Chúa Nhật 20 Thường Niên Năm B

Thứ sáu - 16/08/2024 19:57 199 0

CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN NĂM B : GA 6,51-58
 
            Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng : “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói : “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được ?”
            Đức Giê-su nói với họ : “Thật, tôi bảo thật các ông : nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.  Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.  Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.  Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.  Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”.
           
SỰ SỐNG - BÁNH SỐNG

            Chương 6 Tin Mừng Gio-an là chương cho thấy Đức Giê-su mang đến sự sống cho ta tùy mức độ ta tán đồng chấp nhận tất cả những gì làm nên Người. Phần đầu chương nhấn mạnh đến sự tán đồng của đức tin : “Hãy tin vào tôi”. Bây giờ Đức Giê-su bảo : “Hãy ăn lấy tôi”. Mấy từ này đã khiến người Do-thái ghê rợn, nhưng đối với Ki-tô hữu, vốn biết đó là Thánh Thể, lời tuyên phán ấy dạy cho họ hai điều : sự sống họ nhận được qua việc ăn “bánh hằng sống” là sự sống nào, và việc ăn “bánh hằng sống” này quan trọng đối với sự sống của họ ra sao.

            1. Sự sống nào nhận được qua “bánh hằng sống” ?
            “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống…”. Đức Giê-su là “bánh trường sinh” (c. 48), nghĩa là ban sự sống thần linh, vì Người là “bánh hằng sống” (c.51), nghĩa là Đấng có sự sống thần linh trong mình, hay nói đúng hơn, Người là sự sống. “… Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” một sự sống thần linh, đích thực, sung mãn. Những lời quả quyết của Người càng lúc càng rõ rệt và táo bạo.
            Chỉ có thể quán triệt những lời quả quyết trên đây của Đức Giê-su nếu chúng ta đặt mình trên quan điểm đức tin, một đức tin cao sâu và liều lĩnh, đức tin mà Người luôn bảo là rất quan trọng. Đức tin này cho ta thấy được “sự sống” một cách hoàn toàn khác hẳn quan niệm thông thường của ta. Vì xét cho cùng, cái mà chúng ta thường gọi là “sự sống” trong lãnh vực tự nhiên, đáng được gọi là “chết” hơn là “sống”. Trong Tin Mừng Gio-an, Đức Ki-tô, Đấng chính là sự sống, điều chỉnh quan niệm của ta bằng cách nói cho ta hay Thiên Chúa nghĩ gì về thực tại quan trọng này. Khi nói “sự sống” cách cụt ngủn (không có tính từ hay bổ từ), là Đức Giê-su cố ý nói đến sự sống thần linh mà Thiên Chúa đã thông ban cho tổ tông nhân loại và sau lúc A-đam sa ngã thì Đức Ki-tô đã đến trả lại cho ta. Từ khởi nguyên, Thiên Chúa đã định ban sự sống siêu nhiên ấy cho con cái Người ; Người đã chẳng muốn tạo dựng một sự sống thuần túy tự nhiên mà chẳng có sự sống siêu nhiên. Nhìn sự vật với con mắt Thiên Chúa, thì sự sống thuần túy tự nhiên thiếu mất cái đặc tính riêng của sự sống (trao hiến, sung mãn, vĩnh cửu), thành thử nó không được gọi là “sự sống” theo nghĩa đầy đủ và sâu xa.
            Vì vậy khi Đức Giê-su tự xưng là “bánh hằng sống” và khi bảo bánh ấy ban sự sống cho ai ăn nó vào, là Người nói về “sự sống” theo nghĩa đầy đủ nhất, sự sống thần linh mà cái chết thân xác sẽ không thể nào hủy diệt được. “Lạy Chúa, đối với chúng con là những tín hữu, sự sống thay đổi chứ không mất đi” (Bài Tiền tụng lễ an táng).
            Đối với chúng ta, sự sống thể lý mà chúng ta có kinh nghiệm nhiều hơn, chiếm chỗ quan trọng nhất ; sự sống siêu nhiên xem ra thường ít quan trọng và mơ hồ. Phải sửa sai quan niệm này theo quan niệm Đức Ki-tô. Khi đứng trước một kẻ nào chỉ chết cách thể lý, như trước con gái ông Gia-ia hay trước anh bạn La-da-rô, thì Người thường gọi cái chết đó là một giấc ngủ (x. Mt 9,24; Ga 11,11) ; thánh Phao-lô cũng vậy (x. 1Cr 7,39; 11,30; 15,6.18.20.51…). Bởi đó, danh từ đạo gọi chỗ chôn người chết là “cimetière” (Pháp), “cemetery” (Anh), “coemeterium” (Latinh), do từ “koimètêrion” (Hy-lạp), có nghĩa là “phòng ngủ”. Trong các hang toại đạo, người ta thường thấy hàng chữ khắc sau đây : “Vivas in Deo = Hãy sống trong Thiên Chúa”. Ngang phần Lễ Quy (Kinh Tạ Ơn I), linh mục cầu nguyện cho tất cả những ai “đang nghỉ giấc bình an”. Sau hết, tinh thần duy thực siêu nhiên của Giáo Hội còn biểu lộ qua việc Giáo Hội gọi ngày qua đời của các thánh là “dies natalis” = ngày sinh ra trong sự sống đích thực và sung mãn.      
                                             
            2. “Bánh hằng sống” quan trọng ra sao đối với sự sống ?
            Sự sống đích thực và sung mãn nói trên có được là nhờ chúng ta khi còn ở trần gian đã biết ăn lấy “bánh hằng sống” (mỗi lúc đi dự Thánh lễ). Nhưng niềm tin này hiện nay có vẻ lu mờ. Ta ngày càng nghe câu nói chết người đối với cuộc sống Ki-tô hữu : “Tôi thì tin đạo nhưng không giữ đạo”. Điều này cũng thấy được qua thực tế. Số giáo dân đi lễ Chúa nhật ngày càng ít ỏi, nhất là tại các nước Âu châu và Bắc Mỹ. Đài Va-ti-can từng cho biết : ở Hy-lạp, Chính thống giáo là quốc giáo, nhưng số người Chính thống sống phụng vụ chỉ được 3% ; bên Anh quốc, Anh giáo là quốc giáo (theo Hiến pháp), nhưng số tín hữu đạo này tham dự các sinh hoạt nhà thờ chưa tới 1/10. Công giáo thì có khá hơn chút đỉnh nhưng cũng đáng lo ngại. Tại Pháp, cách đây nhiều năm, ai đi lễ mỗi Chúa nhật thì được xếp vào hạng tín hữu giữ đạo (croyants pratiquants) ; ngày nay, chỉ cần đi lễ mỗi tháng một lần cũng được xếp vào loại đó. Đấy là chưa kể rất nhiều Ki-tô hữu chỉ tới nhà thờ 4 lần trong đời : một lần được bồng tới, một lần được dắt tới, một lần được rước tới và một lần được khiêng tới ! Hy vọng rằng mọi cái trong ta đều chỗi dậy chống lại khẳng định vừa nói : “Tôi thì tin đạo nhưng không giữ đạo”, khẳng định tách rời “hành đạo” với “đức tin”. Nhưng hãy xem mối liên hệ giữa hai điều nầy.
            Đoạn suy niệm của chúng ta về Bánh trường sinh trên đây đã cho thấy mối liên hệ Đức Giê-su đích thân thiết lập giữa hai thành tố của đời Ki-tô hữu : “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình các ông”. Từ chủ chốt là từ “sự sống” như đã thấy. Người tin đạo mà không giữ đạo cũng có ý tưởng “sống đức tin của mình”. Và điều này lập tức được họ thể hiện ra bằng mối ưu tư đúng đắn về lòng bác ái huynh đệ : “Tôi tin Đức Ki-tô và Tin Mừng của Người. Nhưng Người không đòi tôi đi lễ mà đòi tôi yêu mến”. Người đòi cả hai đấy ! Đấng nói với ta rằng : “Anh em hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã thương yêu anh em” cũng chính là Đấng cảnh cáo chúng ta : “Nếu không rước lấy mình máu Thầy, anh em sẽ chẳng có sự sống của Thầy, sự sống giúp anh em có tình huynh đệ như Thầy đã có”.
            Thánh Thể liên kết chúng ta với sự sống của Đức Ki-tô đến độ chúng ta sẽ chẳng dám nghĩ tới điều ấy nếu Người đã không đích thân phán với chúng ta : “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì ở trong tôi và tôi ở trong họ”. Thánh Xi-pri-a-nô đã phản ánh điều này một cách rất tuyệt : “Đấng ở tận đáy tâm lòng ta, thì xin Người cũng ở trong tiếng nói của ta”. Có thể thêm : trong các cử chỉ, trong toàn bộ cách yêu thương của ta. Kẻ tin muốn yêu “bất cần thánh lễ” chẳng thấy được rằng mình tin rất ít vì đã coi thường lời mạnh mẽ sau đây của Đức Giê-su : “Không Bánh trường sinh, anh em sẽ chẳng có sự sống”. Kẻ tin nửa vời ấy và kẻ không tin có thể giàu tình huynh đệ, điều này thường gặp, nhưng họ khó và hiếm khi yêu được “như Đức Giê-su”. Đối với kẻ không tin, đó là chuyện bình thường. Đối với kẻ tin, đó là một lệch lạc : muốn làm môn đệ Đức Giê-su, bắt chước Đức Giê-su mà lại chẳng nuôi mình bằng sự sống của Người. Khi không có niềm tin vào Thiên Chúa hay sức sống Thánh Thể, tình yêu trong con người, múc lấy từ trái tim nhỏ bé của họ, rất dễ biến thành ích kỷ, kiêu căng, thậm chí chỉ còn là ngôn từ rỗng tuếch.
            Dĩ nhiên có một vấn nạn khủng khiếp : trong thực tế, kẻ năng dự lễ có tình huynh đệ nhiều hơn không ? Trước hết, tổng quát hóa luôn là chuyện sai lầm. Nhưng có vô số người sốt sắng với Thánh Thể mà tính dễ thương trường kỳ và lòng quảng đại vô biên của họ nói với ta rất nhiều về “sự sống Đức Ki-tô” ở trong họ.
            Nhưng vấn đề Thánh Thể liên hệ tới chúng ta tất cả là vấn đề sinh lực thánh thể của chúng ta. Đón nhận sự sống bằng cách ăn lấy Bánh Sự Sống, điều đó đòi hỏi một thái độ chăm chú, gắn bó nội tâm mà ta cứ thiếu hoài. Chuyện rước lễ dần dần trở nên một ma thuật và một thói lệ, như thể việc di chuyển và đưa bàn tay ra đủ biến ta trở thành người mạnh mẽ xin sự sống. Không, điều đó đòi một đức tin luôn tỉnh thức, luôn hỏi đi hỏi lại ta rằng ta đi rước lễ là vì sao và đến nhận thứ bánh nào. Một “tấm bánh bẻ ra cho một thế giới mới”, một sự sống đã bị nghiền nát để chúng ta có thể chết cho lòng ích kỷ và kiêu căng. Không có cái chết đó, chúng ta thực thi tình huynh đệ sao nổi ! Ngoài ra, Thánh Thể còn là sức mạnh giúp chúng ta can đảm tuyên xưng đức tin như các thánh tử đạo và chẳng tuyệt vọng khi gặp đau khổ lớn lao trong cuộc đời, như câu chuyện dưới đây.
            Ngày 06-08-1945, quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima, Nhật Bản. Linh mục Pedro Arrupe (1907-1991, bề trên tổng quyền thứ 28 của Dòng Tên từ 1965-1983 và hiện thụ án phong thánh) lúc ấy đang coi tập viện của Dòng ở ngoại ô thành phố. Ngài tức khắc thành lập một phái đoàn điều trị y tế và cứu hộ. Trong hồi ký của mình, ngài có viết như sau : “Một ngày sau vụ nổ bom nguyên tử, tôi đang đi qua những con phố đầy rẫy đống đổ nát đủ loại. Tại nơi trước kia là ngôi nhà của một thiếu nữ, tôi tìm thấy một túp lều được chống đỡ bởi vài cây cột và được che chắn bằng những mảnh thiếc. Tôi cố gắng bước vào nhưng một mùi hôi thối khó chịu đã xua đuổi tôi. Cô gái trẻ là một Kitô hữu, tên Nakamura, đang nằm dài trên một chiếc bàn gồ ghề nhô cao hơn mặt đất một chút. Cánh tay và chân của cô duỗi ra và được bao phủ bởi một số mảnh vải vụn bị đốt cháy… Da thịt cô bị bỏng dường như chẳng còn gì ngoài xương và vết thương. Cô đã ở trong tình trạng này mười lăm ngày mà không thể tự chăm sóc hay tắm rửa ; cô chỉ ăn một ít cơm mà cha cô, cũng bị thương nặng, đã đưa cho cô... Kinh hoàng trước cảnh tượng khủng khiếp như vậy, tôi im lặng không nói nên lời. Một lúc sau, Nakamura mở mắt ra và khi nhìn thấy tôi đến gần, mỉm cười với cô, cô nhìn tôi với hai hàng nước mắt và tìm cách đưa cho tôi bàn tay mưng mủ rồi nói với tôi bằng một giọng nhỏ nhẹ mà tôi sẽ chẳng bao giờ quên : ‘Thưa cha, cha mang Mình Thánh Chúa đến cho con phải không?”


 

Tác giả bài viết: Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây