Những lời chỉ trích Giáo hội giúp chúng ta khiêm tốn một cách lành mạnh và thúc đẩy chúng ta phải can đảm thanh lọc nội bộ hơn nữa.
Trong phần lớn thế giới thế tục, chúng ta sống trong bầu khí phần nào bài Giáo hội và bài giáo sĩ. Ngày nay, khá là hợp thời khi công kích các giáo hội, dù là Giáo hội công giáo la-mã, tin lành hay phái Phúc âm. Việc này thường được thực hiện nhân danh tư tưởng phóng khoáng và khai sáng, và đó chính là thiên kiến được phê chuẩn về mặt tri thức. Nói xấu gì đó về bất kỳ nhóm nào khác trong xã hội thì ta sẽ phải giải thích, nói gì đó phỉ báng các giáo hội thì không bị hậu quả gì.
Vậy phải phản ứng thế nào mới đúng đắn? Dù chúng ta dễ thấy mình bị xúc phạm bởi việc này, nhưng phải cẩn thận đừng phản ứng thái quá, bởi vì là Giáo hội, chúng ta không nên thấy mình bị đe dọa ghê gớm bởi điều này. Vì sao lại thế?
Trước hết, vì một số chỉ trích là tốt và hữu ích. Phải nói sự thật, chúng ta ai chẳng có những lỗi phạm thật sự. Mọi chủ nghĩa vô thần là ký sinh sống nhờ một tôn giáo tồi. Những lời chỉ trích chúng ta sống nhờ những lỗi phạm của chúng ta và chúng ta chỉ có biết ơn vì họ đã đưa ra những lỗi phạm này, mặc dù đôi khi người ta làm quá hơn mức cần thiết. Những lời chỉ trích Giáo hội giúp chúng ta khiêm tốn một cách lành mạnh và thúc đẩy chúng ta phải can đảm thanh lọc nội bộ hơn nữa. Ngoài ra, chúng ta đã hưởng đặc quyền quá lâu rồi, và đó không bao giờ là một điều tốt cho Giáo hội. Cho dù không thích cho lắm, nhưng thường chúng ta sống trong tư cách là người tín hữu kitô thời thiếu đặc quyền lành mạnh hơn là thời có nhiều đặc quyền. Hơn nữa, có vài điều hệ trọng đang gặp nguy cơ.
Chúng ta phải cẩn thận đừng phản ứng thái quá với bầu khí bài giáo hội đương thời, vì nó có thể dẫn chúng ta đến tâm thức đề phòng quá đáng và đặt chúng ta vào vị trí đối chọi không lành mạnh với một văn hóa, mà Tin Mừng không khuyên chúng ta phải làm như thế. Trách nhiệm của chúng ta đúng ra là phải hấp thụ các lời chỉ trích, đau đớn suy ngẫm về nó, nhẹ nhàng đưa ra điểm bất công trong đó, và chống lại cám dỗ thủ thế. Vì sao? Vì sao không nên gồng mình thủ thế?
Vì chúng ta đủ mạnh để không làm thế, đủ lý trí để không làm thế. Chúng ta có thể chịu đựng điều này mà không trở nên gay gắt và thủ thế hơn. Bất chấp sự chỉ trích đương thời đối với Giáo hội, Giáo hội đâu có sụp đổ hay tan biến ngay. Chúng ta là hai tỷ rưỡi tín hữu kitô trên khắp thế giới, đứng vững với truyền thống hai ngàn năm, có một Kinh Thánh được chấp nhận rộng rãi, có giáo lý được giữ vững và tinh tế điều chỉnh trong hai ngàn năm, có các thể chế lớn hàng trăm năm tuổi, bén rễ sâu trong văn hóa và công nghệ Tây phương, có lẽ là nhóm đa quốc gia lớn nhất thế giới và phát triển về con số mạnh nhất thế giới. Chúng ta đâu phải là cây sậy lay lắt trước gió hay con tàu sắp chìm. Chúng ta mạnh mẽ, vững vàng, được Chúa chúc phúc, là trưởng lão trong nền văn hóa, và vì thế chúng ta phải là hình mẫu chính chắn và thông hiểu cho nền văn hóa.
Ngoài ra, quan trọng hơn nữa, Đức Kitô đã hứa luôn ở bên cạnh chúng ta, và có sự phục sinh để nâng đỡ chúng ta. Với tất cả những điều này, tôi nghĩ thật công bằng khi nói chúng ta có thể tiếp thu khá nhiều lời chỉ trích mà không sợ đánh mất bản sắc của mình. Hơn nữa, chúng ta đừng để những lời chỉ trích làm chúng ta mất đi nhận thức lý do vì sao chúng ta tồn tại ngay từ đầu.
Giáo hội tồn tại không phải vì chính nó hay để bảo đảm sự tồn tại của nó, mà là vì thế giới. Chúng ta có thể dễ dàng quên mất điều này và mất đi ý thức về yêu cầu của Tin Mừng đối với chúng ta. Ví dụ như, hãy so sánh hai phản ứng này: Ở một buổi họp báo, khi được hỏi, nhiệm vụ hàng đầu của giáo hội thời nay là gì, hồng y Basil Hum đơn giản trả lời: “Chúng ta cần nỗ lực cứu hành tinh này.” Cũng câu hỏi này, trong một phỏng vấn đề trên đài gần đây, một hồng y khác trả lời: “Phải bảo vệ đức tin”. Vậy ai mới đúng?
Mọi điều về Chúa Giêsu cho thấy quan điểm của hồng ý Hume gần với Tin Mừng hơn hồng y kia. Khi Chúa Giêsu nói, “Thịt Ta là của ăn hằng sống cho thế gian”, Ngài xác nhận rõ, nhiệm vụ hàng đầu của Giáo hội không phải là bảo vệ mình, bảo đảm sự tiếp diễn của mình hay bảo vệ mình khỏi bị thế giới vùi dập. Giáo hội tồn tại vì thế giới chứ không phải vì chính Giáo hội. Chính vì thế có một biểu tượng phong phú trong chuyện Chúa Giêsu vừa ra đời thì nằm trong máng cỏ, nơi là máng ăn của thú vật, và chính vì thế mà Ngài dâng mình trên bàn tiệc Thánh Thể, để được ăn. Một phần lớn về Chúa Giêsu, Ngài hướng đến việc bị thế giới nuốt chửng, cụ thể là liều để mình yếu đuối còn hơn là an toàn, thà tin tưởng còn hơn là thủ thế. Trọng tâm của Tin Mừng có lời kêu gọi hãy liều mình vượt ra khỏi sự thủ thế và hấp thụ chỉ trích bất công mà không chống cự: “Xin Cha tha thứ cho họ, vì họ không biết việc họ làm”.
Giáo hội phải trao mình làm của ăn cho thế giới. Như mọi sinh vật sống đôi khi cần phải bảo vệ mình, nhưng không bao giờ đánh đổi điều đó với chính lý do mà nó tồn tại.
Ronald Rolheiser
J.B. Thái Hòa dịch
Tác giả bài viết: J.B. Thái Hòa dịch
Nguồn tin: https://giaophanlongxuyen.org
Ý kiến bạn đọc