Di sản của Đức Bênêđictô XVI: Thần học từ trong Logos

Chủ nhật - 08/01/2023 20:08 168 0
 

DI SẢN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI:
THẦN HỌC TỪ TRONG LOGOS
 
 
Roland Millare
 


Vào thời các giáo phụ, phục vụ Giáo Hội như là một nhà trí thức và đáp lại ơn gọi nên thánh không loại trừ lẫn nhau. Tu sĩ ẩn tu Evagrius (khoảng 346–399) khuyên chúng ta rằng “Nhà thần học, hãy cầu nguyện”. Trải qua dòng thời gian, vừa là trí thức vừa là thánh, đó là tiêu chuẩn của những người như Thánh Thomas Aquinas, Thánh Bonaventura, Thánh Theresa Benedicta Thánh Giá và Thánh Gioan Phaolô II.

Trong các bài viết và chứng tá cuộc đời mình, Đức Bênêđictô XVI minh chứng rằng chúng ta có thể đáp trả lời khuyên của nhà thần học Thụy Sĩ,  Hans Urs von Balthasar,  rằng hãy bắt đầu và kết thúc thần học của chúng ta “bằng cách quỳ gối”. Nói cách khác, ơn gọi hàn lâm và ơn gọi nên thánh không bao giờ loại trừ lẫn nhau.

Trong các suy tư của mình về lịch sử và sự phát triển thần học trong lịch sử Giáo Hội, Đức Bênêđictô XVI phân biệt hai phương pháp thần học khác nhau: thần học kinh viện và thần học đan tu (scholastic and monastic theology).

Thần học đan tu, hẳn nhiên được các tu sĩ (cụ thể là viện phụ) đại diện, chủ yếu dành riêng để gây cảm hứng và nuôi dưỡng hoạch định yêu thương của Thiên Chúa. Trong khi đó, thần học kinh viện quan tâm chứng minh mối liên hệ mật thiết giữa đức tin và lý trí. Các nhà thần học kinh viện quan tâm đến việc giải thích có hệ thống về tính hữu lý của đức tin và sự thống nhất của mặc khải Thiên Chúa.


Hiện nay và bất cứ lúc nào khác, Kitô giáo được kỳ vọng hiến dâng cho thế giới một lý lẽ cho niềm hy vọng của mình (1 Pr 3, 15[1]). Tất cả mọi tín hữu phải có thể đưa ra một lý lẽ hay lời biện hộ (apo-logia) cho niềm hy vọng của mình trước bất kỳ ai hỏi về nó trên thế giới này. Thần học đan tu hoặc thần học kinh viện của thời Trung cổ không hoàn toàn có thể tự mình xâm nhập vào những tâm hồn chai cứng của con người hiện đại.

Nhà thần học trong thế giới hiện đại phải thấm nhuần cả hai phương pháp này trong nghiên cứu, cầu nguyện, đức tin và chiêm niệm. Nếu nhà thần học muốn khiến cho logos trở nên hữu lý thì phải đâm rễ sâu trong đời sống được nuôi dưỡng đều đặn bởi Logos Nhập thể qua việc đọc Kinh Thánh có cầu nguyện, cầu nguyện liên lỉ và cử hành phụng vụ.

Về chân lý, chúng ta đối diện với hai con đường khác nhau: chân lý (logos) mà chúng ta đã nhận được và chân lý mà chúng ta đã hình thành cho chính mình. Trong khi làm việc, Ratzinger đã nêu bật nhãn quan của Giambattista Vico (1668-1774)[2], người đã phân biệt chân lý được tạo cho riêng mình (verum quia factum) với chân lý có trước chân lý chúng ta tự tạo ra (verum est ens). Những lựa chọn này đã dẫn đưa Ratzinger chấp nhận luận điểm của Romano Guardini: ưu thế của logos trên ethos.

Mối đe dọa rõ ràng của thời hậu hiện đại là xã hội đã lựa chọn rằng chân lý chỉ là sản phẩm của những nỗ lực riêng mình. Chân lý trở thành đối tượng cho tính thất thường của một cá nhân độc lập hoặc ý muốn của đám đông. Thẩm phán Anthony Kennedy[3], đã trở thành phát ngôn viên cho não trạng này trong vụ án Planned Parenthood v. Casey (1992): “Trái tim của tự do là quyền định nghĩa quan niệm của riêng mình về hiện hữu, về ý nghĩa, về vũ trụ, và về mầu nhiệm của đời sống nhân sinh”. Logos thành ra ở dưới ethos qua chủ nghĩa tự do và mọi hình thức của triết học duy vật.

Điệp khúc lan truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng cho rằng đóng góp của Đức Bênêđictô XVI là sự thoái vị ngôi giáo hoàng của ngài. Song lịch sử chứng minh rằng ngài nhắc nhở Giáo Hội cách mà chúng ta có thể tham gia hiệu quả vào thế giới hiện đại – đặc biệt là Nhà nước hiện đại – với sứ điệp chắc chắn rằng lý trí, luật tự nhiên, logos – cùng với xác quyết của đức tin – có thể đạt đến tầm cao hơn quan niệm hẹp hòi của người hiện đại về lý trí. Như James V. Schall, S.J., đã viết, Đức Bênêđictô XVI đã đặt nền cho một thần học Kitô giáo thật sự về chính trị hay triết học chính trị.

Trong các diễn văn tại Đại học RegensburgBundestag (Quốc hội Liên bang Đức), Điện Westminster ở Anh,  và một bài diễn văn mà ngài bị chặn lại tại Đại học  La Sapienza ở Rôma, Đức Bênêđictô XVI giải thích cho những người muốn nghe và muốn đọc rằng xã hội chỉ có thể phát triển đầy đủ với sự thực hiện tự do đức tin và lý trí, song đôi nhau.

Bênêđictô XVI diễn tả thần học của riêng mình là “chưa hoàn tất” hay “rời rạc,” song khi chúng ta tiếp tục đào sâu những kho tàng trong các sách của ngài viết, những bài báo, bài giảng, diễn văn, chúng ta khám phá ra một thần học phong phú ăn sâu trong Lời Chúa đã được mạc khải trong Kinh Thánh và Thánh Truyền cũng như được các Giáo phụ giải thích cách trung thành, đặc biệt là Thánh Augustinô.

Trong khi nhiều phân đoạn khác nhau trong bản giao hưởng thần học của mình vẫn chưa hoàn tất, ngài đã phát triển các đường nét của một phương pháp thần học tái nhấn mạnh đến sự thống nhất giữa đức tin và lý trí, giữa Đông và Tây, Kinh Thánh và Thánh Truyền, cổ xưa và hiện đại, và nhiều hơn thế nữa. Ngài đã phát triển một thần học mở hoàn toàn để có thể đi vào cuộc “dia-logos (đối thoại) với người khác.

Đức Bênêđictô XVI cũng để lại cho Giáo Hội thần học truyền giáo mới có khả năng đạt tới nhân loại hiện đại qua đức tin và lý trí. Mô tả của Đức Bênêđictô XVI về thần học đan tu là mô tả thích hợp cho tiếp cận thần học của chính riêng ngài:

Đức tin và lý trí, khi đối thoại nhau, đều rung lên niềm vui khi cả hai được gợi hứng bởi sự tìm kiếm mối kết hợp thân mật với Thiên Chúa. Khi tình yêu thúc đẩy chiều kích cầu nguyện của thần học, thì kiến thức thủ đắc được qua lý trí sẽ mở rộng ra. Chân lý được tìm kiếm với sự khiêm nhượng thì sẽ được lãnh nhận với sự ngạc nhiên và lòng biết ơn: tóm lại, kiến thức chỉ lớn lên khi ta yêu chân lý. Tình yêu thành trí thông minh và sự khôn ngoan thần học đích thực của tâm hồn, điều sẽ hướng dẫn và nâng đỡ đức tin cũng như đời sống các tín hữu.


Chúng ta không còn “chờ đợi một Thánh Bênêđictô mới và hẳn nhiên hoàn toàn khác” (“wait for a new and no doubt quite different St. Benedict”, câu nói nổi tiếng của Alasdair MacIntyre[4]) bởi vì Đức Bênêđictô XVI đã dựa trên suối nguồn Lời Chúa và việc cử hành phụng vụ thánh để đưa ra cho thần học con đường dứt khoát hướng tới việc canh tân và sự thánh thiện: khuôn mặt của Chúa Giêsu Kitô – Logos vĩnh cửu.

 
 

[1] Vì ý muốn của Thiên Chúa là anh em hãy làm điều thiện để bịt miệng những kẻ ngu xuẩn vô tri.
[2] Giambattista Vico, 23 tháng 6 năm 1668 – 23 tháng 1 năm 1744, là triết gia, nhà hùng biện, sử gia, thẩm phán người Ý. 
[3] Anthony McLeod Kennedy, sinh ngày 23 tháng 7 năm 1936 trong một gia đình Công giáo gốc Ái Nhĩ Lan. Ông là Thẩm phán Tòa án Tối cao Hoa Kỳ từ năm 1988 cho đến khi nghỉ hưu năm 2018. Năm 1992, ông là đồng tác giả trong vụ Planned Parenthood v Casey (Planned Parenthood kiện Casey), tái khẳng định rằng theo hiến pháp, phụ nữ có quyền phá thai cho đến thời điểm thai nhi có khả năng sống sót ngoài tử cung.
[4] Alasdair Chalmers MacIntyre, sinh ngày 2 tháng 1 năm 1929, là triết gia người Mỹ gốc Scotland, đã có những đóng góp cho triết học luân lý và chính trị cũng như lịch sử triết học và thần học, đã cải đạo sang Công giáo vào đầu thập niên 1980.

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Nguồn tin: https://gpquinhon.org

 Tags: Giáo hội

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây