Chúa Nhật 12 Thường niên năm A

Thứ sáu - 23/06/2023 19:00 633 0

 
 
CHÚA NHẬT 12 THƯỜNG NIÊN NĂM A : MT 10,26-33

            Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày ; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.
            “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục. Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không ? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em. Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng có sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.
            “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”.

                       
ĐỪNG SỢ !

            Nàng là một thiếu nữ Rumani trẻ trung, xinh đẹp, đạo hạnh và đầy tinh thần tông đồ. Dẫu có lệnh của nhà nước cấm dạy giáo lý (câu chuyện xảy ra cách đây hơn 4 thập niên), nàng vẫn bí mật quy tụ một số trẻ em để giúp chúng dọn mình xưng tội rước lễ vỡ lòng. Mật vụ biết được nhưng vẫn để đó. Cho đến một hôm, vào chính ngày đám cưới của nàng, trong lúc hai họ vui vầy bên cô dâu chú rể tràn trề hạnh phúc, nhân viên an ninh ập vào giữa đám tiệc, trưng bằng cớ về việc nàng vi phạm luật và lập tức còng tay nàng. Trong lúc ai nấy kinh hoàng, khóc lóc thảm thiết, cô dâu điềm tĩnh đưa chiếc còng số 8 lên môi, kính cẩn hôn lấy và nói : “Lạy Chúa, con xin cảm tạ Chúa đã tặng cho con một món quà nhân ngày cưới của con.” Rồi cô im lặng bước theo đoàn người áp giải… Năm năm sau, cô trở về, thân tàn ma dại vì bao cực hình, hãm hiếp, gian khổ. May thay, người chồng vẫn trung thành đợi chờ cô. Anh nói: “Đối với anh, em vẫn còn là một trinh nữ”. Gia đình hòa hợp và cô lại… tiếp tục dạy giáo lý !

            1. Đừng sợ loan báo Tin Mừng.
            Ngày nay, chúng ta thấy khó gieo rắc Tin Mừng trong thế giới duy vật vô thần của chúng ta. Vào thời Mát-thêu, hẳn cũng đã khó khăn rồi. Ta cảm thấy trong các câu nói của Đức Giê-su có một ý muốn khuyến khích cổ vũ : chớ nản chí, hãy vượt thắng nỗi sợ[1]. Nỗi sợ đây không phải là nỗi sợ “cá nhân”: sợ đau, sợ già, sợ tai nạn, sợ dịch bệnh, sợ bom nguyên tử. Nhưng là nỗi sợ trước đòi hỏi của đức tin : sợ cường quyền vô thần hạch sách, sợ bênh vực cho sự thật và công lý trong chế độ độc tài, sợ truyền bá giáo lý hay dấn thân vào việc tông đồ khó khăn, sợ mất giờ mất tiền mất sức vào việc đó, tóm lại là sợ không muốn công bố Tin Mừng ! Chẳng có gì ngăn cản nổi sức mạnh bành trướng của chân lý đâu! Lời rao giảng của Đức Giê-su tự nó đã là một hành vi hết sức khiêm tốn, một “sứ điệp che đậy… nói trong bóng tối, rỉ bên lỗ tai”. Nhưng ta thấy đó, sau bao thế kỷ, Tin Mừng đã đi vòng thế giới và vượt qua mọi trở ngại. Dĩ nhiên, sau công đồng Vatican, chớ nên có thái độ “đắc thắng tự tôn” song cần khiêm tốn và tế nhị, nhưng không vì thế mà cứ câm như hến. Dẹp thói sợ hãi dư luận, dẹp nỗi e ngại cường quyền, dẹp kiểu lập luận tránh né : chuẩn bị đất cho Tin Mừng đã. Năm thế kỷ Ki-tô giáo hiện diện trên đất Việt với bao máu đào tử đạo tưới đẫm và sự đóng góp lớn lao cho văn hóa dân tộc, cụ thể bằng chữ Quốc ngữ, chưa đủ để chuẩn bị ư ? Có lẽ chúng ta sẽ không còn đứng trước những kẻ tra tấn quyết tâm bắt chúng ta chà đạp Thập giá[2], nhưng khi chúng ta cảm thấy xấu hổ vì Đức Ki-tô, chẳng hạn trong môi trường làm việc của mình, thì hãy nhớ lời cảnh báo của Người lập tức : “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy”.      

            2. Đừng sợ kẻ bách hại đàn áp.
            “Đừng hãi sợ !” Điệp khúc trở lại 3 lần trên miệng Đức Giê-su (x. Mt 10,26.28.31). Ta như thấy Đức Giê-su hiên ngang nói những lời này. Dù sao, Người chẳng phải sợ. Người biết mình sẽ bị giết, vì mối căm thù của kẻ địch dâng lên quanh Người như một con sóng đáng ngại, ngay từ khởi điểm sứ vụ của Người. Nhưng Chúa Giê-su thấy rõ đâu là những “giá trị đích thực”. Đối với Người, cuộc sống trần gian chẳng đáng là bao so với cuộc sống vĩnh cửu mà Người biết rõ tự bên trong, vì là Con Thiên Chúa. Loài người có thể tấn công sự sống thân xác. Họ chẳng có quyền chi trên “sự sống thực” vốn hoàn toàn thoát khỏi tầm tay chi phối của họ. Ngay Thánh vịnh 123,7 đã nói : “Hồn ta tựa cánh chim, thoát lưới người đánh bẫy”. Các vị tử đạo đều biết rõ điều đó. Người bị bắt bớ vì tôn giáo lớn lao hơn kẻ bách hại. Người bị hành hạ vì lẽ công chính cao cả hơn tên đao phủ. Tay bắt bớ xét bên ngoài thì mạnh nhất: y có vũ khí, và có bạo lực tàn nhẫn. Nhưng y chỉ mạnh ở mức độ “thú vật” mà thôi… Người bị bách hại thì mạnh nhờ một mãnh lực bất khả thắng bên trong mình. Vai u thịt bắp, vũ trang đầy mình đâu đáng kể! Có “một tâm hồn mạnh mẽ” mới đáng khâm phục.
            Một “phải sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn”, kiểu nói lạ lùng, nghịch lý ! Làm sao có thể giết được một “linh hồn” thiêng liêng bất tử ! Giết như thế có nghĩa là gì ? Đức Ki-tô muốn quả quyết : nỗi sợ duy nhất của chúng ta phải là sợ mất đức tin, sợ thiên hạ kéo khỏi Người, khỏi Giáo hội, khỏi sự sống đời đời với Thiên Chúa. Đây là một nguyên tắc nghiêm trọng và rõ ràng giúp phân biệt các nỗi sợ đúng và sai. Cái làm cho Giáo hội điêu đứng, không phải là những kẻ bắt bớ bách hại… nhưng là những kẻ rời bỏ đức tin ! Cái phải động viên toàn lực Giáo hội, đó chính là sự mất mát hay còn thiếu đức tin trong các linh hồn ! Khi nghĩ tới những chiến dịch vận động dư luận để cứu các đàn hải cẩu, cá voi bị săn bắt, các thú rừng gặp nguy cơ tuyệt chủng, hay các thắng cảnh bỏ phế, các di tích điêu tàn… thì người ta đã làm gì để cứu các linh hồn, trước hết là những tín hữu lơ đạo, bỏ đạo, thứ đến là những con người vô đạo, chống đạo ? Đã làm gì để loài người khỏi hư hỏng, khỏi bị tàn phá từ bên trong khi mất tất cả ý nghĩa cuộc sống và chẳng nhận biết Đấng Cứu Chuộc ?
            Nhưng đức tin nói đây không chỉ là ngấm ngầm, chẳng ai nhận thấy, song cần phải được tuyên xưng. Tuy thế, tuyên xưng đây không chỉ là tỏ mình như “tín hữu” khi chẳng có chống đối hay nguy hiểm nếu nói lên điều đó, khi điều đó chẳng buộc tôi phải dấn thân cam kết gì, khi điều đó chẳng thay đổi gì trong cuộc sống của tôi cả. Đây là “tuyên xưng Đức Giê-su” trước một tòa án trần đời, trước ai đó không đồng ý, tìm cách buộc bạn nói ngược lại (bằng dụ hay dọa), trước ai đó sẽ chế nhạo, hành hạ, thậm chí sát hại bạn (như nhiều Kitô hữu tại Âu Mỹ đang là nạn nhân vì lập trường phò sự sống hay chống lại đồng tính hôn nhân). Phải chăng tôi đã “tuyên xưng Đức Giê-su” như thế trước mặt người đời ? Đã thực hành đức tin trong những hoàn cảnh ấy ? Tôi đặt vào đó cái giá nào ? Tôi hy sinh cái gì ? Phải chăng tôi phục vụ Thiên Chúa và Đức Ki-tô của Người ? Hay chỉ bỏ giờ để phục vụ chính tôi, để “được việc” cho tôi thay vì “đúng việc” của tôi ?
            Đức tin và tình yêu của ta chỉ tỏ ra nghiêm túc khi ta nói “Lạy Chúa, con tin ở Chúa”… cho đến đổ máu nếu cần. Cho đến đổ máu ! Điều đó ngày nay có thể ít khi mặc hình thức tử đạo. Nhưng thường biểu lộ qua sự trung tín cách anh hùng, qua việc chu toàn bổn phận thường nhật, qua thái độ can đảm trước những gì xảy đến, qua việc vui lòng chịu đựng các thử thách…

            3. Đừng sợ vì đã có Cha trên trời.
            Để diễn tả điều ấy, Đức Giê-su dùng những kiểu nói hơi ngoa, đầy tính chất khôi hài dí dỏm: “Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không ? Thế mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em” Đối với Đức Giê-su, chẳng có chi thoát khỏi sự chú ý phi thường của Cha trên trời. Một biến cố nhỏ nhất cũng được Người ước muốn và tiên liệu. Sự chăm chú theo dõi đầy tình hiền phụ của Thiên Chúa trên mỗi hành vi chúng ta như thế khiến chúng ta an tâm và tràn ngập vui mừng : tôi được yêu thương… được yêu thương không chút đãng trí, chẳng phút ngừng nghỉ …được yêu thương một cách cá nhân, như chỉ có tôi với Người. Đấng yêu tôi biết tôi tận những chi tiết nhỏ nhất. Hơn cả tôi biết mình. Người biết cả số lượng tóc tôi ! Vậy hãy để cho Người nhìn ngắm ! Hãy cố gắng nhận thức cách cụ thể rằng sức mạnh lớn lao tạo dựng thế giới, điều hành của vũ trụ và lịch sử, lúc này đây vẫn trọn vẹn quan tâm đến tôi, dẫu có thể tôi đang khổ sở vì đức tin mình : trước mắt Người là Hiền phụ, tôi “giá trị” hơn mọi con chim, hơn mọi của cải của thế giới ! Vâng, lạy Chúa, Chúa biết rõ mọi cái xảy đến cho con ! Chúa chăm sóc và yêu thương con ! Nếu thế, làm sao con hãi sợ ? Có thể xảy ra sự gì xấu cho con, nếu con luôn ở dưới cái nhìn của Ngài ? “Nếu Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại chúng ta nổi ?” (Rm 8,31).
 
 

 
[1] Nhiều chuyên gia thống kê về Kinh Thánh cho biết trong toàn bộ Thánh Kinh có 366 câu Chúa nói: “Đừng sợ hãi”, nghĩa là đủ cho mỗi ngày một câu, kể cả năm nhuận ! Ngoài ra còn có 53 lời khuyên hay câu chuyện về lòng can đảm, đủ cho mỗi tuần một lời hay một chuyện, kể cả năm nhuận !
[2]  Tuy thế đôi khi vẫn còn những trường hợp gây lo ngại như vụ linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh bị chém trong tòa giải tội và linh mục P.X Lê Tiên vị quấy rối nơi bàn thờ tại Giáo phận Kontum mới đây. Nhiều Hội thánh và Mục sư Tin lành từ bao lâu nay cũng gặp những trường hợp tương tự.
   
 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây