Chúa Nhật 13 Thường Niên Năm A

Thứ bảy - 01/07/2023 04:42 726 0
 
 
CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN NĂM A : MT 10,37-42

            Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai tìm giữ mạng sống cho mình, thì sẽ mất : còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.
            “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính. Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ là một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”.  

                                         
ĐẶT THẦY TRÊN VÀ TRONG TẤT CẢ
 

            Nhà tu đức học nổi tiếng của Ấn Độ, cha Anthony de Mello SJ (1931-1987) có làm một bài thơ với nội dung sau đây : Một hôm lang thang trên phố, tôi bỗng thấy một cửa hiệu với hàng chữ này : “Tại đây có bán chân lý”. Tò mò, tôi bước vào cửa hiệu. Cô bán hàng niềm nở tiếp đón tôi và hỏi : “Ông muốn mua loại chân lý nào ? Chân lý từng phần hay chân lý toàn diện ?” Tôi cho cô biết dĩ nhiên tôi đang đi tìm thứ chân lý toàn diện, thứ chân lý không pha trộn giả dối, thứ chân lý mà lý trí tôi phải đầu phục hoàn toàn. Tôi muốn có chân lý đơn thuần và toàn diện. Cô bán hàng nhìn tôi rồi bằng một giọng đầy ái ngại, cô nói : “Thưa ông, giá của món hàng rất cao”. Đã cương quyết mua cho bằng được chân lý toàn diện, tôi liền hỏi : “Giá bao nhiêu, xin cho biết”. Cô bán hàng trả lời : “Nếu ông muốn mua thứ chân lý này, ông phải trả giá bằng cả cuộc sống của ông !” Tôi ra khỏi cửa tiệm, lòng buồn rười rượi. Tôi cứ nghĩ rằng mình có thể mua chân lý toàn diện bằng một giá rẻ mạt. Thì ra tôi chưa sẵn sàng để đón nhận chân lý. Tôi vẫn chưa muốn cho đi cuộc sống của tôi. Tôi vẫn còn bám chặt vào những sở hữu của mình.
            Bài thơ ngụ ngôn trên đây hẳn muốn nói lên thái độ của nhiều người trong chúng ta đối với Đấng tự xưng là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, cũng như nói lên đòi hỏi của Người đối với chúng ta.

            1. Yêu mến Thầy trên tất cả.
            “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không đáng làm môn đệ Thầy”. Câu nói cứng cỏi khó ngờ ! “vô nhân đạo” thật ! có nguy cơ bị hiểu sai trong thời đại chúng ta, một thời đại vốn đã gay go đối với bậc cha mẹ vì quan hệ khó khăn với con cái. Khó tin rằng Đức Giê-su muốn khuyên bảo con cái đừng mến yêu cha mẹ nữa ! Điều răn thứ 4 của Thiên Chúa vẫn là một điều răn thánh thiêng. Chính Đức Giê-su đã nêu gương vâng phục và trung thành cách tế nhị đối với mẹ Người (x. Lc 2,50; Ga 19,26-27). Người cũng đã nhắc lại : việc nâng đỡ cha mẹ cách cụ thể thậm chí vượt lên trước “việc dâng lễ phẩm cho Đền thờ” (x. Mt 15,3-6). Vậy Đức Giê-su muốn nói gì ở đây qua những lời cứng cỏi ấy ?
            Người lấy chính bổn phận thiêng thánh số một để mạnh mẽ bảo chúng ta rằng phải yêu mến Người hơn những ai đáng yêu mến nhất, hơn những ai chúng ta phải yêu mến nhất. Theo Đức Giê-su, làm tín hữu đôi khi có thể gây nên sự chống đối nơi những ai gần chúng ta hơn cả. Đức Giê-su yêu cầu chúng ta lúc ấy phải có khả năng yêu mến Người hơn. Trong thời đại này, chúng ta biết rõ điều ấy hay xảy đến. Tin Mừng đề nghị một chọn lựa dứt khoát, thể hiện ra thành cả một nhân sinh quan. Vì lựa chọn căn bản này, vốn làm ta không còn sống như xưa nữa, Đức Giê-su thường trở nên một nguyên nhân bất hòa, thậm chí trong những gia đình hiệp nhất hơn cả nhờ tình cảm tự nhiên.
            Câu thứ hai hoàn toàn song song với câu thứ nhất : sau tương quan con cái-cha mẹ… nay là tương quan cha mẹ-con cái… Đức Giê-su đòi chiếm chỗ nhất trong các tình yêu của chúng ta : một tham vọng khó hiểu, khó chấp nhận, nếu Người chẳng phải là Thiên Chúa ! Trong mọi nhà sáng lập tôn giáo lớn, Đức Giê-su là người duy nhất đã nói như vậy. Những vị khác chỉ nói : “Phải yêu mến Thượng Đế. Phần tôi, tôi chỉ là phát ngôn nhân của Người”. Vâng, trong mọi tôn giáo, người ta đặt Thiên Chúa lên trên tất cả. Nhưng ở đây là chính Đức Giê-su. Táo bạo chừng nào ! Thật ra, không có vấn đề chọn lựa giữa hai tình yêu : “Đức Giê-su hay cha mẹ tôi, vợ (chồng) tôi, con cái tôi”. Chỉ có một tình yêu, chỉ có một cách thức yêu mến đích thực. Tình yêu đối với mọi người khác chỉ trở nên đúng đắn (khỏi trở thành độc chiếm như vẫn thường thấy) khi được bao trọn trong tình yêu đối với Đức Giê-su (hay đối với Thiên Chúa cũng vậy). Thiên Chúa phải chiếm chỗ đầu trong con tim chúng ta thì cha mẹ, con cái, bản thân, tha nhân và mọi cái khác mới được yêu đúng cách, đúng chỗ, đúng lượng.
            “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không đáng làm môn đệ Thầy”. Nấc thứ ba (quan trọng nhất) trong chiếc thang từ bỏ là bản thân : “Bỏ tất cả mà chưa bỏ mình thì con chưa bỏ gì cả, vì chính mình con sẽ dần dần quơ góp lại những gì con đã bỏ trước” (Đường Hy Vọng 3). Việc ám chỉ thập giá khiến chúng ta nghĩ rằng Đức Giê-su đã không bao giờ đề nghị với chúng ta những rứt bỏ như thế nếu Người đã chẳng thực hành điều đó trước tiên. Mọi thập giá được vác… là vác “theo” Đức Giê-su. Khi đau khổ… là bạn bước sau thập giá của Người.
            Vác thập giá “mình” ! Có lẽ chúng ta bị cám dỗ muốn cho kiểu nói này mất tất cả sức mạnh và tính tàn nhẫn của nó. Đối với Mt, đây không phải là một ảnh tượng đạo đức, một ngôn ngữ ước lệ diễn tả những hy sinh nhỏ bé trong cuộc đời. Thời ông, việc đóng đinh thập giá vẫn là hình khổ dành cho những ai bị cho là chống lại hoàng đế Rô-ma, hình khổ khủng khiếp nhất và ô nhục nhất (vì phải lột truồng hoàn toàn). Bị phó mặc cho cơn cuồng nộ của đám lính xâm lược trước đó (tra tấn, đánh đòn), người can án thập giá hấp hối trong những cơn dày vò kinh khủng dưới con mắt của đám đông. Chắc Đức Giê-su từng thấy nhiều kẻ bị đóng đinh trước khi chính mình cũng chịu như vậy ! Tại Palestine bị quân Rô-ma xâm chiếm, đó là cách thức xử tử thông thường. Một sử gia thời ấy kể rằng khi Hê-rô-đê Cả mất, thủ lãnh quân đội Rô-ma là Varus đã cho đóng đinh cùng lúc 2000 người Do-thái ! Thập giá đâu phải là một đồ thờ phượng hay một món trang sức đeo trên mình !
            “Ai tìm giữ lấy mạng sống mình thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được”. Đây còn là một tuyên bố xem ra đi ngược với tất cả những gì thế giới văn minh đòi hỏi. Ngày nay, cái thiên hạ tìm kiếm nhất chính là “triển nở chính mình”, “thể hiện chính mình”. Thế mà Đức Giê-su đề nghị chúng ta hãy “liều mạng sống”, “đánh mất bản thân”, “bỏ mình bước theo Người” ! Tuy nhiên, nếu chịu khó suy nghĩ một chút, thì sau cơn choáng váng đầu tiên, chúng ta sẽ khám phá thấy tư tưởng Đức Giê-su hàm chứa một trong những định luật căn bản nhất của cuộc sống con người. Ai không có khả năng từ bỏ chính mình vì kẻ khác thì cũng chẳng có khả năng yêu mến. Kinh nghiệm sống thường nhật giúp ta khám phá thấy phải “mất chính mình” mới phát triển mình thật sự trong tình yêu tha nhân. Một nghịch lý vốn chỉ có thể giải thích trong ánh sáng của mầu nhiệm Vượt qua (chết và sống lại), mà chính Đức Giê-su đã đích thân trải nghiệm trước rồi. Mất sự sống… để được sự sống ! “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân” (Kinh Hòa bình).
            Lời Đức Giê-su không hề có tính cách khổ dục (thích chịu đau đớn để đạt khoái lạc), tiêu cực, buồn bã, song là một lời tích cực và vui tươi. Vì chính là chuyện “được”. Đức Giê-su đề nghị chúng ta chết cho bản thân mình để thực sự sống : “Tôi đến để họ được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Thành thử đây chẳng phải một kích động tự sát tự hủy. Đây là vấn đề tình yêu thường nhật, một tình yêu đòi hỏi ta “liều mạng” vì tha nhân để trọn vẹn triển nở chính mình ! Thay vì phá hủy con người, sự từ bỏ xây dựng những con người thượng đẳng. Hãy nghĩ đến cha Charles de Foucauld, mẹ Têrêxa thành Calcutta, mục sư Martin Luther King, chị Chiara Lubich, cậu Carlo Acutis và bao nhiêu người khác ! Còn cứ khép kín trong tính ích kỷ nhỏ nhen của mình, trong sự triển nở cá nhân riêng mình, thì theo Đức Giê-su, đó là cách chắc chắn nhất để làm hỏng đời mình.

            2. Nhìn thấy Thầy trong tất cả.
            “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy…”. Câu này như chuyển sang một đề tài khác. Thật ra, chúng ta vẫn nằm trong cùng một tư tưởng : yêu mến Đức Ki-tô, nhưng yêu mến Người qua việc tiếp đón những kẻ hiện thân cho Người.
            Thế giới hiện đại của chúng ta, cái thế giới xem ra cổ võ sự triển nở cá nhân thậm chí bằng cách đè bẹp, tiêu diệt người khác (ví dụ trong việc phá thai, giúp chết êm dịu, thanh lọc chủng tộc, trục xuất dân nhập cư, sách nhiễu người khác chính kiến, tống ngục kẻ phê phán nhà cầm quyền…), chính thế giới đó cũng đã tìm ra kiểu nói ghê gớm tàn bạo : “Tha nhân là hỏa ngục” (triết gia vô thần Jean-Paul Sartre) ! Phần Đức Giê-su, Người luôn cổ võ lòng hiếu khách, việc tiếp đón, sự cởi mở, và Người đồng hóa mình với những ai cần được đón tiếp, cần được nhớ tưởng (x. Mt 25,31-46). Chúng ta có chừa một ít nơi mâm cơm cho người lạ nghèo khổ không ? Có chia sẻ bàn tiệc sự sống cho mọi bào thai đang đợi ngày chào đời không ? Có dám lên tiếng bênh vực kẻ bị chà đạp nhân quyền, bị tước đoạt tự do, những tù nhân lương tâm không? Người khách được tiếp đón trong nhà chúng ta (có khi chỉ trong lòng chúng ta) là một sự hiện diện của Chúa, cần có thái độ niềm nở ! Đó là hình thức tươi vui của tình yêu. Đó là món quà thông thường nhất mà ta luôn có thể trao tặng, ngay cả khi quá nghèo và không có chi cho người khác ngoài thái độ đón tiếp ấy.
            Đức Giê-su đã gợi lên ba loại thành viên của cộng đoàn : ngôn sứ, chính nhân và kẻ bé mọn ! Hai hạng đầu đã được kính trọng trong Do-thái giáo. Nhưng Đức Giê-su thêm các “kẻ bé mọn”, các “môn đệ tầm thường”, những kẻ người ta luôn dễ bỏ qua để chú ý đến các siêu Ki-tô hữu, các tông đồ chiến sĩ, các nhà đại dấn thân ! Trong một thế giới dễ phi nhân hóa và đang tìm những lãnh vực hiệp thông mới (trên Internet, trên cầu truyền hình…), lời kêu mời của Đức Giê-su vẫn còn giá trị. Những ai chủ trương liên lạc với nhau bằng các phương tiện kỹ thuật, chỉ muốn gặp gỡ hay điều động những tập thể lớn lao… đều được nhắc nhớ hành vi đơn sơ : tặng “ly nước lã” cho người đang khát, tiếp xúc thăm viếng kẻ lâm khổ sầu  : một cử chỉ nhỏ bé nhưng tượng trưng mối liên hệ đích thực giữa con người. Đức Giê-su đang chờ chúng ta trong tha nhân, kẻ bé hơn cả…

 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây