CHÚA NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN NĂM A : MT 9,36-10,8
Khi ấy, Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ Người nói với môn đệ rằng : “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng quỷ và chữa mọi bệnh hoạn tật nguyền.
Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ : đứng đầu là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông ; sau đó là các ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê và ông Gio-an, em của ông ; ông Phi-líp-phê và ông Ba-tô-lô-mê-ô ; ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế ; ông Gia-cô-bê con ông An-phê và ông Ta-đê-ô ; ông Si-môn thuộc nhóm Nhiệt Thành và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, là chính kẻ nộp Người. Đức Giê-su sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng :
“Anh em đừng đi tới các vùng dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của người Sa-ma-ri. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en. Dọc đường hãy rao giảng rằng : Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết trỗi dậy, cho người mắc bệnh phong được sạch, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.”
S.O.S. THẾ GIỚI KÊU CỨU
Trong một bản tường trình viết ra cách đây hơn bốn trăm năm do thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê từ Ấn Độ gởi cho bề trên là thánh I-nha-xi-ô Lô-dô-la ở Âu châu, sau khi mô tả sự nghèo đói vật chất và tinh thần thê thảm của dân bản xứ, vị thừa sai vĩ đại viết tiếp : “Nhiều người ở đây không thể trở thành Ki-tô hữu chỉ vì chẳng có mấy ai được chuẩn bị để đảm nhận sứ vụ giảng dạy cho họ… Con thường cảm thấy bị thôi thúc muốn đi đến các đại học Âu châu, đặc biệt là đại học Sorbonne ở Paris để la lên như một gã điên cho những kẻ giàu tri thức hơn là thiện chí, yêu cầu họ sử dụng tri thức của họ làm sao cho lợi ích nhất… Phải chi trong khi nghiên cứu các môn học đời, họ cũng nghiên cứu sổ kế toán về những điều Thiên Chúa sẽ đòi hỏi họ qua tài năng Người đã ban cho họ ! Lúc đó, nhiều người hẳn sẽ xúc động thốt lên : “Lạy Chúa, này con đây ! Chúa muốn bảo con làm gì ?” Lá thư trên làm vọng lại những lời Đức Giê-su trong Tin Mừng hôm nay : “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”
1. Lúa chín đầy đồng: bao khát vọng được giải cứu.
“Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương.” Các ảnh thánh Đông phương (icône) thường diễn tả cái nhìn này với đôi mắt to tướng và sinh động. Một cái nhìn biểu lộ lòng chạnh thương, niềm âu yếm của một hiền mẫu (x. Mt 20,34; 18,27; Mc 9,22; Lc 10,33; 7,13; 15,20). Vì dân chúng lầm than vất vưởng, mệt mỏi chán chường, kinh tởm sâu xa trước cuộc đời phi lý vô nghĩa ! Những đám đông không chủ chăn. Những con người không Thiên Chúa ! Một nhân loại kiệt lực cách vô ích trên các con đường chẳng dẫn tới đâu… như một đàn vật lang thang vô định. Hoàn cảnh khốn khổ ấy chẳng đổi thay nhiều từ thời Đức Giê-su, nó xem ra còn mặc những hình thức và mức độ mới. Nỗi khổ thể xác của hàng tỉ con người thiếu ăn trên hành tinh hay mắc bệnh nan y, lâm cảnh đại dịch. Nỗi khổ tinh thần của tất cả những ai thất bại, bị bỏ rơi, không được yêu mến hay bị đàn áp nhiều mặt bởi cường quyền. Sự suy sụp của những kẻ buông xuôi, dùng ma túy, tìm khuây khỏa, tự hủy mình dần dần. (Theo một thống kê đưa ra trên mạng năm 2022, có hai nước giàu nhất châu Á lọt vào danh sách 10 quốc gia có tỷ lệ tự sát cao hơn cả: Đại Hàn 28.1 và Nhật Bản 21.4 trên 100.000 người mỗi năm). Thế giới hiện đại với những cảnh đó từ nay nằm dưới mắt ta nơi màn truyền hình, trên máy vi tính và ngay ngoài cửa sổ. Chúng ta có cái nhìn nào về các thực tại ấy ? Phải chăng cũng thuộc số những kẻ dửng dưng, chán nản, bất động ?
Nhưng Đức Giê-su không chán nản. Người nhìn nhân loại như một cánh đồng lúa chín nhấp nhô dưới gió hè. Những vấn đề bế tắc của thế giới, bao cảnh khổ mênh mông của nhân loại là dấu chỉ lòng khao khát Thiên Chúa. Mùa gặt đã đến, đã sẵn sàng rồi. Nhưng thợ ít quá. Phải làm gì đây ? “Anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” Phản ứng truyền giáo đầu tiên là “cầu nguyện.” Tại sao thế ? Tại sao “Chủ mùa gặt” là Thiên Chúa không đích thân và trực tiếp sai những thợ Người cần ? Tại sao lại bảo phải “cầu nguyện” ? Đó là do lòng tôn trọng vô biên đối với trách nhiệm của chúng ta : Thiên Chúa cần con người ! Đó cũng là nói lên sự cần thiết vô biên của việc cầu thay nguyện giúp : lời cầu nguyện mở chính lòng chúng ta để muốn làm việc ở cánh đồng đó. Người thợ thứ nhất Thiên Chúa có dưới tay đó là bạn, nếu bạn cầu nguyện. Hãy xem nữ tu dòng Kín Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su đã trở nên vị thánh bảo trợ việc truyền giáo như thế nào.
Thông thường, người ta quan tâm trước tiên đến các phương pháp Phúc âm hóa, Tin mừng hóa. Nhưng trước khi bị ám ảnh về cái “thế nào”, có lẽ nên ý thức lại bản chất của việc “thừa sai”. Phận sự tông đồ của chúng ta tùy thuộc Đấng sai phái. Vậy đâu phải là công chuyện, vấn đề của chúng ta ! Chúng ta đang ở trong cánh đồng của Thiên Chúa, trong mùa gặt của Người, “Đấng muốn tất cả được cứu độ” (1Tm 2,4). Do đó cầu nguyện phải ưu tiên trên mọi phương pháp. Khủng hoảng ơn gọi nói cho cùng chẳng phải là khủng hoảng trong việc cầu nguyện sao ?
2. Những cộng tác viên giải cứu của Thiên Chúa.
Nhưng Đức Giê-su không có ý thực hiện công việc Thiên Chúa một mình : Người ủy thác kế hoạch và quyền năng cho 12 cộng sự Người đã chọn giữa hàng trăm môn đệ đi theo : chức tư tế thừa tác bắt nguồn ở đây, trong ý chí của Đức Giê-su muốn cơ cấu hóa Giáo hội. Con số 12 có ý nghĩa biểu tượng, ám chỉ 12 chi tộc Ít-ra-en làm thành “dân Thiên Chúa” mà mỗi chi tộc phải bảo đảm việc thờ phụng một tháng trong năm. Con số đó thành thử tượng trưng toàn bộ “thời gian” và toàn thể “đất hứa” : kế hoạch cứu rỗi Thiên Chúa giao cho chúng ta bao trùm không gian và lịch sử.
Trong danh sách Tông Đồ, Mát-thêu đã gộp thành từng cặp. Đấy không phải là chuyện tình cờ. Thành phần “nhóm” của Đức Giê-su rất ý nghĩa : như cộng sự viên thân tín, Người vừa chọn một tên “thu thuế” bị hủ hóa vì làm việc với chính quyền Rô-ma và bị mọi con dân Do-thái như đám thuyền chài Phê-rô + Gio-an căm ghét (Mát-thêu)… vừa tuyển một tay kháng chiến “quá khích”, chủ trương chống quân xâm lược bằng bạo lực (Si-môn nhóm Nhiệt Thành. Nhiều học giả còn cho rằng Giu-đa biết đâu cũng thuộc dạng này, vì biệt danh Ít-ca-ri-ốt có thể được hiểu như “kẻ giết mướn”). Một hỗn hợp dễ nổ, mà hẳn không phải tình cờ. Bản chất chủ yếu của Giáo hội chẳng phải là “đa thể”, “đa dạng”, có sức nhận vào các khác biệt và các tranh chấp của thế giới… để hóa giải chúng trong một tình thông hiệp cao hơn sao ? (x. Mt 5,43-48). Cuối cùng, chúng ta đoán được Giáo hội như thế sẽ phải khiêm nhường biết bao, vì chính trong hàng ngũ lãnh đạo lúc ấy của mình, “người đầu” là Si-môn Phê-rô đã chối Chúa và “kẻ cuối” là Giu-đa đã nộp Người cho các đao phủ (hay nói cách khác: tay thủ trưởng và tay quản lý đều cùng phản thầy). Một nhóm khốn khổ ! Họ chỉ mạnh nhờ sự tuyển chọn nhiệm mầu của Đức Giê-su : “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ, nhưng là bạn hữu” (Ga 15,15) và nhờ sức tác động nhiệm mầu của Thần Khí sau ngày Chúa sống lại.
3. Kế hoạch và phương pháp giải cứu của Người.
Và Người đã sai họ đi ! Hãy cất bước ! Hãy lên đường ! Nhưng chúng ta nhận thấy “cánh đồng” này rất giới hạn, khác với sứ mệnh hoàn vũ sẽ được ban sau ngày Phục sinh (x. Mt 28,19). Tại sao bị giới hạn ở Ga-li-lê như thế ? Chắc hẳn để cho thấy Thiên Chúa trung thành với các lời hứa của Người là Ít-ra-en được đón nhận Tin Mừng trước tiên (thánh Phao-lô rồi đây cũng sẽ làm vậy). Nhưng cũng bởi vì, xét theo nhân loại, người ta không thể làm tất cả : phải bắt đầu… chứ đừng thấy công việc mênh mông mà chán ngán, rồi chẳng làm chi ráo trọi !
Hãy cất bước ! Hãy lên đường ! Anh em được sai đi. Mỗi cuộc họp mặt Ki-tô hữu đều kết thúc với việc sai phái nầy: “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an !” Cộng đoàn Giáo hội, dưới khía cạnh phụng vụ, là một cuộc triệu tập tạm thời sẽ phải rời nhau để ra đi khắp thế giới, hầu cùng với mọi kẻ tin lẫn không tin, xây dựng một “cộng đồng nhân bản”[1]. Khi tập hợp để cử hành Thánh Thể, Giáo hội mang tính chất “ngôn sứ” : “công bố” dự tính của Thiên Chúa là “hiệp nhất mọi con cái Thiên Chúa đang rải rác khắp nơi”… “công bố” rằng nhân loại có một mục đích là “tuy nhiều nhưng chỉ làm thành một” theo hình ảnh Ba Ngôi Thiên Chúa. Bổn phận đầu tiên của Giáo hội không phải là tuyển mộ : “Hãy đến nhập bọn với chúng tôi” nhưng là công bố : “Nước Trời đã đến gần … Thiên Chúa ở cùng các bạn nơi các bạn đang ở.”
Và “anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết trỗi dậy, cho người mắc bệnh phong được sạch, và khử trừ ma quỷ.” Đây là những công thức tượng trưng nhằm diễn tả “dự tính” của Thiên Chúa. Dự tính đó là : hết thảy đời người đều có Thiên Chúa hiện diện và mang một “ý nghĩa” siêu việt; rằng sự sống đã và đang chiến thắng cái chết; đau khổ đã và đang được thay bằng hạnh phúc ; thánh thiện đã và đang chế ngự tội lỗi. Triều đại Thiên Chúa đã “bắt đầu” rồi. Cái khác biệt giữa kẻ vô thần và tín hữu, đó là tín hữu thấy được “ý nghĩa” và “chiều hướng” cuộc sống. Người ấy “tin” rằng Thiên Chúa đang hướng dẫn lịch sử, và mình tham dự vào đó với ý thức rất mực, bằng cách làm cho sự sống được chiến thắng !
[1] Hôm thứ Bảy 10-06-2023, Hội nghị Thế giới về Tình huynh đệ Nhân loại (theo sáng kiến của Đức Phan-xi-cô) với chủ đề “Not alone-Không đơn độc” (#NotAlone) đã diễn ra tại Quảng trường Thánh Phêrô, và 8 quảng trường khác trên thế giới. Theo Vatican.News