Giáo huấn 

Sống trung thành với Tin Mừng là tử đạo mỗi ngày

Cuộc sống kitô đòi hỏi sự ”tử đạo” của lòng trung thành hằng ngày với Tin Mừng, nghĩa là lòng can đảm để cho Chúa Kitô lớn lên trong chúng ta và để chính Người hướng dẫn tư tưởng và các hành động của chúng ta.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên với khoảng 5.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung tại Castel Gandolfo sáng thứ tư 29-8-2012. Trước hết Đức Thánh Cha đã ban huấn dụ cho 3.000 tín hữu tụ tập tại quảng trường trước nhà nghỉ mát, sau đó ngài chào 2.000 trẻ em giúp lễ Pháp ở trong sân nhà nghỉ mát. Hiện diện trong buổi tiếp kiến có 20 Giám Muc bạn của Phong trào Tổ Ấm, 5 Giám Mục Pháp hướng dẫn các trẻ em giúp lễ hành hương Roma, và Đức Tổng Giám Mục Piero Parolin, Sứ Thần Tòa Thánh tại Venezuela.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nhắc tới lễ thánh Gioan Tẩy Giả bị chém đầu, mà Giáo Hội cử hành ngày 29 tháng 8 hôm qua. Trong lịch phụng vụ Roma thánh nhân là vị thánh duy nhất có sinh nhật được mừng kính ngày 24 tháng 6. Đức Thánh Cha nói về nguốn gốc lễ này như sau:

Ngày lễ nhở hôm nay bắt nguồn từ việc dâng kính một hầm nhà thờ tại Sebaste ở Samaria, nơi thủ cấp thánh Gioan Tẩy Giả đã được tôn kính vào giữa thế kỷ thứ IV. Việc tôn sùng sau đó lan tới Giêrusalem, trong các Giáo Hội Đông Phương và Roma, với tước hiệu lễ thánh Gioan Tẩy Giả bị chém đầu. Trong Tử đạo thư Roma người ta cũng nói tới việc tìm ra thánh tích của thánh nhân được mang về nhà thờ thánh Silvestro tại Campo Marzo ở Roma.

Các quy chiếu lịch sử nho nhỏ này giúp chúng ta hiểu việc tôn kính thánh Gioan Tẫy Giả cổ xưa và sâu xa chừng nào. Trong các Phúc Âm nổi bật lên vai trò của thánh nhân trong việc quy chiếu về Chúa Giêsu. Một cách đặc biệt thánh Luca thuật lại việc sinh ra, cuộc sống trong sa mạc, việc rao giảng của thánh nhân, và trong tin Mừng hôm nay thánh sử Mạccô nói về cài chết thê thảm của người.

Thánh Gioan Tẩy Giả bắt đầu rao giảng dưới thời hoàng đế Tiberio vào năm 27-28 sau Chúa Kitô; và lời mời gọi rõ ràng, mà thánh nhân hướng tới dân chúng chạy tới nghe người, là lời mời gọi dọn đường để tiếp đón Chúa, uốn thắng các con lộ cong queo của cuộc sống, bằng cách triệt để hoán cải con tim (x. Lc 3, 4). Tuy nhiên, thánh nhân không chỉ giới hạn trong việc rao giảng sự sám hối, hoán cải, mà còn nhận biết Đức Giêsu là Chiên Con của Thiên Chúa đến xóa bỏ tội trần gian (Ga 1,29). Và với lòng khiếm nhường sâu xa người chỉ cho thấy Đức Giêsu là Đấng thiên sai thật, người tự xóa mình đi để cho Chúa Kitô có thể lớn lên, được lắng nghe và đi theo. Như là cử chỉ cuối cùng thánh Gioan Tẩy Giả lấy máu mình làm chứng cho lòng trung thành với các giới răn của Thiên Chúa, mà không nhượng bộ hay tháo lui, bằng cách chu toàn cho tới cùng sứ mệnh của mình. Trong các bài giảng thánh Beda, một đan sĩ thuộc thế kỷ thứ IX, đã nói như sau: ”Thánh Gioan hiến mạng sống mình cho Chúa Kitô, cả khi người không bị ra lệnh chối bỏ Chúa Giêsu Kitô, nhưng chỉ đừng nói lên sự thật. Và người đã không im lặng, vì thế đã chết cho Chúa Kitô là chân lý” (Om. 23: CCL 122,354). Chính tình yêu đối với sự thật, không hạ mình xuống các giàn xếp lằt léo với các kẻ quyền thế và khộng sợ hãi nói các lời mạnh mẽ đối với những ai đã lạc xa đường lối của Thiên Chúa.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Bây giờ chúng ta hãy xem gương mặt vĩ đại này, sức mạnh này trong cuộc khổ nạn và sự kháng cự các kẻ cường quyền. Chúng hãy hỏi từ đâu mà nảy sinh ra cuôc sống này, nội tâm mạnh mẽ, ngay thẳng và trung thực, xả thân hoàn toàn cho Thiên Chúa và để dọn đường cho Chúa Giêsu như thế? Câu trả lời thật đơn sơ: nó phát xuất từ tương quan với Thiên Chúa, từ lời cầu nguyện, là sợi chỉ dẫn đường toàn cuộc sống của thánh nhân. Thánh Gioan là ơn của Thiên Chúa, mà song thân của người là ông Dakharia và bà Elidabét đã khẩn nài lâu năm (x. Lc 1,13), một ơn lớn lao, không thể nghĩ tới trên bình diện nhân loại, bởi vi cả hai người đã cao tuổi và bà Elidabét hiếm muộn (x. Lc 1,7). Nhưng không có gì là không thể đối với Thiên Chúa (x. Lc 1,36).

Việc loan báo Gioan sinh ra xảy ra chính trong nơi cầu nguyện, trong đền thờ Giêrusalem, còn hơn thế nữa trong khi ông Dakharia được đặc ân vào trong nơi thánh thiện nhất của đền thờ để dâng hương cho Chúa (x. Lc 1,8-20). Cả việc sinh ra của thánh Gioan cũng được ghi dấu bởi lời cầu nguyện: đó là thánh thi của niềm vui, của lời tụng và tạ ơn, mà ông Dakhara đã cất lên cho Chúa, và chúng ta đọc lại mỗi ngày trong Kinh Sáng, đó là bài ”Benedictus” chúc tụng hành động của Thiên Chúa trong lịch sử và nói tiên tri về sứ mệnh của Gioan con ông là đi trước Con Thiên Chúa và dọn đường cho Người (x. Lc 1,67-79).

Đức Thánh Cha định nghĩa cuộc sống của thánh Gioan Tẩy Giả như sau: Toàn cuộc sống Vị Tiền Hô của Chúa Giêsu được dưỡng nuôi bởi tương quan với Thiên Chúa, đặc biệt trong thời gian sống trong các vùng sa mạc (x. Lc 1,80), là nơi của thử thách, nhưng cũng là nơi trong đó con người cảm thấy sự nghèo nàn của mình, bởi vì thiếu các yểm trợ và các an ninh vật chất; và con người hiểu rằng điểm quy chiếu duy nhất vững vàng là chính Thiên Chúa. Nhưng thánh Gioan Tẩy Gỉa không chỉ là con người của cầu nguyện, mà cũng là một vị hướng đạo trong tương quan với Thiên Chúa nữa. Khi kể lại lời Kinh Lậy Cha mà Chúa Giêsu dậy cho các môn đệ, thánh sử Luca ghi nhận lời các môn đệ xin như thế này: ”Lậy Chúa, xin dậy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dậy các môn đệ của ông” (x. Lc 11,1).

Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Anh chị em thân mến, cử hành cuộc tử đạo của thánh Gioan Tẩy Giả cũng nhắc nhớ cho chúng ta, là các kitô của thời đại ngày nay, rằng không thể xuống nước giàn xếp với tình yêu đối với Chúa Kitô, đối với Lời Người và với Chân Lý. Để nói rằng cuộc sống kitô đòi hỏi sự ”tử đạo” của lòng trung thành hằng ngày với Tin Mừng, đòi hỏi lòng can đảm, nghĩa là để cho Chúa Kitô lớn lên trong chúng ta và chính Người hướng dẫn tư tưởng và các hành động của chúng ta. Nhưng điều này chỉ có thể xảy ra trong cuộc sống chúng ta, nếu tương quan của chúng ta với Thiên Chúa vững chắc. Cầu nguyện không phải là mất thời giờ, cũng không phải là ăn cắp không gian của các hoạt động, kể cả các hoạt động tông đồ, nhưng trái lại: chỉ khi chúng ta có một cuộc sống cầu nguyện trung thành, liên lỉ, tin cậy, thì chính Chúa mới sẽ ban cho chúng ta khả năng và sức mạnh để sống một cách hạnh phúc và bình an, thắng vượt các khó khăn và làm chứng cho Chúa với lòng can đảm. Xin thánh Gioan Tẫy Giả bầu cử cho chúng ta, để chúng ta biết luôn duy trì quyền ưu tiên của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau trước khi cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Tiếp đến ngài đã vào trong sân nhà nghỉ mát để chào 2.000 trẻ em giúp lễ được 5 Giám Mục và nhiều linh mục hướng dẫn hành hương Roma. Ngài nói: Các con thân mến, việc phục vụ mà các con trung thành chu toàn cho phép các con gần gũi Chúa Giêsu Kitô trong Thánh Thể một cách đặc biệt. Các con có đặc ân vĩ đại được ở gần bàn thờ, được ở gần Chúa. Hãy ý thức về tầm quan trọng của việc phục vụ ấy đối với Giáo Hội và với chính các con. Ước chi nó là dịp làm lớn lên một tình bạn, một tương quan cá nhân với Chúa Giêsu. Đừng sợ hãi hăng say thông truyền chung quanh các con niềm vui mà các con nhận được từ sự hiện diện của Chúa. Ước chi toàn cuộc sống của các con rạng ngời hạnh phúc của sự gần gũi với Chúa Giêsu. Và nếu một ngày nào đó các con cảm thấy tiếng Chúa gọi theo Người trên con đường của chức linh mục hay đời tu sĩ, thì hãy quảng đại đáp trả lại lời mời gọi đó. Cha chúc các con một cuộc hành hương tốt lành nơi mộ của hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô.

Linh Tiến Khải

R.Vatican

Related posts