Cuộc trò chuyện tập trung vào chủ đề cuộc chiến ở Ucraina mà ngài đã tố cáo ngay từ đầu, vào ngày 24 tháng 2, và cho đến nay đã có nhiều nỗ lực hòa giải, bắt đầu từ cuộc điện thoại cho tổng thống Zelenski, đến việc thăm đại sứ quán Nga cạnh Tòa thánh để yêu cầu dừng vũ khí, và trên hết là sự sẵn sàng đến Matxcơva để gặp Tổng thống Putin. Đức Thánh Cha khẳng định: “Tôi đã yêu cầu ĐHY Parolin, sau hai mươi ngày chiến tranh, gửi thông điệp tới Putin rằng tôi sẵn sàng đến Matxcơva. Chắc chắn là cần nhà lãnh đạo Điện Kremlin mở cửa. Chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời và chúng tôi vẫn kiên trì ngay cả khi tôi sợ rằng Putin không thể và không muốn có cuộc gặp vào thời điểm này. Nhưng với tất cả sự tàn bạo này, làm sao lại không ngăn chặn nó? 25 năm trước, chúng ta đã trải qua điều tương tự với Rwanda”.
Các cuộc chiến được tiến hành để thử vũ khí chúng ta đã sản xuất
Đức Thánh Cha cũng suy tư về lý do của chiến tranh và về việc “buôn bán” vũ khí mà đối với ngài nó luôn luôn là một “vụ bê bối” ít bị phản đối. Về việc có vẻ như một “sự chọc tức” từ việc “NATO sủa trước cửa nhà của Nga” khiến Điện Kremlin “phản ứng tồi tệ và khơi mào xung đột” như cách nói của nhiều người, ĐTC Phanxicô nói rằng: “Tôi không biết có thể nói đó là một sự tức giận bị khiêu khích không – phải xem –, nhưng tạo điều kiện thì có lẽ có.”
Và giờ đây, những người quan tâm đến hòa bình đang đối diện với câu hỏi lớn về việc cung cấp vũ khí của các quốc gia phương Tây cho cuộc kháng chiến của Ucraina. Đức Thánh Cha nói: “Tôi không thể trả lời, tôi ở quá xa, đối với câu hỏi liệu có đúng không khi tiếp tế (vũ khí) cho Ucraina – phải suy nghĩ – . Điều rõ ràng là vũ khí đang được thử nghiệm ở vùng đất đó. Người Nga hiện biết rằng xe tăng ít hữu dụng và đang nghĩ đến những thứ khác. Các cuộc chiến tranh diễn ra vì điều này: để thử nghiệm vũ khí mà chúng ta đã sản xuất”. Rất ít người phản đối những hoạt động buôn bán này, thay vì lẽ ra phải làm mạnh hơn. Đức Thánh Cha trích dẫn việc “hai hoặc ba năm trước, một tàu chở vũ khí đã cập cảng Genova, để chuyển lên tàu lớn chở đến Yemen. Nhưng những công nhân cảng đã không làm điều đó. Họ nói rằng: chúng tôi nghĩ về những trẻ em Yemen. Một cử chỉ nhỏ nhưng rất đẹp.”
Đầu tiên là đến Matxcova
Không có kế hoạch cho chuyến đi đến Kiev vào lúc này, đầu tiên phải có một chuyến đi đến Matxcơva. Đánh giá những nỗ lực đã thực hiện hoặc sẽ được thực hiện để ngăn chặn sự leo thang của bạo lực, Đức Thánh Cha nói rõ: “Tôi sẽ không đến Kiev vào lúc này”, “Tôi đã cử ĐHY Michael Czerny và ĐHY Konrad Krajewski đến đó, nay đã 4 lần. Nhưng tôi cảm thấy tôi không phải đi. Đầu tiên tôi phải đến Matxcơva, trước tiên tôi phải gặp Putin. Nhưng tôi cũng là một linh mục, tôi có thể làm gì? Tôi làm những gì tôi có thể. Nếu Putin mở cửa…”.
Và cũng ở Matxcơva, Đức Thánh Cha có thể tìm kiếm khả năng làm việc với Đức Thượng phụ Kirill của Chính thống giáo. Ngài trích dẫn cuộc trò chuyện qua Zoom 40 phút vào ngày 15/3 và những “lời biện minh” cho cuộc chiến được Đức Thượng phụ Kirill trưng dẫn. Đức Thánh Cha khẳng định: “Tôi đã lắng nghe và tôi nói với ngài ấy: Tôi không hiểu gì về điều này. Thưa người anh em, chúng ta không phải là giáo sĩ của nhà nước, chúng ta không thể sử dụng ngôn ngữ chính trị, mà là ngôn ngữ của Chúa Giêsu. Chúng ta là những mục tử của cùng một dân thánh của Thiên Chúa. Vì lý do đó, chúng ta phải tìm kiếm con đường hoà bình và ngăn chặn ngọn lửa của vũ khí. Đức Thượng phụ không thể tự biến mình thành chú giúp lễ của Putin. Lẽ ra tôi có một cuộc gặp đã định với ngài ấy ở Giêrusalem vào ngày 14/6. Đó sẽ là lần gặp thứ hai của chúng tôi, không liên quan gì đến chiến tranh. Nhưng bây giờ ngài ấy cũng đồng ý rằng: chúng tôi nên dừng, nó có thể là một dấu chỉ nước đôi”.
Một thế giới chiến tranh vì quyền lợi quốc tế
Đức Thánh Cha nhìn rộng lớn hơn để nói về quyền của các dân tộc trong một thế giới đang chiến tranh, “cuộc chiến tranh thế giới thứ ba” nhiều lần gợi lên và làm lo sợ. Ngài nói rõ rằng đây không phải là một “báo động”, mà là “sự thực”: ở Syria, Yemen, Iraq, cuộc chiến này đến cuộc chiến khác ở châu Phi. Cuộc chiến diễn ra ở mọi mảnh nhỏ của quyền lợi quốc tế. Người ta không thể nghĩ được một quốc gia tự do có thể gây chiến với một quốc gia tự do khác. Ở Ucraina, có vẻ như những người khác đã tạo ra xung đột. Điều duy nhất có thể quy lỗi cho Ucraina là họ đã phản ứng ở Donbass, nhưng chúng ta đang nói về mười năm trước. Đề tài đó đã cũ. Tất nhiên họ là một dân tộc đáng tự hào”.
Đường Thánh Giá
Đức Thánh Cha trở lại với Đường Thánh Giá vào Thứ Sáu Tuần Thánh tại Đấu trường Colosseo, và những yêu cầu từ phía Ucraina đã dẫn đến việc không đọc phần suy niệm ở Chặng thứ Mười Ba, do một phụ nữ người Nga và một người phụ nữ người Ucraina soạn chung. ĐTC Phanxicô giải thích: “Tôi đã gọi ĐHY Krajewski đang ở đó, và ngài nói với tôi: đừng đọc, đừng đọc lời nguyện. Họ có lý, ngay cả khi chúng ta không hiểu hết. Vì vậy, họ đã thinh lặng. Họ có một sự nhạy cảm, họ cảm thấy bị đánh bại hoặc bị nô lệ bởi vì trong Chiến tranh thế giới thứ hai, họ đã phải trả giá quá nhiều. Rất nhiều người chết, đó là một dân tộc tử đạo. Nhưng chúng ta cũng hãy chú ý đến những gì có thể xảy ra bây giờ ở Transnistria”.
Về cuộc gặp thủ tướng Viktor Orbán của Hungary hôm 21/4 vừa qua tại Vatican, Đức Thánh Cha cho biết rằng: “Thủ tướng Orbán đã nói với tôi rằng người Nga có một kế hoạch, rằng ngày 9/5 sẽ chấm dứt tất cả. Tôi mong là như vậy, như thế chúng ta cũng có thể hiểu được tốc độ leo thang trong những ngày này. Bởi vì bây giờ không chỉ Donbass, mà còn là Crimea, Odessa, là cảng Biển Đen đang bị lấy đi khỏi Ucraina, tất cả. Tôi hết sức bi quan, nhưng chúng ta phải làm mọi cách để làm cho chiến tranh chấm dứt”.
Tác giả bài viết: Văn Yên, SJ - Vatican News
Nguồn tin: https://www.vaticannews.va
Ý kiến bạn đọc