MẾN THÁNH GIÁ QUI NHƠNhttps://hoidongmtgquinhon.org/uploads/logonew.png
Thứ năm - 05/01/2023 20:125360
Trong bài giảng Thánh Lễ an táng Đức cố Giáo hoàng Biển Đức XVI, Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu bằng những lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên thập giá: "Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha". Và suy tư của ngài tập trung vào hình ảnh Chúa Kitô, cũng như toàn bộ cuộc đời của Ratzinger đã tập trung vào Chúa Kitô, cho đến hơi thở cuối cùng.
Bài giảng Đức Thánh Cha
Lễ An táng Đức cố Giáo hoàng Biển Đức XVI
Ngày 5 tháng 1 năm 2023
“Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23:46). Đó là những lời cuối cùng Chúa đã nói trên Thánh giá. Có thể nói, lời thì thào cuối cùng của Người đã tóm tắt toàn bộ cuộc đời của Người: một sự trao phó liên lỉ trong tay Cha. Bàn tay tha thứ và cảm thương, chữa lành và thương xót, bàn tay xức dầu và chúc lành, đã thúc đẩy Người cũng trao nộp chính mình vào tay anh em mình. Chúa, mở lòng đón nhận những câu chuyện Người gặp trên đường, đã để mình uốn nắn theo thánh ý Thiên Chúa khi gánh lấy mọi hệ quả và khó khăn của Tin Mừng đến độ cho thấy đôi tay của mình bị thương tích vì yêu: “Hãy nhìn xem tay Thầy”, Người đã nói như thế với Tôma (Ga 20,24), và Người cũng nói điều đó với mỗi người chúng ta. Đôi bàn tay thương tích giang rộng và không ngừng trao ban, để chúng ta nhận biết tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta và tin vào tình yêu đó (x. 1 Ga 4,16).
“Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”. Đây là lời mời gọi và chương trình sống mà Người âm thầm khơi dậy nơi chúng ta. Giống như người thợ gốm (x. Is 29,16), Người muốn uốn nắn trái tim của mục tử, cho đến khi họ có được những tâm tình như chính Chúa Giê-su Ki-tô (x. Pl 2,5). Sự hiến dâng với lòng biết ơn trong việc phục vụ Chúa và Dân Ngài phát sinh từ việc đón nhận một món quà hoàn toàn nhưng không: “Con thuộc về Ta… con thuộc về họ”, Chúa thì thầm; “con đang ở dưới sự bảo vệ của bàn tay Ta, dưới sự bảo vệ của trái tim Ta. Hãy ở lại trong bàn tay của Ta và trao cho Ta bàn tay của con”. Đây là sự hạ mình và gần gũi của Thiên Chúa, Đấng sẵn sàng đặt mình vào bàn tay mỏng dòn của các môn đệ để nuôi dưỡng Dân Người và nói với họ: Anh em hãy cầm lấy mà ăn, hãy cầm lấy mà uống, này là Mình Thầy hiến dâng vì anh em (x. Lc 22,19). Sự dâng hiến trong tâm tình kinh nguyện, được hình thành và tinh luyện cách âm thầm giữa trăm chiều thử thách mà người mục tử phải đối diện (x. 1 Pr 1,6-7) và lời mời gọi tín thác để chăm sóc đoàn chiên (x. Ga 21,17). Giống như Thầy, người mục tử mang trên vai mình sức nặng của việc chuyển cầu và sự hao mòn của việc xức dầu cho dân của Người, nhất là ở những nơi mà lòng tốt phải đấu tranh để vượt thắng và những nơi phẩm giá của anh chị em chúng ta bị đe dọa (x. Dt 5: 7-9). Trong việc chuyển cầu này, Chúa âm thầm ban cho tinh thần nhu mì giúp hiểu biết, chào đón, hy vọng và mạo hiểm vượt lên trên những hiểu lầm có thể xảy ra. Đây là nguồn gốc của những hoa trái vô hình và không thể hiểu, phát sinh từ việc biết mình đã đặt niềm tin vào ai (x. 2Tim 1:12). Một sự tin tưởng cầu nguyện và tôn thờ, có khả năng giải thích các hành động của người mục tử và làm cho trái tim và các quyết định của ngài tương hợp với những thời khắc của Thiên Chúa (x. Ga 21,18): “Chăn dắt đoàn chiên có nghĩa là yêu thương, và yêu thương cũng có nghĩa là sẵn sàng chịu đau khổ. Yêu thương có nghĩa là: trao ban cho đoàn chiên sự tốt lành đích thực, là lương thực về chân lý của Thiên Chúa, lương thực về Lời Chúa, lương thực về sự hiện diện của Người.”
Sự dâng hiến được nâng đỡ bởi sự an ủi của Chúa Thánh Thần, Đấng luôn đi trước ngài trong sứ vụ: bằng sự cố gắng hết mình để thông truyền vẻ đẹp và niềm vui của Tin Mừng (x. Tông huấn Gaudete et exsultate, 57), bằng chứng tá phong nhiêu của những người, như Mẹ Maria, ở lại dưới chân Thánh giá bằng nhiều cách khác nhau, ở lại trong sự bình an đau đớn nhưng mạnh mẽ đó, mà không phẫn nộ cũng không quỵ luỵ; và trong niềm hy vọng gan lì nhưng kiên nhẫn rằng Chúa sẽ thực hiện lời hứa của Người, như Người đã hứa với tổ phụ chúng ta và với con cháu Người đến muôn đời (x. Lc 1,54-55).
Chúng ta cũng vậy, được gắn chặt với những lời cuối cùng của Chúa và với chứng tá đánh dấu cuộc đời của Người, chúng ta muốn, với tư cách là một cộng đoàn Giáo hội, theo chân Người và phó thác người anh em của chúng ta trong vòng tay Chúa Cha. Ước gì bàn tay thương xót của ngài cầm lấy ngọn đèn cháy sáng bằng dầu Tin Mừng mà ngài đã gieo rắc và làm chứng trong suốt cuộc đời mình (x. Mt 25,6-7).
Thánh Grêgôriô Cả, ở cuối Quy tắc Mục vụ, đã thúc giục một người bạn giúp ngài việc đồng hành thiêng liêng này: “Giữa những giông tố của cuộc đời, xin cho tôi được an ủi khi tin rằng bạn sẽ giữ tôi trên bàn cầu nguyện của bạn, và nếu gánh nặng lỗi lầm của tôi quật ngã và làm nhục tôi, bạn sẽ giúp tôi bằng công đức của bạn để nâng tôi dậy”. Vị mục tử ý thức rằng ngài không thể gánh vác một mình điều mà thực tế là ngài không bao giờ có thể gánh vác một mình, và do đó, ngài biết phó thác cho lời cầu nguyện và sự chăm sóc những người được ủy thác cho ngài. Chính Dân trung thành của Thiên Chúa, quy tụ cùng nhau, đồng hành và phó dâng sự sống của người đã từng là mục tử của họ. Giống như những phụ nữ bên ngôi mộ trong Tin Mừng, chúng ta ở đây với dầu thơm của lòng biết ơn và dầu hy vọng để một lần nữa bày tỏ với ngài về một tình yêu không hề mất; rằng chúng ta muốn làm điều này với cùng sự xức dầu, sự khôn ngoan, dịu dàng và tận tụy mà ngài đã trao ban cho chúng ta trong nhiều năm qua. Chúng ta muốn cùng nhau thưa: “Lạy Cha, chúng con xin phó thác linh hồn của ngài trong tay Cha”.
Thưa Đức Biển Đức, người bạn trung thành của Chàng Rể, ước gì niềm vui của ngài được trọn vẹn khi nghe tiếng của Chàng Rể, bây giờ và mãi mãi!