CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN NĂM C : LC 12,32-48
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em. Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá. Vì kho tàng anh em ở đâu, thì lòng anh em để đó.
“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ. Anh em phải biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.
Bấy giờ ông Phê-rô mới hỏi: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?” Chúa đáp: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc? Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: ‘Còn lâu chủ ta mới về’ và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tin.
“Đầy tớ nào đã biết ý chủ, mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn”.
THÁI ĐỘ KI-TÔ HỮU
Lúc ấy, theo Lu-ca, Đức Giê-su đang trong chặng đường “lên Giê-ru-sa-lem” mà chúng ta đã theo dõi từ nhiều Chúa nhật. Người đang tiến đến cái chết của mình, sự “ra đi” của mình (x. Lc 9, 51). Đối với Người và bạn hữu, trong những tuần cuối cùng trước lễ Vượt Qua, có một chuyện rất rõ ràng và đáng sợ: Người sắp phải đương đầu với sự chống đối mãnh liệt của các Thủ lãnh tôn giáo… giữa sự mất lòng tin yêu của quần chúng vốn chẳng còn mảy may chú ý tới kẻ đã từ chối làm Mê-si-a “của họ”, vị Mê-si-a toàn thắng và thành công. Xét bên ngoài, chính sự thất bại dứt khoát đang đến gần: thất bại của một dự định, thất bại của một cuộc sống.
1. An tâm và từ bỏ vì là đoàn chiên của Chúa
Thế nhưng chính trong bối cảnh ấy, Đức Giê-su bảo: “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ…” Thực tế, nhóm môn đồ ấy bé nhỏ, mong manh biết chừng nào! Đức Giê-su cố gắng làm họ vững lòng bằng cách gọi họ với từ thân ái: “đoàn chiên nhỏ”… Đây là một từ Kinh thánh nặng ý nghĩa thần học. “Đoàn chiên” được “mục tử” hướng dẫn là hình ảnh truyền thống để nói Thiên Chúa yêu thương và bảo vệ tuyển dân của Người (x. St 48,15; Gr 31,10; Ed 34; Is 40,11; 49,9-10; Hs 4,16). “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ” (Tv 22,1-2). Thành thử, một lần nữa, trên miệng của ông Giê-su Na-da-rét này, đó thực là một khẳng định táo bạo: nhóm nhỏ mong manh và nghèo nàn ấy, vô ảnh hưởng và vô văn hóa ấy, thiếu yểm trợ và thiếu can đảm ấy, là dân mới của Thiên Chúa, là “tân Ít-ra-en”.
“Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ!” Vì lý do nào? “Vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em”. Đời sống anh em có một ý nghĩa trong Thiên Chúa, cho dẫu vì một lý do nào đó nó xem ra thất bại, cho dẫu anh em bị bạn bè bỏ rơi, kẻ thù đè bẹp, mọi người không hiểu, cho dẫu anh em đi đến chỗ nói rằng: “Lạy Chúa Trời con, Lạy Chúa Trời con, sao Ngài bỏ con?” Tất cả cuộc sống Đức Giê-su công bố rằng Thiên Chúa ban Nước của Người cho những kẻ “nghèo hèn”, lảo đảo, lầm lạc. Dẫu là doanh nhân bị khánh tận, là phối ngẫu gặp thương tổn tình yêu, là gái điếm già cỗi tàn héo, là phạm nhân bị lên án tử, là tín hữu đã chối bỏ niềm tin vì bất cứ lý do gì… đều chẳng phải thất vọng trong Đức Giê-su. Vương quốc Thiên Chúa không phải là một thành quả chinh phục, song là một ân huệ của Thiên Chúa, Đấng đã vui lòng ban nó cho chúng ta!
“Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt…” Đây là kết luận đơn giản của tất cả những gì chúng ta vừa nghe. Hãy nhớ lại câu chuyện của tay phú hộ mới đọc Chúa nhật tuần trước. Đối với ai đã đặt tất cả bảo đảm của mình nơi Thiên Chúa, thì “của cải trần gian” chẳng quan trọng gì! Vậy thì ta hãy chia sẻ, hãy trao tặng, hãy yêu thương… dầu lỗ vốn, đến mãi mãi. Bố thí tấm lòng, thời giờ, sản vật. Mọi cái đều hư ảo, chẳng có gì đích thực ngoài tình yêu!
2. Sẵn sàng đón Chúa như tôi tớ đợi chủ
“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay”. Tách rời những giá trị hão và những thành công hão, con tim ta có thể gặp được kho tàng của mình, dẹp bỏ được mọi sợ hãi và cảm thấy được hạnh phúc. Vậy thì đâu là bí quyết triển nở đích thực ấy, dẫu trong những hoàn cảnh bất thuận lợi? Đức Giê-su gợi ý chúng ta hãy quan niệm đời mình như một cuộc gặp gỡ tình yêu: dọn lòng đón một vị đang đến là Thiên Chúa. Người tới đó… Người gần kề…
Đức Giê-su đã loan báo Người sẽ trở lại vào lúc cuối cùng, trong ngày Quang lâm. Người cũng đến khi chúng ta chết. Thành thử đối với mỗi người, ngày mình phải chết có thể được quan niệm như cuộc gặp “diện đối diện” với Đấng Mến Yêu. Chính vì thế thánh Têrêxa Avila đã coi giây phút cuối cùng đời mình như giây phút “xé tan bức màn để ngọt ngào gặp gỡ”. Nhưng Thiên Chúa, dưới bức màn đó, mai ẩn “trong đêm”, vẫn đến không ngừng. Thành thử trang Tin Mừng này nói tới vô số “kiểu đến” của Thiên Chúa mà chúng ta thường bỏ lỡ… vì lòng để nơi khác, hồn không “tỉnh thức”.
Nhưng “khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ… Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ”. Một mối phúc mới, phúc cho ai tỉnh thức. Trái tim chúng ta đã được dựng nên cho Thiên Chúa. Sao lại ngạc nhiên trước việc chỉ mình Người mới có thể thỏa mãn nó thật sự? Con tim ấy quá lớn lao! Bạn sẽ chẳng đổ đầy nó chỉ với tình yêu trần thế của bạn. Khát vọng của bạn sâu thẳm vĩ đại như Thiên Chúa. Hãy yêu thương! Hãy yêu thương không ngừng! Mà bạn cũng sẽ chẳng bao giờ ngừng nổi, vì chính Thiên Chúa muốn đổ đầy bạn. Dĩ nhiên phải sống mãnh liệt các tình yêu trần thế của bạn như một biểu hiệu và thể hiện ban đầu của “Đại Tình yêu”: Hỡi các người chồng, hãy yêu vợ, và hỡi các người vợ, hãy yêu chồng… Mầu nhiệm này của anh chị em thật là cao cả, nó liên hệ đến tình yêu của Đức Ki-tô với Giáo Hội (x. Ep 5,32). Nếu bạn có cơ hội yêu và được yêu, thì hãy hạnh phúc đi, và không ngừng sống các tình yêu của bạn “trong Chúa”. Nhưng cho dầu có cảm tưởng bị hỏng, bạn cũng hãy đặt tình yêu của bạn “trong Người”. Vì bạn được mời đến bàn tiệc của Người. Chính Người muốn hầu hạ bạn, đổ tràn lòng bạn. “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20).
“Anh em phải biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó đào ngạch khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”. Hình ảnh mới này, hình ảnh “tên trộm”, thật là táo bạo, đúng trong phong cách của Đức Giê-su. Giờ nói tới việc “kẻ trộm đến”, Người muốn nêu bật khía cạnh hoàn toàn bất ngờ, gây hoang mang, thoạt tiên khó hiểu… của việc Người đến. Người cũng gợi ý: chúng ta thật sự “lâm nguy” nếu không tỉnh thức, không trút bỏ tính đờ đẫn, uể oải của mình. “Thức khuya (chờ đợi) mới biết đêm dài”, và ngọn gió của buồn chán luôn đe dọa ngọn lửa trong tim!
3. Phục vụ anh em nếu là người quản lý
Đáp lại câu hỏi của Phê-rô, Đức Giê-su đưa ra một dụ ngôn mới, trên cùng một chủ đề tỉnh thức, và lần này ngỏ với các thủ lãnh cộng đoàn Ki-tô hữu: là “quản lý” chứ không phải “gia chủ”, họ phải có hai đức tính: trung thành và lương tri, cũng như một vai trò duy nhất: nuôi mọi người! Đây cũng là một định nghĩa đẹp về mọi “hữu trách” trong mọi lãnh vực.
Như trong ba dụ ngôn về việc chờ đợi nói ở trên, Đức Giê-su ở đây cũng nhắc đến sự chậm trễ và bất ngờ. Chủ lần lữa trở về. Ông chậm trễ. Chắc ông chẳng bao giờ trở về đâu! Chắc việc “Thiên Chúa đến” là một ảo tưởng! Vậy thì ta hãy ăn uống, hưởng thụ, dẫu có phải áp bức, thống trị và đánh đập người khác. Cám dỗ ấy của người “hữu trách” là cám dỗ của các Tông đồ và của bao mục tử. Thành thử các nghệ sĩ thời Trung Cổ đã chẳng ngần ngại khắc chạm các Giáo hoàng và Giám mục trong hàng ngũ những kẻ bị kết án ngày Phán xét chung trên các ô trán của những đại thánh đường. Về sau, các họa sĩ vẽ những “điệu nhảy của tử thần” (khiêu vũ của ma quỷ, danse macabre) cũng làm như vậy. Lời cảnh cáo đáng sợ đối với tất cả. Không có đặc quyền trước mặt Thiên Chúa.
“Đầy tớ nào đã biết ý chủ, mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít…”. Vẫn luôn luôn là chủ đề trách nhiệm. Như một linh mục từng giảng lễ trước một cộng đoàn nữ tu: “Có những lỗi lầm mà giáo dân chỉ bị đánh 1 roi, quý chị bị đánh 10 roi, còn linh mục chúng tôi thì phải 100 roi”. Cuộc phán xét tùy thuộc mức độ ý thức và hiểu biết ta đang có cũng như theo trách nhiệm ta đang lãnh. Áp dụng nguyên tắc này, chúng ta phải thường xuyên phê phán kẻ khác với lòng khoan dung… và phán xét chính mình với tất cả sự thật.
Một ngày nọ vào năm 1780, bỗng dưng cả vùng tiểu bang Connecticut (Hoa Kỳ) bị tối hẳn lại. Ai nấy đều cho rằng đã đến ngày tận thế. Khi đó Hội đồng lập pháp tiểu bang đang họp. Nhiều người yêu cầu hoãn cuộc họp để họ có thể về nhà cùng với gia đình chờ Chúa đến. Nhưng ông chủ tịch nói: “Không biết hôm nay có phải là ngày tận thế hay không. Nếu không thì chẳng cần hoãn họp. Còn nếu phải thì chúng ta càng cần chu toàn nhiệm vụ hơn nữa. Xin thắp đèn lên”.
Có lần Thánh Gioan Boscô hỏi các học sinh của Ngài đang chơi đùa: “Nếu ngay bây giờ các con biết mình sắp chết, các con sẽ làm gì?” Một số trả lời sẽ đi vào nhà thờ cầu nguyện, một số khác cho biết sẽ đi xưng tội dọn mình chết lành. Riêng Đôminicô Saviô điềm nhiên trả lời: “Nếu trong giây lát con sẽ chết, con vẫn tiếp tục cuộc chơi”. Bởi lẽ thánh nhân luôn dọn tâm hồn sẵn sàng và cho rằng bổn phận lúc này của mình là chơi đùa giải trí.