức đều có nhà thờ nhỏ và có cộng đoàn các anh chị em tân tòng sinh hoạt đức tin. Trường trung học đệ nhất và đệ nhị cấp Đăng Khoa do linh mục quản xứ Thêôphan Nguyễn Văn Bích sáng lập đã là nơi đào tạo nhiều sinh viên học sinh xuất sắc cho quê hương đất nước.
Trà Câu cũng là giáo xứ đã cung cấp nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ cho giáo phận Qui Nhơn và các giáo phận khác. Ngoài 3 linh mục đã qua đời là cha Hườn, cha Tuấn (hai anh em ruột), cha Thọ, xuất thân từ Trà Câu hiện có các linh mục : 4 anh em ruột nhà họ Trương : cha Tu, cha Hiền, cha Sơn, cha Hà. Mẹ Cha Phêrô Đặng Son cũng người Trà Câu. Còn nữ tu thì khá đông thuộc các dòng : Mến Thánh Giá Qui Nhơn, Phaolô Đà Nẵng, Đa Minh Chân Lý, Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế, bác ái Vinh Sơn, Khiết Tâm Đức Mẹ Bình Cang, Dòng Kín…
Tôi từ giã quê hương Trà Câu vào tháng 8 năm 1964 để vào Tiểu Chủng Viện Làng Sông tu học. Và cũng kể từ ngày đó, tôi xa luôn vùng đất thân yêu nầy cùng với bao kỷ niệm thân thương của một thời thơ ấu. Mặc dù thời gian cách biệt đã quá xa và muôn cảnh vật ngày xưa nay đã đổi thay hầu hết ; tuy nhiên, trong lần mừng Bổn Mạng Mẹ Về Trời hôm nay, sau hơn 47 năm xa cách, cũng là 47 năm Trà Câu không được mừng lễ Mẹ, tự dưng trong lòng ùa về bao kỷ niệm, bao gương mặt người thân, bao tình cảm thân thương của bà con xóm đạo. Thật là ý nghĩa, trước khi họp nhau cử hành thánh lễ mừng Mẹ Về Trời, những người con đất Trà Câu và các anh em bạn hữu xa gần, đã tề tựu lại nơi nghĩa trang Công Giáo Trà Câu để tưởng nhớ ông bà cha mẹ và những người thân yêu đã nằm xuống trên mảnh đất thân yêu nầy, như chứng từ của một sợi chỉ đỏ đức tin, của một dòng máu tin yêu không bao giờ ngưng chảy trong tim của những người con cái Chúa.
Một thánh lễ đồng tế long trọng trên sân vườn của cụ Nguyễn Thành Khánh, một vị trưởng lão của Trà Câu nay đã 97 tuổi ; tuy mắt mù nhưng cõi lòng vẫn sáng lên niềm vui đoàn tụ hôm nay của thế hệ con cháu Trà Câu về mừng ngày “Giỗ Mẹ”.
“Giỗ Mẹ”, nhưng không phải để tưởng niệm một người Mẹ đã qua đời, đã chết và nằm im trong huyệt mộ ; nhưng là để kính nhớ và tôn vinh một người Mẹ đã lìa đời để được vinh thăng lên trời cả hồn và xác. Cho nên trong ngày hôm nay, mọi người Kitô hữu trên thế giới đều có thể hân hoan và hạnh phúc hát cho nhau : “Một bông hồng cho anh, một bông hồng cho em, một bông hồng cho những ai đang còn mẹ…”. Vâng, những người Trà Câu chúng ta vẫn đang còn Mẹ, đang còn Mẹ Maria kêu gọi những đứa con muôn phương tựu về để mừng Giỗ Mẹ, đang còn Mẹ dẫn dắt từng gia đình, từng đứa con bước đi trong đường đạo hạnh, vẫn còn Mẹ trên trời dõi mắt dẫn đưa tất cả chúng ta tiến bước trên cuộc lữ hành về thiên quốc.
Và rồi, những ánh mắt, những nụ cười, những bài ca khúc nhạc của nhóm “Tứ Ca Chim Sẻ” đến từ Tuy Hòa Phú Yên, bài thơ kỷ niệm của Phan thị Châu Đốc… trong bữa tiệc mừng sau đó đã đong đầy tình cảm thân thương và niềm vui đoàn tụ của những người con Trà Câu sau bao ngày xa cách.
Ngày về Giỗ Mẹ hôm nay lại đang mùa lúa chín vàng đồng. Ôi ước mong sao trên cánh đồng Trà Câu nầy lại có hàng hàng lớp thợ gặt để quê hương nầy, xứ đạo nầy lại có ngày được hồi sinh, tái lập để không phải chỉ mỗi năm một lần về mừng Giỗ Mẹ trong cái cảnh che bạt tạm bợ trong sân vườn của cụ Khánh ; mà phải là cuộc tập họp thường xuyên của một cộng đoàn xứ đạo nơi một thánh đường khang trang rộng rãi uy nghi.
Ước mơ nầy của con cũng là một lời nguyện xin dâng về Mẹ.
Mẹ ơi, Trà Câu của chúng con đã “hết rượu” rồi và “Tiệc Cưới” đã tàn từ lâu lắm. Mẹ đã biết hết rồi, xin hãy ra tay can thiệp để chúng con cùng nhau gầy lại “Tiệc Cưới” và để bao nhiêu chum nước lã lạc loài vô đạo nơi đây lại trở nên rượu nồng của nồng thắm tin yêu. Xin một lần nữa Mẹ hãy đến thăm viếng chúng con để khơi dậy nơi cõi lòng mỗi người chúng ngọn lửa nhiệt thành sốt mến hầu mỗi sáng mỗi chiều chúng con được cùng nhau hát khúc vịnh ca Magnificat cùng Mẹ : “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa và thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa Đấng Cứu độ tôi”.
https://picasaweb.google.com/111098971773364653987/BonMangGiaoHoAnHoiMeVeTroiNam2012
https://picasaweb.google.com/111098971773364653987/TraCauMungMeVeTroi2012