Cầu nguyện theo Thầy

Thứ sáu - 22/07/2022 19:38 819 0
 
CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN NĂM C: LC 11, 1-13


            Một hôm, Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông”. Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến. Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy. Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”.
            Người còn nói với các ông: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: ‘Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả’, mà người kia từ trong nhà lại đáp: ‘Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được”? Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.
            “Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó ? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp ? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao ?”  

 

CẦU NGUYỆN THEO THẦY
 

            Lần ấy thánh I-nha-xi-ô và vài người bạn thực hiện một cuộc hành trình dài. Họ theo một thời khóa biểu bao hàm việc dừng lại ở những khoảng cách đều đặn để cầu nguyện với nhau. Một phu khuân vác, được mướn theo để mang hành lý, quan sát nghi thức đó trong nhiều ngày. Ông thấy việc này tác động lên nhóm tu sĩ, và vì hành trình kéo dài lâu, ông bắt đầu ao ước cầu nguyện với họ. Khi thánh I-nha-xi-ô biết được ước muốn này, ngài mời người khuân vác gia nhập nhóm. Thánh nhân cũng dần dần thấy ước muốn -ngày qua ngày- của người khuân vác được cầu nguyện với họ tự nó là một lời cầu nguyện rất hay. Văn hào Victor Hugo từng bảo: “Một vài tư tưởng là lời cầu nguyện. Có những lúc mà dù cử chỉ thân xác thế nào đi nữa, linh hồn vẫn đang quỳ xuống”.                                                           
            1. Cho các kế hoạch của Thiên Chúa
            Một sự thu hút tương tự như thế đã xảy ra trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay. “Một hôm, thấy Đức Giê-su cầu nguyện…”, môn đệ đã xin Người dạy họ làm việc ấy như Gio-an Tẩy giả đã dạy môn đồ của ông.
            Ngày nay, việc cầu nguyện lại được phục hồi cách nào đó. Tuy nhiên, phần lớn loài người bây giờ đều gặp khó khăn khi cầu nguyện. Tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng cách vô thức bởi vô số phê bình của não trạng hiện thời: cầu nguyện là đào ngũ, chớ xin Thiên Chúa làm thế cho bạn, hãy xắn tay áo lên… cầu nguyện là một hành vi ma thuật của người sơ khai không biết các định luật chặt chẽ của thiên nhiên… cầu nguyện là tha hóa, hãy mặc lấy chiều kích con người của mình… không có Chúa cũng chẳng có chủ… hãy từ bỏ những mê tín tối tăm của bạn…
            “Người bảo các ông: Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: Lạy Cha…” Dân Do-thái đã từng gọi Thiên Chúa là “Cha”… như nhiều tôn giáo khác (x. Hs 11,3; Gr 3,19; Is 63,16; Kn 5,5 v.v...). Tuy nhiên Đức Giê-su đã canh tân từ này, khi mạnh dạn xưng với Thiên Chúa: “Ab-ba” (Ba ơi !)… từ thân mật chưa sử dụng trước Người. Chính từ những gì họ đã nhận thấy về kinh nghiệm độc nhất vô nhị của Đức Giê-su mà các môn đệ đã quả quyết Người là “Con Thiên Chúa” theo một nghĩa hoàn toàn đặc biệt. Khi lấy lại “lời cầu nguyện của Đức Giê-su” là đến phiên mình, chúng ta bạo dạn nghĩ rằng “chúng ta được yêu bởi chính tình yêu mà Chúa Cha đã dùng để yêu Con Một” (Ga 20,17).
            “Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển…” Trong Thánh Kinh, “danh” (tên) biểu lộ con người… “thánh thiện” là cái khiến Thiên Chúa nên hoàn toàn khác nhờ sự siêu việt của tình yêu và của quyền năng Người… Trước khi ngỏ với Thiên Chúa các nhu cầu riêng của mình, chúng ta phải nghe lời Đức Giê-su mà cầu xin theo ý Chúa Cha. Không gì ma thuật, không gì tha hóa trong lối cầu nguyện tuyệt đối vô vị lợi này. “Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển” là xin bày tỏ sự toàn năng của Cha vốn là đức toàn nhân toàn ái, là tình hiền phụ toàn hảo… xin tỏ cho thấy Cha là Cha… vô cùng tuyệt đối là “cha”… một người cha hoàn toàn khác chúng con, vô cùng là “cha” hơn chúng con. Nếu đặt trong cùng một trái tim tình yêu vốn đã hết sức kỳ diệu của mọi người cha và mọi người mẹ trên trái đất, ta vẫn chỉ mới có một phần rất nhỏ của tình yêu nơi vị Cha ấy, “nguồn gốc mọi chức làm cha, mọi tình hiền phụ” (Ep 3,15).
            “Triều Đại Cha mau đến…” Lời cầu thứ hai này gần như đồng nghĩa với lời cầu thứ nhất. Xin Thiên Chúa thống trị! Xin Thiên Chúa, vốn là Tình Yêu (x. 1Ga 4,7-21), sinh động từ bên trong tất cả tạo vật của Người. Chớ gì Tình yêu lên ngôi! Chớ gì Tình yêu làm chủ! Chủ đề “Triều Đại Thiên Chúa” trong Cựu Ước thường xuất hiện (x. 1Sbn 16,30-33; Tb 13,1; Tv 21,28; 28; 67,33-36; 97; 102,19; Is 11,1-9; 33,17-24; 52,7-12; Đn 8,23). Trong tư tưởng Ít-ra-en, vua chúa trần gian chỉ là những “đại diện”: vương quyền thuộc một mình Thiên Chúa. Và chính khi giữ Lề luật Người mà Ít-ra-en làm cho Người hiển trị thật sự.
            Vào thời Đức Giê-su, đã từ lâu chẳng còn vua tại Giê-ru-sa-lem như thời Đa-vít và Sa-lo-mon nữa. Do đó nỗi mong chờ Đấng Mê-si-a, bị kích phát bởi cuộc xâm chiếm của ngoại bang, được diễn tả trong kinh cầu nguyện Qaddish của dân Do-thái thế này: “Ước chi Danh vĩ đại của Người được cả sáng trong thế giới Người đã tạo dựng theo tôn ý, ước chi Người làm cho Triều đại Người hiển trị và ơn cứu rỗi (giải thoát) của Người mọc lên, ước chi Đấng Mê-si-a của Người gần đến”. Đức Giê-su công bố Triều Đại Thiên Chúa đến gần, đang hoạt động đó rồi, nhưng không phải cách lừng lẫy… mà như muối men, như hạt giống âm thầm chôn giấu trong lòng người (x. Mt 3,2; 4,17; 10,7; 13,24.31.36.50). Thành thử hiển nhiên là chúng ta không thể dâng lên lời cầu này mà chẳng đích thân hành động để giúp Triều Đại ấy lớn mạnh, trong niềm xác tín về Ngày Cánh chung, lúc sẽ biểu trọn vẹn sự thành công, sự hoàn tất chương trình tình yêu của Thiên Chúa.
             Tiện đây xin lưu ý rằng kinh “Lạy Cha” của Lu-ca hơi khác kinh của Mát-thêu. Ông đã thu ngắn, bỏ bớt hai lời cầu (ý Cha thể hiện và cứu chúng con khỏi mọi sự dữ). Chẳng thánh sử nào đã coi mặt chữ các lời của Đức Giê-su nhận từ truyền thống là bất khả xâm phạm. Họ xem kinh Lạy Cha như một hướng cầu nguyện chung hơn như một công thức bất biến. Đức Giê-su đã chẳng cố định hay nghi thức hóa cái gì cả. Và Giáo Hội, ngay từ khởi thủy, đã luôn sử dụng nhiều công thức khác nhau trong phụng vụ của mình… trên một nền tảng duy nhất.
            2. Cho các mong ước của chúng ta
            “Xin cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy…” Sau khi đã lấy các “kế hoạch của Chúa Cha” làm của mình, chúng ta bây giờ mới bày tỏ các mong ước của chúng ta. Đức Giê-su gợi lên cho chúng ta ba điều ước: cơm bánh… ơn tha thứ… tự do trước sự dữ…
             Ở đây cũng vậy, Lu-ca đã thay đổi bản văn của Mát-thêu. Ông này nói: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực cần dùng (TOB, hằng ngày: BJ)”, còn Lu-ca, với một cộng đoàn Ki-tô hữu chắc hẳn rất nghèo, đã thêm một tiểu dị và nhấn mạnh: “Xin cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy”. Lời cầu này thật khiêm tốn, và dẫu chẳng nói rõ, nó cũng đặt lại vấn đề não trạng ưa giàu của chúng ta. Đức Giê-su đã không ngớt nhấn mạnh rằng chúng ta chớ có lo âu về ngày mai (x. Lc 12,22-32; Mt 6,34). Ngay trong hoang địa thời ra khỏi Ai-cập, dân Chúa đã không thể dự trữ man-na trước cho nhiều ngày (x. Xh 16,4). Từ Hy-lạp “épiousios”, dịch là “cần dùng”, xét trong toàn bộ Kinh thánh, đã chỉ được sử dụng ở đây thôi. Nó nhắc nhớ một từ Hip-ri, cũng hiếm hoi, được dùng tại Cn 30, 8: “Xin đừng để con nghèo túng, cũng đừng cho con giàu có; chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng!” Một lời cầu nguyện khó đọc trong các xã hội thừa mứa, song lại là lời cầu nguyện của hết thảy những ai khắp thế giới chỉ sống độ nhật. Nhưng từ “chúng con” mà ta đọc theo Đức Giê-su, buộc ta phải gồm vào lời cầu nguyện của ta hết mọi kẻ thiếu bánh hằng ngày. Tôi không có quyền đọc kinh “Lạy Cha” cho mình tôi thôi. Và nếu lời cầu nguyện của tôi chân thật, nó sẽ thúc đẩy tôi chia sẻ cơm bánh cho những người đói.
            “Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con…”. So với công thức của Mt, Lc đã xác định chữ “nợ” bằng cách dịch ra là “tội”: thực thế, chính tội là cản trở lớn nhất đối với Triều đại Thiên Chúa cũng như đối với việc chia sẻ cơm bánh cho anh em! Hơn nữa, Lu-ca còn thêm chữ “mọi/tất cả” để nói chúng ta phải tha thứ cho hết mọi người, nếu muốn chính mình được Thiên Chúa thứ tha. Việc này thiết yếu đối với các Ki-tô hữu đến nỗi Đức Giê-su phải luôn nhắc đi nhắc lại! (x. Lc 6,36; 23,34; Mt 11,19; 26,28; 6,14; 18,23.35; Mc 11,25; Gc 2,13). Niềm vui Thiên Chúa cảm thấy khi tha thứ cho tội nhân do đó trở nên như đá thử vàng đối với hành động của Ki-tô hữu. “Ki-tô hữu là người tha thứ”, một bé gái từng nói với giảng viên giáo lý của mình như vậy. Trước khi đi xa hơn trong lời cầu nguyện của mình, ta hãy dừng lại một chút… để tha thứ tận đáy lòng cho tất cả những ai đã làm hại ta. Và đừng bao giờ bảo việc cầu nguyện là ma thuật, vụ lợi, đào thoát nữa. Đúng hơn, nó là một sự dấn thân bao la, một đòi hỏi khủng khiếp, gần như siêu phàm.
            “Và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ…”. Nhiều nhà chú giải nghĩ rằng ở đây nói về cơn cám dỗ lớn, cơn cám dỗ rất đáng sợ là “bỏ Thiên Chúa”, “mất niềm tin”. Thử thách lớn lao này đã từng khiến Đức Giê-su tự hỏi: “Khi Con Người ngự đến, liệu còn thấy lòng tin trên mặt đất này nữa chăng?” (Lc 18,8). Trong trình thuật về cơn chiến đấu tại vườn Ghết-sê-ma-ni theo Lu-ca, hai lần Đức Giê-su khuyên bảo môn đệ “cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (22,40 và 46). Vâng, cám dỗ lớn nhất, đó là từ bỏ Người. Nhưng mọi cám dỗ của chúng ta, mọi yếu đuối của chúng ta, thậm chí những yếu đuối nhỏ nhất, cũng làm chúng ta bỏ Đức Giê-su chút ít. Trong dụ ngôn người gieo giống, Đức Giê-su đã cảnh giác: có những kẻ tin trong một thời gian, rồi bỏ khi gặp thử thách, cám dỗ (x. Lc 8,13). Thành thử mỗi ngày chúng ta cần phải chiến đấu chống lại sự dữ, chinh phục tự do của mình… và khiêm tốn cầu xin Thiên Chúa ơn chẳng đầu hàng, chịu tội lỗi trói buộc.
            3. Với lòng kiên trì lì lợm
            Qua dụ ngôn tiếp theo vốn chỉ ông có, Lu-ca nêu bật một khía cạnh trong lời cầu nguyện của Đức Giê-su: cầu nguyện xin ơn. Thế mà trong lãnh vực này, cần phải chứng tỏ sự kiên trì đối với Thiên Chúa; điều ấy hết sức quan trọng trước mắt Lu-ca đến nỗi ông sẽ lặp lại giáo huấn này tại chương 18,1-5 với một dụ ngôn khác.
            Câu hỏi mở đầu buộc thính giả phải lôi mình vào, phải đưa ra một phán đoán cá nhân, đang khi chính Đức Giê-su sẽ minh nhiên cung cấp cách áp dụng (x. câu 8). Chính toàn bộ câu chuyện dụ ngôn soi sáng các tương quan giữa Thiên Chúa với con người trong lời cầu nguyện. Sẽ sai lầm nếu tách mỗi một yếu tố của nó ra và tưởng tượng rằng lời cầu nguyện sẽ đánh thức Thiên Chúa hay Thiên Chúa đáp lại chỉ để thoát khỏi những kẻ quấy rầy. Này là 3 nhân vật: tay trâng tráo lì lợm có 2 người bạn không biết nhau. Sở dĩ anh ta đến nhà một trong hai người giữa khuya là vì người kia, ở xa, vừa tới nhà anh cách đột xuất, xin ở lại. Lữ khách này du hành ban chiều và một phần ban đêm để tránh cái nóng của ban ngày. Xin lưu ý: người bạn mà kẻ đang ngủ bị lôi dậy muốn đuổi khéo chẳng xin gì cho mình; và chính anh ta mới bị ông khách đến bất ngờ gây phiền nhiễu hơn cả! Anh nại đến tình bạn giữa họ để vay 3 cái bánh, nhưng kẻ kia từ chối theo anh trên bước đường tình cảm này; y chẳng gọi anh là “bạn” và từ chối đánh thức con cái vì phải chỗi dậy. Kết luận của Đức Giê-su đi tự chính việc từ chối hành động vì tình bạn ấy; một động cơ khác sẽ khiến kẻ đang ngủ cho những gì người kia cần: tính lì lợm của sự vận động ban đêm. Lòng kiên trì đã “được trả tiền”, đã mang lại kết quả, như được chứng minh qua cuộc đời các thánh, vốn là những tay đại lỳ trong việc cầu nguyện.



 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây