Các vị lãnh đạo Giáo hội châu Á quan tâm về số ơn gọi linh mục và tu sĩ giảm

Thứ bảy - 01/07/2023 05:00 658 0
Đức Hồng Y Charles Maung Bo
 
Các vị lãnh đạo Giáo hội châu Á quan tâm về số ơn gọi linh mục và tu sĩ giảm

Phát biểu tại hội nghị lần thứ 80 của Serra International, một tổ chức tông đồ giáo dân toàn cầu, ở Chiang Mai, Thái Lan, diễn ra từ ngày 22-25/6, Đức Hồng Y Charles Maung Bo, Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á châu đã bày tỏ quan tâm về những thách đố mà Giáo hội đang phải đối diện, đặc biệt vấn đề ơn gọi linh mục và tu sĩ giảm.
 

Serra International là một tổ chức tông đồ giáo dân tự nguyện, được Vatican công nhận, nhằm cổ vũ ơn gọi. Được thành lập vào năm 1935, tổ chức có khoảng 20.000 thành viên hiện diện trên 46 quốc gia.

Trong cuộc họp, các vị lãnh đạo Giáo hội kêu gọi cùng nhau làm việc để giải quyết các vấn đề đang phát sinh ở châu lục, như phát triển kinh tế, thay đổi cấu trúc gia đình, tác động của công nghệ và ý thức hệ, nghèo đói và di cư, làm ảnh hưởng đến ơn gọi linh mục và tu sĩ.

Đức Hồng Y Bo nhận xét, trong những thập kỷ cuối của thế kỷ trước, ở châu Á ơn gọi gia tăng, nhưng hiện nay, xu hướng này đã thay đổi. Số người nam nữ đáp lại tiếng gọi của Chúa đã giảm, ngay cả những quốc gia từng tự hào về số ơn gọi cũng đang có “xu hướng đi xuống”. Các giáo phận đang gặp khó khăn trong việc thay thế các linh mục lớn tuổi và các cơ sở đào tạo đang dần thu hẹp vì không có người mới để tiếp tục sứ vụ. Ngài nói: “Trong lịch sử Giáo hội, chúng ta đã chứng kiến sự suy giảm và hồi sinh của các ơn gọi. Có lẽ chúng ta đang ở một bước ngoặc mà ngay cả việc duy trì con số hiện tại cũng trở nên khó khăn hơn nhiều so với trước đây”.

Ngài đã chỉ ra những thách đố lớn đang thúc đẩy xu hướng suy giảm ơn gọi linh mục và tu sĩ: Ở nhiều nước đang phát triển số ơn gọi giảm, nhiều người bị “ám ảnh” bởi sức mạnh của sự giàu có và lòng tham, ít nghĩ đến sự quảng đại và trao ban chính mình.

Những thay đổi trong cấu trúc gia đình, từ gia đình truyền thống sang các hình thức gia đình mới: mẹ đơn thân, sống chung không kết hôn, vợ chồng không con, gia đình liên tôn, liên văn hóa. Bên cạnh đó, nghèo đói và di cư buộc mọi người phải di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Sự “thiếu gương mẫu” của các linh mục và tu sĩ cũng làm tổn hại đến ơn gọi. Các vụ bê bối lạm dụng tình dục, tài chính không minh bạch, lạm dụng quyền bính, và tham nhũng được đưa ra ánh sáng trên các phương tiện truyền thông không mô tả đời sống của một linh mục và một người nam/nữ thánh hiến như một lối sống lôi cuốn.

Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á châu nhấn mạnh: “Trong bối cảnh kinh tế xã hội và chính trị như vậy, trong những năm tới, số ơn gọi có thể còn giảm nữa, nhưng chúng ta không thể ngồi yên và chờ đợi điều đó xảy ra rồi mới hành động”. Trích lời của các chức sắc Vatican, Đức Hồng Y nói tiếp: “Đức Hồng Y Marc Ouellet, nguyên Tổng trưởng Bộ Giám Mục, nhấn mạnh rằng ‘hiệp thông ơn gọi’ có thể là một cách thức truyền giáo mới và là động lực mạnh mẽ cho ơn gọi. Tôi xác tín rằng 'hiệp thông ơn gọi' là một cách thức mới cho thời đại chúng ta và mọi nền văn hóa. Điều này là do chủ nghĩa cá nhân, sự thờ ơ và cô đơn, những đặc điểm chung của văn hóa toàn cầu, đang lan tràn khắp nơi, ngay cả trong các môi trường Kitô giáo, do ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông và thời trang. Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Quyền Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc, kêu gọi người Công giáo chia sẻ những câu chuyện về ơn gọi để truyền cảm hứng cho những người khác. Ngài nói: ‘Ơn gọi Kitô hữu luôn là sứ vụ chia sẻ với người khác kinh nghiệm của mình về Chúa Giêsu. Chúng ta phải tiếp tục câu chuyện về ơn gọi qua sứ vụ của chúng ta. Khủng hoảng ơn gọi thường bắt nguồn từ khủng hoảng truyền giáo”.

 

Tác giả bài viết: Vatican News

Nguồn tin: https://www.vaticannews.va

 Tags: Giáo hội

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây